Thành phố Hồ Chí Minh chung tay bảo vệ môi trường
TCCS - Với Chỉ thị 19 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về cuộc vận động “Người dân thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của mỗi người dân có sự chuyển biến rõ rệt. Thời gian qua, các quận, huyện, sở, ngành có nhiều sáng kiến hay vì thành phố xanh - sạch - đẹp.
Khi mỗi người dân là tình nguyện viên
Dọc tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (quận Bình Thạnh, Tân Bình và Phú Nhuận), trước đây, người dân xả rác tùy tiện gây nhếch nhác trên và dưới dòng kênh, thì nay, các hộ dân, đặc biệt các cửa hàng dọc hai bên có ý thức hơn trong việc giữ gìn dòng kênh cũng như môi trường sống.
Thậm chí, mỗi người dân khi tập thể dục xung quanh tuyến kênh đều trở thành một tình nguyện viên sẵn sàng thu dọn rác. “Khác cảnh rác thải vương vãi khắp nơi, bây giờ, thay vào đó là khung cảnh đẹp đẽ hai bên dòng kênh, tạo cảm giác thoải mái, không khí trong lành cho mỗi người khi ra tập thể dục vào mỗi buổi sáng hay chiều tối hằng ngày”, bà Trần Hoài Phương (ngụ phường 2, quận Tân Bình) cho biết.
Tại nhiều địa bàn quận, huyện có sự chuyển biến rõ rệt về ý thức bảo vệ môi trường. Tại phường Bình Long (quận 9), một số tuyến đường trong khu dân cư được người dân tổ chức vẽ những bức tranh cổ động tuyên truyền chung tay phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn và bảo vệ môi trường. Tại khu phố 1 (phường 8, quận 11), người dân tham gia vệ sinh đường phố, hưởng ứng phong trào “Vì thành phố văn minh, sạch đẹp, an toàn”. Còn tại quận 12, các đoàn viên, thanh niên, hội viên và người dân tham gia tích cực tham gia những buổi “Chủ nhật xanh”, giữ gìn xanh - sạch - đẹp cho từng khu phố, con hẻm, tuyến đường…
Là địa phương có nhiều chuyển biến trong bảo vệ môi trường khu dân cư, thời gian qua, quận 11 đã tiếp nhận và giải quyết nhiều phản ánh liên quan đến tình trạng xả rác ra đường, tình trạng xe rác tập kết và đổ rác gây ô nhiễm. Đáng nói, việc triển khai hệ thống tiếp nhận, xử lý ý kiến của người dân qua tin nhắn, chụp ảnh, thư điện tử và điện thoại về tình trạng xả rác ra đường, kênh rạch có kết quả tích cực, giải quyết kịp thời và hiệu quả 100% phản ánh của người dân.
Theo số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, qua một năm triển khai thực hiện cuộc vận động “Người dân thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”, trên địa bàn Thành phố xuất hiện hơn 2.000 công trình, mô hình, giải pháp bảo vệ môi trường hiệu quả và từng bước được nhân rộng. Báo cáo của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, hiện có hơn 1,3 triệu hộ dân đăng ký tham gia không xả rác bừa bãi. Tỷ lệ các điểm ô nhiễm đã giảm, số lượng thùng rác được trang bị ngày càng tăng với gần 33 nghìn thùng. Cơ quan chức năng cũng lắp đặt thêm 8.316 camera an ninh kết hợp giám sát chất lượng vệ sinh môi trường đô thị. 100% quận, huyện có hệ thống tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh về trật tự, vệ sinh môi trường. Đặc biệt, có 517/600 điểm ô nhiễm, điểm đen về rác thải đã được xử lý trên địa bàn thành phố.
Để trở thành thói quen của người dân
Hiện vẫn còn một bộ phận người dân chưa có ý thức bảo vệ môi trường và việc thay đổi ý thức, hành vi, thói quen cần kiên trì, lâu dài. Do đó, ngoài việc xử phạt hành vi xả rác gây ô nhiễm môi trường, Thành phố cần lắp đặt hệ thống camera để giám sát, kiểm tra, nhắc nhở, cảnh báo và phạt nguội những hành vi vi phạm. Bên cạnh đó xây dựng hệ thống giám sát tự nguyện, tự giác trong cộng đồng dân cư với mục tiêu biến phong trào thành thói quen, ý thức của mỗi người dân trong công tác bảo vệ môi trường. “Mọi hành vi xâm hại đến môi trường cần bị lên án và xử lý nghiêm”, PGS, TS. Hồ Long Phi nhấn mạnh.
Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư, Thành phố cũng cần tiếp tục triển khai chương trình di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường vào các khu công nghiệp và khu chế xuất. Đồng thời, cần đầu tư các thiết bị quan trắc tự động về không khí, nước thải để phản ánh kịp thời tình trạng ô nhiễm, đưa ra những cảnh báo sớm nhất cho người dân.
Đối với quản lý chất thải rắn, thành phố cần tiếp tục thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phù hợp công nghệ lựa chọn hợp lý. Đồng thời, để triển khai đồng bộ quản lý tổng hợp chất thải rắn từ phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sau phân loại, rất cần nghiên cứu áp dụng mô hình thu gom, tập kết rác tập trung phù hợp cho từng khu nhà, cụm công trình, bảo đảm vệ sinh môi trường…
Trong thời gian gần đây, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các sở, ngành và chủ tịch ủy ban nhân dân các quận, huyện, có kế hoạch giải quyết dứt điểm ô nhiễm môi trường và rác thải tại địa phương; duy trì chất lượng vệ sinh tại mỗi khu vực; có kế hoạch kiểm tra, giám sát thường xuyên nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đặc biệt, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư, doanh nghiệp về việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; triển khai đồng bộ thêm nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả thực thi. Đó là những cơ sở để cuối năm 2020, khoảng 50% khối lượng rác sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện như mục tiêu đã đề ra./.
Học cách người dân Nhật Bản bảo vệ môi trường sống  (01/08/2020)
Nâng cao ý thức, trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ môi trường  (20/07/2020)
Bảo vệ môi trường: Không sử dụng đồ nhựa dùng một lần  (16/07/2020)
Việt Nam tích cực bảo vệ môi trường biển  (16/07/2020)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm