Thị trường chứng khoán là phong vũ biểu của nền kinh tế mỗi nước. Tình hình sôi động của thị trường chứng khoán ở Việt Nam, thời gian qua đã phản ánh hiện tượng kinh tế tốt lành. Sự phát triển của TTCK một cách ổn định là tác nhân quan trọng không chỉ cho sự phát triển của thị trường tài chính nói riêng mà đối với cả nền kinh tế nói chung.

1. Tổng quan về thị trường chứng khoán Việt Nam

Việc buôn bán cổ phiếu ở Việt Nam đã diễn ra sôi động kể từ sau khi các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hoá, nhưng thị trường chứng khoán (TTCK) nước ta mới chính thức hoạt động từ năm 2000, kể từ khi ra đời Trung tâm giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh ngày 28-7-2000. Khi đó mới có một vài cổ phiếu được giao dịch với tổng số vốn 27 tỉ đồng và 6 công ty chứng khoán thành viên. Hơn 6 năm đầu, mức vốn hoá của thị trường mới chỉ tăng lên 0,5 tỉ USD. Vài năm gần đây mức vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng đột biến, tháng 12-2006 đạt 13,8 tỉ USD (chiếm 22,7% GDP) và đến cuối tháng 4- 2007, đạt 24,4 tỉ USD (chiếm 38% GDP), tăng hơn 1400 lần so với năm 2000, và nếu tính cả trái phiếu thì đạt mức 46% GDP.

Số lượng doanh nghiệp niêm yết tăng 704% so với năm 2000. Vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam cũng có sự gia tăng đáng kể. Tính đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã đổ vào khoảng 4 tỉ USD. Theo dự tính, quy mô của thị trường còn tiếp tục được mở rộng do các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hoá sẽ tiếp tục niêm yết vào năm 2007-2008 trong đó có Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Công thương Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam với số vốn lên tới hàng ngàn tỉ đồng.

Chỉ số VN-Index cũng đã chứng minh sự tăng trưởng nhanh chóng của thị trường. Nếu trong phiên giao dịch đầu tiên ngày 28-7- 2000, VN-Index ở mức 100 điểm thì tháng 3 - 2007, chỉ số này đã đạt ở mức kỷ lục trên 1.170 điểm và sau một vài tháng giảm sút, hiện nay VN-Index đang dao động xung quanh ngưỡng 1.000 điểm (đến giữa tháng 5-2007 đã lên 1.060 điểm), tăng hơn 10 lần so với năm 2000. Đặc biệt, số lượng các nhà đầu tư mới tham gia thị trường ngày càng đông, tính đến cuối tháng 12- 2006, có trên 120.000 tài khoản giao dịch chứng khoán được mở, trong đó gần 2.000 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài. Số lượng các nhà đầu tư có tổ chức cũng tăng lên đáng kể, hiện có 35 quỹ đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó 23 quỹ đầu tư nước ngoài và 12 quỹ đầu tư trong nước. Ngoài ra, còn có gần 50 tổ chức đầu tư theo hình thức uỷ thác qua công ty chứng khoán.

Hệ thống các tổ chức trung gian trên TTCK đã hình thành và phát triển nhanh chóng. Tính đến nay, trên thị trường có 55 công ty chứng khoán, tăng mạnh hàng năm, vốn điều lệ bình quân đạt 77 tỉ đồng/công ty. Ngoài ra, còn có sự tham gia của 18 công ty quản lý quỹ, 41 tổ chức tham gia hoạt động lưu ký chứng khoán, 6 ngân hàng lưu ký.

Sự ra đời của Luật Chứng khoán (có hiệu lực từ ngày 01-01-2007) đã tạo khung pháp lý cao cho TTCK phát triển góp phần thúc đẩy khả năng hội nhập vào thị trường tài chính quốc tế của TTCK Việt Nam.

Những vấn đề liên quan đến TTCK, trong đó những quy định về đăng ký, lưu ký, công khai và minh bạch, giám sát và kiểm tra của các cơ quan chức năng quản lý hoạt động của TTCK từng bước được hoàn thiện. Đáng chú ý là Chính phủ đã chỉ đạo việc phối hợp giữa Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước trong việc tăng cường kiểm soát TTCK ở nước ta, do đó thị trường này vẫn đang ổn định và phát triển khá mạnh.

Một số đặc điểm đáng chú ý của TTCK nước ta trong thời gian qua là:

- Cùng với sự phát triển của các nhà đầu tư là doanh nghiệp (bảo đảm về năng lực tài chính, có tính chuyên nghiệp trong hoạt động đầu tư chứng khoán...) thì sự phát triển của các nhà đầu tư cá nhân rất đông (chiếm hơn 60% số nhà đầu tư) và nhà đầu tư nước ngoài cũng quan tâm đầu tư vào TTCK nước ta ngày càng nhiều (bao gồm cả những nhà đầu tư có tổ chức và nhà đầu tư cá nhân). Theo tính toán của một số chuyên gia kinh tế thì ước tính vốn đầu tư gián tiếp của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hiện đã lên đến 4 tỉ USD và còn tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới. Các nhà đầu tư nước ngoài (hiện có khoảng 1.700) chủ yếu đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu đã niêm yết (khoảng 68% cổ phiếu và 32% trái phiếu), trong đó các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã nắm giữ tới 1tỉ USD.

- Trong khoảng từ giữa đến cuối năm 2006, tình trạng đầu tư vào cổ phiếu ở nước ta mang tâm lý “đám đông”, cả người có kiến thức và hiểu biết, cả những người mua, bán theo phong trào, qua đó đẩy TTCK vào tình trạng “nóng”, hiện tượng “bong bóng” là có thật và cũng qua đó nhiều người được hưởng từ “một vốn, bốn lời” thậm chí tới 10 hoặc hơn 10 lời. Tình hình sôi động của TTCK thời gian qua phản ánh hiện tượng kinh tế tốt lành là: (1) nền kinh tế Việt Nam đã và đang tăng trưởng và có xu hướng tiếp tục tăng trưởng; (2) vốn cho đầu tư phát triển được huy động qua kênh TTCK và vẫn còn điều kiện phát triển qua kênh này trong thời gian tới, do nhiều doanh nghiệp lớn (trong đó có các ngân hàng thương mại nhà nước) tiến hành cổ phần hoá, phát hành trái phiếu, thực hiện niêm yết tại các công ty chứng khoán. Tuy nhiên, việc phát triển “nóng” của TTCK cũng sẽ phát sinh 2 vấn đề cần phải quan tâm: (1) việc các nhà đầu tư nước ngoài có điều kiện thao túng, dễ gây rủi ro cho TTCK trong nước; (2) cũng đã tác động khá mạnh đến thị trường bất động sản, đẩy giá nhà, đất lên cao.

- Các ngân hàng thương mại cổ phần sau quá trình tái cơ cấu đã làm ăn tốt, đang ổn định và phát triển, tiếp tục tái cơ cấu để tăng cường năng lực cạnh tranh và hội nhập theo các cam kết của WTO, trong đó có việc phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn. Theo quy định tại Nghị định số 141 ngày 22 - 11 - 2006 của Chính phủ “Về ban hành danh mục vốn pháp định của tổ chức tín dụng” thì đến hết năm 2007 vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại nước ta phải đạt 1000 tỉ đồng và đến năm 2010 phải đạt 3000 tỉ đồng. Để thực hiện được việc này, các ngân hàng thương mại phải tìm mọi cách để tăng vốn, trong đó bao gồm cả việc phát hành thêm cổ phiếu ra công chúng (phát hành mới, phát hành thêm, thưởng cuối năm bằng cổ phiếu) và đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho cổ phiếu ngân hàng luôn “nóng”.

- Có sự chuyển dịch đáng kể vốn từ ngân hàng thương mại sang đầu tư chứng khoán theo 2 hướng: (1) các nhà đầu tư cá nhân rút tiền gửi tiết kiệm để đầu tư chứng khoán (2) những người khác (bao gồm cả công ty chứng khoán của ngân hàng lại vay tiền của ngân hàng thương mại để kinh doanh chứng khoán (theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ các ngân hàng thương mại cho các công ty chứng khoán ngân hàng vay để kinh doanh chứng khoán tại thời điểm cuối năm 2006 là 2,6%). Qua đây cũng phần nào tác động đến hoạt động của ngân hàng thương mại và cả Ngân hàng Nhà nước với vai trò quản lý và điều hành chính sách tiền tệ.

2. Thuận lợi và thách thức đối với sự phát triển TTCK ở Việt Nam

Khi gia nhập WTO, cũng có nghĩa là phải mở cửa và hội nhập, phải chấp nhận những điều khoản đã ký kết với các đối tác nước ngoài và của WTO, trong đó có lĩnh vực dịch vụ, bao gồm cả tài chính, ngân hàng và đương nhiên có cả TTCK. Trong điều kiện đó, sự phát triển của TTCK vừa có những thuận lợi rất cơ bản, nhưng cũng phải đối mặt với những thách thức rất lớn.

Hai thuận lợi cơ bản:

Thứ nhất, là tăng trưởng chu chuyển vốn, trong đó đầu tư nước ngoài tăng đáng kể (riêng lĩnh vực đầu tư trên TTCK của các nhà đầu tư nước ngoài như đã nêu trên đã lên đến 4 tỉ USD). Đây là một trong những vấn đề quan trọng thúc đẩy cho việc tăng trưởng kinh tế ở nước ta.

Thứ hai, TTCK phát triển, nhất là thị trường sơ cấp (IPO)(1) trong đó có việc cổ phần hoá các Công ty có yếu tố vốn nước ngoài sẽ có điều kiện tăng huy động nguồn vốn dài hạn để đầu tư vào phát triển sản xuất kinh doanh trong nước, và đương nhiên tác động tích cực trở lại cho sự phát triển của TTCK.

Ba thách thức lớn:

- Khi mở cửa ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng thì trước hết là tạo ra sức ép về quản lý thị trường vốn trên một số lĩnh vực: (1) Đồng bản tệ sẽ lên giá, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế; (2) Sức ép về gia tăng phương tiện thanh toán nhằm đáp ứng yêu cầu gia tăng lượng ngoại tệ từ nước ngoài chuyển vào và sự thao túng của các nhà đầu tư nước ngoài làm cho tỉ lệ lạm phát tăng, qua đó phải tăng cường năng lực của các cơ quan quản lý để giảm thiểu những rủi ro của thị trường vốn (bao gồm cả thị trường tiền tệ và TTCK).

- Sẽ tạo ra sự dịch chuyển vốn giữa ngân hàng và TTCK, nếu không có sự kiểm soát kịp thời và hiệu quả thì sẽ dẫn đến rủi ro và nếu rủi ro lớn sẽ ảnh hưởng sự an toàn của hệ thống ngân hàng.

- Nếu để TTCK tăng trưởng “quá nóng”, sẽ phát sinh hiện tượng “bong bóng” và do đó yếu tố an toàn cho những nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư cá nhân và cả sự an toàn của TTCK bị ảnh hưởng. Khi TTCK sụp đổ sẽ phải mất nhiều năm mới có thể hồi phục, kéo theo nhiều khó khăn không chỉ cho hệ thống tài chính, ngân hàng mà cả đối với nền kinh tế.

3 - Để TTCK Việt Nam phát triển ổn định

Khi Việt Nam thực hiện hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng lại mở ra những vận hội lớn cho tăng trưởng xuất nhập khẩu, tăng đầu tư, tăng chu chuyển vốn, từ đó có điều kiện cho TTCK phát triển.

TTCK là phong vũ biểu của nền kinh tế. Vì vậy, sự phát triển của TTCK một cách ổn định sẽ là tác nhân quan trọng không chỉ cho sự phát triển của thị trường tài chính nói riêng mà đối với cả nền kinh tế nói chung. Xin đề xuất một số giải pháp cơ bản cho thời gian tới:

Một là, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, sớm triển khai hướng dẫn Luật Chứng khoán (đã có hiệu lực từ 1-1-2007) theo hướng bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, đồng bộ với các quy định khác của pháp luật Việt Nam, nhưng phải phù hợp với thông lệ quốc tế. Nâng cao năng lực quản lý và kiểm soát của Nhà nước đối với thị trường tài chính nói chung và TTCK nói riêng, trong đó chú trọng kiểm soát các hoạt động kinh doanh đối với thị trường OTC để bảo đảm sự ổn định của thị trường và cả đối với các nhà đầu tư nước ngoài để tránh sự thao túng thị trường của những nhà đầu tư này.

Hai là, tiếp tục phát triển và hoàn thiện thị trường tài chính (bao gồm thị trường tiền tệ và thị trường vốn), tạo điều kiện tốt và thông thoáng hơn theo các cam kết khi gia nhập WTO cho việc phát triển các nhà đầu tư là doanh nghiệp, các định chế tài chính trung gian và các tổ chức phụ trợ trên thị trường, song phải đảm bảo khả năng cạnh tranh trong điều kiện mới, có nghĩa là phải năng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành và kiểm tra kiểm soát nội bộ.

Ba là, nâng cao năng lực hoạt động của TTCK trên cơ sở hiện đại hoá hệ thống công nghệ thông tin, trước hết là ở các trung tâm giao dịch chứng khoán và các nhà đầu tư là doanh nghiệp. Đồng thời với việc này là tăng cường tính công khai và minh bạch của TTCK từ việc công bố thông tin, cáo bạch, báo cáo hoạt động của các nhà đầu tư là doanh nghiệp và các định chế liên quan khác .

Bốn là, chú trọng đào tạo cho đội ngũ những nhà quản lí, những người tham gia kinh doanh chứng khoán, và các nhà đầu tư. Đi đôi với việc này là tăng cường tuyên truyền để nhiều người cùng biết và định hướng đúng đắn cho việc đầu tư có hiệu quả, tránh hiện tượng đầu tư kiểu phong trào như vừa qua.

Năm là, tăng cường hoạt động giám sát đối với TTCK nhằm giảm thiểu rủi ro, cảnh báo và ngăn chặn sớm sự đổ vỡ của các nhà đầu tư. Cần chú trọng tăng cờng thanh tra giám sát an toàn hoạt động của các ngân hàng thương mại để hạn chế tác động tiêu cực liên quan đến TTCK như:

- Chấn chỉnh việc cho vay của ngân hàng thương mại đối với công ty chứng khoán để kinh doanh trên TTCK, đồng thời tăng cường giám sát hoạt động của các công ty này theo các quy định hiện hành về kinh doanh chứng khoán.

- Chú trọng giám sát nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của TTCK, chống nhà đầu tư nước ngoài thao túng thị trường, đảm bảo tính công khai và minh bạch trong hoạt động của các công ty chứng khoán và các định chế trung gian.

- Tiến tới thành lập cơ quan giám sát thị trường tài chính (sau năm 2010) để thực hiện chức năng giám sát và bảo đảm an toàn cho toàn bộ thị trường tài chính trên cơ sở phát triển của TTCK, hệ thống ngân hàng thương mại và các định chế tài chính khác.



(1) .Là nơi cổ phiếu của doanh nghiệp đã cổ phần hóa được đưa lên sàn (IPO - Initial Public Offering - giá chào bán khởi đầu của một loại cổ phiếu trên sàn)