Bài học kết hợp “vừa đánh, vừa đàm” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
TCCS - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, bài học truyền thống “vừa đánh, vừa đàm” đã được phát huy một cách chủ động, sáng tạo, thể hiện đỉnh cao nghệ thuật lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau nửa thế kỷ kể từ khi ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (ngày 27-1-1973), có thể nhìn nhận thấu đáo hơn một tiến trình lịch sử đặc biệt cùng những bài học kinh nghiệm quý báu cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Tầm nhìn chiến lược và lựa chọn cán bộ lãnh đạo
Một ngày sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo: “Chiến thắng Pháp rồi, phải nhớ trước mặt ta còn có kẻ địch hùng mạnh hơn, hung ác hơn, đó là đế quốc Mỹ”(1). Là “Tổng công trình sư” của cuộc kháng chiến, Người đã căn dặn: “Đối với Mỹ, ta có cách chủ động để đi tới cho nó rút ra, vì rất phức tạp. Một tay đánh, một tay mở cho nó ra, trước cửa cần có rèm chống”(2). Đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất của Đảng, cũng đã cân nhắc kỹ về cơ hội chiến thắng và khả năng đàm phán của ta: “Hiện nay, cách mạng miền Nam đang ở giai đoạn đầu… Đế quốc Mỹ phải thua nhưng có thể thua đến mức nào, ta phải thắng nhưng có thể thắng đến mức nào; đó là điều phải tính toán, đo lường cho chuẩn xác… Đế quốc Mỹ ngày càng sa lầy trong một cuộc chiến tranh kéo dài không có đường ra. Do đó, “Trong đàm phán nếu ta đưa ra yêu cầu có mức độ, làm cho địch thấy rằng, tuy phải thua, nhưng thua ở một mức có thể chịu được, một mức thua chưa đẩy địch vào tình thế nguy khốn, thì chúng cũng phải chịu thua. Đề ra những mục tiêu cơ bản của cách mạng miền Nam trong Cương lĩnh của Mặt trận dân tộc giải phóng, chúng ta đã tính đến mức độ cần thiết mà ta có thể thắng, địch có thể thua.”(3). Sau khi có quyết sách chiến lược rõ ràng, để kết hợp “vừa đánh, vừa đàm”, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “đi trước một bước” để lựa chọn và bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở chiến trường và mặt trận ngoại giao.
Một là, vào ngày 31-8-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Ngay sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ (tháng 8-1964), từ ngày 25 đến ngày 26-9-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về cách mạng miền Nam và chỉ đạo: “Miền Nam phải mở rộng chiến tranh du kích, xây dựng chủ lực thành quả đấm mạnh, gọn, nhanh. Hai năm qua chưa tăng cường Ủy viên Bộ Chính trị cho miền Nam, nay tình hình cấp bách không đi không được”(4). Tháng 10-1964, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã được cử làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam và Chính ủy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Cùng vào chiến trường lần này còn có một số cán bộ cao cấp quân đội với quyết tâm chiến lược và kinh nghiệm chỉ huy phong phú, như các đồng chí Lê Trọng Tấn, Nguyễn Hòa, Hoàng Cầm, Trần Văn Phác,… Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và đoàn cán bộ trước khi lên đường vào Nam công tác: “Đánh Pháp đã khó, đánh Mỹ còn khó hơn. Đảng và Chính phủ giao cho các chú vào trong đó cùng với đồng bào miền Nam đánh Mỹ cho kỳ được thắng lợi. Gặp đồng bào thì nói: Bác Hồ luôn luôn nghĩ đến đồng bào miền Nam”(5). Ngày 3-3-1965, Đoàn cán bộ chiến lược của ta đã kịp thời tới chiến trường trước khi Mỹ đưa quân vào Đà Nẵng.
Hai là, năm 1962, đồng chí Nguyễn Thị Bình được cử trở lại miền Nam giữ chức vụ Ủy viên Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và tới năm 1969 được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris. Tháng 4-1963, đồng chí Xuân Thủy đã được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ ngoại giao (tới tháng 3-1965) và từ năm 1968 được bầu vào Ban Bí thư và là Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris. Đồng chí Phùng Thế Tài được cử giữ chức Tư lệnh Bộ Tư lệnh Phòng không năm 1962 và Tư lệnh Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân được thành lập năm 1963.
Ba là, ngày 1-4-1965, đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Nguyễn Duy Trinh đã được cử làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và từ năm 1968 là Thường trực của “Tiểu ban Việt Nam - CP.50” do Bộ Chính trị quyết định thành lập và trực tiếp lãnh đạo. CP.50 làm công tác nghiên cứu các phương án đấu tranh giúp Bộ Chính trị chỉ đạo đàm phán ở Hội nghị Paris.
Bốn là, cuối năm 1965, nhận lời mời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang Pháp. Mục đích của chuyến đi nhằm vận động dư luận Pháp và dư luận quốc tế lên án sự xâm lược của đế quốc Mỹ và ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên là đồng chí Lê Đức Thọ và một số đồng chí khác đã tới Paris “tiền trạm” trước khi ta mở mặt trận ngoại giao. Có thể thấy rằng, đối ngoại Đảng đã đi trước một bước. Tháng 2-1968, đồng chí Lê Đức Thọ được cử làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam (đồng chí đã làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam từ năm 1952 đến năm 1954). Tháng 5-1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư đề nghị Bộ Chính trị điều đồng chí Lê Đức Thọ ra Hà Nội và tháng 6-1968 sang Paris làm Cố vấn đặc biệt của Đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đồng chí Lê Đức Thọ là đại diện toàn quyền của Chính phủ Việt Nam đối với tất cả các cơ quan và các phái đoàn chính thức của ta, cũng như các tổ chức thuộc lực lượng kháng chiến hai miền Nam - Bắc Việt Nam tham gia đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Paris.
Tầm nhìn vượt trước, sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn trong việc sớm lựa chọn, thử thách và bố trí đúng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt ngang tầm là nhân tố quyết định thành công của phương thức kết hợp “vừa đánh, vừa đàm” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Đánh thắng để buộc Mỹ phải đàm
Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước khi Mỹ đưa quân vào miền Nam, tháng 1-1965, Hội nghị Trung ương Cục miền Nam lần thứ ba họp, dự báo đúng tình hình, khẳng định lập trường tư tưởng và xác định quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược: “Địch có thể đưa thêm 130.000 quân vào miền Nam, nên cần chuẩn bị tư tưởng thật vững vàng trong tình thế quyết thắng giặc Mỹ. Chống các loại tư tưởng ngán Mỹ, sợ Mỹ và sợ lâu dài ác liệt, ảo tưởng hòa bình” (6). Từ chiến thắng tiêu diệt một đại đội Mỹ ở Núi Thành, Quảng Nam (tháng 5-1965) đến chiến thắng một tiểu đoàn Mỹ ở Vạn Tường, Quảng Ngãi (tháng 8-1965), Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đúc kết phương châm quân sự độc đáo “Nắm thắt lưng địch mà đánh”. Nhờ vậy, ta đã tiêu diệt được cả tiểu đoàn Mỹ ở Đất Cuốc, Phước Thành vào tháng 11-1965 và làm thiệt hại nặng 2 sư đoàn cơ động của Mỹ ở Plây-me, Bầu Bàng vào tháng 10-1965. Từ những chiến thắng quan trọng này và chiến công bắn hạ 700 máy bay Mỹ ở miền Bắc (tính tới tháng 10-1965), trong phiên họp bế mạc Hội nghị lần thứ 12 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào ngày 27-12-1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Qua những ý kiến của các đồng chí đã phát biểu ở hội nghị, thấy nổi bật hai điểm quan trọng:
- Ta quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược;
- Ta nhất định thắng”(7).
Những thắng lợi to lớn liên tiếp trên cả hai miền Nam, Bắc trong năm 1966 là cơ sở thực tiễn quyết định để Hội nghị Trung ương lần thứ 13 (tháng 1-1967) ban hành Nghị quyết “Về đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao, chủ động tiến công địch, phục vụ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta”. Trong “Thư trả lời Tổng thống Mỹ Johnson” đăng trên Báo Nhân dân ngày 22-3-1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhân dân Việt Nam quyết không khuất phục trước vũ lực và quyết không nói chuyện trước sự đe dọa của bom đạn”(8).
Để tạo cơ sở cho đấu tranh ngoại giao, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị xúc tiến kế hoạch mở một cuộc tiến công chiến lược ở chiến trường miền Nam nhằm “giáng cho chúng những đòn tiến công sấm sét làm thay đổi cục diện chiến tranh, làm lung lay hơn nữa ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải thay đổi chiến lược, phải xuống thang chiến tranh”(9). Sau khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mất vào ngày 6-7-1967, đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Phạm Hùng được cử làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam kiêm Chính ủy Quân Giải phóng. Năm 1967, quân và dân ta ở miền Bắc đã bắn hạ hơn 1.000 máy bay Mỹ, trong đó có 4 máy bay B-52. Ngày 28-12-1967, Bộ Chính trị đã họp và ra Nghị quyết “Về tình hình và nhiệm vụ cách mạng miền Nam”, quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968. Trong cuộc họp lịch sử này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Kế hoạch phải thật tỷ mỉ; hợp đồng phải thật ăn khớp; bí mật phải thật tuyệt đối; hành động phải thật kiên quyết; cán bộ phải thật gương mẫu” (10). Nghị quyết này của Bộ Chính trị sau đó được Hội nghị Trung ương lần thứ 14 thông qua và trở thành Nghị quyết của Hội nghị.
Thắng lợi to lớn của cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968 đã làm nhụt ý chí xâm lược của quân Mỹ và làm đảo lộn thế chiến lược của chúng trên chiến trường. Đêm 31-3-1968, Tổng thống Mỹ B. Johnson buộc phải đơn phương tuyên bố chấm dứt vai trò chiến đấu trực tiếp của quân đội Mỹ trên chiến trường miền Nam và trao trả trách nhiệm cho quân đội Sài Gòn, ngừng toàn bộ hành động không quân và hải quân chống Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chấm dứt ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và sẵn sàng cử đại diện đàm phán với phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cuộc tiến công lần thứ hai của quân ta bắt đầu vào đêm mồng 4, rạng sáng ngày 5-5-1968 và tám ngày sau, vào ngày 13-5-1968, phiên họp công khai đầu tiên giữa phái đoàn Mỹ với phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được khai mạc tại Hội trường Kléber, Thủ đô Paris, Pháp.
Ngày 21-8-1968, bốn ngày sau khi ta mở cuộc tiến công lần thứ ba (ngày 17-8-1968), phía Mỹ ngỏ ý muốn có cuộc tiếp xúc cấp cao và phía ta chấp nhận. Tới thời điểm này, hai bên đã có 18 phiên họp công khai và 4 cuộc tiếp xúc riêng cấp Phó Đoàn.
Kết hợp “vừa đánh, vừa đàm” buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định
Thành công đầu tiên của Đoàn đàm phán của ta ở Paris là đã chủ động kiến nghị với Bộ Chính trị điều chỉnh yêu cầu đối với đối phương, nhờ vậy tranh thủ được thời gian để ngày 31-10-1968, kịp đi tới thỏa thuận về việc Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc vô điều kiện và tiến hành họp bốn bên. Thắng lợi này là sự ủng hộ mạnh mẽ cho chiến trường miền Nam khi đó đang gặp khó khăn sau “màn ba” của cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân. Như vậy, ngoại giao đã trở thành một mặt trận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, đã được khẳng định trong Nghị quyết của Bộ Chính trị tháng 4-1969. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn gánh vác trách nhiệm lãnh đạo cuộc đàm phán.
Trong gần ba năm đàm phán, Mỹ luôn đưa ra yêu cầu muốn cả hai bên phải cùng rút quân. Cho đến ngày 11-10-1971, phía Mỹ mới không còn nêu vấn đề quân miền Bắc. Trong giai đoạn này, để hậu thuẫn cho đấu tranh ngoại giao, ta tập trung đẩy mạnh tiến công quân sự, làm thất bại cuộc tấn công của địch ở Mỏ Vẹt, Campuchia (tháng 4-1970) và làm phá sản cuộc hành quân Lam Sơn 719 sang Đường 9 Nam Lào (tháng 2-1971).
Sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ R. Nixon vào tháng 2-1972, ngày 22-3-1972, Mỹ tuyên bố tạm ngừng Hội nghị Paris vô điều kiện với hy vọng dùng tác động bên ngoài để tạo sức ép với ta. Ngày 30-3-1972, quân giải phóng miền Nam mở chiến dịch Xuân Hè tấn công địch từ Quảng Trị đến Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Ngày 6-4-1972, Mỹ quay trở lại tiếp tục ném bom miền Bắc Việt Nam. Tháng 5-1972, Tổng thống Mỹ R. Nixon thăm Mát-xcơ-va (Nga) và đưa ra gợi ý rằng Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ có thể tới Bắc Kinh (Trung Quốc) hoặc Mát-xcơ-va để có cuộc bàn thảo với H. Kissinger. Tuy nhiên, phía ta đều nhã nhặn từ chối và buộc Mỹ phải tiếp tục đàm phán trực tiếp với ta ở Paris.
Ngày 28-6-1972, khi đàm phán riêng được nối lại, đồng chí Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ đã trực tiếp nói với H. Kissinger: “Trong một ván cờ, quyết định thắng bại phải là người trong cuộc, không có cách nào khác. Chúng tôi độc lập giải quyết vấn đề của chúng tôi” (11). Ngày 8-10-1972, trong cuộc gặp riêng, đồng chí Lê Đức Thọ đã trao cho H. Kissinger bản “Dự thảo Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”. Ngày 20-10-1972, trong thông điệp gửi Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng thống Mỹ R. Nixon xác nhận “văn bản Hiệp định coi như đã hoàn thành” và cam kết Hiệp định sẽ được chính thức ký kết vào ngày 31-10-1972 tại Paris. Tuy nhiên, từ tối ngày 18 đến ngày 30-12-1972, phía Mỹ đã “lật lọng” và tiến hành chiến dịch Linebacker II không kích Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và nhiều địa phương ở miền Bắc bằng máy bay chiến đấu B-52 liên tục trong 12 ngày đêm nhằm ép ta ký kết Hiệp định Paris theo những sửa đổi của Mỹ. Nhưng rốt cuộc, Mỹ đã thất bại thảm hại trong trận “Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ phải quay lại bàn đàm phán, đúng như dự báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Mỹ chỉ chịu thua Việt Nam sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam chính thức được ký kết với nội dung cơ bản như dự thảo của ta đưa ra hồi tháng 10-1972. Với thắng lợi ngoại giao này, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Đánh cho Mỹ cút” đã được thực hiện để sau đó, ta tiếp tục “Đánh cho ngụy nhào” trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975 với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Một số bài học kinh nghiệm
Từ tiến trình lịch sử của quá trình kết hợp “vừa đánh, vừa đàm” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có thể rút ra một số bài học:
Một là, vai trò quyết định thuộc về người đứng đầu có tư duy chiến lược vượt trội. Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Lê Duẩn đã có những dự đoán sắc bén, xác định lộ trình chiến lược đúng đắn, kết hợp phương thức “vừa đánh, vừa đàm” từ trước khi Mỹ đưa quân vào miền Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã khẳng định: “Ta có Bác Hồ, có đồng chí Tổng Bí thư, có Bộ Chính trị làm Bộ Tham mưu tối cao nhất của phong trào miền Nam” (12).
Hai là, sau khi có quyết sách chiến lược chi tiết, cần ưu tiên lựa chọn và bố trí cán bộ lãnh đạo ngang tầm. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã chỉ đạo các trận đánh mở đường chiến thắng đế quốc Mỹ xâm lược ở miền Nam. Đồng chí Phùng Thế Tài đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Bác Hồ giao: nghiên cứu B-52 từ 1962, đánh B-52 từ 1966 và chuẩn bị hạ B-52 trên bầu trời Hà Nội từ 1967. Đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã cùng với CP.50 giúp Bộ Chính trị chỉ đạo đàm phán sát sao. Lãnh đạo hai đoàn đàm phán không chỉ có tinh thần cách mạng tiến công, ý thức kỷ luật mà còn có tầm tư duy chiến lược, bản lĩnh vững vàng và phương pháp sáng tạo, linh hoạt (13). H. Kissinger đã phải thừa nhận rằng, Cố vấn Lê Đức Thọ “như một nhà phẫu thuật lành nghề”, “phục vụ lý tưởng một cách khéo léo và tận tụy”. Bên cạnh đó, tham gia hai đoàn đàm phán ở Paris đều là những cán bộ ưu tú được lựa chọn từ các ngành ngoại giao, quân sự, thông tin - báo chí... Đó là một “binh chủng hợp thành” đặc biệt, đoàn kết, gắn bó, tận tâm, tận lực, đều mang trong mình đủ trí tuệ, bản lĩnh, văn hóa chính trị, năng lực và nghiệp vụ để đàm phán với phái đoàn Mỹ. Hai đoàn của ta “tuy hai nhưng là một và một lại là hai”. “Bộ ba” Lê Đức Thọ - Xuân Thủy - Nguyễn Thị Bình và “bộ ba” Lê Đức Thọ - Xuân Thủy - Nguyễn Cơ Thạch đã phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả ở mặt trận ngoại giao. Chính H. Kissinger sau này cũng phải thừa nhận: “Khi họ đối diện với người đại diện của cường quốc hùng mạnh nhất thế giới, họ tỏ ra tinh tế, kỷ luật và kiên nhẫn biết bao”(14).
Ba là, cần bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng trong quá trình hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại. Cuộc đàm phán Paris là một công việc quan trọng hàng đầu được Bộ Chính trị chỉ đạo sát sao. Khi cần thiết, đồng chí lãnh đạo Đoàn đàm phán có thể về nước báo cáo, trình bày ý kiến và tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị(15).
Bốn là, phải bám sát thực tiễn trong nước và quốc tế để hoạch định, triển khai đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước một cách hiệu quả. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 12 (tháng 12-1965) về quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 13 (tháng 1-1967) về mở mặt trận ngoại giao kết hợp đánh với đàm đều là thành quả khái quát từ lý luận đến thực tiễn trong chiến trường cả trên hai miền Nam, Bắc và kinh nghiệm quốc tế. Từ bài học này, có thể thấy, chỉ có bám sát thực tiễn trên cả hai bình diện trong nước và quốc tế thì mới có thể dự báo chính xác tình hình, làm cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối và chính sách của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược đến năm 2045 và khắc phục các hạn chế mà Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra về hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế có lúc chưa theo kịp diễn biến tình hình, chưa lường hết được những diễn biến bất lợi.
Năm là, độc lập tự chủ gắn liền với đoàn kết quốc tế là điều kiện tiên quyết để kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Ta đã độc lập tự chủ, chủ động mở đầu đánh và đàm, và cũng chủ động kết thúc đàm và đánh. Nhờ vậy, đã hình thành được mặt trận thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ, cứu nước, tranh thủ tối đa sự ủng hộ và giúp đỡ quốc tế, đồng thời phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của đất nước ở cả hai miền Nam, Bắc.
Sáu là, phát huy thực lực ngoại giao. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, “chiêng có to thì tiếng mới lớn”, có nghĩa rằng, chúng ta phải nỗ lực xây dựng thực lực vững mạnh toàn diện về kinh tế, quốc phòng, an ninh, khoa học - công nghệ và văn hóa thì mới có thể hỗ trợ mạnh mẽ các hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân hiện nay.
Bảy là, đấu tranh ngoại giao là một hoạt động mang tính khoa học và nghệ thuật “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Khoa học và nghệ thuật này có nghĩa là phải hiểu rõ thực lực giữa ta và đối phương; phải nắm vững tình hình nội bộ, biết rõ chiến lược, sách lược và âm mưu của đối phương; phải dự tính đường đi, nước bước một cách khéo léo, linh hoạt, chính xác và cần nắm vững thời cơ. Khoa học và nghệ thuật đàm phán đòi hỏi phải biết giành thắng lợi ở từng phần và phải biết “ngả bài đúng lúc”; quán triệt sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dùng lối nói chuyện thì phải nhân nhượng nhau đúng mức” (16). Có như vậy, đối ngoại và ngoại giao mới giúp xây dựng đất nước vững mạnh và bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa trong mọi tình thế biến đổi khôn lường của thời cuộc./.
----------------------------
(1) Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Những mốc son lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr. 557
(2) Sự nghiệp và tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995, tr. 223
(3), (9) Lê Duẩn: Thư vào Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 30 32, 44 - 45, 185
(4), (5), (6), (10) Trịnh Nhu (chủ biên): Lịch sử biên niên Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954 - 1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr. 561, 562, 589, 746
(7) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, t. 26, tr. 652 - 653
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t. 12, tr. 232
(11), (13) Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 423, 415
(12) Nguyễn Văn Linh: “Thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân Việt Nam” in trong sách: Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Những mốc son lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr. 531
(14) Xem Lưu Văn Lợi - Nguyễn Anh Vũ: Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1996, tr. 329
(15), (16) Bộ Ngoại giao: Mặt trận Ngoại giao với cuộc đàm phán Paris về Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 409, 408
Ý nghĩa của Hiệp định Paris đối với việc tạo dựng hình ảnh, vị thế quốc gia trong quan hệ với các nước lớn  (12/03/2023)
Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam thăm, làm việc tại Venezuela  (12/02/2023)
Dấu ấn của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh trong quá trình đàm phán ký kết Hiệp định Paris năm 1973  (01/02/2023)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam