TCCS - Đảng Cộng sản Trung Quốc với số lượng đảng viên gần 90 triệu người, có hệ thống tổ chức chặt chẽ, trải qua quá trình hoạt động gần một thế kỷ (1921 - 2017) là chính đảng cầm quyền có số lượng đảng viên lớn nhất thế giới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực, nhất là trong phát triển kinh tế. Trong bối cảnh cục diện thế giới, tình hình trong nước và trong Đảng đã có những thay đổi sâu sắc, Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức không nhỏ. Do vậy, trong giai đoạn hiện nay, nhất là từ sau Đại hội XVIII, Đảng Cộng sản Trung Quốc tập trung nỗ lực vào công tác xây dựng Đảng.

Những vấn đề nổi bật trong công tác xây dựng Đảng

Qua quá trình thực hiện cải cách, xã hội Trung Quốc đã có sự phân tầng rõ rệt, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc vì thế cũng đứng trước những thử thách mới. Hiện nay, quá trình cải cách ở Trung Quốc đã chuyển sang giai đoạn mới, được gọi là giai đoạn “công kiên” đầy khó khăn. Xây dựng nền “kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử kinh tế thế giới, đòi hỏi nước này phải có những sáng tạo mới. Việc xử lý quan hệ đối ngoại trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay cũng đặt Trung Quốc trước những thử thách mới.

Trong khi đó, nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đang tồn tại những vấn đề tích tụ từ nhiều năm trước, hoặc mới nảy sinh trong những năm gần đây. Trước thềm Đại hội XVIII, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã có bài phát biểu nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (1921 - 2011), khẳng định những thành tựu mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thu được, đồng thời nhắc nhở, công tác xây dựng Đảng đang phải “đối mặt với rất nhiều tình hình mới, vấn đề mới, thách thức mới mà từ trước tới nay chưa từng có...”. Giải quyết mọi vấn đề ở Trung Quốc hiện nay chỉ có thể là thông qua cải cách theo chiều sâu một cách toàn diện, khâu then chốt là công tác xây dựng Đảng.

Xuất phát từ tình hình nói trên, Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2012) đã quyết định tập trung nỗ lực vào công tác xây dựng Đảng với phương châm “nâng cao một cách toàn diện trình độ khoa học của công tác xây dựng Đảng”. Công tác xây dựng Đảng phải được triển khai toàn diện trên các lĩnh vực, nhằm đạt các mục tiêu sau:

Một là, phải kiên định niềm tin lý tưởng, giữ vững lý tưởng của người cộng sản. “Trung thành với chủ nghĩa Mác, niềm tin đối với chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là linh hồn chính trị của người cộng sản...”. Nhằm mục tiêu đó, Đảng phải tăng cường công tác tư tưởng lý luận, giáo dục phẩm chất đạo đức cho cán bộ, đảng viên.

Hai là, lấy con người làm gốc, cầm quyền vì dân, luôn luôn giữ vững quan hệ máu thịt giữa Đảng với quần chúng nhân dân. Phục vụ nhân dân là tôn chỉ căn bản của Đảng; lấy con người làm gốc, cầm quyền vì dân là tiêu chuẩn cao nhất đề kiểm nghiệm mọi hoạt động cầm quyền của Đảng...

Ba là, tích cực phát triển dân chủ trong Đảng, tăng cường sức sáng tạo của Đảng. Dân chủ trong Đảng là sinh mệnh của Đảng. Phải kiên trì chế độ tập trung dân chủ, kiện toàn hệ thống chế độ dân chủ trong Đảng...

Bốn là, cải cách chế độ tổ chức cán bộ theo chiều sâu, xây dựng đội ngũ cốt cán cầm quyền chất lượng cao... Hoàn thiện cơ chế thi tuyển, đánh giá cán bộ, kiện toàn thể chế quản lý cán bộ...

Năm là, kiên trì nguyên tắc Đảng quản lý nhân tài, tập hợp nhân tài ưu tú trong các lĩnh vực vào sự nghiệp của Đảng và Nhà nước... Phải tôn trọng lao động, tôn trọng trí thức, tôn trọng nhân tài, tôn trọng sáng tạo, thúc đẩy chiến lược phát triển ưu tiên nhân tài, tạo dựng một đội ngũ nhân tài quy mô lớn, chất lượng cao, đưa Trung Quốc từ một nước lớn về nhân tài tiến nhanh thành một nước mạnh về nhân tài.

Sáu là, phải đổi mới công tác xây dựng Đảng ở cơ sở, tăng cường và cải tiến việc giáo dục quản lý đội ngũ đảng viên, trọng điểm là tăng cường tính đảng, nâng cao chất lượng, nhằm thúc đẩy đông đảo đảng viên phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu...

Bảy là, kiên quyết chống tham nhũng, giữ gìn bản lĩnh liêm khiết trong sạch của người cộng sản. Chống tham nhũng, xây dựng nền chính trị liêm khiết là lập trường chính trị nhất quán của Đảng, là vấn đề chính trị quan trọng được nhân dân quan tâm. Vấn đề đó nếu giải quyết không tốt sẽ dẫn tới tổn thất to lớn đối với Đảng, thậm chí mất Đảng, mất nước... Bất luận liên quan đến kẻ nào, bất luận quyền lực to nhỏ, địa vị cao thấp, hễ vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước, đều phải nghiêm trị không tha.

Tám là, phải nghiêm minh về kỷ luật của Đảng, tự giác bảo vệ sự thống nhất tập trung của Đảng. Sự thống nhất tập trung của Đảng chính là sức mạnh của Đảng, là sự bảo đảm cơ bản cho việc thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, dân tộc đoàn kết tiến bộ, đất nước ổn định lâu dài... Phải kiên quyết bảo vệ quyền uy của Trung ương, nhất trí cao độ với Trung ương Đảng về tư tưởng, chính trị, hành động, kiên quyết quát triệt lý luận và đường lối phương châm, chính sách của Đảng...”(1).

Toàn bộ công tác xây dựng Đảng của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ sau Đại hội XVIII tới nay đã được triển khai đều nhằm mục tiêu thực hiện những nhiệm vụ đã được đề ra trong Nghị quyết của Đại hội. Nói chung, có thể phân thành hai nhóm vấn đề lớn. Một là, các vấn đề về quản lý nhà nước. Hai là, các vấn đề về quản lý Đảng. Hai nhóm vấn đề này quan hệ chặt chẽ với nhau. Có giải quyết tốt các vấn đề của đất nước thì mới giữ vững được vai trò cầm quyền của Đảng. Mặt khác, có quản lý tốt nội bộ Đảng thì mới có thể thực hiện tốt các vấn đề quản lý đất nước của Đảng.

Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII (năm 2013) Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra “Nghị quyết của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về mấy vấn đề quan trọng đưa cải cách vào chiều sâu toàn diện”(2). Có thể nói, đó là một bản cương lĩnh hành động của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong giai đoạn lịch sử mới trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường. Cả năm lĩnh vực đó được kết hợp trong một thể thống nhất của quá trình cải cách theo chiều sâu và đồng bộ.

Hội nghị Trung ương 4 khóa XVIII (năm 2014) đã ra “Nghị quyết của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về một số vấn đề quan trọng thúc đẩy toàn diện quản lý đất nước bằng pháp luật”(3). Nội dung Nghị quyết tập trung vào lĩnh vực xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa, lấy Hiến pháp làm trung tâm, tăng cường việc thực thi Hiến pháp.

Hội nghị Trung ương 5 khóa XVIII (năm 2015) đã thông qua kiến nghị của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về việc hoạch định Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc dân 5 năm lần thứ XIII (2016 - 2020)(4).

Hội nghị Trung ương 6 khóa XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2016 đã thông qua “Mấy chuẩn mực về sinh hoạt chính trị nội bộ Đảng trong tình hình mới” và “Điều lệ giám sát nội bộ Đảng của Đảng Cộng sản Trung Quốc”(5); “Chuẩn mực về sinh hoạt chính trị nội bộ Đảng” và “Điều lệ giám sát nội bộ Đảng” được thông qua lần này nhằm tăng cường công tác quản lý Đảng. Tại Hội nghị Trung ương 6, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình được xác định là “hạt nhân của Trung ương Đảng”.

Những sáng tạo trên lĩnh vực lý luận, đường lối, chính sách và những thành công bước đầu trong việc triển khai hoạt động thực tiễn thời gian qua đã góp phần nâng cao trình độ lãnh đạo và năng lực cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng đất nước và công tác xây dựng Đảng trong giai đoạn hiện nay.

Trong lãnh đạo kinh tế, Đảng Cộng sản Trung Quốc chủ trương “để thị trường đóng vai trò quyết định trong phân bổ nguồn lực”, chuyển đổi chức năng của chính quyền, thúc đẩy “chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế” trên cơ sở đổi mới cơ cấu kinh tế, đưa kinh tế Trung Quốc chuyển sang “trạng thái bình thường mới”, phát triển tương đối ổn định. Mặc dầu chuyển sang thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, kinh tế Trung Quốc bắt đầu trải qua quá trình giảm tốc, nhưng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng tương đối cao so với các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Trên lĩnh vực chính trị - xã hội, trong thời gian qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đạt được những thành công bước đầu trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách hành chính, thực hiện dân chủ xã hội trong điều kiện lịch sử mới, duy trì cục diện chính trị tương đối ổn định, bảo đảm vị trí cầm quyền của Đảng.

Trong công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, tổ chức, ban lãnh đạo thế hệ mới do Tổng Bí thư Tập Cận Bình giữ vai trò hạt nhân “đã có những chủ trương, chính sách và hoạt động rất quyết liệt, nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về “quản lý Đảng”, khắc phục những nguy cơ từ trong nội bộ Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố địa vị cầm quyền của Đảng. Thế hệ lãnh đạo thứ 5 lên cầm quyền trong bối cảnh trong Đảng tồn tại “bốn nguy cơ” (tinh thần rệu rã, năng lực yếu kém, xa rời quần chúng, tham nhũng tiêu cực). Những nỗ lực trong công tác xây dựng Đảng thời gian qua, nhất là việc triển khai quán triệt “Một số chuẩn mực về sinh hoạt chính trị nội bộ Đảng trong tình hình mới” và “Điều lệ giám sát nội bộ Đảng của Đảng Cộng sản Trung Quốc” (được thông qua tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII Đảng Cộng sản Trung Quốc) đang có tác dụng tăng cường quản lý đảng nghiêm minh hơn

Nổi bật trong công tác xây dựng Đảng của Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện nay là cuộc đấu tranh quyết liệt chống tham nhũng. Cũng như tại nhiều quốc gia trên thế giới, hiện tượng tham nhũng đã xuất hiện từ lâu trong các thời kỳ của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, và các thế hệ lãnh đạo của Đảng đều đã thể hiện quyết tâm chống tham nhũng, nhưng hiệu quả hạn chế, và chưa bao giờ nạn tham nhũng tràn lan với quy mô và mức độ nghiêm trọng như trong thời kỳ vừa qua. Sau khi lên cầm quyền, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát động chiến dịch chống tham nhũng với quy mô và mức độ quyết liệt chưa từng có ở Trung Quốc. Từ năm 2013, Trung ương Đảng đã ban hành bản “Quy hoạch công tác xây dựng và kiện toàn hệ thống trừng trị và đề phòng tham nhũng, giai đoạn 2013 - 2017”. Phương châm “kết hợp phòng và chống” được đề ra nhằm tạo ra quá trình “không dám tham nhũng” đến “không thể tham nhũng”, “không muốn tham nhũng”. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh một thực tế là, nếu ở Trung Quốc xảy ra vấn đề gì thì chủ yếu là xảy ra trong nội bộ Đảng. Do vậy, đối tượng phòng, chống tham nhũng chủ yếu là cán bộ Đảng, bất kể quyền lực to, nhỏ, địa vị cao hay thấp, hễ vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật Nhà nước, tham nhũng tiêu cực đều bị xử lý nghiêm minh. Khẩu hiệu được đề ra là “đả hổ, diệt ruồi, săn cáo”(6). Từ năm 2013 đến nay, cơ quan đảng và nhà nước Trung Quốc đã phát hiện và xử lý nghiêm khắc hơn 180 cán bộ cao cấp vì tội tham nhũng và vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng và hàng vạn cán bộ từ cấp huyện trở xuống về tội danh đó, đồng thời dẫn độ hàng trăm tội phạm tham nhũng đào tẩu ra nước ngoài về nước. Trong số cán bộ cao cấp bị xử lý có cả những nhân vật từng giữ vị trí rất quan trọng trong lãnh đạo Đảng trước đây. Cho tới nay, trước thềm Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc, cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng vẫn diễn ra quyết liệt, và như tuyên bố của Thư ký Ủy ban giám sát kỷ luật Đảng Vương Kỳ Sơn: cuộc đấu tranh chống tham nhũng sẽ không có hồi kết.

Mấy vấn đề rút ra từ công tác xây dựng Đảng của Đảng Cộng sản Trung Quốc

Một là, sự cần thiết và tính cấp bách của việc đổi mới và tăng cường công tác xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay. Tình hình thế giới, khu vực và trong nước, trong Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có những thay đổi sâu sắc, đòi hỏi công tác xây dựng Đảng phải có sự đổi mới về nội dung và phương thức. Đổi mới là yêu cầu thường xuyên của công tác xây dựng Đảng nhằm đáp ứng tình hình và nhiệm vụ mới. Nhưng trước những thay đổi sâu sắc ở trong nước và trong Đảng: từ một đảng lãnh đạo cách mạng trở thành một đảng cầm quyền; từ một nền kinh tế kế hoạch chuyển sang kinh tế thị trường trong điều kiện của chủ nghĩa xã hội đòi hỏi công tác xây dựng Đảng phải có sự chuyển đổi sâu sắc. Mặt khác, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhất là do sự hạn chế của công tác Đảng trong những thời kỳ trước đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang đứng trước những nguy cơ thể hiện trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, như “tinh thần rệu rã, năng lực yếu kém, xa rời quần chúng, tham nhũng tiêu cực...”. Những nguy cơ đó nếu không được kịp thời khắc phục, sẽ gây tác hại nghiêm trọng tới Đảng, thậm chí can hệ tới sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Do vậy, đổi mới công tác xây dựng Đảng trong bối cảnh Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện nay không những là cần thiết mà còn là yêu cầu cấp bách.

Hai là, xây dựng Đảng là một khoa học; đổi mới công tác xây dựng Đảng hiện nay là một công trình sáng tạo. Điều đó có nghĩa là trên nền tảng tư tưởng chính trị, phải đổi mới tư duy lý luận, hoạch định đường lối, chính sách xây dựng Đảng một cách khoa học, bài bản, và triển khai thực hiện theo một lộ trình hợp lý, chặt chẽ. Xây dựng kinh tế thị trường trong điều kiện chủ nghĩa xã hội; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong điều kiện một đảng lãnh đạo là những “công trình” chưa có tiền lệ trong lịch sử thế giới. Đó là “những công trình vĩ đại” đòi hỏi một quá trình sáng tạo không ngừng với tinh thần khoa học, từ hệ thống lý luận tới đường lối, chính sách và triển khai thực hiện.

Ba là, nguy cơ nghiêm trọng nhất tồn tại trong Đảng Cộng sản Trung Quốc từ nhiều năm nay là nạn tham nhũng. Do vậy, công tác xây dựng Đảng Cộng sản Trung Quốc trong thời gian qua đã tập trung nỗ lực đấu tranh chống tham nhũng. Tham nhũng không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề chính trị, đạo đức, lối sống. Tình trạng tham nhũng tiêu cực tràn lan gây tác hại nghiêm trọng tới toàn bộ hoạt động của Đảng trên tất cả các lĩnh vực. Tập trung nỗ lực của công tác xây dựng Đảng hiện nay vào đấu tranh chống tham nhũng là đúng hướng. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình và Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc thời gian qua đã thể hiện quyết tâm và tiến hành bài bản, với lộ trình phù hợp trong đấu tranh chống tham nhũng, kết hợp giữa phòng và chống, giữa tham nhũng và lãng phí... Quyết tâm của Đảng và những thành tích chống tham nhũng trong thời gian qua đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, đấu tranh chống tham nhũng ở Trung Quốc còn đứng trước những khó khăn do tính phức tạp của nó, trước hết là vấn đề chống tham nhũng thường liên quan tới vấn đề đấu tranh đường lối.

Bốn là, công tác xây dựng Đảng hiện nay cần gắn liền với cải cách hệ thống chính trị, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Những hiện tượng tiêu cực trong Đảng, như tham nhũng, cửa quyền, xa rời quần chúng... một phần do nguyên nhân khách quan từ những khiếm khuyết trong thể chế chính trị, chủ yếu là quyền lực chưa được chế tài, dân chủ chưa được phát huy đầy đủ. Trong mấy năm qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có nhiều cố gắng và đạt được những thành tích bước đầu trong cải cách thể chế chính trị, thực hiện dân chủ trong Đảng, phát huy dân chủ xã hội, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Vấn đề hiện nay là thể chế phải được hoàn thiện thì về lâu dài mới ngăn chặn được tình trạng lạm dụng quyền lực, tiến tới tự giác sử dụng quyền lực hợp pháp. Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã phát biểu rằng: “Phải tăng cường chế tài và giám sát việc vận hành quyền lực,... hình thành cơ chế trừng phạt để không dám tham nhũng, cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng, cơ chế bảo đảm để không dễ tham nhũng...”. Ông còn mượn lời của cổ nhân để nhắc nhở cán bộ lãnh đạo phải đi đầu, gương mẫu: “Người giỏi cấm đoán phải tự cấm mình trước, rồi sau đó mới cấm người khác” (nguyên văn: thiện cấm giả, tiên cấm kỳ thân, nhi hậu nhân”)(7). Tuy nhiên, giữa lời nói và việc làm thường có một khoảng cách đầy thử thách, nhưng đó là điều mà công tác xây dựng Đảng hiện nay cần hướng tới./.

--------------------------------------------------

(1) Toàn văn Báo cáo tại Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc, http://www.sinonet.org/news/china/2012-11-08/234417.html
(2) http://news.xinhuanet.com/politics/2013-118164235.htm
(3) http://news.xinhuanet.com/politics/2014-10/29/c_1113033772.htm
(4) http://news.xinhuanet.com/politics/2015-10/29/c_1116983078.htm
(5) http://cpc.people.com.cn/n1/2016/1028/c64094-28814467.htm
(6) “Đả hổ” là chỉ trừng trị cán bộ tham nhũng từ lãnh đạo cấp tỉnh trở lên. “Diệt ruồi” là chỉ trừng trị cán bộ tham nhũng từ lãnh đạo cấp huyện trở xuống; “Săn cáo” là chỉ truy lùng, xử lý cán bộ tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài
(7) Tập Cận Bình: Đàm trị quốc lý chính (Bàn về quản lý đất nước), bản Trung văn, Nxb. Ngoại văn, Bắc Kinh, 2014, tr. 387 - 388