Chính sách và giải pháp tín dụng ngân hàng cho sự phát triển nông sản xuất khẩu chủ lực của đồng bằng sông Cửu Long

PGS, TS. Nguyễn Đắc Hưng Phó Tổng Biên tập Tạp chí Ngân hàng
21:49, ngày 08-06-2015

TCCSĐT - Những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp của cả nước nói chung cũng như của khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, bởi đây là khu vực cung cấp sản lượng gạo, thủy sản xuất khẩu, trái cây hằng năm lớn nhất, đóng góp không nhỏ vào kết quả của toàn ngành nông nghiệp nước ta.

Một số chính sách cơ bản nhằm hỗ trợ sản xuất cho vùng đồng bằng sông Cửu Long

Triển khai cho vay mua tạm trữ thóc, gạo vụ đông - xuân và hè - thu năm 2013 - 2014

Nhằm giữ ổn định giá lúa gạo trong thời kỳ thu hoạch ở đồng bằng sông Cửu Long, bảo đảm thu nhập hợp lý, ổn định cho người trồng lúa, ngành ngân hàng đã tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan triển khai việc thu mua tạm trữ, chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai việc cho vay đối với các chương trình thu mua tạm trữ lúa gạo vụ đông - xuân và hè - thu ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 12-6-2013, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 850/QĐ-TTg, ngày 04-6-2013, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn một số ngân hàng thương mại thực hiện cho vay đối với việc mua tạm trữ thóc, gạo vụ hè thu năm 2013. Theo văn bản này, 14 ngân hàng thương mại được chấp thuận thực hiện việc cho vay. Các ngân hàng thương mại thực hiện cân đối nguồn vốn để cho các thương nhân vay và mua tạm trữ thóc, được Hiệp hội Lương thực Việt Nam phân giao chỉ tiêu mua số thóc gạo tạm trữ 1 triệu tấn gạo trong vụ hè thu năm 2013 ở đồng bằng sông Cửu Long theo tỷ lệ quy đổi thóc/gạo là 2/1. Việc cho vay được thực hiện theo quy định hiện hành của tổ chức tín dụng đối với khách hàng. Các ngân hàng thương mại cho các thương nhân vay mua tạm trữ thóc, gạo với mức lãi suất cho vay tối đa là 10%/năm. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay trong thời gian mua thóc, gạo tạm trữ.

Thực hiện chương trình tiếp tục cho vay mua 300.000 tấn gạo xuất khẩu giữa năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản số 10289/NHNN-TD yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục cho vay nhằm đẩy mạnh việc tiêu thụ lúa, gạo hàng hóa ở đồng bằng sông Cửu Long, thu mua khoảng 300.000 tấn gạo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu hiện tồn kho trong các công ty kinh doanh lương thực và trong nhân dân để đẩy mạnh việc tiêu thụ lúa, gạo. Riêng đối với lãi suất cho vay và gia hạn nợ vay, các ngân hàng thương mại xem xét việc cho gia hạn nợ cũ, tiếp tục cho vay mới đối với các hộ trồng lúa để có vốn duy trì sản xuất; cho các doanh nghiệp được giao mua lúa, gạo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được cơ cấu lại nợ trong trường hợp gặp khó khăn để các doanh nghiệp có điều kiện tiếp tục thu mua cho nông dân.

Ngày 15-3-2014, tại Quyết định số 373a/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Ngân hàng Nhà nước chỉ định một số ngân hàng thương mại thực hiện cho vay mua tạm trữ thóc, gạo vụ đông - xuân 2013 - 2014, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho 16 ngân hàng thương mại thực hiện chương trình này. Các ngân hàng thương mại thực hiện cân đối nguồn vốn để cho vay mua tạm trữ thóc, gạo đối với các thương nhân được Hiệp hội Lương thực Việt Nam phân giao chỉ tiêu mua số thóc gạo tạm trữ tối đa 1 triệu tấn quy gạo theo tỷ lệ quy đổi thóc/gạo là 2/1 trong vụ đông xuân 2013 - 2014. Các ngân hàng thương mại cho các thương nhân vay mua tạm trữ thóc, gạo với mức lãi suất cho vay tối đa 7%/năm; ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay mua thóc, gạo tạm trữ tối đa là 4 tháng. Ngoài thời gian cho vay mua tạm trữ được hỗ trợ lãi suất nêu trên, khách hàng phải trả lãi ngân hàng theo quy định. Tính đến hết tháng 4-2014, các ngân hàng thương mại đã giải ngân cho vay được 8.256,49 tỷ đồng đối với khách hàng trong khu vực. Các ngân hàng thương mại đã triển khai khẩn trương, kịp thời việc cho vay vốn theo kế hoạch. Việc hỗ trợ vốn tín dụng kịp thời đã góp phần tạo điều kiện cần thiết để các doanh nghiệp thu mua được gần 980.000 tấn quy gạo, cơ bản đạt kế hoạch được giao.

Triển khai cho vay mua tạm trữ thóc, gạo vụ đông - xuân 2014 - 2015, theo Quyết định số 241/QĐ-TTg, ngày 24-02-2015 của Thủ tướng Chính phủ

Hiệp hội Lương thực Việt Nam đưa ra chỉ tiêu phân bổ đối với các tỉnh, thành ở đồng bằng sông Cửu Long thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo trong vụ đông - xuân 2014 - 2015. Thời gian thu mua tạm trữ được thực hiện từ ngày 01-3-2015 đến 15-4-2015. Việc cấp vốn vay thu mua tạm trữ thóc, gạo được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận 17 ngân hàng thương mại, tăng một ngân hàng so với vụ đông - xuân trước. Theo đó, việc cho vay được thực hiện theo quy định hiện hành về cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng. Lãi suất cho vay do ngân hàng thương mại và khách hàng thỏa thuận nhưng tối đa không được vượt 7%/ năm.

Như vậy, tính đến nay, Ngân hàng Nhà nước cũng như các tổ chức tín dụng đã có 6 năm triển khai hoạt động tín dụng cho thu mua tạm trữ thóc, gạo vụ đông - xuân, nhưng 2015 là năm đầu tiên được cho là chủ động nhất vì đã triển khai kịp thời trước khi lúa vào mùa thu hoạch.

Triển khai thực hiện chính sách nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch

Thực hiện Quyết định số 63/2010/QD-TTg, ngày 15-10-2010 và Quyết định 65/2010/QĐ-TTg, ngày 02-12-2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 22-2012/TT-NHNN, ngày 22-6-2012 hướng dẫn thực hiện hai quyết định này. Đến đầu năm 2014, chính sách nói trên đã được thay thế bằng Quyết định 68/2013/QĐ-TTg, ngày 14-11-2013, về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp (có hiệu lực từ ngày 01-01-2014) và Thông tư số 13/2014/TT-NHNN, ngày 18-02-2014. Theo đó, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư máy móc, thiết bị nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đầu tư kho dự trữ 4 triệu tấn lúa, ngô, kho lạnh bảo quản tài sản (bao gồm cả kho lạnh trên tàu đánh bắt thủy sản) được vay vốn và hưởng hỗ trợ 100% lãi suất trong 02 năm đầu và 50% lãi suất trong các năm tiếp theo hoặc áp dụng mức lãi suất tín dụng đầu tư của nhà nước. Tính đến hết năm 2014 tổng dư nợ cho vay đối với các đối tượng khách hàng khác nhau theo chương trình này lên tới khoảng gần 1.700 tỷ đồng, tăng trên 15% so với cuối năm 2013; trong đó dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đạt trên 1.300 tỷ đồng, dư nợ cho vay theo lãi suất tín dụng đầu tư ước tính đạt khoảng hơn 350 tỷ đồng.

Triển khai thực hiện Chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ

Thực hiện Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 05-03-3014 của Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1050/QĐ-NHNN, ngày 28-5-2014 quy định về việc cho vay thí điểm đối với các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Các ngân hàng thương mại thực hiện cho vay thí điểm đối với khách hàng có mục đích liên kết theo chuỗi từ khâu sản xuất chế biến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; các dự án ứng dụng khoa học công nghệ cao. Việc cho vay bảo đảm tuân thủ đúng quy định hiện hành về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng quy định tại Quyết định này, các quy định về bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng và các văn bản pháp luật có liên quan. Các mức lãi suất cho vay tối đa đối với các dự án vay thuộc chương trình thí điểm được áp dụng như sau: Cho vay ngắn hạn là 7%/năm; trung hạn 10%/năm; dài hạn là 10,5%/năm. Theo quyết định 2662/QĐ-NHNN, ngày 16-12-2014, các mức lãi suất nói trên được điều chỉnh giảm 0,5%/năm. Bên cạnh đó, ngân hàng thương mại xem xét áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với những mô hình liên kết theo chuỗi giá trị khép kín từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ có thời gian vay trên 12 tháng (nhưng không quá 18 tháng), mỗi khâu (sản xuất, chế biến, tiêu thụ) đều dưới 12 tháng và khách hàng cam kết trả một phần nợ sau mỗi khâu của chuỗi sản xuất.

Về hình thức cho vay, ngân hàng thương mại cho vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu vốn cho các chi phí về sản xuất nông nghiệp gồm giống, phân bón, vật tư nông nghiệp... và cho vay trung, dài hạn để đầu tư kết cấu hạ tầng, máy móc thiết bị phục vụ cho các mô hình sản xuất như đã quy định trong Quyết định này. Thời gian thực hiện thí điểm cho vay là 02 năm kể từ ngày Quyết định có hiệu lực.

Chuỗi liên kết do ngân hàng nước ngoài triển khai tại Việt Nam trong lĩnh vực xuất khẩu gạo

Trong năm 2013, Standard Chartered Bank, một ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam đã quyết định tài trợ khoản vốn 70 triệu USD, tương đương 1.500 tỷ đồng vốn vay ưu đãi cho Công ty Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Mục đích của khoản tài trợ vốn này là giúp hình thành một chuỗi giá trị sản xuất, kinh doanh lúa gạo khép kín bền vững. Triển khai dự án này, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An đã quyết định giao 1.000 ha đất nông nghiệp của nông trường ở Tân Hưng để AGPPS chuyển sang chuyên nghiên cứu, sản xuất cung ứng giống có chất lượng cao cho các hộ nông dân trong vùng, chủ yếu là hộ nông dân sản xuất lúa gạo cho xuất khẩu. Tại Đồng Tháp, AGPPS cũng đang xây dựng trung tâm chuyên sản xuất, cung ứng giống chất lượng cao tương tự, sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho Nông trường Động Cát với 400 ha. Ngoài ra, AGPPS đang hợp tác với Tập đoàn Satake (Nhật Bản) nghiên cứu lắp đặt loại máy sấy lúa, máy xát trắng và lau bóng gạo kỹ thuật cao để nâng chất lượng gạo thương phẩm trên thị trường khu vực và quốc tế. Dự án này đi vào hoạt động là một thuận lợi lớn cho người nông dân sản xuất lúa gạo xuất khẩu, cũng như nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo. Đây cũng là một cơ hội thuận lợi cho các ngân hàng thương mại đầu tư vốn an toàn, hiệu quả cho các hộ nông dân trồng lúa.

Trong thực tế, từ năm 2010 đến nay, AGPPS đã đầu tư vốn triển khai chuỗi sản xuất lúa gạo bền vững, còn gọi là mô hình cánh đồng mẫu lớn, qua việc liên kết xây dựng vùng nguyên liệu, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, cung ứng giống, thuốc phòng trị bệnh, phân bón..., đồng thời hỗ trợ miễn phí nhiều khoản trong khâu thu hoạch cho hộ nông dân. Kèm theo đó, AGPPS đầu tư xây dựng 5 cụm nhà máy chế biến lương thực, chủ yếu là gạo xuất khẩu tại các vùng nguyên liệu ở các tỉnh: An Giang, Long An, Đồng Tháp, Bạc Liêu (thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long).

Với trung tâm logistics, sẽ tập trung gạo từ 5 cụm chế biến lương thực và các vùng nguyên liệu hiện hữu của AGPPS ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để qua đó tổ chức chế biến, đóng gói bao bì các loại gạo, trong đó có gạo dinh dưỡng Vi-bi-ga-ba và các sản phẩm giá trị gia tăng khác từ gạo. Đây cũng là trung tâm giao dịch, cung ứng các loại gạo cho thị trường nội địa và xuất khẩu của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, Standard Chartered Bank còn tài trợ vốn đầu tư khoa học công nghệ trong chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng để tối đa hóa giá trị nông sản. Tiếp đến, Standard Chartered Bank hỗ trợ vốn cho AGPPS tiếp tục thực hiện các công đoạn tận dụng phế thải như rơm, rạ trong sản xuất nông nghiệp, vừa bảo vệ môi trường bền vững, vừa tăng thêm thu nhập. Khi đó AGPPS sẽ hoàn tất một chuỗi sản xuất khép kín từ khâu cung ứng giống, vật tư nông nghiệp... đến chế biến, tiêu thụ các sản phẩm đa dạng từ nông sản, đặc biệt là lúa gạo, một thế mạnh của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Một số giải pháp trước mắt nhằm phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ tín dụng cho sản xuất nông nghiệp

Một là, việc thu mua tạm trữ thóc gạo là giải pháp can thiệp thị trường mà không phải hỗ trợ nông dân. Cho đến nay, chưa có giải pháp nào tốt hơn chính sách thu mua tạm trữ khi giá lúa thị trường thấp hơn giá lúa định hướng. Đây cũng không phải giải pháp can thiệp cục bộ vào địa phương, mà căn cứ vào doanh nghiệp tổ chức tham gia thu mua tạm trữ lúa gạo để đạt được hiệu quả, yêu cầu đề ra. Song một bộ phận dư luận cho rằng, người nông dân vẫn chưa được hưởng lợi trực tiếp; Hiệp hội Lương thực Việt Nam phân bổ chỉ tiêu cho cả doanh nghiệp đang thua lỗ, phân bổ chỉ tiêu chưa phù hợp với thực tế một số tỉnh trong vùng… Về lâu dài, cần chủ động đề xuất giải pháp mang tính ổn định, hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân. Hiệp hội Lương thực Việt Nam cần lắng nghe thông tin, ý kiến của các địa phương để có những điều chỉnh cho phù hợp.

Hai là, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam… cần tăng cường khâu dự báo sản lượng lúa gạo và giá lúa gạo, chủ động đề xuất kế hoạch thu mua lúa gạo của từng vụ sản xuất để ngành ngân hàng chủ động chỉ đạo, bố trí vốn, các ngân hàng thương mại chủ động hơn trong giải ngân, cho vay.

Ba là, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Hiệp hội Thủy sản, các hiệp hội ngành, nghề… cần phát huy vai trò làm tốt hơn, hiệu quả hơn việc mở rộng thị trường xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam một cách ổn định với giá bán ngày càng phù hợp so với các đối tác trong khu vực, đặc biệt là các mặt hàng gạo, thủy sản và một số loại quả nhiệt đới…

Bốn là, cần sớm bảo đảm tính hiệu quả, tính khả thi của mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo xuất khẩu nói riêng, một số loại nông sản chủ lực nói chung ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, góp phần hỗ trợ cho hoạt động tín dụng ngân hàng.

Ý tưởng về xây dựng mô hình liên kết sản xuất, xây dựng chuỗi cung ứng lúa gạo trong nước và xuất khẩu tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long được các địa phương trong vùng rất quan tâm, đặt kỳ vọng sớm được triển khai, tạo sự phát triển ổn định lĩnh vực lúa gạo từ đó nhân rộng ra các lĩnh vực khác của sản xuất nông nghiệp trong vùng.

Năm là, nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông, khuyến ngư, công tác quy hoạch… cũng như phối hợp chặt chẽ thực hiện có hiệu quả Nghị định 41/2010/NĐ-CP (tới đây là Nghị định sửa đổi), là những yếu tố cần thiết để mở rộng tín dụng an toàn, hiệu quả cho các tổ chức tín dụng tại đồng bằng sông Cửu Long.

Sáu là, các chi nhánh tổ chức tín dụng cần phối hợp chặt chẽ với chi nhánh Ngân hàng Nhà nước; đồng thời chi nhánh Ngân hàng Nhà nước cần phát huy cao hơn vai trò trên địa bàn, chủ động tổ chức diễn đàn đối thoại với doanh nghiệp, cũng như tham mưu cho cấp ủy, chính quuyền địa phương tháo gỡ vướng mắc về hoạt động tín dụng trên địa bàn./.