Nâng cao chất lượng giáo dục giá trị văn hóa quân sự Việt Nam cho lực lượng vũ trang nhân dân hiện nay
TCCS - Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta có nhiều chiến thắng vẻ vang, trong đó có những chiến thắng trước các thế lực đế quốc có vũ khí, kỹ thuật quân sự hiện đại, đã chứng minh cho sức mạnh tinh thần, ý chí, bản lĩnh, trí tuệ của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam, nhất là văn hóa quân sự Việt Nam. Trước những biến động phức tạp và khó lường của bối cảnh mới hiện nay, việc nâng cao chất lượng giáo dục và phát huy các giá trị văn hóa quân sự Việt Nam cho lực lượng vũ trang nhân dân càng trở nên cần thiết, góp phần vào thắng lợi của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
1- Thực tiễn đã cho thấy, quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã hình thành và phát triển những giá trị văn hóa quân sự đặc sắc, thể hiện tinh thần yêu nước, nhân đạo, nhân văn và nghệ thuật quân sự độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Giá trị văn hóa quân sự Việt Nam là một hệ giá trị với những đặc trưng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam. Đó là những giá trị cơ bản sau:
Thứ nhất, tinh thần yêu nước trong hoạt động quân sự.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII đã nhấn mạnh, bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp qua lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc, lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động, sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng khẳng định, dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước, đó là một truyền thống quý báu và mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần yêu nước lại kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước. Yêu nước trong hoạt động quân sự được thể hiện qua tinh thần kiên cường, bất khuất, không sợ khó khăn, gian khổ, dám xả thân vì nghĩa lớn, dám đứng lên chiến đấu, hy sinh vì sơn hà, xã tắc... của những người lính, người chiến sĩ, người dân từ xưa đến nay trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Thứ hai, tinh thần nhân đạo, nhân văn trong hoạt động quân sự.
Đây cũng là một trong những giá trị văn hóa quân sự Việt Nam tiêu biểu, độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, với tinh thần đạo lý “lấy đại nghĩa thắng hung tàn”, “lấy chí nhân thay cường bạo”, với ý thức cố kết cộng đồng “tướng sĩ một lòng phụ tử”, “hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”, thể hiện sâu sắc đức bao dung, độ lượng, kể cả sẵn sàng “mở lượng hiếu sinh” với kẻ thù khi chúng buông giáo quy hàng, thể hiện tinh thần lạc quan tìm cái “thái lai” ngay trong cái “bĩ cực”.
Thứ ba, nghệ thuật quân sự độc đáo.
Giá trị văn hóa quân sự Việt Nam còn được thể hiện ở phương châm hướng toàn bộ hoạt động quân sự đến chân - thiện - mỹ với nghệ thuật dựng binh (xây dựng quân) độc đáo (tổ chức lực lượng vũ trang nhiều thứ quân làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc); với nghệ thuật dụng binh (sử dụng quân) độc đáo (“dùng quân mai phục”, “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều”, “dĩ đoản binh chế trường trận”, “đánh cốt đuổi, không cốt diệt”, “đánh lấy khéo, không lấy mạnh”…).
Thứ tư, văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ”. Đây là giá trị văn hóa quân sự Việt Nam tiêu biểu trong thời đại Hồ Chí Minh, được cấu thành bởi những phẩm chất cơ bản, như trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân; yêu thương đồng chí, đồng đội; kỷ luật tự giác, nghiêm minh; thủy chung, son sắt với bạn bè quốc tế; có tinh thần lạc quan cách mạng; có tinh thần và ý chí khắc phục khó khăn; luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao; kẻ thù nào cũng đánh thắng.
Những giá trị văn hóa quân sự đó phản ánh bản chất, truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân Việt Nam, quân đội của dân, do dân và vì dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Giá trị văn hóa quân sự đó cũng chính là sự phản ánh tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, được thể hiện cụ thể ở tư tưởng, tình cảm, thái độ và hành động của mỗi cán bộ, chiến sĩ quân đội, thể hiện trong bản chất, truyền thống của các quân chủng, binh chủng, của các cơ quan, đơn vị và của cả Quân đội nhân dân Việt Nam. Giá trị văn hóa quân sự đó còn được thể hiện trong quá trình hoạt động thực tiễn thực hiện chức năng, nhiệm vụ đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động, sản xuất của Quân đội nhân dân Việt Nam cả trong thời chiến và thời bình.
Những giá trị văn hóa quân sự Việt Nam tiêu biểu được hình thành, phát triển, giữ vững và phát huy trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước oai hùng của dân tộc Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử. Nhờ vận dụng và phát huy những giá trị văn hóa quân sự mà dân tộc Việt Nam đã luôn giành được thắng lợi vẻ vang trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
2- Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) đã chỉ rõ nhiệm vụ phát triển đất nước về lĩnh vực văn hóa là kế thừa và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực và thẩm mỹ ngày càng cao. Nghị quyết Đại biểu đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã chỉ rõ, cần tiếp tục xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đồng thời, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII và XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh mới khi tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên”(1).
Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế đã làm thay đổi mạnh mẽ kinh tế - xã hội Việt Nam từ truyền thống và khép kín sang hiện đại và hội nhập, đồng thời tác động đến hệ giá trị văn hóa của dân tộc, trong đó có hệ thống giá trị văn hóa quân sự. Trong đời sống xã hội, đã xuất hiện những quan niệm mới, cách nhìn mới về văn hóa, xã hội, con người, về các mối quan hệ giữa con người với con người, con người với tự nhiên và các giá trị đạo đức... Thực tiễn này đòi hỏi phải quan tâm hơn đến việc giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân biết hòa nhập, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại trên cơ sở giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, giá trị văn hóa quân sự Việt Nam.
Nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hoạt động nâng cao chất lượng giáo dục giá trị văn hóa quân sự Việt Nam cho lực lượng vũ trang nhân dân trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, lãnh đạo, chỉ huy, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã kết hợp, phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các ban, ngành từ Trung ương tới cơ sở và nhân dân các địa phương, tập trung quán triệt, chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai thực hiện tốt, qua đó, chất lượng giáo dục giá trị văn hóa quân sự Việt Nam cho lực lượng vũ trang nhân dân ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giáo dục giá trị văn hóa quân sự Việt Nam cho lực lượng vũ trang nhân dân trong những năm qua vẫn còn một số bất cập. Thực tế cho thấy, nhận thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ trong lực lượng vũ trang đối với việc giáo dục giá trị văn hóa quân sự chưa cao; còn không ít hạn chế trong công tác tổ chức, xây dựng kế hoạch, chương trình, nội dung, phương pháp, cơ sở vật chất. Do đó, kết quả học tập và việc vận dụng kiến thức đã học về văn hóa quân sự vào hoạt động thực tiễn của một số cán bộ, chiến sĩ trên các cương vị, chức trách, nhiệm vụ được giao chưa thật sự hiệu quả, nhất là trước yêu cầu, nhiệm vụ mới hiện nay.
Nhiệm vụ xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước có những diễn biến phức tạp, tiếp tục đặt ra những yêu cầu mới, cao hơn đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục văn hóa quân sự Việt Nam cho lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là hoạt động của các chủ thể, các lực lượng cả trong và ngoài quân đội, thông qua những hình thức, biện pháp phong phú, đa dạng nhằm bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang nhân dân giá trị văn hóa quân sự Việt Nam tiêu biểu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Hoạt động đó cần được tiến hành bằng nhiều hình thức và biện pháp đa dạng, phong phú, gắn với quá trình tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang nhân dân. Tuy nhiên, phải tùy thuộc vào đặc điểm, tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị trong các thời điểm, hoàn cảnh cụ thể để xác định, lựa chọn những hình thức, biện pháp cho phù hợp. Trong đó, cần quan tâm thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp sau đây:
Một là, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, rèn luyện ở các học viện, nhà trường quân đội.
Cần quan tâm đổi mới nội dung, chương trình giáo dục giá trị văn hóa quân sự Việt Nam cho lực lượng vũ trang nhân dân. Cần lựa chọn những nội dung để giáo dục, bảo đảm vừa mang tính kế thừa các giá trị văn hóa quân sự Việt Nam trong công cuộc xây dựng lực lượng vũ trang, tiến hành các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc trước đây, vừa phải phù hợp với yêu cầu xây dựng quân đội nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới.
Tích cực đổi mới phương pháp giáo dục giá trị văn hóa quân sự Việt Nam cho các lực lượng vũ trang nhân dân trong các học viện, nhà trường quân đội, vận dụng những phương pháp dạy học tích cực, hiện đại với sự hỗ trợ của công nghệ, của kỹ thuật do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, xây dựng đội ngũ nhà giáo, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục trong các học viện, nhà trường quân đội luôn là những cán bộ tâm huyết, trách nhiệm, có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm tốt, có đầy đủ phẩm chất của “Bộ đội cụ Hồ”.
Hai là, đẩy mạnh quá trình tự giáo dục, tự rèn luyện của mỗi cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng ở các cơ quan, đơn vị quân đội.
Thông qua quá trình hoạt động thực tiễn ở các cơ quan, đơn vị quân đội, trên cơ sở nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ thị, mệnh lệnh của người chỉ huy, sự chỉ đạo của chính ủy, chính trị viên, sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng mà mỗi cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng cần tự xác định và thực hiện kế hoạch cá nhân trong việc nâng cao chất lượng giáo dục giá trị văn hóa quân sự Việt Nam. Việc xây dựng và thực hiện kế hoạch cá nhân phải được xác định trên cơ sở yêu cầu, nội dung nâng cao chất lượng giáo dục giá trị văn hóa quân sự Việt Nam cho lực lượng vũ trang nhân dân gắn với chức trách, nhiệm vụ của mỗi người. Kế hoạch phải xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, thời gian, biện pháp và kết quả thực hiện; được lãnh đạo, chỉ huy phê duyệt, tổ chức quản lý chặt chẽ, có đánh giá kết quả đạt được định kỳ hằng tháng, hằng quý và hằng năm, gắn với việc đánh giá, nhận xét chất lượng cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên hằng năm và việc đánh giá, bình xét thi đua, khen thưởng trong các đợt thi đua. Kế hoạch phải được đề ra và thực hiện một cách thực chất, đem lại hiệu quả thiết thực, tránh cách làm phô trương, hình thức.
Ba là, tăng cường các hoạt động tham quan, học tập ở các bảo tàng, nhà truyền thống, các di tích lịch sử của dân tộc và của quân đội.
Các bảo tàng, nhà truyền thống, các di tích lịch sử của dân tộc, của quân đội là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa quân sự. Tham quan, học tập ở các bảo tàng, nhà truyền thống, các di tích lịch sử của dân tộc, của quân đội là một trong những hình thức giáo dục trực quan sinh động, có tác dụng thiết thực, hiệu quả trong nâng cao chất lượng giáo dục giá trị văn hóa quân sự Việt Nam cho các lực lượng vũ trang nhân dân.
Để thực hiện tốt điều này, cần quan tâm lưu giữ, sưu tầm, bổ sung các giá trị văn hóa quân sự Việt Nam, nhất là tích cực sưu tầm, bổ sung các hiện vật, tư liệu có giá trị mà lâu nay chưa có điều kiện thực hiện do các nguyên nhân khách quan và chủ quan. Quan tâm xây dựng, nâng cấp các bảo tàng, nhà truyền thống của quân đội, của các cơ quan, đơn vị, nhất là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, bảo tàng của các quân khu, quân đoàn, các quân chủng, binh chủng... Chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác ở các bảo tàng, nhà truyền thống cả về phẩm chất chính trị, đạo đức, cả về trình độ, năng lực, kinh nghiệm và phương pháp, tác phong công tác, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục giá trị văn hóa quân sự Việt Nam cho lực lượng vũ trang nhân dân trong điều kiện mới./.
-------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 143
Văn hóa Hà Nội trong dòng chảy hội nhập quốc tế  (29/10/2021)
Xây dựng môi trường văn hóa ở nước ta hiện nay  (23/10/2021)
Phát huy bản sắc văn hóa, con người, khơi dậy khát vọng phát triển Thủ đô nghìn năm văn hiến  (11/10/2021)
Biểu tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tiền giấy Việt Nam  (18/07/2021)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên