Tuổi trẻ Việt Nam - Trung Quốc với sứ mệnh xây dựng hình ảnh quốc gia

Hoàng Thị Hạnh Trang
Đại học Nhân dân Trung Quốc
16:33, ngày 25-12-2022

TCCS - Việt Nam - Trung Quốc là hai nước láng giềng có truyền thống hữu nghị lâu đời với nhiều nét tương đồng về lịch sử phát triển, chế độ chính trị, cũng như văn hóa, xã hội. Trải qua bao thăng trầm với sự dày công vun đắp của các thế hệ đi trước, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ thanh niên không ngừng được củng cố và phát triển. Việc vun đắp và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống ngày càng được các cấp lãnh đạo hai nước đặc biệt quan tâm, trong đó bao gồm công tác xây dựng hình ảnh quốc gia của Việt Nam và Trung Quốc với “chất xúc tác” là thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.

Đại biểu thanh niên hai nước Việt Nam - Trung Quốc tại Lễ Khởi động Liên hoan Thanh niên Việt Nam - Trung Quốc lần thứ III_Ảnh: doanthanhnien.vn

Khái quát chung về hình ảnh quốc gia và tầm quan trọng của giao lưu văn hóa đối với việc xây dựng hình ảnh quốc gia

Hình ảnh quốc gia là những ấn tượng, đánh giá tổng thể và cụ thể của bạn bè quốc tế về một quốc gia, bao gồm chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, địa lý…(1). Hình ảnh quốc gia thể hiện sức mạnh tổng hợp cũng như tinh thần dân tộc của quốc gia và là giá trị cốt lõi trong “sức mạnh mềm” của quốc gia đó. Các yếu tố chủ yếu quyết định mức độ tích cực hay tiêu cực của hình ảnh quốc gia bao gồm: sức mạnh tổng hợp của quốc gia (gồm “sức mạnh cứng” và “sức mạnh mềm”), lòng tự tin về văn hóa dân tộc của người dân và năng lực xây dựng, tuyên truyền hình ảnh quốc gia một cách chủ động, có ý thức của chính phủ quốc gia đó.

Thời đại ngày nay, hình ảnh quốc gia có vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích quốc gia, đất nước. Về đối ngoại, hình ảnh quốc gia tích cực góp phần tạo dựng môi trường và bối cảnh quốc tế có lợi cho sự phát triển, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước, làm cho đất nước ngày càng có tiếng nói và sức ảnh hưởng trong cộng đồng quốc tế; đồng thời có tác dụng “thêm bạn bớt thù”, thu phục lòng người, thắt chặt quan hệ hữu nghị với nước khác, loại trừ các tư tưởng và hành vi thù địch, bôi nhọ. Thông qua việc tạo dựng hình ảnh tích cực sẽ tăng cường khả năng hội nhập và cạnh tranh của quốc gia trong môi trường kinh tế quốc tế. Về đối nội, hình ảnh quốc gia có sức gắn kết dân tộc, giúp đoàn kết các tầng lớp nhân dân, hình thành nhận thức chung của toàn dân tộc, khơi dậy lòng yêu nước và tự tôn dân tộc của người dân. Đây cũng là nguồn cảm hứng thôi thúc người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ tìm hiểu, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, từ đó xây dựng và củng cố lòng tự tin văn hóa.

Trong quan hệ quốc tế, giao lưu văn hóa luôn là một bộ phận quan trọng không thể tách rời và là một trong ba nguồn động lực chính thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa các quốc gia, cùng với hợp tác chính trị - an ninh và hợp tác kinh tế - thương mại (2). Mục đích của giao lưu văn hóa là nâng cao sự hiểu biết giữa nhân dân các nước, qua đó thúc đẩy những nhận thức chung về văn hóa và hệ giá trị của khu vực nhằm đạt tới sự ủng hộ và đồng nhất về tính chính danh chính trị trong khu vực (3). Giao lưu văn hóa thường được triển khai dưới nhiều hình thức đa dạng. Xét từ bản chất, giao lưu văn hóa có chủ thể thực hiện là nhân dân và nội hàm cốt lõi là văn hóa.

Đặc trưng vốn có của giao lưu văn hóa là tính hai chiều, tức là vừa truyền tải, vừa tiếp nhận diễn ra giữa chủ thể của quá trình giao lưu là nhân dân các nước; đồng thời, là sự trao đổi qua lại về những nội dung của nội hàm văn hóa như ngôn ngữ, phong tục, tư tưởng,... Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, người dân các nước có điều kiện giao lưu một cách tự do, bởi vậy, việc truyền tải và tiếp nhận thông tin hai chiều nói trên là tất yếu và không thể thiếu trong công tác xây dựng hình ảnh giữa các quốc gia.

Với những nội dung và tính chất như vậy, giao lưu văn hóa là một phương thức quan trọng để xây dựng hình ảnh quốc gia. Trong quá trình xây dựng hình ảnh quốc gia giữa hai nước, những trở ngại khi truyền tải và tiếp nhận thông tin thường bắt nguồn từ sự xa cách hay lạ lẫm về bối cảnh văn hóa, phong tục, tập quán, môi trường ngôn ngữ... Những yếu tố này cũng là cơ sở để mở rộng không gian chung, tăng cường nhận thức chung giữa hai phía, vì thế, mức độ tương tác hai chiều của văn hóa ảnh hưởng đến nhận thức về nhau của cả hai phía truyền tải và tiếp nhận (4). Thông qua quá trình giao lưu, trao đổi qua lại một cách tự nhiên giữa các chủ thể thuộc các quốc gia và nền văn hóa khác nhau, những tình cảm chân thành của người dân cũng như những giá trị văn hóa đặc sắc của các nước được lan tỏa sâu rộng, gần gũi với đời sống, dễ dàng đi vào lòng người và tạo nên sự đồng cảm, thấu hiểu hơn so với các phương diện chính trị, an ninh, kinh tế, thương mại.

Chính vì vậy, tự cổ chí kim, mấu chốt của quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa các quốc gia, dân tộc là sự gần gũi, thân thiết của nhân dân, mà tiền đề là sự thấu hiểu, gắn kết lòng dân. Tuy nhiên, điều này chưa thực sự đạt đến trạng thái lý tưởng giữa người dân Việt Nam và Trung Quốc. Hình ảnh quốc gia và sự tương thông, thấu hiểu giữa người dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc còn tồn tại một số hạn chế cần được cải thiện.

Vị trí, vai trò của thanh niên trong công tác gắn kết lòng dân và xây dựng hình ảnh quốc gia Việt Nam - Trung Quốc

Thực tiễn cho thấy, những tồn tại nêu trên có thể được soi chiếu cụ thể từ góc độ giao lưu văn hóa giữa thanh niên hai nước. Những năm gần đây, ngành công nghiệp văn hóa, giải trí của Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, các sản phẩm giải trí không chỉ phát triển ở thị trường Việt Nam mà nhiều “ngôi sao” giải trí Trung Quốc cũng có lượng người hâm mộ đông đảo tại Việt Nam. Đi kèm với xu thế này là hiện tượng các nội dung có xuất xứ hoặc có liên quan đến tiếng Trung Quốc và văn hóa Trung Quốc xuất hiện khá nhiều trên không gian mạng và trong cộng đồng giới trẻ Việt Nam. Điều này giúp ích cho việc quảng bá văn hóa Trung Quốc tại Việt Nam và tạo cơ hội để thanh niên Việt Nam hiểu hơn về Trung Quốc. Tuy vậy, một số vấn đề như sự hâm mộ có phần thái quá hay thói quen tư duy, phiên dịch và sử dụng ngôn ngữ thiếu chính xác từ tiếng Trung của một bộ phận giới trẻ Việt Nam lại gây ra những tác dụng ngược cho quá trình giao lưu của thanh niên hai nước. Tại Việt Nam, ngành công nghiệp văn hóa, giải trí mới bước đầu phát triển, chưa tạo được dấu ấn đáng kể trên thị trường quốc tế; chính sách về xây dựng và quảng bá hình ảnh quốc gia chưa được hoạch định bài bản. Vì vậy, hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế nói chung vẫn chưa có nhiều điểm nhấn đặc biệt để thu hút sự quan tâm và mong muốn tìm hiểu, có người mới chỉ biết đến một Việt Nam chìm trong bom đạn chiến tranh từ nhiều thập niên về trước.

Trước tình hình đó, công tác giao lưu văn hóa giữa thanh niên hai nước Việt Nam - Trung Quốc chính là một trong những chìa khóa quan trọng để nâng cao nhận thức của người dân về hình ảnh quốc gia của mỗi nước. Bản chất vốn có của giao lưu văn hóa là tính tương tác hai chiều, có tác dụng thúc đẩy sự đối thoại về văn hóa, gắn kết lòng dân, từ đó giúp thay đổi nhận thức không đầy đủ về hình ảnh của nhau (5). Điều này được nhân lên nhiều lần khi đối tượng tiến hành giao lưu là thế hệ trẻ. Theo số liệu điều tra khảo sát “Hình ảnh của các nước láng giềng trong mắt người dân Trung Quốc” năm 2017 - 2018, với độ tuổi người tham gia khảo sát (18 tuổi trở lên), người dân Trung Quốc ở độ tuổi 18 - 29 có nhiều thiện cảm nhất đối với Việt Nam, tiếp đó là độ tuổi 30 - 39 và mức độ giảm dần theo độ tuổi tăng dần của người dân (6).

Trong các văn kiện song phương quan trọng giữa hai Đảng, hai Nhà nước những năm vừa qua như Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc các năm 2013, 2015 và 2017, công tác giao lưu văn hóa trong thanh niên luôn là một nội dung chính được nhấn mạnh. Thông cáo chung Việt Nam - Trung Quốc ngày 14-1-2017 nêu rõ: “Thúc đẩy giao lưu sôi động, gắn kết mật thiết giữa nhân dân hai nước, đặc biệt là giữa thế hệ trẻ thông qua các hình thức linh hoạt, đa dạng nhằm tăng cường hiểu biết và tình hữu nghị giữa hai bên” (7). Tháng 11-2017, bài viết Mở ra cục diện mới hữu nghị Trung - Việt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đăng trên Báo Nhân dân trước thềm chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam nhấn mạnh: “Mở rộng giao lưu, củng cố nền tảng mới tương thân, tương ái giữa nhân dân. Chúng ta cần tôn vinh tình hữu nghị truyền thống, thúc đẩy giao lưu nhân văn, mật thiết hợp tác về văn hóa, giáo dục, du lịch, thanh niên, báo chí, kể tốt câu chuyện của Trung Quốc và câu chuyện của Việt Nam, để tình hữu nghị Trung - Việt ăn sâu bén rễ trong nhân dân, truyền từ đời này sang đời khác” (8). Mới đây nhất, Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc ngày 1-11-2022 một lần nữa khẳng định: “Hai bên nhất trí tăng cường giao lưu hữu nghị giữa nhân dân hai nước, tăng cường triển khai giáo dục về tình hữu nghị Việt - Trung tới người dân, nâng cao hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ” (9). Đó chính là những sự bảo đảm về cơ chế, chính sách để công tác giao lưu văn hóa giữa thanh niên hai nước tiếp tục được thúc đẩy và nâng lên tầm cao mới.

Với tinh thần nhiệt huyết, sức trẻ, lý tưởng và khát khao mãnh liệt về một tương lai tươi sáng, tuổi trẻ hai nước Việt - Trung chính là những sứ giả văn hóa, sứ giả hình ảnh đại diện cho quốc gia, đưa đất nước mình đến gần hơn với bạn bè quốc tế, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa của nước bạn để làm giàu cho vốn văn hóa dân tộc. Thực tế này đã được minh chứng rõ nét qua các kỳ Liên hoan Thanh niên Việt Nam - Trung Quốc, Gặp gỡ hữu nghị Thanh niên Việt Nam - Trung Quốc hay các hoạt động giao lưu, hợp tác thắm tình bằng hữu trên nhiều lĩnh vực giữa thanh niên hai nước được triển khai đều đặn những năm qua. Không dừng lại ở đó, thời gian gần đây, thanh niên hai nước Việt Nam - Trung Quốc còn đi đầu trong phong trào nghiên cứu, phục dựng và quảng bá văn hóa truyền thống dân tộc bằng các sản phẩm văn hóa - giải trí đương đại, qua đó càng khẳng định về vai trò đại diện và làm đẹp thêm hình ảnh quốc gia mình của thế hệ trẻ mỗi nước.

Như vậy, thế hệ thanh niên vừa là đại diện cho hình ảnh tiêu biểu của quốc gia trong mắt bạn bè quốc tế, vừa là chủ thể quan trọng trong công tác xây dựng và quảng bá hình ảnh quốc gia. Chính bởi lẽ đó, sự giao lưu, tương tác tích cực giữa thanh niên hai nước Việt Nam - Trung Quốc trong đời sống thực tế, cũng như trên không gian mạng cần được khuyến khích, thúc đẩy; đồng thời, kịp thời đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực gây ảnh hưởng tới hình ảnh quốc gia của hai nước.

Một số giải pháp đẩy mạnh giao lưu thanh niên, xây dựng, quảng bá hình ảnh quốc gia Việt Nam và Trung Quốc

Kể từ khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1991 đến nay, công tác giao lưu văn hóa với nòng cốt là giao lưu thanh niên giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng được phát triển. Thư gửi các đại biểu tham dự Liên hoan Thanh niên Việt Nam - Trung Quốc lần thứ II năm 2013 của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định: “Liên hoan Việt - Trung lần này với chủ đề “Bay cao ước mơ tuổi trẻ, xây đắp tươi lai sáng ngời” là một sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Liên hoan cũng là lời hiệu triệu thanh niên hai nước cùng nắm tay nhau, cùng chung ước mơ, cùng tiến bước trên con đường kế tục trung thành sự nghiệp cách mạng của mỗi nước” (10). “Thanh niên là tương lai của đất nước, là niềm hy vọng của dân tộc. Tương lai và hy vọng về tình hữu nghị lâu dài giữa nhân dân hai nước Trung - Việt gửi gắm ở thanh niên hai nước, tiếp nối và lưu truyền tình hữu nghị Trung - Việt là sứ mệnh và trách nhiệm không thể thoái thác của thanh niên hai nước Trung - Việt. Hy vọng thanh niên hai nước trở thành lớp người kế thừa truyền thống hữu nghị và đội quân tiên phong trong hợp tác hữu nghị giữa Trung Quốc - Việt Nam, cùng kề vai sát cánh, nỗ lực thúc đẩy để tình hữu nghị Trung - Việt không ngừng đơm hoa kết trái”(11).

Trên cơ sở ấy, để phát huy tốt vai trò của thanh niên trong xây dựng và quảng bá hình ảnh quốc gia giữa Việt Nam và Trung Quốc, từ đó khắc phục những vấn đề còn tồn tại, trong thời gian tới, công tác giao lưu văn hóa giữa thanh niên hai nước Việt - Trung cần tập trung thực hiện:

Thứ nhất, về phương diện văn hóa, cần nhanh chóng nắm bắt xu thế văn hóa mới của thời đại, trong đó Trung Quốc và Việt Nam đều có bề dày văn hóa truyền thống lâu đời. Trên cơ sở những nét tương đồng và khác biệt về văn hóa, trong các hoạt động giao lưu thanh niên hai nước, có thể thử nghiệm việc trao đổi về vai trò của thanh niên trong gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc cùng những mô hình, ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên hai nước trong lĩnh vực văn hóa truyền thống. Việt Nam có thể tham khảo những kinh nghiệm của thanh niên Trung Quốc trong phong trào phục dựng và phát triển văn hóa truyền thống. Trung Quốc có thể tìm hiểu về việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của giới trẻ Việt Nam, giúp bổ sung và làm phong phú hơn những nghiên cứu và ứng dụng về sự giao thoa và tiếp biến văn hóa của Trung Quốc. Đây có thể được coi là một thời cơ thuận lợi cần tận dụng để hình thành một cộng đồng văn hóa với những giá trị chung được sẻ chia, tôn trọng và thấu hiểu giữa thanh niên hai nước, hướng tới tạo nên đột phá trong công tác giao lưu văn hóa và xây dựng hình ảnh quốc gia giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Thứ hai, về phương diện tuyên giáo, truyền thông, trước hết, cần có sự đi sâu nghiên cứu, tích cực thúc đẩy và dẫn dắt, định hướng một cách phù hợp, từ các cơ quan, ban, ngành và học giả của hai nước, giúp cho thế hệ trẻ tạo dựng được nền tảng nhận thức, kiến thức và hành vi đúng đắn, khách quan về giao lưu văn hóa và hình ảnh quốc gia hai nước, cũng như có khả năng dung hòa tinh thần dân tộc nhiệt tình, sôi nổi và tinh thần quốc tế cởi mở, bao dung, nhất là trong bối cảnh không gian mạng và khoa học, công nghệ phát triển bùng nổ với nhiều diễn biến đan xen hiện nay. Ngoài việc khai thác triệt để các hình thức truyền thông mới được giới trẻ ưa chuộng, có thể tổ chức chung một số cuộc thi tìm hiểu về đất nước, con người Việt Nam - Trung Quốc trên các phương tiện truyền thông xã hội với đối tượng chính hướng đến là giới trẻ. Đặc biệt, cần chú ý bảo đảm sự quảng bá cân bằng hai chiều hình ảnh quốc gia hai nước, tránh hiện tượng các hình thức thông tin đối ngoại quá thiên về quảng bá đất nước mình ra nước ngoài mà thiếu sự tiếp nhận thông tin từ nước bạn, gây ra hiệu ứng tâm lý ngược.

Thứ ba, về phương diện giáo dục, tăng cường bồi dưỡng có định hướng đội ngũ học viên chuyên ngành tiếng Trung, tiếng Việt tại các trường đại học ở cả hai nước với nền tảng kiến thức tốt về ngôn ngữ, văn hóa và hoạt động đối ngoại, giao lưu văn hóa hai nước, cùng kỹ năng biên, phiên dịch hai chiều Việt - Trung thành thạo, có nguyện vọng và năng lực đảm nhiệm công việc liên quan đến đối ngoại, giao lưu văn hóa giữa hai nước trong tương lai. Trong chương trình giáo dục biên, phiên dịch Việt - Trung, nên lồng ghép thêm những nội dung dịch về văn hóa, con người và phong tục, tập quán của chính đất nước mình, qua đó giúp cho thanh niên thêm hiểu, thêm yêu quê hương, đất nước, đồng thời được trang bị vốn kiến thức biên, phiên dịch để giới thiệu đất nước mình với những người bạn láng giềng.

Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của tổ chức đoàn thanh niên cộng sản và phong trào thanh thiếu niên của hai nước, tình hữu nghị giữa tuổi trẻ Việt Nam - Trung Quốc ngày càng gắn bó sâu sắc, đồng thời góp phần làm đẹp thêm hình ảnh quốc gia trong mắt nhân dân hai nước nói chung và thanh niên Việt Nam - Trung Quốc nói riêng./.

-------------------------
(1) 孙有中:“国家形象的内涵及其功能”,《国际论坛》,2002年第3期,第14 - 21页 (Tạm dịch: Tôn Hữu Trung: “Nội hàm và chức năng của hình ảnh quốc gia”, Tạp chí Diễn đàn quốc tế, Số 3 năm 2002, tr. 14 - 21)
(2), (5) 温广瑞、冯晓晶、纪婷:“深化国际教育内涵搭建人文交流之桥”,《西安交通大学发展研究报告》,2020年,第29 - 34页 (Tạm dịch: Ôn QuảngThụy, Phùng Hiểu Tinh, Kỷ Đình: “Làm sâu sắc thêm nội hàm giáo dục quốc tế nhằm xây dựng cầu nối giao lưu nhân văn”, Báo cáo Nghiên cứu phát triển của Đại học Giao thông Tây An, 2020, tr. 29 - 34)
(3) 许利平、韦民等:《中国与周边国家的人文交流》,北京:时事出版社,2015年,第4页 (Tạm dịch: Hứa Lợi Bình, Vi Dân: Giao lưu nhân văn giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, Nxb. Thời sự, Bắc Kinh, 2015, tr. 4)
(4) 胡晓明:《国家形象》,北京:人民出版社,2011年,第70页 (Tạm dịch: Hồ Hiểu Minh: Hình ảnh quốc gia, Nxb. Nhân dân, Bắc Kinh, 2011, tr. 70)
(6) 张昆、张明新、陈薇:《国家形象蓝皮书:中国国家形象传播报告(2019)》,北京:社会科学文献出版社,2019年,第308 - 309页 (Tạm dịch: Trương Côn, Trương Minh Tân, Trần Vy:Sách xanh Hình ảnh quốc gia: Báo cáo về công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh quốc gia Trung Quốcnăm 2019, Nxb. Tài liệu Khoa học xã hội, Bắc Kinh, 2019, tr. 308 - 309)
(7) “Thông cáo chung Việt Nam - Trung Quốc”, Thông tấn xã Việt Nam, ngày 14-1-2017, https://baotintuc.vn/thoi-su/viet-nam-trung-quoc-ra-thong-cao-chung-nhan-chuyen-tham-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-20170114181416581.htm
(8) Tập Cận Bình: “Mở ra cục diện mới hữu nghị Trung - Việt”, Báo Nhân dân điện tử, ngày 8-11-2017, https://nhandan.vn/mo-ra-cuc-dien-moi-huu-nghi-trung-viet-post308832.html
(9) “Toàn văn Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc”, Thông tấn xã Việt Nam, ngày 1-11-2022, https://baotintuc.vn/chinh-tri/toan-van-tuyen-bo-chung-viet-nam-trung-quoc-20221101181006404.htm
(10) “Thư của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi các đại biểu tham dự Liên hoan Thanh niên Việt Nam - Trung Quốc lần thứ II”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 27-11-2013, https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/hoat-ong-cua-lanh-ao-ang-nha-nuoc/-/2018/24705/thu-cua-chu-tich-nuoc-truong-tan-sang-gui-cac-dai-bieu-tham-du-lien-hoan-thanh-nien-viet-nam---trung-quoc-lan-thu-ii.aspx
(11) “Thư của Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình gửi các đại biểu tham dự Liên hoan Thanh niên Trung Quốc - Việt Nam lần thứ II”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 27-11-2013, https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/hoat-ong-cua-lanh-ao-ang-nha-nuoc/-/2018/24704/thu-cua-chu-tich-nuoc-cong-hoa-nhan-dan-trung-hoa-tap-can-binh-gui-cac-dai-bieu-tham-du-lien-hoan-thanh-nien-trung-quoc----viet-nam-lan-thu-ii.aspx