Bình đẳng giữa các dân tộc ở Việt Nam - Chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước
TCCSĐT - Vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về bình đẳng giữa các dân tộc, Đảng và Nhà nước ta thường xuyên quan tâm xây dựng, bổ sung, hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách bình đẳng giữa các dân tộc. Tuy nhiên, trước yêu cầu mới của công cuộc đổi mới đất nước vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục bổ sung, phát triển, hoàn thiện và thực hiện tốt hơn chính sách bình đẳng giữa các dân tộc ở Việt Nam.
1- Là một quốc gia độc lập, thống nhất, đa dân tộc, nên ở Việt Nam, việc thực hiện tốt vấn đề bình đẳng giữa các dân tộc là một vấn đề hết sức quan trọng; đồng thời, việc thực hiện sự bình đẳng giữa các dân tộc ở Việt Nam còn là một trong những nhân tố rất quan trọng bảo đảm cho xã hội Việt Nam luôn ổn định và phát triển. Quyền bình đẳng giữa các dân tộc ở Việt Nam đã được thể hiện trong cuộc sống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, nhất là từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam đến nay.
Cộng đồng các dân tộc Việt Nam hiện nay là kết quả của một quá trình hình thành và phát triển lâu dài trong lịch sử của dân tộc Việt Nam, có nhiều đặc điểm riêng so với các dân tộc khác trên thế giới. Các dân tộc ở Việt Nam có tỷ lệ số dân không đều nhau, song các dân tộc luôn coi nhau như anh em trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, không có tình trạng dân tộc đa số cưỡng bức, đồng hóa, thôn tính các dân tộc thiểu số, không có tình trạng các dân tộc thiểu số chống lại dân tộc đa số. Các dân tộc ở Việt Nam cư trú phân tán và xen kẽ nhau. Người Kinh có mặt trên khắp cả nước, nhưng địa bàn cư trú chủ yếu là đồng bằng, ven biển và trung du. Còn hầu hết các dân tộc thiểu số không cư trú thành những khu vực riêng biệt, mà cư trú xen kẽ trên các vùng rừng núi, cao nguyên, biên giới. Các dân tộc ở Việt Nam có trình độ phát triển kinh tế - xã hội không đều nhau, có những dân tộc thiểu số trình độ thấp, đời sống có nhiều khó khăn, nhất là những dân tộc cư trú ở vùng điều kiện địa lý - tự nhiên khắc nghiệt, canh tác không ổn định. Mỗi dân tộc ở Việt Nam đều có bản sắc văn hóa riêng, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng của văn hóa Việt Nam. Sự thống nhất và đa dạng của nền văn hóa Việt Nam đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn của dân tộc Việt Nam trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước. Các dân tộc ở Việt Nam luôn có truyền thống đoàn kết trong đấu tranh để chinh phục thiên nhiên và chống giặc ngoại xâm, luôn chăm lo xây dựng một cộng đồng dân tộc thống nhất với tinh thần “người trong một nước phải thương nhau cùng”.
2- Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong hơn 87 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm đến vấn đề dân tộc, nhất là vấn đề bình đẳng dân tộc, đoàn kết dân tộc trong hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của mình. Nghị quyết Đại hội lần thứ II của Đảng đã chỉ rõ, các dân tộc sống trên đất Việt Nam đều được bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, phải đoàn kết giúp đỡ nhau để kháng chiến và kiến quốc. Tháng 8-1952, Bộ Chính trị có Nghị quyết về “Chính sách dân tộc thiểu số của Đảng hiện nay”. Sau đó, ngày 22-6-1953, Chính phủ ban hành chính sách dân tộc của Nhà nước Việt Nam, trong đó khẳng định đoàn kết các dân tộc trên nguyên tắc bình đẳng, tương trợ để kháng chiến, kiến quốc, giúp nhau tiến bộ về mọi mặt.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển. Báo cáo Chính trị tại Đại hội lần thứ XII của Đảng nêu rõ: “Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, tây duyên hải miền Trung”(1).
3- Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tất cả các dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam đều được bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Người chỉ rõ: “Chính sách dân tộc của chúng ta là nhằm thực hiện sự bình đẳng giúp nhau giữa các dân tộc để cùng nhau tiến lên chủ nghĩa xã hội”(2) và “Các dân tộc thiểu số đã sát cánh với anh em đa số chiến đấu chống kẻ thù chung đưa Cách mạng tháng Tám và kháng chiến đến thắng lợi”(3). Ở Việt Nam thực hiện chế độ dân chủ, nên mọi công dân đều là người chủ của đất nước. Vì thế, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là tất cả đồng bào các dân tộc đều là người chủ nước nhà”(4). Tất cả mọi người không phân biệt dân tộc đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Sự bình đẳng giữa các dân tộc ở Việt Nam là cơ sở cho sự đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng và Chính phủ ta luôn luôn kêu gọi các dân tộc xóa bỏ xích mích do đế quốc và phong kiến gây ra, cùng nhau đoàn kết chặt chẽ trên cơ sở bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ…”(5). Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở các dân tộc phải thương yêu nhau như anh em trong một gia đình, hết sức tránh những tư tưởng tự tôn hoặc tự ti dân tộc. Người viết: “Người dân tộc lớn dễ mắc bệnh kiêu ngạo. Cán bộ địa phương, nhân dân địa phương lại dễ cho mình là dân tộc bé nhỏ, tự ti, cái gì cũng cho là mình không làm được, rồi không cố gắng. Đó là những điểm phải tránh”(6).
4- Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc trong quốc gia thống nhất Việt Nam là cốt lõi của chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta. Nguyên tắc cơ bản đó được ghi rõ trong Hiến pháp. Hiến pháp năm 1946 chỉ rõ tất cả quyền bình đẳng trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo và ngoài sự bình đẳng về quyền lợi, những dân tộc thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng tiến kịp trình độ chung.
Hiến pháp năm 1959 và sau đó là Hiến pháp năm 1980 cũng đều long trọng công bố quyền bình đẳng giữa các dân tộc. Mọi hành vi khinh miệt, áp bức, chia rẽ các dân tộc đều bị nghiêm cấm. Hiến pháp năm 1992 khẳng định chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta với nội dung cốt lõi là các dân tộc ở trong nước bình đẳng, đoàn kết, tương trợ nhau cùng phát triển. Điều 5 khẳng định, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển về mọi mặt, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số.
Hiến pháp năm 2013 khẳng định, Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước.
5- Công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta trong những năm qua đã thu được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang và sẽ phải đối mặt với những nguy cơ, khó khăn, thách thức mới. Liên quan đến vấn đề thực hiện chính sách bình đẳng giữa các dân tộc ở Việt Nam hiện nay, cần quan tâm đến một số khía cạnh sau đây:
Thứ nhất, hiện nay, đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao; khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư còn lớn. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở vùng sâu, vùng xa, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao (một số huyện, xã lên đến 50%). Một số chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo còn chồng chéo, chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao và chưa khuyến khích tốt người nghèo vươn lên để thoát nghèo. Khoảng cách phân hóa giàu - nghèo sẽ ngày càng tăng nếu không có những chính sách điều tiết phù hợp.
Thứ hai, quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Sự phát triển các lĩnh vực, các vùng, miền thiếu đồng bộ. Việc giải quyết một số vấn đề xã hội chưa hiệu quả. Mục tiêu xây dựng quan hệ hài hòa giữa các lĩnh vực, ngành, nghề, vùng, miền vẫn đặt ra nhiều vấn đề phải tiếp tục giải quyết. Việc giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tình trạng chênh lệch giàu - nghèo và bất bình đẳng có xu hướng gia tăng. Chưa có những chính sách, giải pháp kịp thời, có hiệu quả đối với vấn đề biến đổi cơ cấu, phân hóa giàu - nghèo, phân tầng xã hội, kiểm soát rủi ro, giải quyết các mâu thuẫn xã hội, bảo đảm an toàn cho xã hội, an ninh cho con người.
Thứ ba, những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp trong truyền thống văn hóa, đạo đức của dân tộc được bồi đắp, kết tinh, hội tụ trong quá trình lịch sử tồn tại và phát triển của dân tộc đang có nguy cơ bị mai một, suy giảm. Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: “Đạo đức, lối sống có mặt xuống cấp đáng lo ngại. Đời sống văn hóa tinh thần ở nhiều nơi còn nghèo nàn, đơn điệu; khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và trong các tầng lớp nhân dân chậm được rút ngắn. Môi trường văn hóa còn tồn tại những biểu hiện thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội và một số loại tội phạm có chiều hướng gia tăng. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đạt hiệu quả chưa cao”(7).
Thứ tư, các thế lực thù địch vẫn không từ bỏ âm mưu chống phá cách Việt Nam bằng nhiều thủ đoạn, hình thức, biện pháp mới. Để thực hiện mục tiêu chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch đã và đang đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ bên trong Đảng ta. Các thế lực thù địch đã, đang và sẽ đẩy mạnh việc giúp đỡ thành lập các lực lượng đối lập, tạo điều kiện cho các lực lượng này hoạt động, kích động quần chúng, nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Các phần tử chống đối, các phần tử thoái hóa biến chất, các tổ chức “phi chính phủ” cũng đã, đang và sẽ được các thế lực thù địch tài trợ và lợi dụng để tiến hành các hoạt động “diễn biến hoà bình” chống chế độ từ bên trong, nhất là xuyên tạc quan điểm, đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta.
6- Trong những điều kiện đó, để tiếp tục thực hiện tốt chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về bình đẳng giữa các dân tộc ở Việt Nam hiện nay, cần quan tâm làm tốt một số nội dung, giải pháp sau đây:
Một là, cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta, về vị trí, vai trò của các dân tộc trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại. Khẳng định tính nhất quán của chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta qua các thời kỳ cách mạng là bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau để cùng phát triển. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, làm cho đồng bào các dân tộc tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm cho đồng bào các dân tộc được bình đẳng về quyền làm chủ đất nước; bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, được thực hiện quyền tham chính của mình thông qua thực hiện dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp qua bầu cử và ứng cử. Công dân là người các dân tộc không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển cao hay thấp đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ trong mọi lĩnh vực của đời sống, như chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tạo điều kiện cho đồng bào có cơ hội thuận lợi phát triển về mọi mặt.
Ba là, Nhà nước cần tích cực hỗ trợ cho đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa các vùng; hằng năm, Nhà nước cần dành tỷ lệ thích đáng về ngân sách đầu tư cho vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng trước đây, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Nhà nước cần khuyến khích đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số và địa bàn khó khăn, hỗ trợ tạo điều kiện để phát triển kết cấu hạ tầng ở các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn phục vụ sản xuất và đời sống, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là việc đi lại, học hành, chữa bệnh... của đồng bào.
Bốn là, cần bảo đảm cho mọi công dân, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nam nữ, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế… được bình đẳng về cơ hội học tập. Nhà nước tạo điều kiện để người dân tộc thiểu số được học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và được hưởng các chính sách ưu tiên đặc biệt nhằm tăng cơ hội tiếp cận về giáo dục cho con em vùng dân tộc thiểu số. Nhà nước cần bảo đảm cho người dân tộc thiểu số được hưởng các quyền ưu tiên về chăm sóc sức khỏe, y tế, an sinh xã hội...
Năm là, chăm lo giữ gìn, phát huy và phát triển bản sắc văn hóa các dân tộc; bảo đảm cho các dân tộc được phát triển hài hòa trong một nền văn hóa đa dân tộc; bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được trân trọng, giữ gìn, phát huy và phát triển. Đồng bào dân tộc ai cũng có quyền tham gia vào các hoạt động văn hóa của dân tộc mình, của cộng đồng, xã hội và được hưởng các chính sách về phát triển văn hóa.
Sáu là, thường xuyên củng cố, tăng cường xây dựng hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở. Chăm lo xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Thường xuyên quan tâm kiện toàn bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ của cơ quan làm công tác dân tộc. Bảo đảm ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, an ninh - quốc phòng ở các vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Tích cực đấu tranh phòng, chống mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, nhất là âm mưu, thủ đoạn phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc./.
-------------------------------------------
(1), (7) Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016. tr. 164, 125
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 9, tr. 587
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 9, tr. 587
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 10, tr. 326
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 9, tr. 587
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 11, tr. 136
Báo chí, truyền thông Campuchia ca ngợi chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  (22/07/2017)
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch dâng hương, tri ân các anh hùng liệt sỹ  (22/07/2017)
Hoạt động trong ngày của Tổng Bí thư tại Campuchia  (22/07/2017)
Phó Chủ tịch nước biểu dương Hiệp hội doanh nghiệp thương binh  (21/07/2017)
Quốc vương Campuchia ca ngợi mối quan hệ tốt đẹp với Việt Nam  (21/07/2017)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên