Xây dựng tuyến biên giới hữu nghị, hợp tác, phát triển với các nước bạn Lào, Campuchia trên địa bàn Tây Nguyên: Định hướng và giải pháp
TCCS - Khu vực Tây Nguyên đóng vai trò quan trọng trong “Tam giác phát triển” Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia. Việc duy trì và củng cố tuyến biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác phát triển với các nước láng giềng trên địa bàn Tây Nguyên không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong bảo đảm quốc phòng - an ninh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng, mà còn đối với cả nước.
Bao trùm trên diện tích khoảng 54.600km2, gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, Tây Nguyên là vùng tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số, với khoảng 2,2 triệu người (chiếm 15,6% dân số cả nước năm 2019)(1).
Được mệnh danh là “nóc nhà của Đông Dương”, nằm ở khu vực ngã ba biên giới ba nước Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia, Tây Nguyên là “cửa ngõ” khu vực “Tam giác phát triển” Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn xác định Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước, dành sự ưu tiên phát triển vùng Tây Nguyên trở thành “đầu tàu” của khu vực “Tam giác phát triển”. Để thực hiện được mục tiêu này, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là vừa củng cố và duy trì tuyến biên giới đất liền với các nước bạn Lào, Cam-pu-chia trên địa bàn Tây Nguyên luôn hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển, vừa tạo điều kiện thuận lợi phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội, giao thương, góp phần khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của vùng để từng bước nâng cao đời sống nhân dân trên toàn khu vực Tây Nguyên và các vùng lân cận. Đây chính là một nhiệm vụ mang nội hàm kép, nghĩa là vừa cần tổ chức quản lý tốt đường biên, mốc giới, vừa từng bước giải quyết các vấn đề còn tồn tại nhằm tạo lập và duy trì một đường biên giới rõ ràng, ổn định.
Thực tiễn và những vấn đề đặt ra
Khu vực Tây Nguyên có 586,4km đường biên giới đi qua 31 xã biên giới, thuộc 12 huyện(2) của hai nước Lào và Cam-pu-chia. Trong khi Việt Nam và Lào đã xác lập hoàn chỉnh đường biên giới cả trên thực địa và phương diện pháp lý, thì Việt Nam và Cam-pu-chia mới hoàn thành phân giới cắm mốc khoảng 84% đường biên giới trên đất liền. Trong đó, tại khu vực Tây Nguyên, hai nước đã hoàn thành khoảng 312,8km, còn khoảng 119,4km cần tiếp tục giải quyết (trong tổng số khoảng 213km đường biên giới trên đất liền của hai nước chưa hoàn thành phân giới cắm mốc).
Thời gian qua, chính quyền địa phương các nước đã và đang phối hợp chặt chẽ tổ chức thực hiện tốt các văn kiện pháp lý về biên giới đã ký kết giữa Việt Nam và các nước bạn Lào, Cam-pu-chia, bao gồm: Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam - Lào (năm 2016); Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào (năm 2016); Hiệp định về quy chế biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia (năm 1983); Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Cam-pu-chia (năm 2019),... Các lực lượng chuyên trách bảo vệ biên giới của hai nước thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin, phối hợp giải quyết tốt các vấn đề an ninh biên giới, không để xảy ra vụ việc phức tạp, kéo dài. Qua đó, đường biên, mốc giới trên địa bàn được bảo vệ và duy trì ổn định; các mốc bị hư hỏng hoặc có nguy cơ sạt lở cao được phát hiện kịp thời, báo cáo lên cấp có thẩm quyền để có biện pháp xử lý phù hợp. Tình hình an ninh, trật tự khu vực biên giới cũng cơ bản ổn định, không có các vụ việc phức tạp phát sinh, góp phần duy trì tuyến biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.
Tây Nguyên hiện có 6 cửa khẩu đang hoạt động, gồm: 3 cửa khẩu với Lào, trong đó, có 1 cửa khẩu quốc tế (Bờ Y, Kon Tum - Phu Cưa, Ắt Tạ Pư) và 2 cửa khẩu phụ (Đắk Blô, Kon Tum - Đắk Bar, Xê Kông và Đắk Long, Kon Tum - Văng Tắt, Ắt Tạ Pư); 3 cửa khẩu với Cam-pu-chia, trong đó có 1 cửa khẩu quốc tế (Lệ Thanh, Gia Lai - O Za Dao, Rattanakiri) và 2 cửa khẩu chính (Bu Prăng, Đắk Nông - Đắk Đam, Mondulkiri và Đắk Peur, Đắk Nông - Bu Sara, Mondulkiri). Hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền ở khu vực Tây Nguyên đóng vai trò là cầu nối thúc đẩy giao thương giữa Tây Nguyên với các khu vực thuộc tiểu vùng sông Mê Công, giữa Việt Nam và các nước bạn Lào, Cam-pu-chia, đồng thời tận dụng các lợi thế tiềm năng của từng địa phương biên giới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng biên. Tuy nhiên, một số cửa khẩu ở Tây Nguyên chưa được đầu tư đúng mức, đồng bộ ở cả hai phía (hai bên đã thỏa thuận mở cửa khẩu chính Đắk Ruê, Đắk Lắk - Chi Miết, Mondulkiri, nhưng từ năm 2007 đến nay chưa có đường giao thông và kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh để đưa cửa khẩu vào hoạt động). Tỉnh Kon Tum nằm ở vị trí “đắc địa” ngã ba biên giới, nhưng mới có cửa khẩu thông thương với Lào, chưa có cửa khẩu kết nối với Cam-pu-chia. Như vậy, so với các tỉnh khác có biên giới với Lào và Cam-pu-chia, việc phát triển hệ thống cửa khẩu ở các tỉnh Tây Nguyên còn nhiều hạn chế.
Trong hai năm 2020 - 2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hầu hết các lĩnh vực hợp tác giữa Việt Nam và hai nước bạn Lào và Cam-pu-chia gặp nhiều khó khăn: Hoạt động đầu tư, thương mại qua biên giới bị ngưng trệ, không thể triển khai; việc qua lại biên giới bị hạn chế do chính sách phòng, chống dịch bệnh của chính phủ mỗi bên. Mặc dù vậy, vượt qua những khó khăn, thách thức, các lực lượng chức năng liên quan đã phối hợp chặt chẽ, nỗ lực thực hiện có hiệu quả công tác biên giới, cửa khẩu, góp phần quan trọng vào sự thành công trong nỗ lực phòng, chống đại dịch của cả ba nước, không để ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và vẫn bảo đảm quản lý tốt đường biên, mốc giới.
Nguyên tắc, định hướng xây dựng tuyến biên giới hữu nghị, hợp tác, phát triển với các nước bạn Lào và Cam-pu-chia
Ngày 28-9-2018, Bộ Chính trị khóa XII ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW, về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, trong đó xác định mục tiêu chung là: Xây dựng biên giới quốc gia hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển; bảo vệ, phòng thủ vững chắc biên giới quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở khu vực biên giới và cả nước. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng định hướng công tác quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng liên quan về vấn đề này trong tình hình mới, cụ thể là: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, hành động can thiệp của các thế lực thù địch... xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia... Củng cố đường biên giới hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển; giải quyết các vấn đề còn tồn tại liên quan đến đường biên giới trên bộ với các nước láng giềng”(3).
Đối với Tây Nguyên, ngay từ năm 2002, Bộ Chính trị khóa IX ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW, về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001 - 2010 và ra Kết luận số 12-KL/TW, về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011 - 2020. Cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 276/QĐ-TTg, ngày 18-2-2014, về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 12-KL/TW, trong đó đề ra các mục tiêu phát triển cụ thể đối với vùng Tây Nguyên trên các lĩnh vực: kinh tế, xã hội, môi trường và quốc phòng - an ninh. Trong nhiệm kỳ 2021 - 2026, phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng Tây Nguyên được đề ra trong tổng thể Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, trong đó nhấn mạnh: “Xây dựng đường bộ cao tốc và nâng cấp mạng lưới giao thông nội vùng, các tuyến kết nối các tỉnh Tây Nguyên với Đông Nam Bộ, ven biển Nam Trung Bộ, với Nam Lào và Đông Bắc Cam-pu-chia. Bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong mọi tình huống”(4). Và, để tiếp tục xây dựng Tây Nguyên trở thành địa bàn xứng tầm chiến lược quốc phòng - an ninh, vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, ngày 14-4-2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 461/QĐ-TTg, phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo đó giao cho các bộ, ngành chủ trì báo cáo về thực trạng và phương hướng phát triển các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành mình.
Để xây dựng biên giới với các nước láng giềng trên địa bàn Tây Nguyên thành tuyến biên giới hữu nghị, hợp tác, phát triển, các địa phương có biên giới cần quán triệt các nguyên tắc và định hướng sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc trong công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia.
Quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, biên giới quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị và cả nước. Trong tình hình hiện nay, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước về biên giới lãnh thổ cần kết hợp chặt chẽ với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, xã hội các huyện, xã biên giới vững mạnh; chú trọng nâng cao nhận thức, bồi dưỡng năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, qua đó tăng cường, nâng cao chất lượng lãnh đạo của tổ chức đảng, quản lý nhà nước về biên giới lãnh thổ.
Từ đặc điểm dân cư tại Tây Nguyên, vấn đề tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc là nhiệm vụ càng phải được chú trọng, làm cơ sở cho xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Việc cấp bách trước mắt là ổn định việc định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên, hạn chế tình trạng di cư tự do, thông qua giao đất, giao rừng cho từng hộ gia đình, từng bản làng, kết hợp bảo vệ rừng với bảo vệ đường biên, cột mốc dưới sự hướng dẫn của cơ quan, lực lượng chuyên trách địa phương. Song song với đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức trách nhiệm, nâng cao dân trí cho nhân dân, nhất là đối tượng già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, đồng bào các dân tộc sinh sống tại khu vực biên giới về bảo vệ biên giới và phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, tránh bị lợi dụng, lôi kéo bởi các thế lực thù địch, phản động.
Thứ hai, kết hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Đại hội XIII của Đảng xác định: “Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại(5). Tây Nguyên là một trong bảy vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, đồng thời là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh, trung tâm của khu vực “Tam giác phát triển”. Do đó, xây dựng tuyến biên giới hữu nghị, hợp tác, phát triển với các nước bạn Lào, Cam-pu-chia trên địa bàn Tây Nguyên đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa yếu tố quốc phòng - an ninh với yếu tố kinh tế - xã hội. Điều này góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp, vừa bảo đảm giữ vững được chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, vừa nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cư dân tại khu vực hai bên biên giới.
Theo đó, chính quyền địa phương biên giới các cấp cần: xây dựng chính sách ưu tiên, ưu đãi về kinh tế - xã hội đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa biên giới; nghiên cứu, đầu tư xây dựng các công trình vừa phục vụ quản lý, bảo vệ biên giới, vừa phục vụ đời sống, sinh hoạt của cư dân biên giới; đầu tư kết cấu hạ tầng, trang thiết bị khu vực cửa khẩu; thực hiện quy hoạch cửa khẩu biên giới đất liền, quy hoạch kinh tế vùng biên giới cho từng tỉnh, từng tiểu vùng (cả về nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, dịch vụ theo ba cấp độ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn).
Thứ ba, củng cố các cơ chế chỉ đạo triển khai công tác biên giới và tăng cường xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ biên giới.
Thực hiện hướng dẫn của Bộ Ngoại giao, 4 tỉnh biên giới Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác biên giới tỉnh để chỉ đạo, điều hành, bảo đảm quán triệt, thực hiện nghiêm túc quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, cũng như các biên bản, thỏa thuận trong khuôn khổ các cơ chế hợp tác song phương về biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Cam-pu-chia.
Trong tình hình mới, đối với các lực lượng chuyên trách trên thực địa, tiếp tục củng cố, xây dựng theo hướng toàn diện, chính quy, tinh nhuệ, ngày càng hiện đại cả về tổ chức và trang thiết bị, nắm vững hệ thống văn bản pháp lý song phương và pháp luật trong nước nhằm bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý đường biên, mốc giới, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, ngăn ngừa các nguy cơ xung đột từ sớm, từ xa.
Thứ tư, tiếp tục phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Già làng, trưởng bản, người có uy tín luôn đóng vai trò như cầu nối giữa chính quyền cơ sở và đồng bào dân tộc thiểu số, giúp đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi sâu vào đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân tộc thiểu số, qua đó góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Năm 2022, toàn vùng Tây Nguyên có 3.433 già làng, người có uy tín, trong đó, tỉnh Kon Tum 678 người, Gia Lai 955 người, Đắk Lắk 1.021 người, Đắk Nông 300 người và Lâm Đồng 479 người(6). Trước yêu cầu mới, không ngừng chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trước mắt, đổi mới chính sách, chương trình đào tạo, bồi dưỡng, ưu tiên cán bộ là người dân tộc thiểu số, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ năm, tăng cường hoạt động đối ngoại để củng cố, phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị với các nước bạn Lào, Cam-pu-chia.
Tăng cường hoạt động đối ngoại với các nước có chung biên giới có ý nghĩa củng cố, phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, thực hiện chính sách mở cửa, mở rộng hợp tác địa phương, giao lưu, hợp tác thương mại biên giới, từ đó phát triển kinh tế vùng biên trên mọi lĩnh vực.
Trên cơ sở các nội dung công tác biên giới giữa Việt Nam và nước bạn Lào, Cam-pu-chia,
Ban Chỉ đạo công tác biên giới các tỉnh, các cấp chính quyền địa phương và lực lượng chuyên trách bảo vệ biên giới tại Tây Nguyên cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nước bạn trong trao đổi thông tin; tăng cường tuần tra song phương, nhằm bảo đảm sự ổn định của đường biên giới, hệ thống mốc biên giới và an ninh, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới; giải quyết tốt các vấn đề nảy sinh trên tinh thần hữu nghị, không để tình hình an ninh - chính trị trở nên phức tạp; đẩy mạnh hợp tác, giao lưu kinh tế, văn hóa với địa phương đối diện phía Lào và Cam-pu-chia.
Các giải pháp chủ yếu nhằm duy trì và củng cố tuyến biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác phát triển
Một là, quản lý tốt đường biên, mốc giới và bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn xã hội khu vực biên giới.
Với Lào, cần quản lý tốt đường biên giới đã được xác lập, phối hợp với bạn xử lý các vấn đề phát sinh trên tinh thần hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào. Mặc dù hai nước đã phân giới cắm mốc toàn bộ đường biên giới và hiện tập trung vào công tác quản lý biên giới, nhưng vẫn còn các vấn đề liên quan đến bảo vệ cột mốc, như bị mốc, hư hại, sạt lở... ảnh hưởng đến sự ổn định, rõ ràng của đường biên giới, hệ thống mốc quốc giới.
Với Cam-pu-chia, cần quản lý tốt đường biên, mốc giới và thúc đẩy hợp tác tại các khu vực đã hoàn thành phân giới cắm mốc; duy trì quản lý ổn định tại các khu vực chưa hoàn thành phân giới cắm mốc, không để các vấn đề tồn đọng ảnh hưởng đến quan hệ hai nước.
Trong những năm qua, ngoài lực lượng chính quy bảo vệ biên giới là bộ đội biên phòng thì phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc giới, an ninh, trật tự thôn, làng đã phát triển rộng khắp ở các tỉnh Tây Nguyên. Vì vậy, cần tiếp tục phát huy tinh thần toàn dân tham gia bảo vệ biên giới để bảo đảm sự ổn định, bền vững của đường biên giới.
Tình hình khu vực biên giới vùng Tây Nguyên hiện nay vẫn đang tiềm ẩn một số vấn đề phức tạp như tội phạm xuyên biên giới, đặc biệt là tội phạm về ma túy. Các thế lực thù địch, phản động không từ bỏ hoạt động tuyên truyền, lợi dụng các vấn đề về tự do, dân chủ, dân tộc, tôn giáo, nhân quyền kích động cộng đồng người dân tại đây nhằm chia rẽ quan hệ giữa Việt Nam với các nước láng giềng. Do đó, việc quản lý đường biên, mốc giới cần gắn với công tác bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn xã hội khu vực biên giới.
Hai là, từng bước giải quyết các vấn đề còn tồn tại về biên giới đất liền giữa Việt Nam và Cam-pu-chia.
Hiện nay, hai nước còn khoảng 16% số đường biên giới chưa hoàn thành phân giới cắm mốc, trong đó khu vực Tây Nguyên chiếm hơn 50%. Qua nhiều diễn đàn trao đổi ở các cấp, hai bên đều bày tỏ thiện chí giải quyết các khu vực chưa hoàn thành phân giới cắm mốc trên tinh thần phù hợp với luật pháp quốc tế và các điều ước, thoả thuận quốc tế về biên giới lãnh thổ giữa hai nước. Do đó, tiếp tục hoàn thành phân giới cắm mốc khoảng 16% số đường biên giới còn lại là công việc cấp bách trước mắt góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định phục vụ phát triển đất nước cũng như quan hệ hữu nghị với Cam-pu-chia.
Ba là, hoàn thiện khung pháp lý song phương về quản lý biên giới, cửa khẩu giữa Việt Nam với hai nước bạn Lào và Cam-pu-chia.
Thúc đẩy việc xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý song phương về quản lý biên giới và quản lý cửa khẩu biên giới đất liền là điều kiện quan trọng để duy trì một đường biên giới hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Trong thời gian tới, bên cạnh triển khai có hiệu quả “Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào”, hai nước sẽ cùng nhau tổ chức rà soát, đánh giá và tổng kết việc thực hiện Hiệp định theo chu kỳ 10 năm nhằm củng cố hơn nữa khuôn khổ pháp lý song phương về quản lý đường biên, mốc giới và cửa khẩu biên giới sao cho phù hợp với tình hình mới.
Trong quan hệ về quản lý biên giới giữa Việt Nam và Cam-pu-chia, dù hai nước đã hoàn thành phân giới cắm mốc khoảng 84% số đường biên giới chung, nhưng vẫn khó khăn, lúng túng trong việc phối hợp xử lý các vụ việc phát sinh trên biên giới. Vì vậy, trong việc thực hiện Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Cam-pu-chia năm 2019, cần thúc đẩy sớm triển khai đàm phán với phía Cam-pu-chia để ký kết Hiệp định Quy chế biên giới mới và Hiệp định về cửa khẩu thay thế Hiệp định năm 1983. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức lực lượng, triển khai hoạt động chuyên môn tại khu vực biên giới, góp phần duy trì ổn định trên toàn tuyến cũng như tại các khu vực chưa hoàn thành phân giới cắm mốc, góp phần tạo môi trường ổn định cho hợp tác, phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, tạo đà để hai nước từng bước giải quyết dứt điểm 16% số đường biên giới chưa hoàn thành phân giới cắm mốc còn lại.
Bốn là, thúc đẩy công tác quản lý và phát triển cửa khẩu, hợp tác phát triển kinh tế vùng biên giới cho phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu của địa phương hai bên.
Việc trước mắt, tiếp tục tăng cường công tác quản lý và phát triển cửa khẩu, thúc đẩy kinh tế biên giới thông qua: Quy hoạch và phát triển hệ thống cửa khẩu, các khu vực kinh tế trọng điểm trên khu vực biên giới cùng với hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối nhằm đẩy mạnh giao thương, tạo sự đan xen chiến lược cũng như hiện thực hóa chiến lược hợp tác toàn diện giữa Việt Nam với các nước láng giềng.
Đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế vùng biên giới phù hợp với thực tế và nhu cầu của địa phương hai bên có ý nghĩa thúc đẩy giao thương phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh biên giới nói riêng và hai nước nói chung. Đặc biệt là, quá trình tăng cường hợp tác trong “Tam giác phát triển” sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh khu vực biên giới ba nước. Đây là nhân tố rất quan trọng cho sự ổn định và phát triển của khu vực biên giới và ở mỗi nước.
Năm là, tăng cường xây dựng các công trình vừa bảo đảm mục tiêu quốc phòng - an ninh, vừa phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chính sách, chương trình, dự án đầu tư xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội dọc theo tuyến biên giới Tây Nguyên nhằm khai thác tiềm năng đất đai và tạo thế chiến lược về quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Thông qua các chương trình, dự án mục tiêu quốc gia, kết cấu hạ tầng (cầu, đường giao thông, hệ thống lưới điện, các trạm quân - dân y kết hợp, tuyến đường tuần tra, công trình phòng thủ) khu vực biên giới Tây Nguyên được tập trung đầu tư xây dựng, vừa phục vụ dân sinh xã hội, phát triển sản xuất, vừa đáp ứng yêu cầu củng cố quốc phòng - an ninh.
Xây dựng biên giới quốc gia hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển là mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định và quyết tâm thực hiện nhất quán, Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, do đó, phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới Tây Nguyên luôn gắn liền với xây dựng đường biên giới hữu nghị, hòa bình, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh quốc gia càng trở nên quan trọng. Để phát huy vị trí tiềm năng của vùng, các tỉnh Tây Nguyên cần thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh; tổ chức thực hiện hiệu quả công tác biên giới; phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; và triển khai tốt hoạt động đối ngoại với các tỉnh các nước láng giềng. Thực hiện tốt công tác biên giới không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Nguyên nói riêng, khu vực “Tam giác phát triển”, mà còn tạo động lực cho sự nghiệp duy trì và củng cố đường biên biên giới với các nước bạn Lào, Cam-pu-chia luôn hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững./.
-------------------
(1) Xem: Ủy ban Dân tộc, Tổng cục Thống kê: Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019, Nxb. Thống kê, 2020, tr. 54
(2) Phụ lục Nghị định số 34/2014/NĐ-CP, ngày 29-4-2014, của Chính phủ, “Về quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”
(3), (4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 163, 255
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 157
(6) Xem: “Phát huy vai trò người có uy tín trong các buôn làng Tây Nguyên”, Báo Nhân Dân điện tử, ngày 6-1-2022, https://nhandan.vn/phat-huy-vai-tro-nguoi-co-uy-tin-trong-cac-buon-lang-tay-nguyen-post681207.html
Không ngừng củng cố, làm sâu sắc thêm mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn  (18/10/2022)
Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia Samdech Heng Samrin thăm chính thức Việt Nam  (14/09/2022)
Gìn giữ và không ngừng củng cố, tăng cường quan hệ láng giềng gần gũi, mối quan hệ truyền thống, gắn bó từ lâu đời giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia  (14/09/2022)
- Đối ngoại với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa: Thành tựu và bài học kinh nghiệm
- Đảng bộ tỉnh Lào Cai xây dựng đội ngũ cán bộ, tạo đột phá để góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững
- Phát triển kinh tế xanh: Cơ hội và thách thức đối với ngành dệt may Việt Nam
- Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng với phương hướng và giải pháp trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa: Bảy mươi lăm năm xây dựng và phát triển
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Liên hợp quốc và những đóng góp của Việt Nam