TCCSĐT - Sự có mặt của Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép tại Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2011 tại Đa-vốt không chỉ là lần đầu tiên trong lịch sử của hội nghị này người đứng đầu nhà nước Nga tham dự và đọc tham luận, mà còn cho thế giới biết rõ hơn con đường phát triển và hiện đại hóa của một quốc gia có vai trò và vị trí đặc biệt trong thế giới đương đại kể từ sau khi Liên Xô tan rã.

Sau lời khai mạc ngắn gọn với vai trò là người tổ chức Diễn đàn kinh tế thế giới, giáo sư Xtrau-xơ Soáp mời Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép lên đọc bản tham luận đầu tiên tại hội nghị và đề nghị tất cả những người có mặt dành một phút tưởng niệm những nạn nhân xấu số trong vụ khủng bố tại sân bay Đô-mô-đê-đô-vô của Nga. Dường như chia sẻ nỗi đau quá lớn của nước Nga, thời tiết ở Đa-vốt ngày hôm đó trở nên ảm đạm, còn các đám tuyết bao phủ trên các sườn đồi và công viên xung quanh cũng không sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời như thường lệ.

Trong bài tham luận gây được sự chú ý và thiện cảm của người nghe, Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép nói về sự cần thiết phải tăng cường quan hệ đối tác giữa tất cả các quốc gia trong bối cảnh quốc tế hiện nay, dù là để chống khủng bố hay là để duy trì sự tăng trưởng ổn định cho nền nền kinh tế thế giới. Ông nhấn mạnh, dù khó khăn và phức tạp đến mấy, thế giới cũng cần phải chia tay với cách quản lý toàn cầu mang tính áp đặt đơn phương và độc đoán. Vì thế, việc hình thành diễn đàn G20 là một bước tiến lớn của thế giới hướng tới mục đích phát triển.

Chủ đề chính trong bài tham luận của Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép là con đường phát triển nước Nga theo hướng đổi mới và hiện đại hóa. Theo ông, nền kinh tế phát triển tốt và ổn định là cơ sở cho một nền dân chủ. Còn sự phát triển và tăng trưởng kinh tế lại phụ thuộc nhiều vào đầu tư của tư nhân. Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép giải thích rõ để các nhà đầu tư nước ngoài hiểu rằng, nền kinh tế của nước Nga ngày nay đang mở ra khả năng to lớn chưa từng có cho hoạt động sản xuất và kinh doanh của tất cả những ai muốn đầu tư vào Nga.

Theo Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép, trong thời gian qua, theo chỉ thị của ông, số doanh nghiệp lớn của nhà nước ở Nga đã giảm 5 lần và trong 3 năm tới Nga sẽ cổ phần hóa các hãng và các công ty thuộc các lĩnh vực ngân hàng, hạ tầng cơ sở, năng lượng với tổng số vốn lên tới nhiều chục tỉ USD. Nga sẽ mời các ngân hàng lớn nhất thế giới tham gia quản lý quá trình tư nhân hóa ở Nga. Người đứng đầu nhà nước Nga tuyên bố, Nga không chỉ mời các nhà đầu tư nước ngoài vào làm ăn ở Nga mà còn cùng chia sẻ thành công và rủi ro với họ. Thời gian tới, Nga sẽ thành lập Quỹ đặc biệt nhằm chia sẻ rủi ro với các nhà đầu tư nước ngoài bằng cách cùng liên kết đầu tư vào các đề án hiện đại hóa quy mô lớn trong nền kinh tế Nga như đề án thành lập Trung tâm tài chính quốc tế ở Mát-xcơ-va, xây dựng thành phố khoa học “Xcôn-cô-vô” v.v.

Sau bài tham luận của Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép, Phó Thủ tướng Nga I-go Su-va-lốp, Trưởng đoàn đại biểu Nga tại Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2011, phụ trách Chương trình của Nga tại diễn đàn, Giám đốc các hãng và các công ty nước ngoài đang hoạt động ở Nga như “PepsiCo”, “Alstom” và “Boeing Commercial Airplanes” đã phát biểu tham luận nhấn mạnh ưu thế đặc biệt và hiếm có đối với sản xuất và kinh doanh ở Nga là tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú và tiềm năng trí tuệ của con người rất lớn. Trong bài tham luận của mình tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Nga I-go Su-va-lốp nhấn mạnh, nước Nga đang phát triển dưới sự dẫn dắt của một ban lãnh đạo mạnh để đưa đất nước vươn tới trình độ phát triển có chất lượng hoàn toàn mới. Đến năm 2020, nước Nga sẽ trở thành quốc gia có môi trường sống tốt hàng đầu thế giới, trong đó mỗi cá nhân có thể phát huy tài năng của mình để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho các thế hệ sau.

Theo Phó Thủ tướng Nga I-go Su-va-lốp, cơ sở cho mô hình phát triển của nước Nga mới là nền kinh tế tri thức, chứ không phải là nền kinh tế dựa trên ưu thế khai thác tài nguyên thiên nhiên. Trong đó, Nga sẽ hạn chế đến mức tối đa sự can thiệp của nhà nước vào hoạt động kinh tế. Trong thời gian khủng hoảng tài chính - kinh tế vừa qua, Nga đã không áp dụng các biện pháp mạnh như quốc hữu hóa các hãng và các công ty như Mỹ và các đối tác ở phương Tây đã làm. Đồng thời, chính phủ Nga tuyên bố tư nhân hóa hàng loạt xí nghiệp và tập đoàn kinh tế quốc doanh

Nhờ thực hiện các biện pháp cải tiến quản lý kinh tế, hiện nay môi trường đầu tư ở Nga đã được cải thiện đáng kể. Trong đó tính mở, tính công khai và minh bạch đã được đặc biệt chú ý. Đây là yêu tố rất quan trọng trong điều kiện Nga tham gia quá trình toàn cầu hóa ngày càng sâu sắc và mạnh mẽ. Theo Phó Thủ tướng Nga I-go Su-va-lốp, diễn đàn có hiệu quả nhất để Nga thể hiện quan điểm công khai và minh bạch là Hội nghị G8 và G20, tại đó Nga đã từng tham gia tích cực với nhiều sáng kiến nhằm xây dựng mô hình phát triển kinh tế trong giai đoạn hậu khủng hoảng./.