Những nhân tố tạo nên sức mạnh chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam

Trần Thị Diệu Linh Trường Cao đẳng kinh tế tái chính Thái Nguyên
22:57, ngày 08-02-2019

TCCSĐT - Cách đây hơn 40 năm (1975 - 2019), sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh đoàn kết, nghị lực và ý chí chiến đấu của nhân dân ta cùng sự ủng hộ, tương trợ và giúp đỡ của nhân dân thế giới đã tạo cho dân tộc Việt Nam một sức mạnh kỳ diệu, làm nên chiến công hiển hách: đánh thắng hoàn toàn đế quốc Mỹ, thống nhất nước nhà.

Thực hiện thắng lợi đường lối lãnh đạo của Đảng, phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí cách mạng của nhân dân

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV nhận định, thắng lợi vĩ đại này, mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như một trong những thắng lợi chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời nhất về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính cách mạng sâu sắc. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả tổng hợp của nhiều nhân tố mà nhân tố đầu tiên có ý nghĩa tiên quyết, nguồn gốc của mọi nhân tố là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta.

Cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng là ngọn cờ tiêu biểu cho sự kết hợp các trào lưu cách mạng thời đại, cho xu thế phát triển tất yếu của phong trào giải phóng dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử cách mạng Việt Nam và là ngọn cờ bách chiến, bách thắng của cách mạng Việt Nam.

Trong mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể, Đảng luôn đề ra những chủ trương và biện pháp cách mạng đúng đắn, phù hợp. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất nước nhà, Đảng đưa ra những quyết sách đúng đắn, đầy tính sáng tạo. Tháng 7-1954, Đảng đề ra nhiệm vụ chiến lược cho cách mạng hai miền: vừa xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, vừa đấu tranh chống đế quốc Mỹ nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, Hiệp định Genever được ký kết, miền Bắc xây dựng xã hội chủ nghĩa làm nhiệm vụ trọng tâm. Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 8-1955) xác định, củng cố miền Bắc bao gồm nhiều nội dung nhưng trước hết phải lên giai đoạn cách mạng chủ nghĩa xã hội. Đảng ta cũng nêu lên tư tưởng củng cố miền Bắc thành cơ sở vững mạnh cho sự nghiệp thống nhất đất nước. Miền Nam giữ vai trò quyết định trực tiếp trong việc đánh đổ đế quốc, tay sai Mỹ - Diệm, thống nhất nước nhà.

Từ chủ trương, nhiệm vụ của từng miền, Đảng có những phương án giải quyết nhiệm vụ cụ thể. Một trong những thành công của đường lối cách mạng là Đảng ta đã luôn đánh giá đúng so sánh lực lượng giữa ta và địch. Mỗi khi so sánh lực lượng giữa ta và địch thay đổi, Đảng kịp thời chuyển phương châm đấu tranh và phương thức tiến công. Ngay cả khi Mỹ - Ngụy tỏ ra hung hãn nhất, leo thang đến mức cao nhất, Đảng ta vẫn thấy rõ thế mạnh tạm thời và điểm yếu căn bản của chúng để từ đó tiến công, đánh thắng địch từng bước, kéo địch xuống thang, giữ vững và đẩy mạnh thế chiến lược tiến công.

Vào thời điểm cuối năm 1959, đầu năm 1960, chế độ thống trị ở miền Nam Việt Nam lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Ở vùng thành thị, địch tương đối mạnh nhưng ở các vùng nông thôn, địch không thể cai trị nhân dân, bộ máy chính quyền của chúng từng bước bị suy yếu. Trong bối cảnh đó, lực lượng của ta ở các vùng nông thôn, quần chúng nhân dân, đặc biệt là đông đảo nông dân sục sôi cách mạng, sẵn sàng chiến đấu. Trong tình thế so sánh lực lượng ấy, Đảng ta quyết định phát động quần chúng nông dân ở nông thôn miền Nam tiến hành khởi nghĩa từng phần, đập tan khâu yếu nhất của chế độ Mỹ - Ngụy ở nông thôn, lập nên chính quyền của nhân dân.

Các cuộc khởi nghĩa từng phần liên tiếp nổ ra ở miền Trung, đồng bằng Nam Bộ như nổi dậy ở Vĩnh Thạnh từ ngày 06-02 đến tháng 4-1959; nổi dậy ở Bắc Ái từ ngày 07-02 đến tháng 4-1959; khởi nghĩa Trà Bồng tháng 8-1959, đồng khởi Bến Tre từ ngày 17-01 đến 20-4-1960. Các cuộc khởi nghĩa này đã giành quyền làm chủ về tay nhân dân ở hàng nghìn xã, ấp, đẩy địch vào thế bị động, khủng hoảng. Đặc biệt với phong trào “Đồng khởi” đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng miền Nam, từ thế giữ gìn lực lượng chuyển sang thế tiến công, từ hình thức đấu tranh chính trị là chính có lực lượng vũ trang hỗ trợ, chuyển sang kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự, đấu tranh quân sự từng bước lên ngang hàng đấu tranh chính trị.

Khi những tương quan lực lượng giữa ta và địch thay đổi, Đảng ta cũng luôn thay đổi phương châm đấu tranh cho phù hợp. Khi chế độ Mỹ - Diệm rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng hơn, Đảng ta phân vùng đấu tranh với những hình thức khác nhau. Ở vùng rừng núi, đấu tranh quân sự là chủ yếu. Ở vùng đồng bằng, đấu tranh quân sự kết hợp đấu tranh chính trị. Ở vùng đô thị lấy đấu tranh chính trị làm trọng.

Đường lối cách mạng đúng đắn, sự chỉ đạo sát sao, kịp thời, sáng suốt của Đảng ta đã đưa cách mạng Việt Nam vượt qua khó khăn, thử thách trước các chiến lược chiến tranh của Mỹ từ Chiến lược chiến tranh đặc biệt (1961 - 1965) đến Chiến lược chiến tranh cục bộ và Chiến tranh phá hoại miền Bắc (1965- 1968), Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh và Đông Dương hóa chiến tranh (1969 - 1973)…Trong từng chiến lược của địch, Đảng ta vận dụng phương thức tiến công thích hợp, khoét sâu sai lầm và chỗ yếu của địch, phát huy điểm mạnh và khắc phục chỗ yếu của ta, làm thất bại mọi âm mưu và thủ đoạn của đế quốc Mỹ, giành thắng lợi cho dân tộc ta.

Vấn đề chọn chính xác phương hướng và mục tiêu chiến lược trở thành nhân tố quyết định thắng lợi của các chiến dịch, làm cho ta có thể đánh nhanh, thắng gọn, đạt và vượt mức nhiệm vụ chiến lược. Qua thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thống nhất nước nhà, chúng ta nhận định được rằng, đường lối cách mạng mà Đảng ta đề ra và chỉ đạo không chỉ mang tính cách mạng triệt để mà còn mang tính khoa học sâu sắc.

Đường lối của Đảng là tiền đề, là điểm tựa vững chắc cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nhưng tiền đề, điểm tựa ấy chỉ được phát huy trên tinh thần đoàn kết, ý chí cách mạng của nhân dân. Đại đoàn kết dân tộc và ý chí, nghị lực của nhân dân là sức mạnh vô song cho sự thống nhất nước nhà. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội Đảng lần thứ IV đã viết, đoàn kết trong mặt trận dân tộc thống nhất là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Cứ mỗi bước phát triển thắng lợi của cách mạng, Mặt trận dân tộc thống nhất lại được củng cố, làm cho khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng đông đảo.

Tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới

Không chỉ dừng lại ở khối đại đoàn kết dân tộc, Đảng ta cũng chú trọng tạo dựng mối quan hệ ba nước Đông Dương, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới. Khi đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân xâm lược Việt Nam thì “3 tầng Mặt trận chống Mỹ”: Mặt trận đoàn kết dân tộc Việt Nam chống Mỹ, cứu nước; Mặt trận đoàn kết chống Mỹ của ba dân tộc Đông Dương; Mặt trận quốc tế ủng hộ Việt Nam chống Mỹ càng được củng cố và phát triển.

Tháng 3-1965, Hội nghị nhân dân ba nước Đông Dương họp tại Phnom Penh (Campuchia) đánh dấu một bước tiến mới của liên minh đoàn kết chiến đấu chống Mỹ. Từ ngày 24 đến 25-04-1970, trên đà thắng lợi của nhân dân ba nước Đông Dương, Hội nghị cao cấp nhân dân ba nước Đông Dương đã họp nhằm tăng cường đoàn kết, siết chặt tình hữu nghị thắm thiết và sự hợp tác lâu dài của nhân dân ba nước. Bộ Chính trị đã xác định vị trí và nhiệm vụ của từng chiến trường: Miền Nam Việt Nam là chiến trường quan trọng nhất của nhân dân ba nước Đông Dương. Lào là chiến trường quan trọng, nhất là Trung Hạ Lào hiểm yếu, nối liền miền Bắc với chiến trường miền Nam và Campuchia. Campuchia là chiến trường mới được mở, khâu yếu nhất trên toàn bộ bán đảo Đông Dương. Đông Dương đã trở thành một chiến trường thống nhất cùng nhau đánh bại cuộc hành quân “Thần lửa” của Mỹ - Ngụy.

Sự giúp ủng hộ của nhân dân thế giới là một nhân tố vô cùng quan trọng, góp phần tạo lên sức mạnh tổng hợp để đánh Mỹ và thắng Mỹ. Trong phong trào ủng hộ Việt Nam, chúng ta thấy nổi bật lên vai trò tiên phong, nòng cốt của các nước xã hội chủ nghĩa. Nhân dân Liên Xô, nhân dân Cuba và nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa khác đều lên tiếng phản đối đế quốc Mỹ xâm lược, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Ngay cả ở các nước tư bản chủ nghĩa phát triển mạnh như Pháp, Nhật Bản, Italia và ở ngay chính nước Mỹ, những người yêu chuộng hòa bình và công lý cũng lên tiếng phản đối chính sách xâm lược của đế quốc Mỹ. Phong trào ủng hộ Việt Nam của nhân dân thế giới phát triển nhảy vọt về cả quy mô, mức độ và hình thức kể từ đầu năm 1965 khi đế quốc Mỹ ồ ạt tấn công miền Nam Việt Nam. Phong trào thế giới ủng hộ Việt Nam đã hỗ trợ mạnh mẽ cho cuộc chiến đấu của quân và dân ta.

Tóm lại, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi là niềm tự hào của dân tộc ta, là một trong những sự kiện vĩ đại của dân tộc Việt Nam, đồng thời là một sự kiện lịch sử có tầm vóc quốc tế. Sức mạnh của cuộc chiến đấu đó là sự tổng hợp của nhiều nhân tố từ đường lối, chiến lược và phương pháp cách mạng của Đảng ta đến sức mạnh của nhân dân trong nước, nhân dân Đông Dương và nhân dân thế giới.

Có thể nói rằng, chiến tranh đã lùi xa nhưng những nhân tố tạo nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ mãi còn vang vọng. Những giá trị của các nhân tố đó vẫn cần được phát huy trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước ta trong giai đoạn hiện nay và mai sau. Trong bối cảnh thời cơ và thách thức đan xen, vai trò lãnh đạo sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng ta tiếp tục nâng tầm trí tuệ và đổi mới tư duy để lãnh đạo toàn diện đất nước phù hợp với diễn biến nhanh chóng, mau lẹ của thực tế; phù hợp với đường lối đổi mới của cách mạng Việt Nam và cũng chính trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đi đôi với tăng cường đoàn kết khu vực, đoàn kết quốc tế, tạo nên sức mạnh tổng hợp để hoàn thành sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa./.