Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á: 40 năm nối nhịp cầu hữu nghị

Nguyễn Văn Giàu Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội
20:59, ngày 07-12-2017

TCCS - Chặng đường 40 năm, gần nửa thế kỷ cũng đã đủ dài để nhìn lại những bước phát triển và nỗ lực vươn lên của Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, khẳng định vị thế của ngoại giao nghị viện cũng như vai trò của Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đối với tiến trình hội nhập của các quốc gia Đông Nam Á. Đây cũng là một trong những hình mẫu tiêu biểu của liên kết nghị viện khu vực ở châu Á, biểu tượng tự hào cho tinh thần đoàn kết, hợp tác và thống nhất trong đa dạng của Cộng đồng ASEAN.

Ngày 02-9-1977, Tổ chức Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPO) - tiền thân của Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) - chính thức được thành lập tại Ma-ni-la, Thủ đô của Phi-líp-pin, đánh dấu kết quả hợp tác ban đầu của 5 thành viên ban đầu của ASEAN là In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Xin-ga-po và Thái Lan, trong đó In-đô-nê-xi-a là quốc gia khởi xướng. Ra đời sau 10 năm kể từ khi ASEAN được thành lập (năm 1967), AIPO là kết quả của quá trình nhận thức của các nhà lập pháp trong khu vực về sức mạnh đoàn kết và hợp tác chặt chẽ hơn giữa các nghị viện và nghị sĩ, những người đại diện cho người dân ASEAN từng bước tham gia mạnh mẽ hơn nhằm giải quyết những mối quan tâm chung và thúc đẩy hòa bình, ổn định, thịnh vượng theo các nguyên tắc và mục tiêu của ASEAN và AIPO/AIPA. Một thực thể hợp tác liên nghị viện của các nước thành viên ASEAN đã và đang góp phần tích cực đáp ứng nguyện vọng của ASEAN, đưa khu vực trở thành một Cộng đồng gắn kết, hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.

Từ 5 nước thành viên sáng lập ban đầu, AIPO đã không ngừng lớn mạnh với việc kết nạp thêm Việt Nam (năm 1995), Lào (năm 1997), Cam-pu-chia (năm 1999), Bru-nây (năm 2009) và Mi-an-ma (năm 2011). Ngoài ra, AIPA còn có quan hệ đối tác với 12 nghị viện quan sát viên là Ô-xtrây-li-a, Ca-na-đa, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nghị viện châu Âu, Niu Di-lân, Pa-pua Niu Ghi-nê, Nga, Bê-la-rút, Đông Ti-mo, Ấn Độ. Thông qua các hoạt động của AIPO, nghị viện và nghị sĩ các nước trong khu vực ngày càng có điều kiện gặp gỡ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm hoạt động nghị viện, trở nên thân thiện và tin cậy lẫn nhau. Trong quá trình phát triển, AIPO không ngừng hoàn thiện về tổ chức, cơ cấu cũng như chức năng nhiệm vụ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và có tiếng nói ngày càng thiết thực vào các công việc của ASEAN.

Năm 2007, trong bối cảnh xu hướng tăng cường hội nhập khu vực phát triển mạnh mẽ, AIPO đã đổi tên thành AIPA nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức này. Cùng với đó, AIPO đã thảo luận sôi nổi để sửa đổi, bổ sung điều lệ nhằm xác định rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Đại hội đồng để cơ quan này có thể đưa ra các sáng kiến và quyết định về chính sách lập pháp chung; nâng cao vai trò, trách nhiệm của Ban Chấp hành trong việc chuẩn bị các vấn đề trình ra Đại hội đồng; kiện toàn tổ chức của Ban Thư ký AIPA. Thêm vào đó, AIPA còn đưa ra nhiều sáng kiến, tăng cường giám sát thực hiện các nghị quyết đã được ban hành, đề nghị các nghị viện thành viên AIPA triển khai báo cáo định kỳ hằng năm về tình hình thực hiện nghị quyết lên Đại hội đồng AIPA. Việc thông qua Điều lệ của AIPA thay thế Điều lệ AIPO đánh dấu bước chuyển đổi tích cực Tổ chức Liên nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á thành Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á, mở ra trang mới trong lịch sử phát triển của AIPA, hội nhập sâu rộng và hợp tác chặt chẽ hơn giữa nghị viện các nước ASEAN.

Tăng cường quan hệ hữu nghị, củng cố đoàn kết trong ASEAN

Qua 38 kỳ Đại hội đồng, AIPA đã ban hành hàng trăm nghị quyết về nhiều vấn đề quan trọng, nhận được sự quan tâm chung của các nước ASEAN mà trước hết là về chính trị, an ninh và xây dựng lòng tin. Phạm vi về các vấn đề thuộc lĩnh vực này mà AIPA quan tâm thúc đẩy rất đa dạng: từ tăng cường hội nhập ASEAN, toàn cầu hóa và sự tác động của toàn cầu hóa tới ASEAN đến bảo đảm hòa bình ổn định tại khu vực, tăng cường năng lực lập pháp và quản trị tốt.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, đóng góp quan trọng của AIPA đối với chính trị và an ninh khu vực là việc thực thi Tuyên bố về Khu vực hòa bình, tự do và trung lập (ZOPFAN). AIPA bảo đảm rằng, ASEAN đại diện cho ý chí tập thể của các quốc gia Đông Nam Á thông qua các nỗ lực chung, tình hữu nghị và hợp tác để bảo đảm dân chủ, hòa bình và thịnh vượng. Tại nhiều kỳ họp, AIPA đã bàn về tiến trình hội nhập khu vực thông qua việc đẩy mạnh hợp tác giữa các thể chế liên chính phủ và liên nghị viện khu vực; hòa bình thế giới hiện nay và vai trò của Liên hợp quốc trong việc giữ gìn hòa bình thế giới và luật pháp quốc tế. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến hết sức phức tạp, AIPA đã tích cực, chủ động ban hành nghị quyết nhằm tăng cường sự tham gia của các nghị viện trong khu vực Đông Nam Á để giải quyết các vấn đề an ninh, chính trị trong khu vực. Là một tổ chức đại diện cho nhân dân các nước trong khu vực, nghị viện các nước thành viên AIPA có vai trò quan trọng không thể thiếu trong khuôn khổ cơ chế hợp tác chung của ASEAN để cùng nhau xây dựng và phát triển Cộng đồng ASEAN với mục tiêu của Tầm nhìn 2025 là “tiếp tục xây dựng Cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, chia sẻ trách nhiệm xã hội, lấy người dân làm trọng tâm trong chính sách, lấy luật lệ, luật pháp làm nền tảng trong hoạt động”.

Góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại, vì một nền kinh tế năng động, phát triển và bao trùm

Trong lĩnh vực kinh tế, phạm vi các vấn đề mà AIPA tập trung quan tâm thảo luận cũng chính là những vấn đề thuộc mối quan tâm của ASEAN. Các Đại hội đồng AIPA thảo luận về nhiều vấn đề kinh tế, thương mại, hợp tác trong Cộng đồng ASEAN và giữa ASEAN với các nước khác. AIPA đã thông qua các nghị quyết nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước ASEAN và giữa ASEAN với các khu vực khác. Đối với việc thực thi cam kết Cộng đồng Kinh tế ASEAN sau năm 2015, AIPA và các nghị viện thành viên ủng hộ thực hiện Kế hoạch hành động tổng thể của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), đề nghị ASEAN tiến hành đánh giá định kỳ các kết quả thực hiện cam kết trong AEC phù hợp với Tầm nhìn AEC 2025.

Bên cạnh đó, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đã được Liên hợp quốc thông qua vào năm 2015, các nghị sĩ AIPA rất quan tâm tới việc thúc đẩy tăng trưởng xanh trong khu vực, khẳng định các nước thành viên ASEAN cần xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh, thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng chú trọng về chất lượng, trong đó tăng trưởng kinh tế cần gắn liền với sự phát triển bền vững của tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực, năng lượng, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học. AIPA đề nghị ASEAN cần xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh, tăng cường hợp tác trong khu vực về năng lượng tái tạo và thực hiện các giải pháp giúp giảm lượng khí thải các-bon ra môi trường; mong muốn có những cơ chế hợp tác và khung pháp lý cho việc bảo vệ và quản lý tài nguyên thiên nhiên.

Góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, phát triển văn hóa trong ASEAN

AIPA thúc đẩy mạnh mẽ sự quan tâm và giải quyết các vấn đề xã hội thông qua cơ chế trao đổi chuyên sâu và các cuộc họp của Ủy ban chuyên đề về các vấn đề xã hội, trong đó có hợp tác về giáo dục, văn hóa, y tế, nâng cao vai trò của phụ nữ trong ASEAN, bảo vệ quyền trẻ em, môi trường, lao động nhập cư, xóa đói nghèo và vấn đề ma túy. AIPA cho rằng, để đạt được một trong những mục tiêu của ASEAN như trong Tuyên bố ASEAN năm 1967, cần thúc đẩy phát triển xã hội tại các nước thành viên.

AIPA đã góp phần tạo sự đồng thuận cao giữa các thành viên trong thực hiện các giải pháp xóa đói, giảm nghèo; thúc đẩy bảo vệ quyền của người lao động di cư; tăng cường trao đổi về giáo dục, dạy nghề; ngăn chặn lạm dụng lao động trẻ em; phòng, chống buôn bán trái phép và sử dụng ma túy; ngăn chặn sự lan truyền nhanh chóng của các bệnh dịch; đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia; hợp tác bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác hại của thiên tai và thúc đẩy hợp tác văn hóa, du lịch trong ASEAN. AIPA cũng thúc đẩy tăng cường vai trò của phụ nữ trong ASEAN ở mọi lĩnh vực và mọi cấp độ. Để làm được điều này, AIPA khuyến khích việc tăng cường mạng lưới hoạt động của các nữ đại biểu. Hội nghị nữ nghị sĩ AIPA hằng năm chính là diễn đàn, tạo cơ hội cho các nữ nghị sĩ được tham gia các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội và các vấn đề khác trong chương trình nghị sự của Đại hội đồng AIPA. AIPA cũng phối hợp với ASEAN tổ chức nhiều hoạt động, hội thảo chuyên đề về các giá trị văn hóa gắn bó với người dân trong ASEAN.

Ngoài ra, cùng với ASEAN, AIPA đã chủ động đề ra nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy việc thực thi các cam kết, thỏa thuận về nhiệm vụ xây dựng Cộng đồng ASEAN. Tại các kỳ Đại hội đồng AIPA, các quốc gia đối thoại của AIPA thường gặp gỡ và trao đổi với các nghị viện thành viên AIPA. Nội dung các phiên đối thoại tập trung vào các vấn đề hòa bình, an ninh khu vực, thương mại và đầu tư, môi trường, hợp tác giáo dục và văn hóa, hợp tác khoa học và công nghệ, tăng cường hợp tác song phương giữa AIPA và các nghị viện các nước quan sát viên.

Với vai trò là tổ chức liên nghị viện khu vực, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân ASEAN, AIPA đã không ngừng củng cố hoạt động, nâng cao vai trò và thúc đẩy hợp tác giữa các nghị viện thành viên và với ASEAN, hỗ trợ chính phủ các nước ASEAN trong thực hiện mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN trên cả ba trụ cột: An ninh - Chính trị, Kinh tế và Văn hóa - Xã hội. Sự đồng hành và phối hợp chặt chẽ giữa hai kênh Chính phủ và Quốc hội có vai trò rất quan trọng. Trên cương vị của những nhà hoạch định chính sách, xây dựng và giám sát việc thực thi pháp luật của các quốc gia ASEAN, nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới đối với AIPA và các nghị viện thành viên chính là tiếp tục hoàn thiện hơn nữa các khuôn khổ pháp lý hỗ trợ tiến trình liên kết khu vực sâu rộng và chặt chẽ hơn, hỗ trợ chính phủ các nước ASEAN cùng thực hiện thành công tầm nhìn về Cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Quốc hội Việt Nam với AIPA

Thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa, Quốc hội Việt Nam đã gia nhập AIPO vào năm 1995. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ giữa Quốc hội nước ta với nghị viện các nước trong khu vực. Là thành viên của AIPO và nay là AIPA, Việt Nam luôn chủ động tham gia các hoạt động của Hội đồng liên nghị viện, tích cực đóng góp tại các kỳ họp của Đại hội đồng AIPA, cũng như đã tổ chức thành công Đại hội AIPA-23 (năm 2002), AIPA-31 (năm 2010) và các hội nghị chuyên đề, hội nghị cấp ủy ban, được các nghị viện thành viên đánh giá cao.

Quốc hội Việt Nam đã đóng góp nhiều sáng kiến, phát biểu tại các kỳ Đại hội đồng cũng như tại các hoạt động trong khuôn khổ của AIPA, cụ thể như các kiến nghị về tăng cường vai trò của AIPA trong quá trình xây dựng Hiến chương ASEAN; đề nghị cơ quan đại diện ngoại giao các nước thành viên ASEAN cần thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan lập pháp ASEAN; khuyến nghị các nước thông qua các dự luật mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin để tiến tới hiện thực hóa ý tưởng ASEAN điện tử (e-ASEAN); sáng kiến tổ chức Hội nghị nữ nghị sĩ của AIPA (WAIPA); sáng kiến thành lập tiểu ban nghiên cứu nhằm tìm ra những biện pháp thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lãnh đạo chính trị và đặc biệt là trong các cơ quan lập pháp các nước thành viên AIPA; sáng kiến về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm tại mỗi nước thành viên, đồng thời tổ chức một lễ kỷ niệm chung nhằm nâng cao vai trò, vị trí của AIPA trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của ASEAN. Việt Nam cũng đưa ra các sáng kiến, như thành lập Nhóm tư vấn AIPA tại nghị viện các nước thành viên để tư vấn về vấn đề hài hòa hóa pháp luật, giám sát thực hiện nghị quyết của AIPA và tăng cường quan hệ giữa AIPA và ASEAN; mở rộng thành phần tham dự hội nghị, trong đó có một số nước không phải là thành viên AIPA (một số nước khu vực Đông Á) tới dự hội nghị và được hưởng quy chế đại biểu của hội nghị, nghĩa là được phát biểu chính thức và tham gia tất cả các hoạt động trong thời gian diễn ra hội nghị. Những đóng góp của Quốc hội Việt Nam trong AIPO/AIPA có ý nghĩa quan trọng vào việc củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước ASEAN; khẳng định được vị thế, vai trò của Quốc hội Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Bốn mươi năm qua, AIPA đã từng bước xây nên những nhịp cầu hữu nghị, kết nối nghị viện và nhân dân ASEAN, cùng đóng góp vào xây dựng một Cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định, đoàn kết và thịnh vượng.

Lịch sử đã lặp lại, từ ngày 14 đến 20-9-2017, tại Thủ đô Ma-ni-la, một lần nữa Phi-líp-pin vinh dự là nước đăng cai kỳ Đại hội đồng lần thứ 38 của Hội đồng liên nghị viện ASEAN. Ngoài tính chất thường niên, kỳ Đại hội đồng lần này mang ý nghĩa đặc biệt bởi được tổ chức đúng dịp kỷ niệm lần thứ 40 năm thành lập AIPA và 50 năm thành lập ASEAN. Vì vậy, chủ đề của Đại hội đồng AIPA 38 “AIPA - ASEAN: Quan hệ đối tác vì sự thay đổi toàn diện” đánh dấu bước chuyển quan trọng của Cộng đồng ASEAN cũng như diễn đàn liên nghị viện của ASEAN, với ý nghĩa định hướng tương lai của AIPA và ASEAN, đổi mới về hình thức và chương trình nghị sự của AIPA và ASEAN, nhằm đem lại sự thay đổi toàn diện cho khu vực Đông Nam Á cũng như cho các quốc gia, nghị viện thành viên.

Sự chủ động và chuẩn bị chu đáo của đoàn lãnh đạo cấp cao Quốc hội Việt Nam sẽ đóng góp thiết thực, thực chất vào thành công của Đại hội đồng, vì lợi ích của gần 630 triệu người dân Đông Nam Á, hướng tới thực hiện thành công các mục tiêu và Tầm nhìn 2025 của Cộng đồng ASEAN./.