“Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và hiện thực”
TCCSĐT - Trong không khí kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ “lững lẫy năm châu, chấn động địa cầu” (7-5-1954 - 7-5-2019), ngày 25-4-2019, tại mảnh đất Điện Biên anh hùng lịch sử, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Điện Biên tổ chức Hội thảo “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và hiện thực”.
Vào những ngày này cách đây 65 năm, từ ngày 17-3 đến ngày 07-5-1954 trên cánh đồng Mường Thanh, quân và dân ta đã tiến hành trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, lập nên một trong những chiến công hiển hách nhất, vang dội nhất trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc - Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây là thắng lợi lớn nhất của quân đội và nhân dân ta trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954). Thắng lợi của ta tại Điện Biên Phủ đã làm phá sản kế hoạch Nava, đồng thời làm thất bại âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ tại Đông Dương.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thượng tướng Lê Chiêm - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban chỉ đạo Hội thảo - chia sẻ: phải qua bao mất mát, hy sinh, nhân dân Việt Nam đã làm nên thắng lợi cuộc Cách mạng tháng Tám, giành lại được độc lập, tự do. Tuy nhiên, thực dân Pháp lại tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai hòng đưa chúng ta trở về đời nô lệ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã đoàn kết chiến đấu, tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, đánh bại các kế hoạch quân sự của Pháp buộc chúng phải đưa quân đến Điện Biên Phủ để tiến hành trận giao chiến chiến lược. Được sự giúp đỡ của Mỹ, thực dân Pháp xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh với một hệ thống công sự kiên cố, trang thiết bị chiến tranh hiện đại, có máy bay yểm trợ, các loại xe tăng, xe cơ giới, pháo, súng cối hạng nặng, được giới quân sự thực dân đánh giá là một “pháo đài khổng lồ không thể công phá”, sẽ “nghiền nát chủ lực của Việt Minh”… Trước âm mưu của địch, Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, huy động sức mạnh toàn dân tộc để tiến hành “trận quyết chiến chiến lược”, giành lấy thắng lợi có tính quyết định đến cuộc kháng chiến trường kỳ.
Làm rõ hơn về 56 ngày đêm Chiến dịch Điện Biên Phủ, tham luận của Thiếu tướng Ngô Minh Tiến - Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam - cho biết: trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 và trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, dưới sự lãnh đạo của Tổng Quân ủy, trực tiếp là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Cơ quan Tiền phương Bộ Tổng Tham mưu vừa là cơ quan giúp Tổng Tư lệnh chỉ huy, chỉ đạo chiến trường 3 nước Đông Dương, vừa làm tốt vai trò Cơ quan tham mưu cho Đảng ủy và Bộ Tư lệnh chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, Bộ Tổng Tham mưu đã tiến hành công tác chuẩn bị một cách hết sức khẩn trương, đầy đủ và chu đáo cho phương châm tác chiến mới; kịp thời chỉ đạo các lực lượng xây dựng trận địa tiến công, trận địa pháo binh vững chắc, bảo đảm cho các đơn vị chủ động đánh địch. Cơ quan Tham mưu luôn theo dõi sát diễn biến chiến trường, kịp thời chỉ đạo, chỉ huy, điều hành các đơn vị vận dụng sáng tạo nhiều hình thức chiến thuật và xử trí các tình huống trong chiến dịch, liên tục khoét sâu vào điểm yếu, hạn chế được chỗ mạnh của địch, buộc địch phải bị động đối phó. Bằng việc tập trung lực lượng, tác chiến hiệp đồng binh chủng chặt chẽ, quân ta đã đột phá lần lượt từng cứ điểm, cụm cứ điểm, từng phân khu, từng bước thắt chặt vòng vây, tiêu diệt các trung tâm đề kháng vòng ngoài, phá thế phòng ngự có chiều sâu bên trong của địch, tạo lập thế trận vững chắc, tiến tới đánh thẳng vào khu vực trọng yếu của địch, làm cho quân địch đi từ thất bại cục bộ về chiến thuật đến thất bại hoàn toàn về mặt chiến dịch, tạo chuyển biến bước ngoặt về chiến lược. Sau 56 ngày đêm thực hành chiến dịch, trải qua 3 đợt tiến công, Bộ Tổng Tham mưu đã chủ động chỉ đạo, chỉ huy, điều hành các lực lượng vận dụng sáng tạo nghệ thuật chiến dịch và các hình thức chiến thuật tiến công trận địa tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đánh bại hình thức phòng ngự cao nhất của địch, đánh bại biện pháp tác chiến chiến lược cuối cùng, những nỗ lực quân sự cuối cùng của địch.
Trong những yếu tố góp phần làm nên chiến thắng lịch sử, thắng lợi của chiến dịch Lai Châu - chiến dịch mở màn chiến lược Đông Xuân 1953-1954 có vai trò tạo tiền đề cho thắng lợi vĩ đại này. Đề cập đến vấn đề này, đồng chí Giàng Páo Mỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu - cho biết: Chiến dịch Lai Châu được chọn là chiến dịch mở màn trong hướng tiến công Tây Bắc nói riêng và trong toàn bộ chiến lược Đông Xuân 1953-1954 nói chung. Do có sự chuẩn bị và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nên khi được tin bộ đội về giải phóng Lai Châu, nhân dân các dân tộc trong tỉnh khắp nơi từ vùng thấp đến vùng cao đều hăng hái đi phục vụ chiến dịch. Khi địch đổ quân chiếm Điện Biên Phủ, Bộ Tổng tham mưu ra mệnh lệnh yêu cầu Đại đoàn 316 tổ chức đội hình cấp tiểu đoàn để đẩy nhanh tốc độ hành quân. Sau 20 ngày không nghỉ, đêm 07-12, cơ quan Bộ Tư lệnh Đại đoàn và Trung đoàn 174 tới ngã ba Tuần Giáo, trực tiếp uy hiếp Lai Châu, địch vội vàng thực hiện cuộc hành binh Pônluých, rút phần lớn lực lượng của chúng ở Lai Châu về Điện Biên Phủ. Các đơn vị của ta được lệnh chuyển sang truy kích, bao vây tiêu diệt địch, không cho chúng tập trung về Điện Biên Phủ và không cho địch ở Điện Biên Phủ rút chạy. Bộ đội chủ lực tiến đến đâu, các đội du kích của tỉnh từ các khu căn cứ vùng cao, nơi sát địch đều cử người đi đón và dẫn đường, phối hợp với bộ đội chiến đấu, chặn đánh, truy quét tàn binh địch; tỉnh còn huy động lực lượng hậu cần tại chỗ phục vụ bộ đội đánh giặc.
Tiếp về nguyên nhân thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tá, TS, Phạm Đình Bách - Chủ nhiệm Bộ môn lịch sử quân sự, Khoa Chiến lược, Học viện Quốc phòng - nhấn mạnh: Chiến thắng Điện Biên Phủ là sức mạnh tổng hợp của nhiều nhân tố hợp thành, trong đó bước phát triển của nghệ thuật quân sự Việt Nam thể hiện trên 3 lĩnh vực chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật là nhân tố góp phần quyết định. Về chỉ đạo chiến lược, Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy đã rất nhạy bén, sớm phát hiện và đánh giá đúng âm mưu chiến lược của địch; chỉ đạo kiên quyết, linh hoạt, giữ vững và phát huy quyền chủ động chiến lược của ta. Về nghệ thuật chiến dịch, ta đã giải quyết thành công nhiều vấn đề mới, nhất là nghệ thuật chiến dịch tiến công như tập trung ưu thế binh hỏa lực, đánh chắc thắng, tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, từng bước uy hiếp, tiến tới tiêu diệt khu vực trọng yếu của địch… Về chiến thuật, khi ta tập trung sức mạnh của cả dân tộc quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chiến thuật của ta đã có những bước phát triển mới như chiến thuật công kiên đã phát triển từ cấp tiểu đoàn, đại đoàn (thiếu) lên tới quy mô đại đoàn, đánh hiệp đồng binh chủng, hay xuất hiện chiến thuật phòng ngự trận địa, sự ra đời của chiến thuật đánh lấn… Sự phát triển toàn diện về nghệ thuật quân sự trên nhiều lĩnh vực trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã góp phần đánh bại cố gắng chiến tranh cao nhất của thực dân Pháp và can thiệp của đế quốc Mỹ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp.
Đánh giá về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đồng chí Trần Văn Sơn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên - khẳng định: Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trải qua hơn 6 thập niên, nhưng tính thời sự, tầm ảnh hưởng sẽ còn vang vọng mãi đến hôm nay và mai sau. Chúng tôi luôn nhận thức sâu sắc rằng, sẽ tiếp tục gìn giữ và phát huy giá trị lịch sử, truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng; quyết tâm nâng giá trị của Chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa lên tầm cao mới bằng việc “tạo ra nhiều Điện Biên Phủ lớn, nhỏ” trong công cuộc đổi mới hôm nay tại Điện Biên.
Gần 80 tham luận gửi tới Hội thảo đã tập trung làm rõ nhiều khía cạnh khác nhau của Chiến thắng Điện Biên Phủ, khẳng định từ Điện Biên Phủ, quân và dân ta đã giành thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thu non sông về một dải, đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên “độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội”; dựng xây đất nước, bảo vệ Tổ quốc vẹn toàn, đưa Việt Nam có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế… Đó cũng là quá trình phát huy giá trị và vận dụng những bài học kinh nghiệm từ Chiến thắng Điện Biên Phủ. Những bài học đó vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng cho phù hợp với hoàn cảnh mới, thời đại mới./.
Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc năm 2018 và phương hướng năm 2019  (25/04/2019)
Cải cách hành chính ở Thành phố Hồ Chí Minh: Lấy yếu tố con người làm trọng tâm để đồng bộ và tăng tốc  (25/04/2019)
Cải cách hành chính ở Thành phố Hồ Chí Minh: Lấy yếu tố con người làm trọng tâm để đồng bộ và tăng tốc  (25/04/2019)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên