Xây dựng ý chí quyết tâm cho học viên các trường sĩ quan quân đội hiện nay
TCCS - Xây dựng ý chí quyết tâm cho học viên đào tạo sĩ quan ở các nhà trường quân đội có vai trò quan trọng, góp phần định hướng cho học viên xây dựng bản lĩnh, ý chí, động cơ, luôn nỗ lực, quyết tâm không ngừng phấn đấu học tập, rèn luyện khắc phục mọi khó khăn để trở thành người sĩ quan, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Vì vậy, cần có các giải pháp đồng bộ nhằm không ngừng nâng cao chất lượng công tác này.

Học viên đào tạo tại các trường sĩ quan trong quân đội là lực lượng nòng cốt và là thành phần chủ yếu của đội ngũ cán bộ quân đội trong tương lai. Khi tốt nghiệp ra trường, họ đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý hoặc trực tiếp thực hiện một số nhiệm vụ, bảo đảm cho quân đội sẵn sàng chiến đấu và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Để trở thành học viên của các trường sĩ quan, học viên phải trải qua quá trình tuyển chọn kỹ lưỡng và được học tập, rèn luyện trong môi trường có tính tổ chức và kỷ luật nghiêm khắc, đòi hỏi học viên phải chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội và quy định của mỗi nhà trường. Mọi hoạt động học tập, rèn luyện của học viên đều có sự quản lý, giám sát chặt chẽ, hướng dẫn của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, trên cơ sở kế hoạch chung của mỗi nhà trường, nhằm bảo đảm giờ nào việc đó, duy trì đầy đủ các chế độ, nền nếp và được kiểm tra, đánh giá thường xuyên hằng ngày, hằng tuần để lấy kết quả làm căn cứ đối chiếu, so sánh, đánh giá sự tiến bộ qua từng năm học, làm cơ sở thúc đẩy sự hình thành, phát triển bản lĩnh, nhân cách của người học trong quá trình học tập, rèn luyện. Trong tình hình phức tạp hiện nay, các thế lực thù địch sử dụng nhiều âm mưu, thủ đoạn chống phá, xuyên tạc bản chất, chức năng, truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam, hòng làm phai nhạt mục tiêu, lý tưởng và bản chất cách mạng, tiến tới vô hiệu hóa Quân đội. Cùng với đó, với sự phát triển của khoa học - công nghệ, vũ khí không ngừng được cải tiến, hiện đại hóa, đòi hỏi mỗi học viên phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí vượt mọi khó khăn, học tập không ngừng để nắm vững tri thức chính trị, quân sự, văn hóa, khoa học, kỹ chiến thuật, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật; có đầy đủ trí tuệ, sức lực bền bỉ, dẻo dai mới có thể đánh thắng mọi kẻ thù và những cuộc chiến tranh công nghệ cao.
Học viên trong các trường sĩ quan tuổi đời còn rất trẻ, ít va chạm với các vấn đề chính trị - xã hội nên tri thức và lập trường, bản lĩnh chính trị còn chưa vững vàng; còn nhiều bỡ ngỡ, lo lắng trước môi trường học tập, rèn luyện đòi hỏi tính tổ chức, kỷ luật cao, nhiều gian khổ và vất vả. Vì vậy, việc xây dựng ý chí quyết tâm cho học viên đào tạo trong các trường sĩ quan quân đội hiện nay là vấn đề tất yếu khách quan, giữ vai trò đặc biệt quan trọng giúp học viên không dao động, chùn bước trước những khó khăn, gian khổ để hoàn thành mục tiêu, yêu cầu đào tạo.
Để phát huy những ưu điểm, khắc phục những hạn chế trên, cần chú trọng một số vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất, tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy các cấp. Thực hiện nội dung này, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy trong trường sĩ quan cần quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về xây dựng quân đội, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, đáp ứng yêu cầu mới. Trong đó, tập trung vào Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4-11-2013, của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI; Kết luận của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tại Hội nghị tổng kết Nghị quyết số 86-NQ/ĐUQSTW, ngày 29-3-2007, của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về công tác giáo dục, đào tạo trong tình hình mới... Qua đó, làm chuyển biến sâu sắc, toàn diện nhận thức của cấp ủy, cán bộ chủ trì, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, nhà trường về công tác giáo dục, đào tạo theo phương châm: “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”; đào tạo tại nhà trường phải gắn với thực tiễn công tác, huấn luyện tại các đơn vị cơ sở; rút ngắn hợp lý nội dung lý thuyết, thời gian đào tạo tại trường; tăng thời gian thực hành, tập bài, diễn tập, thực tập, thực tế của học viên. Trên sơ sở đó, tập trung lãnh đạo toàn diện, đồng bộ; xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện xây dựng ý chí quyết tâm cho học viên cụ thể, sát với thực tiễn của mỗi nhà trường. Trước mắt, tập trung triển khai thực hiện nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng; gắn hoạt động xây dựng ý chí quyết tâm cho học viên với hoạt động giáo dục, đào tạo và các phong trào thi đua cùng các hoạt động khác của mỗi nhà trường. Khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, cho rằng công tác này là của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị mà không quan tâm tổ chức thực hiện. Cấp ủy, tổ chức đảng ở các đơn vị quản lý học viên cần tăng cường lãnh đạo, có chủ trương, biện pháp sát đúng, phân công, phân nhiệm rõ ràng, triển khai thực hiện nghiêm túc, kiểm tra chặt chẽ, bảo đảm công tác xây dựng ý chí quyết tâm cho học viên được tiến hành thường xuyên, đạt mục đích, yêu cầu đề ra. Đồng thời, động viên học viên không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ mọi mặt để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thứ hai, đa dạng hóa hình thức, phương pháp công tác giáo dục chính trị, tư tưởng phù hợp với tâm lý của học viên. Đây là biện pháp quan trọng, trước tiên cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để xây dựng ý chí quyết tâm cho học viên. Do học viên đang ở độ tuổi thanh niên, luôn ưa thích và muốn khám phá cái mới, các hoạt động sôi nổi, vì vậy, các nhà trường cần khai thác, phát huy thế mạnh của tuổi trẻ, chú trọng đổi mới, lồng ghép công tác tuyên truyền, giáo dục trong các hoạt động giáo dục đào tạo và các nhiệm vụ thường xuyên. Đông thời, cần tập trung bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, tư tưởng và tình cảm cách mạng, tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, chí căm thù giặc, niềm tin thắng lợi, sức mạnh và bản lĩnh chiến đấu cho học viên. Điều đó đòi hỏi công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho học viên cần tiếp tục đổi mới cả về nội dung và phương pháp. Về nội dung, cần tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính trị, quân sự của Đảng; vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, nhất là âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ và tạo cớ gây chiến tranh xâm lược. Giáo dục cho học viên thấy được những điểm mạnh, hạn chế của vũ khí công nghệ cao và cách đánh của ta, trên cơ sở đó củng cố ý chí quyết tâm, xây dựng niềm tin chiến thắng, làm cho học viên tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và sự nghiệp đổi mới đất nước; tin vào sức mạnh của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, tin vào lực lượng, vũ khí, trang bị và nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, truyền thống chống giặc ngoại xâm của cha ông, truyền thống vẻ vang của quân đội; xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt”; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn các ấn phẩm xấu, độc xâm nhập vào nhà trường. Về phương pháp, phải tiến hành thường xuyên, liên tục, với nhiều hình thức, phương tiện, cách thức khác nhau, phải huy động nhiều lực lượng, nhiều tổ chức tham gia, trong đó đội ngũ cán bộ chính trị làm nòng cốt. Với những nội dung và phương pháp đó, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng sẽ góp phần khắc phục được hiện tượng chủ quan, mơ hồ, hoang mang, dao động, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, ý chí quyết tâm trong thực hiện mọi nhiệm vụ của học viên.

Thứ ba, xây dựng tập thể học viên trong các trường sĩ quan trở thành tập thể học viên vững mạnh, góp phần nâng cao năng lực “tự xây dựng” ý chí quyết tâm của học viên. Các hoạt động của tập thể học viên trong các trường đào tạo sĩ quan Quân đội sẽ trực tiếp tác động, chi phối đến hoạt động và ý thức của học viên. Tập thể học viên sẽ quy định hướng rèn luyện và phát triển ý chí của học viên; có tác dụng ngăn cản các tác động tiêu cực từ môi trường xã hội bên ngoài đến học viên. Các hiện tượng tâm lý xã hội trong tập thể quân nhân sẽ tác động, ảnh hưởng tích cực đến học viên, tạo ra những đòi hỏi, những yêu cầu cao giữa các cá nhân trong tập thể, luôn đòi hỏi sự nỗ lực cao ở mỗi học viên. Do đó, việc xây dựng các tập thể học viên vững mạnh, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến học viên với tư cách là thành viên của tập thể. Xây dựng tập thể học viên tích cực, các mối quan hệ tốt đẹp, định hướng và phát huy tối đa các hiện tượng tâm lý trong tập thể học viên vào hoàn thiện nhân cách, phát triển ý chí là nội dung cần được thực hiện có hiệu quả ở các trường sĩ quan. Đây chính là việc chuyển hóa những yêu cầu khách quan của các nhà trường quân đội thành nhu cầu nội tại của mỗi học viên. Bản thân mỗi học viên luôn phải tự đối chiếu những yêu cầu của thực tiễn quân đội với bản thân để bồi đắp những thiếu hụt về kiến thức, trình độ, năng lực, đạo đức, lối sống, từ đó ra sức tự học tập, tự lĩnh hội, tự trau dồi. Đồng thời, phải có ý chí và quyết tâm vươn lên học tập, rèn luyện, khám phá tri thức mới, kiên quyết đấu tranh loại bỏ cái xấu, không phù hợp với yêu cầu của xã hội và quân đội, phê phán những hành vi lệch chuẩn về văn hóa, ứng xử, giao tiếp. Bên cạnh đó, cần thường xuyên quan tâm, kiểm tra, uốn nắn, định hướng việc xây dựng ý chí quyết tâm cho học viên để phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện để kích thích nhu cầu tự tu dưỡng, rèn luyện, hoàn thiện nhân cách của học viên.
Thứ tư, đẩy mạnh việc thực hiện chức trách, nền nếp, chế độ, quy định và nâng cao chất lượng huấn luyện điều lệnh đội ngũ cho học viên trong các trường sĩ quan. Đây là nội dung có vị trí quan trọng trong xây dựng quân đội chính quy, là nhân tố chủ yếu để nâng cao hiệu lực chỉ huy, quản lý đơn vị của học viên sau khi tốt nghiệp ra trường. Để thực hiện tốt nội dung này, các nhà trường cần phân định rõ thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ giải quyết công việc, nhằm tạo cơ chế điều hành thông suốt, có hiệu quả cao trong quá trình giáo dục, đào tạo. Mỗi học viên phải xây dựng ý thức tự giác chấp hành nghiêm túc nền nếp, chế độ quy định, thực hiện giờ nào việc nấy theo đúng chức trách, nhiệm vụ được giao. Riêng đối với cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp cần thực sự gương mẫu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, nói đi đôi với làm để học viên học tập và làm theo. Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu của sĩ quan chỉ huy trong tương lai, các nhà trường cần xây dựng, rèn luyện cho học viên có tác phong chính quy, ý thức tổ chức kỷ luật và năng lực chỉ huy, quản lý chính quy đơn vị sau khi ra trường. Chú trọng rèn luyện học viên trong việc sử dụng ngôn ngữ chỉ huy thống nhất, ngắn gọn, mạch lạc, dứt khoát, bảo đảm tính khẩn trương, chính xác cao; từng bước khắc phục việc nói dài, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Ngoài ra, các nhà trường cũng cần thực hiện nghiêm chương trình, nội dung huấn luyện điều lệnh đội ngũ cho học viên, bảo đảm tính hệ thống. Để nâng cao chất lượng huấn luyện điều lệnh đội ngũ cho học viên, lãnh đạo, chỉ huy trong các nhà trường cần quan tâm, duy trì rèn luyện một cách thường xuyên, coi việc rèn luyện điều lệnh là công việc hằng ngày, tạo cơ sở, nền tảng để học viên nâng cao chất lượng thực hành điều lệnh một cách vững chắc.
Thứ năm, xây dựng bầu không khí tích cực và các mối quan hệ thân thiện trong nhà trường; bảo đảm tốt cơ sở vật chất cho hoạt động giáo dục, đào tạo và xây dựng ý chí quyết tâm cho học viên. Đây là nội dung nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục, rèn luyện xây dựng ý chí quyết tâm cho học viên. Bầu không khí tâm lý tích cực, thân thiện là điều kiện để hình thành nên những mối quan hệ thân tình, cởi mở, gắn bó trên tình đồng chí, đồng đội, cán bộ và học viên phải thân thiết như người trong nhà, là điều kiện quan trọng để xây dựng mối đoàn kết gắn bó keo sơn trong đơn vị. Các mối quan hệ trong các trường sĩ quan hiện nay là mối quan hệ giữa cơ quan chức năng với đơn vị quản lý học viên, giữa cán bộ quản lý với học viên, giữa giảng viên với học viên, mối quan hệ giữa học viên với nhau sẽ có tác động đến hoạt động giáo dục, rèn luyện xây dựng ý chí quyết tâm cho học viên đào tạo sĩ quan. Bên cạnh đó, các trường sĩ quan cần bảo đảm tốt cơ sở vật chất, vũ khí trang bị, các mô hình về vũ khí, trang bị phục vụ huấn luyện; xây dựng đồng bộ hệ thống thao trường huấn luyện chiến thuật, các bãi tập kỹ thuật sát với điều kiện chiến đấu, đầu tư hệ thống thiết bị mô phỏng, tạo giả, các phương tiện hiện đại, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng huấn luyện và rèn luyện ý chí quyết tâm cho học viên. Quan tâm xây dựng đồng bộ hệ thống phòng Hồ Chí Minh, nhà truyền thống, thư viện, phòng đọc, các thiết bị tuyên truyền giáo dục, hệ thống sách báo, tài liệu, phục vụ hiệu quả cho hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức và rèn luyện ý chí. Tạo điều kiện để học viên phát triển toàn diện cả về thể lực, trí tuệ, đạo đức, lối sống, năng lực hoạt động thực tiễn, bảo đảm khi ra trường có đủ phẩm chất, năng lực, bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm cao, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ trên cương vị được giao./.
- Xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Kiên định đường lối đổi mới, đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, hướng tới xây dựng đất nước phát triển nhanh và bền vững
- Cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững
- Bộ đội Biên phòng với các giải pháp đột phá để xây dựng “thế trận lòng dân” khu vực biên giới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, giảm tầng nấc trung gian, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý
-
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982: Bốn mươi năm vì hòa bình, phát triển bền vững biển và đại dương