Phát triển năng lực hội nhập quốc tế ngành du lịch thành phố Đà Nẵng trong bối cảnh mới

Phạm Thái Hà
Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng
06:40, ngày 17-10-2024

TCCS - Trong bối cảnh mới hiện nay, việc đánh giá năng lực hội nhập quốc tế ngành du lịch thành phố Đà Nẵng là hết sức cần thiết. Đây là cơ sở khoa học và thực tiễn quan trọng để xác định phương hướng, giải pháp đột phá phát triển năng lực hội nhập quốc tế, góp phần đưa ngành du lịch thành phố vươn lên tầm quốc tế.

Sông Hàn (thành phố Đà Nẵng) đêm về_Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Thực trạng ngành du lịch thành phố Đà Nẵng

Về thu hút du khách quốc tế

Với vị trí là “cửa ngõ” của miền Trung - Tây Nguyên về đường hàng không, đường bộ và đường thủy, thành phố Đà Nẵng được xem là “cửa ngõ trung chuyển” đối với khách du lịch quốc tế đến tham quan các di sản văn hóa ở khu vực miền Trung, như phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn (tỉnh Quảng Nam); kinh thành Huế, nhã nhạc cung đình Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế); Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình)… Năm 2013, số lượt khách quốc tế do các cơ sở lưu trú tại thành phố Đà Nẵng phục vụ chỉ chiếm 67% tổng lượt khách quốc tế; đến năm 2019, tỷ lệ này đạt mức 92%. Điều này phản ánh sức hút rất lớn khách du lịch quốc tế đến với thành phố Đà Nẵng. Theo đó, thành phố Đà Nẵng chuyển dần từ chức năng “trung chuyển” thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch quốc tế ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Tuy nhiên, còn một tỷ lệ nhỏ du khách quốc tế chọn thành phố Đà Nẵng là “điểm trung chuyển” để đến tham quan các điểm du lịch của các địa phương khác.

Thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát đã gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch thế giới và Việt Nam. Việc hạn chế đi lại giữa các quốc gia và tạm dừng các đường bay quốc tế và nội địa khiến lượng khách quốc tế đến thành phố Đà Nẵng suy giảm nghiêm trọng. Năm 2020, lượng khách quốc tế đến thành phố Đà Nẵng đạt 493 nghìn lượt, chủ yếu tập trung vào 3 tháng đầu năm, trước khi Chính phủ quyết định tạm dừng tất cả các chuyến bay quốc tế (tháng 3-2020). Năm 2021, lượng khách quốc tế còn 100 nghìn lượt, chủ yếu là các chuyên gia nước ngoài làm việc và sinh sống tại Việt Nam. Đến năm 2022, ngành du lịch thành phố Đà Nẵng từng bước phục hồi sau đại dịch, lượng khách quốc tế đến thành phố Đà Nẵng tăng dần. Năm 2023, tổng lượt khách quốc tế đến thành phố Đà Nẵng ước đạt hơn 1,98 triệu lượt, tăng hơn 4,2 lần so với năm 2022, song chỉ bằng 61% so với năm 2019, chiếm 15,7% tổng lượt khách quốc tế đến Việt Nam (năm 2019 là 19,5%). Như vậy, thành phố Đà Nẵng đang có dấu hiệu suy giảm năng lực thu hút khách quốc tế so với một số địa phương khác.

Về hoạt động xúc tiến du lịch

Thành phố Đà Nẵng đang dần khẳng định thương hiệu điểm đến của các sự kiện quốc tế. Thời gian qua, thành phố Đà Nẵng thường xuyên đăng cai tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hóa, du lịch đặc sắc mang tầm quốc tế, độc đáo, như thi trình diễn pháo hoa quốc tế (từ năm 2008 đến nay); Đà Nẵng - Điểm hẹn mùa hè; cuộc thi Marathon quốc tế, Iron man 70.3; các sự kiện quốc tế, như đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper Race 2015 - 2016; Đại hội thể thao bãi biển châu Á (ABG5) năm 2016; Hội chợ du lịch quốc tế về nghỉ dưỡng biển và M.I.C.E 2016; Lễ hội Cocofest; Hội nghị quốc tế về văn hóa, thể thao và du lịch Đà Nẵng; Hội nghị du lịch Golf châu Á; đặc biệt đã tổ chức thành công Tuần lễ cấp cao APEC năm 2017... Nhìn chung, các lễ hội, sự kiện tầm quốc tế đã tạo sức hút lớn cho thành phố Đà Nẵng trong thu hút nhà đầu tư, các đơn vị du lịch lữ hành, du khách quốc tế, góp phần đưa thành phố lên tầm quốc tế.

Năm 2019, có 39 đường bay quốc tế đến thành phố Đà Nẵng, với tần suất 496 chuyến/tuần, đến từ Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia... Đặc biệt, đường bay trực tiếp từ Thủ đô Doha của Qatar đến thành phố Đà Nẵng đã góp phần đưa thành phố Đà Nẵng đến gần hơn với các thị trường châu Âu, châu Mỹ, Trung Đông. Đến nay, thành phố Đà Nẵng đã phục hồi được 21 đường bay quốc tế, bằng 51,2% so với năm 2019, trong đó có 16 chặng bay trực tiếp đến thành phố Đà Nẵng(1). Như vậy, việc chậm khôi phục các đường bay quốc tế truyền thống gắn với các thị trường khách quốc tế tiềm năng khiến thành phố Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn trong đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế.  

Du lịch là phương tiện tuyên truyền, quảng bá hình ảnh thành phố Đà Nẵng về thành tựu phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, con người, phong tục tập quán, các danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử, các làng nghề truyền thống… Hiện nay, thành phố Đà Nẵng được biết đến là “thành phố đáng sống” của Việt Nam, thành phố của những sự kiện có tầm cỡ quốc tế và đạt được nhiều danh hiệu xuất sắc trong lĩnh vực du lịch. Đặc biệt, việc được chọn là thành phố trao giải thưởng World Travel Awards 2022 khu vực châu Á và châu Đại Dương, cũng như được vinh danh là điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á không chỉ tiếp tục khẳng định uy tín và đẳng cấp của thành phố Đà Nẵng mà còn ghi danh nước Việt Nam vào danh mục các điểm đến hiện đại, an toàn với nhiều sự kiện mang tầm quốc tế trên bản đồ du lịch toàn cầu. Nhiều thị trường khách quốc tế mới quan tâm đến thành phố Đà Nẵng; đồng thời, nhiều hãng hàng không quốc tế mở các đường bay trực tiếp đến thành phố Đà Nẵng, như Singapore Airlines, Korean Air, Air Asia, Qatar Airways. Bên cạnh đó, các thị trường trọng điểm khách quốc tế đến thành phố Đà Nẵng đều lần lượt đặt cơ quan đại diện lãnh sự tại thành phố Đà Nẵng để phục vụ nhu cầu của người dân sở tại đi tham quan, du lịch, như Tổng Lãnh sự Trung Quốc (tháng 10-2017), Tổng lãnh sự Hàn Quốc (tháng 11-2020), Tổng lãnh sự Nhật Bản (tháng 1-2022). Đây là những điều kiện thuận lợi, cơ hội quan trọng để thành phố Đà Nẵng tập trung xúc tiến, đẩy mạnh thu hút khách du lịch từ các thị trường này.

Về phát triển sản phẩm du lịch

Trong thời gian qua, các sản phẩm du lịch, dịch vụ của thành phố Đà Nẵng tiếp tục được nâng cấp, đổi mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, như: Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2024 (DIFF2024) được đầu tư chuyên nghiệp và đẳng cấp với thời gian lễ hội được kéo dài trong 2 tháng, tạo sự hấp dẫn du khách, đặc biệt là khách du lịch quốc tế có cơ hội trải nghiệm sự kiện này khi đến thăm thành phố Đà Nẵng; chương trình khai trương mùa du lịch biển, điểm hẹn mùa hè được mở rộng về quy mô, chất lượng, với nhiều hoạt động trải nghiệm như thể thao biển, teambuilding, biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực; Sun World Bà Nà Hills tổ chức lễ hội hoa Tulip đầu tiên tại Việt Nam, thường xuyên tổ chức và đổi mới nhiều show diễn đặc sắc, như “Vũ hội Ánh Dương”, “Vũ hội Nhật Nguyệt” và tiếp tục quảng bá, giới thiệu hình ảnh cầu Vàng…. Lễ hội ẩm thực quốc tế tổ chức lần đầu tiên tại thành phố Đà Nẵng với hoạt động biểu diễn nghệ thuật nấu ăn, thưởng thức ẩm thực đặc sắc đã tạo những trải nghiệm hấp dẫn cho du khách quốc tế.

Thành phố Đà Nẵng đã đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị, các công trình phục vụ dân sinh và tạo thuận lợi cho phát triển du lịch, như xây dựng các tuyến đường du lịch ven biển Nguyễn Tất Thành, đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa; nâng cấp khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, hệ thống các bãi tắm công cộng... Đặc biệt, một số công trình hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển du lịch được thành phố đầu tư mạnh mẽ và bước đầu đã hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách(2). Ngoài ra, thành phố Đà Nẵng thu hút được nhiều dự án có vốn đầu tư nước ngoài, nhiều nhà đầu tư chiến lược vào lĩnh vực du lịch, như công viên châu Á, công viên suối khoáng nóng núi Thần Tài, khu du lịch Bà Nà Hills, sân golf Bà Nà Hills, cung hội nghị quốc tế Ariyana và hàng loạt các khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp 5 sao ven biển của thành phố Đà Nẵng được quản lý bởi các tập đoàn quản lý khách sạn nổi tiếng thế giới, như Intercontinental, Hyatt, Marriott, Accor... Việc xuất hiện các thương hiệu mang tầm cỡ quốc tế này đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng sức hút du khách quốc tế, tăng tính chuyên nghiệp cho ngành du lịch thành phố Đà Nẵng. Đặc biệt, khách sạn InterContinental Sơn Trà đã được Tổ chức Du lịch thế giới trao tặng danh hiệu khu nghỉ dưỡng hàng đầu châu Á, đây có thể được xem như “Giải Oscar của ngành du lịch thế giới”; cầu Vàng tại Khu du lịch Bà Nà Hills tạo sức hút, hiệu ứng quảng bá thương hiệu du lịch thành phố Đà Nẵng ở tầm thế giới. Nhờ đó, thành phố Đà Nẵng thu hút mạnh mẽ du khách quốc tế, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố thời gian qua.

Hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành và cơ sở lưu trú

Thành phố Đà Nẵng hiện có 478 đơn vị kinh doanh lữ hành, trong đó có 104 công ty lữ hành nội địa, 294 công ty lữ hành quốc tế, 52 chi nhánh lữ hành quốc tế, 24 văn phòng đại diện và 8 đại lý du lịch và 5 văn phòng đại diện nước ngoài. Về cơ sở lưu trú, thành phố Đà Nẵng có 1.280 cơ sở lưu trú với 46.620 phòng(3). Tuy nhiên, bên cạnh các thương hiệu khách sạn nổi tiếng thế giới góp phần khẳng định chất lượng các cơ sở lưu trú tầm quốc tế cho thành phố Đà Nẵng, các doanh nghiệp lữ hành tại thành phố phần lớn có quy mô nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh chưa cao, nhiều doanh nghiệp lữ hành còn phụ thuộc vào các doanh nghiệp lớn ở thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hoặc phụ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài, có tiềm lực tài chính mạnh, kinh nghiệm hoạt động du lịch lâu năm. Thời gian qua, các doanh nghiệp lữ hành và lưu trú tại thành phố Đà Nẵng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 nên năng lực cạnh tranh bị giảm sút đáng kể. Đây cũng là vấn đề rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền địa phương nhằm nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.

Về nguồn nhân lực ngành du lịch

Năm 2023, thành phố Đà Nẵng có khoảng 50.700 lao động đang làm việc trong lĩnh vực du lịch, tăng 43,60% (tăng 15.394 người) so với cùng kỳ năm 2022 (tăng 16,2% so với cùng kỳ 2019, tương ứng tăng 7.086 người). Trong đó, lao động làm việc trong các cơ sở lưu trú du lịch là khoảng 25.200 người, khối nhà hàng là 8.630 người, khối lữ hành là 3.023 người, hướng dẫn viên du lịch là 5.576 người, khu điểm du lịch là 2.889 người,... và cán bộ, công chức quản lý nhà nước về du lịch là 262 người(4). Nhìn chung, nguồn nhân lực ngành du lịch thành phố Đà Nẵng đã có bước phát triển đáng kể về chất lượng, nhất là sau khi tổ chức thành công sự kiện Tuần lễ cấp cao APEC năm 2017; song cũng còn một số hạn chế như trong giao tiếp bằng ngoại ngữ, công nghệ thông tin, quản trị du lịch trung và cao cấp… Ngoài ra, các doanh nghiệp du lịch thành phố Đà Nẵng hiện đang đối mặt với nguy cơ “chảy máu chất xám”, trong đó nổi bật là lực lượng lao động lành nghề, những nhà quản lý giỏi ở các công ty trong nước hiện nay có xu hướng bị thu hút về các công ty du lịch nước ngoài do mức thu nhập cao và môi trường làm việc chuyên nghiệp. Như vậy, thành phố Đà Nẵng cần chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ lao động ngành du lịch bảo đảm chất lượng đạt chuẩn quốc tế.

Về hoạt động liên kết phát triển ngành du lịch

Hoạt động liên kết, hợp tác quốc tế của thành phố Đà Nẵng trong thời gian qua đã góp phần đáng kể trong nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của ngành du lịch thành phố Đà Nẵng. Các hoạt động liên kết, hợp tác với các quốc gia, như Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc, Nga, Mỹ và các nước Đông Nam Á đã hình thành mạng lưới các đường bay quốc tế trực tiếp đến thành phố Đà Nẵng. Các hãng hàng không lớn, như Korean Air, Silk Air, Air Asia, Asiana Airlines, Qatar Airways,… mở đường bay trực tiếp đến thành phố Đà Nẵng, tạo bước đột phá lớn cho thành phố Đà Nẵng trong đẩy mạnh thu hút du khách quốc tế, thuận lợi cho người dân thành phố Đà Nẵng đi du lịch nước ngoài.

Trong lĩnh vực du lịch, thành phố Đà Nẵng đã ký kết nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác với hơn 22 tỉnh, thành phố quốc tế, như Daegu, Changwon, Gyeongsan (Hàn Quốc); tỉnh Battambang (Campuchia); thành phố Pittsburgh (Hoa Kỳ); tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc); thành phố Thành Đô - tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc); thành phố Turku (Phần Lan), tỉnh Yaroslavl (Nga),… nhằm mục đích phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến, phát triển du lịch đa phương và song phương. Hoạt động liên kết, hợp tác phát triển ngành du lịch với các địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên, thành phố Đà Nẵng tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch “Ba địa phương - một điểm đến” hằng năm với tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế, qua đó tạo nguồn lực để gia tăng lực hút du khách quốc tế cho thành phố. Tuy nhiên, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng còn thiếu sự gắn kết chặt chẽ trong mô hình chuỗi giá trị; tính liên kết của ngành du lịch với các ngành khác để tạo ra chuỗi cung ứng dịch vụ cho du khách còn chưa vững chắc, do đó, hiệu quả và đóng góp của ngành du lịch còn khá hạn chế.

Đà Nẵng đón tham quan bằng đoàn tàu “Kết nối di sản miền Trung”_Ảnh: TTVN

Giải pháp nâng cao năng lực hội nhập quốc tế cho ngành du lịch thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới

Một là, tập trung đầu tư nguồn lực cho công tác xúc tiến, quảng bá, định vị thương hiệu và hình ảnh điểm đến thành phố Đà Nẵng lên tầm quốc tế. Công tác xúc tiến thời gian qua mặc dù đã đạt được những thành tựu tích cực, nhưng do nguồn lực cho lĩnh vực này còn thấp và bị phân tán, nên quy mô hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch thành phố Đà Nẵng ở nước ngoài còn hạn chế, chưa tạo được sức ảnh hưởng lớn đối với truyền thông và chưa tạo lực hút mạnh đối với thị trường khách du lịch mục tiêu. Do đó, thành phố Đà Nẵng cần ưu tiên tập trung các nguồn lực xã hội để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch quốc tế theo hướng chuyên nghiệp, đúng định hướng thị trường, mục tiêu và bảo đảm tính hiệu quả. Trong đó, cần đẩy mạnh quảng bá du lịch thành phố Đà Nẵng tại các thị trường mục tiêu và có tiềm năng lớn. Đồng thời, cần tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch trong hỗ trợ tài chính cho các hoạt động xúc tiến, quảng bá khách du lịch quốc tế trên địa bàn.

Hai là, nghiên cứu và mở rộng thị trường khách quốc tế nhằm đa dạng thị trường khách du lịch quốc tế đến thành phố Đà Nẵng, tránh tình trạng quá phụ thuộc vào thị trường khách du lịch Hàn Quốc và Trung Quốc như trong thời gian qua. Trong đó, thành phố Đà Nẵng cần tập trung vào các thị trường tiềm năng, như: Nhật Bản, Úc, Trung Đông, Ấn Độ, Nga, châu Âu... Xúc tiến kết nối lại các đường bay bị dừng khai thác do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; mở các đường bay mới đến các thị trường tiềm năng, như Nga, Úc, Trung Đông để khai thác các thị trường khách có mức chi tiêu cao. Đặc biệt, cần chú trọng mở các đường bay đến những sân bay quốc tế lớn, là đầu mối trung chuyển khách du lịch cho các khu vực trên thế giới.

Ba là, tập trung xây dựng một số sản phẩm du lịch có chất lượng cao, khác biệt để tạo điểm nhấn phục vụ nhu cầu du khách quốc tế. Đặc biệt, cần quan tâm phát triển các sản phẩm dịch vụ vui chơi, giải trí về đêm để phục vụ nhu cầu khách du lịch quốc tế. Ngoài ra, thành phố Đà Nẵng cần chú trọng nghiên cứu và phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa địa phương và vùng Trung Bộ để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch phục vụ du khách quốc tế.

Bốn là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển ngành du lịch. Thành phố Đà Nẵng cần chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin để thúc đẩy loại hình du lịch trực tuyến (E-Marketing), du lịch thông minh để tối đa hóa sự tiện dụng cho du khách trong thực hiện trải nghiệm du lịch tại thành phố Đà Nẵng và vùng lân cận. Đây là xu hướng du lịch mới, đòi hỏi thành phố cần có những giải pháp căn cơ để nắm bắt cơ hội này, nhất là các cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng thông tin công phục vụ miễn phí cho du khách (như lắp đặt và vận hành hệ thống phát sóng wifi miễn phí trong toàn thành phố), hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Năm là, chú trọng phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch bảo đảm tiêu chuẩn quốc tế. Thành phố Đà Nẵng cần xây dựng cơ chế, chính sách nhằm phát triển đội ngũ nhân lực nòng cốt cho ngành du lịch. Trong đó, chú trọng đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng ngoại ngữ, năng lực giao tiếp, tác phong làm việc chuyên nghiệp mang tầm quốc tế cho đội ngũ lễ tân, hướng dẫn viên du lịch, quản lý cơ sở lữ hành, khách sạn, điểm đến du lịch. Trong đó, chú trọng phát triển mối liên kết giữa nhà trường - doanh nghiệp - chính quyền trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành du lịch thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới.

Sáu là, tiếp tục giữ gìn môi trường du lịch thành phố Đà Nẵng theo hướng an toàn, thân thiện và mến khách. Tuyên truyền và có chế tài xử lý dứt điểm tình trạng đeo bám, chèo kéo khách du lịch, bán hàng rong, ăn xin,…; quản lý chặt chẽ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và giá cả dịch vụ trong các cơ sở kinh doanh ăn uống và lưu trú; xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường tại các điểm du lịch, bãi biển, các khu vui chơi công cộng./.

-------------------------

(1) Bao gồm: Incheon, Daegu, Muan, Busan, Cheongju (Hàn Quốc); Bangkok, Chiangmai (Thái Lan); Kuala Lumpur (Malaysia), Singapore, Siêm Riệp (Campuchia), New Delhi, Mumbai, Ahmedabad (Ấn Độ), Đài Bắc và Cao Hùng (Đài Loan - Trung Quốc), Hongkong
(2) Như: cầu sông Hàn có thể xoay, cầu Rồng phun lửa, phun nước vào các tối thứ bảy và chủ nhật hằng tuần; các cây cầu như Trần Thị Lý, cầu Thuận Phước được trang trí hệ thống điện chiếu sáng lung linh, huyền ảo về đêm…
(3) Theo Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng (thống kê năm 2023): khách sạn 5 sao và tương đương có 33 khách sạn với 9.551 phòng; khách sạn 4 sao và tương đương có 69 khách sạn với 9.668 phòng; khách sạn 3 sao và tương đương có 114 khách sạn với 8.449 phòng, còn lại là khách sạn 2 sao, 1 sao và tương đương, căn bộ, biệt thự du lịch, nhà nghỉ du lịch, homestay, bãi cắm trại du lịch
(4) Nguồn: Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng