Một số suy nghĩ về phương thức cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam
19:30, ngày 31-03-2025
TCCS - Sự nghiệp đổi mới đất nước gần 40 năm qua đặt ra nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn. Một số vấn đề chưa được nghiên cứu, tổng kết toàn diện, đầy đủ, trong đó có vấn đề phương thức cầm quyền và năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Trong bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, yêu cầu hoàn thiện phương thức cầm quyền, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng càng trở nên cấp thiết.
Tổng Bí thư Tô Lâm thăm dự án đầu tư, xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng _Ảnh: TTXVN
1. Theo nghĩa chung nhất, đảng cầm quyền là chính đảng đại diện cho ý chí và lợi ích của giai cấp thực hiện quyền lãnh đạo xã hội, nắm giữ, chi phối quyền lực nhà nước. Tương quan lực lượng chính trị ở từng quốc gia quy định chính đảng này hay chính đảng khác giữ vai trò lãnh đạo, địa vị cầm quyền. Tuy vậy, đi vào từng chế độ chính trị cụ thể thì quan niệm đảng cầm quyền có những điểm khác nhau.
Trong chế độ chính trị đa đảng, tùy theo thể chế chính trị, đảng cầm quyền là đảng giành được quyền hành pháp hoặc chiếm đa số ghế trong quốc hội được quyền lập chính phủ thông qua bầu cử cạnh tranh theo nhiệm kỳ. Khái niệm đảng cầm quyền được đặt trong tương quan với khái niệm đảng đối lập, đảng tham chính và đảng liên minh. Trong trường hợp này, cầm quyền là hoạt động chuyển hóa quyền lực chính trị vào quyền lực công cộng, đặc biệt biểu hiện dưới hình thức quyền lực nhà nước, thông qua sử dụng sức mạnh quyền lực nhà nước mà đảng cầm quyền thực thi ý chí chính trị của mình một cách chính đáng. Tính cạnh tranh đảng phái, “lợi ích nhóm”, chủ nghĩa dân túy, lắt léo tinh vi trong kỹ thuật bầu cử, không công khai bản chất quyền lực chính trị là đặc trưng cầm quyền trong nền dân chủ đa đảng. Một chính đảng này thay thế chính đảng khác cầm quyền chỉ là sự hoán đổi giữa các phe nhóm, thế lực chính trị trong nội bộ giai cấp thống trị. Kiểm soát quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước trước hết được thực hiện bằng vai trò của đảng đối lập, bằng đối trọng quyền lực và phân chia quyền lực nhà nước (phân chia theo trục ngang giữa lập pháp, hành pháp, tư pháp và phân chia theo trục dọc giữa trung ương với địa phương).
Trong chế độ chính trị Việt Nam hiện nay, đảng cầm quyền là Đảng Cộng sản Việt Nam - chính đảng duy nhất nắm quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội, giữ vai trò tiền phong chính trị. Cầm quyền là việc nắm, quyết định trực tiếp những khâu, những mặt, những lĩnh vực, những nội dung mang tính nguyên tắc bảo đảm giữ vững bản chất chế độ chính trị; nắm, sử dụng, tổ chức vận hành quyền lực nhà nước theo nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa; nắm, chi phối các loại nguồn lực, sức mạnh gắn với phương thức phù hợp bảo đảm thực hiện thắng lợi sứ mệnh, mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Địa vị duy nhất cầm quyền của Đảng được xác lập thông qua cuộc cách mạng giải phóng dân tộc vào giữa thế kỷ XX khi các đảng phái, lực lượng chính trị khác không đủ năng lực lãnh đạo cách mạng, bất lực, thất bại trước thách thức khắc nghiệt của cuộc đấu tranh cách mạng; thậm chí, có những lực lượng chính trị còn cấu kết với thực dân, đế quốc bán nước, cầu vinh, phản bội lợi ích dân tộc, đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân.
Trong nền chính trị nhất nguyên, bầu cử trong đảng đóng vai trò quyết định hình thành lãnh đạo tập thể và lựa chọn cá nhân phân công phụ trách từng lĩnh vực hoặc giới thiệu để bầu vào các tổ chức thành viên của hệ thống chính trị. Tính công lợi, chọn lọc cẩn thận và sàng lọc kỹ càng trong nội bộ, tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo - cá nhân phụ trách, công khai bản chất cầm quyền là đặc trưng nổi bật của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.
An ninh cầm quyền trở thành một nội dung cơ bản của an ninh chính trị, an ninh quốc gia, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Các mối đe dọa an ninh cầm quyền của Đảng chủ yếu đến từ hai hướng: 1- Thách thức “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị; 2- Nguy cơ suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có thể do suy thoái về tư tưởng chính trị, sai lầm về đường lối chính trị và công tác cán bộ, hoặc xuất hiện “nhóm lợi ích” xung đột với lợi ích công, hủy hoại khối đoàn kết nội bộ. Điều này khiến việc tự kiểm soát và chế độ kỷ luật nghiêm khắc của đảng cầm quyền đóng vai trò quyết định làm cho quyền lực vận hành đúng phương hướng, các loại nguồn lực phục vụ đúng lợi ích công, giữ vững bản chất cách mạng, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện cầm quyền vì dân.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền gắn với nền chính trị nhất nguyên có các đặc trưng sau:
- Về mục đích: Thực hiện cầm quyền vì lợi ích chung của giai cấp công nhân, của quốc gia - dân tộc, của nhân dân, thông qua xác lập, duy trì và khẳng định vai trò tiền phong chính trị.
- Về bản chất: Đảng không chỉ đại diện cho lợi ích giai cấp công nhân, mà còn đại diện cho lợi ích của toàn thể dân tộc và nhân dân Việt Nam.
- Về nội dung: 1- Nắm chính quyền, giữ vai trò duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội; 2- Giữ quyền quyết định trực tiếp những khâu, những mặt, những lĩnh vực, những nội dung bảo đảm an ninh cầm quyền, giữ vững bản chất chế độ chính trị, thực hiện cầm quyền vì dân (như mô hình tổ chức hệ thống chính trị, công tác cán bộ, thống nhất quản lý đội ngũ cán bộ, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…); 3- Nắm, sử dụng, tổ chức vận hành quyền lực nhà nước theo nguyên tắc tập trung dân chủ và pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm mọi tổ chức đảng và đảng viên đều hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Đảng chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về quyết định của mình, dựa vào nhân dân để nâng cao năng lực cầm quyền (như cầm quyền bằng tổ chức bộ máy đảng; cầm quyền thông qua mô hình tổ chức bộ máy nhà nước do Đảng thiết kế; cầm quyền thông qua đảng viên trong các cơ quan của hệ thống chính trị, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp…; cầm quyền bằng chỉ đạo các hoạt động thể chế hóa về mặt nhà nước, định hướng các chính sách lớn, tổ chức thực hiện,… bảo đảm nhất quán với Cương lĩnh, nghị quyết của Đảng; cầm quyền bằng công tác kiểm tra, giám sát của bộ máy đảng và tự kiểm soát của bản thân bộ máy nhà nước…); 4- Nắm, chi phối các loại quyền lực, nguồn lực, sức mạnh phục vụ cho thực hiện sứ mệnh, mục tiêu, lý tưởng của Đảng thông qua xác định lựa chọn đối tượng, khả năng và phương pháp chi phối, tác động bằng định hướng, tổ chức, đảng viên (như nguồn lực tài chính, nguồn lực công nghệ, các công cụ bạo lực, sức mạnh tư tưởng - truyền thông…).
- Động lực nâng cao năng lực cầm quyền không đến từ áp lực cạnh tranh của đảng đối lập như trong chế độ đa đảng, mà từ cơ chế chọn lọc cẩn thận, sàng lọc kỹ càng trong nội bộ Đảng, mở rộng “kênh” phát hiện, thu hút hiền tài để bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Đảng.
- Về tính chính đáng: Vai trò lãnh đạo, trách nhiệm cầm quyền của Đảng được lịch sử lựa chọn, nhân dân giao phó vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được thử thách trong quá trình lịch sử lâu dài. Địa vị cầm quyền được chế định trong Hiến pháp, pháp luật, được tôn trọng và thừa nhận rộng rãi trong quan hệ quốc tế. Tính chính đáng cầm quyền còn khẳng định ở hiệu quả thực tế cuộc đấu tranh khôi phục độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất quốc gia, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, nâng cao vị thế đất nước, mang lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, được nhân dân tin tưởng, bảo vệ bằng tất cả tình cảm và trách nhiệm.
- Về kiểm soát quyền lực: Kiểm soát quyền lực trong chế độ chính trị nhất nguyên không chỉ giữ cho quyền lực nhà nước vận hành đúng tính chất quyền lực thuộc về nhân dân, mà còn bảo đảm an ninh cầm quyền, phòng ngừa, ngăn chặn mọi nguy cơ “diễn biến hòa bình” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Vì vậy, với Đảng ta, tự kiểm soát trong nội bộ Đảng và chế độ kỷ luật nghiêm minh là cơ chế quan trọng hàng đầu trong kiểm soát quyền lực chính trị, khiến cho mọi tổ chức đảng và đảng viên đều phải phục tùng và thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng.
- Đảng cầm quyền tổ chức và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về quyết định của mình; mọi đảng viên phải gương mẫu thực hiện đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Phương thức cầm quyền, theo nghĩa hẹp, là tổng hợp các cách thức, hình thức, phương pháp, phương tiện mà Đảng sử dụng để chi phối, điều khiển quyền lực nhà nước nhằm thực hiện ý chí chính trị, đạt được lợi ích của lực lượng cầm quyền. Theo nghĩa rộng, là tổng hợp các cách thức, hình thức, phương pháp, phương tiện mà Đảng nắm giữ, sử dụng nhằm thực hiện vai trò tiền phong chính trị, trước hết là việc chi phối, sử dụng, kiểm soát quyền lực nhà nước. Phương thức lãnh đạo bao trùm phương thức cầm quyền và quyết định đến phương thức cầm quyền của Đảng. Phương thức cầm quyền là trọng tâm, là bộ phận quan trọng nhất trong phương thức lãnh đạo của Đảng.
Hoàn thiện phương thức cầm quyền là làm cho phương thức cầm quyền của Đảng ta được nhận thức đầy đủ hơn và triển khai trong thực tiễn có hiệu quả hơn, nhất là xử lý mối quan hệ giữa lãnh đạo và cầm quyền, giữa quản trị và cầm quyền. Hoàn thiện có thể theo hướng làm mới cấu trúc, sắp xếp lại trật tự hoặc điều chỉnh chức năng, bổ sung nội dung.
Có nhiều cách phân loại khác nhau về phương thức cầm quyền:
- Xét về phương pháp, phương tiện: có thể cầm quyền bằng sức mạnh “cứng”, có thể bằng sức mạnh “mềm” hoặc kết hợp cả sức mạnh “cứng” và “mềm” dưới nhiều cách thức khác nhau.
- Xét về hình thức cầm quyền: có loại nắm, quyết định trực tiếp (công tác cán bộ, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…), có loại nắm, chi phối gián tiếp, thông qua thể chế hóa về mặt nhà nước (luật pháp, chính sách…).
- Xét về đối tượng cầm quyền: có loại nắm, chi phối con người; có loại nắm, chi phối đến sự vật cụ thể (khoa học công nghệ, tài chính, tài sản, nguồn lực…).
- Xét về công cụ cầm quyền: có loại tác động thông qua tổ chức, có loại tác động thông qua cá nhân đảng viên; có loại sử dụng con người, có loại sử dụng các phương tiện khác; có loại sử dụng công cụ vật chất, có loại sử dụng công cụ tư tưởng tinh thần.
- Xét về phạm vi cầm quyền: có loại nắm giữ, chi phối ở tầm vĩ mô, phạm vi toàn quốc, có loại nắm giữ, chi phối ở cấp địa phương, cơ sở.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà kiểm tra, chỉ đạo khắc phục thiệt hại mưa lũ tại khu vực đê hữu sông Hoàng Long, xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình _Ảnh: TTXVN
Năng lực lãnh đạo của Đảng ta là tổ hợp các tố chất, phẩm chất phù hợp đặc trưng lãnh đạo công, bảo đảm tính hiệu quả, khả năng hoàn thành sứ mệnh, mục tiêu tổ chức. Năng lực lãnh đạo được biểu hiện ở năng lực hoạch định và năng lực tổ chức thực hiện. Các yếu tố cấu thành năng lực lãnh đạo của Đảng chính là tầm cao trí tuệ, đạo đức gương mẫu, bản lĩnh kiên định, phương pháp khoa học, kỹ năng chuyên nghiệp, hành động hiệu quả… bảo đảm khả năng dẫn dắt, định hướng, gây ảnh hưởng khiến đối tượng lãnh đạo tin tưởng và tự giác hành động.
Nâng cao năng lực lãnh đạo là làm gia tăng giá trị tố chất, phẩm chất của chủ thể lãnh đạo, bảo đảm tối ưu hóa hiệu quả tác động đến đối tượng lãnh đạo nhằm hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ. Với chủ thể lãnh đạo, đó chính là vốn hiểu biết sâu sắc, tư duy sắc bén, dự báo chính xác, tầm nhìn xa trông rộng; đạo đức trong sáng, chí công vô tư, nêu gương thực hành liêm chính; bản lĩnh, kiên định mục tiêu, thắng không kiêu, bại không nản; phương pháp làm việc khoa học, giữ vững nguyên tắc, nhưng mềm dẻo về sách lược; kỹ năng lãnh đạo chuyên nghiệp; hành động nhất quán với tư tưởng chính trị, với tinh thần kiên định, kiên quyết.
Năng lực cầm quyền của Đảng ta là tổ hợp các tố chất, phẩm chất phù hợp đặc trưng hoạt động cầm quyền trong điều kiện một đảng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội, bảo đảm vai trò tiền phong chính trị, khả năng nắm giữ, sử dụng, kiểm soát quyền lực nhà nước vì lợi ích giai cấp, quốc gia - dân tộc, giữ vững an ninh cầm quyền, thực hiện mục tiêu, lý tưởng của sự nghiệp cách mạng. Năng lực cầm quyền được biểu hiện ở khả năng hoạch định thể chế cầm quyền và năng lực thể chế hóa về mặt nhà nước gắn với hiệu lực thực thi, bảo đảm vai trò tiền phong chính trị, làm cho quyền lực nhà nước vận hành đúng phương hướng, vì lợi ích của giai cấp, quốc gia - dân tộc, thống nhất giữa “ý Đảng” và “lòng dân”.
Nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng ở đây chính là gia tăng các tố chất, phẩm chất phù hợp đặc trưng hoạt động cầm quyền trong điều kiện một đảng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội, bảo đảm vai trò tiền phong chính trị, khả năng nắm, sử dụng, kiểm soát quyền lực nhà nước vì lợi ích công, giữ vững an ninh cầm quyền. Năng lực cầm quyền được biểu hiện ở khả năng hoạch định thể chế cầm quyền, biểu hiện ở lựa chọn các loại thể chế cần hoạch định (nghị quyết, chiến lược, chủ trương, chính sách lớn, kết luận…) có vai trò cụ thể hóa Cương lĩnh, đường lối của Đảng, có ý nghĩa quyết định trực tiếp, như công tác cán bộ, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… Năng lực cầm quyền còn biểu hiện ở khả năng thể chế hóa về mặt nhà nước và tính hiệu lực thực thi bảo đảm tính phục tùng chính trị, tính hiệu quả trong thực tiễn gắn với các biện pháp tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng pháp luật, chính sách, cơ chế, xây dựng tổ chức bộ máy và bố trí cán bộ, đảng viên bảo đảm năng lực thể chế hóa và thực thi hiệu quả. Thước đo năng lực cầm quyền chính là lựa chọn chính xác đối tượng cần nắm, quyết định trực tiếp gắn với sử dụng công cụ, phương tiện phù hợp để tối ưu hóa hiệu quả cầm quyền; bảo đảm tính phục tùng về chính trị, tính triệt để về mặt nội dung, tính nhanh chóng về mặt thời gian, tính hiệu lực, hiệu quả bao gồm cả trong thể chế hóa và tổ chức thực thi; và cuối cùng là giữ vững an ninh cầm quyền, ngăn chặn, làm thất bại từ sớm, từ xa mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nếu như năng lực lãnh đạo thể hiện ở khả năng dẫn dắt, định hướng khiến đối tượng lãnh đạo tự nguyện, tự giác đi theo, làm theo thì năng lực cầm quyền lại khiến đối tượng cầm quyền phải phục tùng, chấp hành, tuân thủ. Trong nâng cao năng lực cầm quyền thì quan trọng hàng đầu là: 1- Năng lực lựa chọn chính xác những đối tượng cần nắm, quyết định trực tiếp gắn với phương thức cụ thể; 2- Năng lực thể chế hóa về mặt nhà nước; 3- Năng lực lựa chọn cán bộ bố trí vào các vị trí then chốt để tổ chức thực thi; 4- Năng lực kiểm soát quyền lực. Cả bốn nội dung nêu trên đều cần đến trí tuệ, đạo đức, bản lĩnh, phương pháp, hành động… gắn với đặc trưng hoạt động cầm quyền được xem như tiếp nối hoạt động lãnh đạo, một bộ phận trọng tâm của lãnh đạo./.