Hà Nội áp dụng công nghệ thông tin trong dạy học trực tuyến
TCCS - Để thực hiện nhiệm vụ năm học mới năm học 2021 - 2022, trường học các cấp ở Hà Nội đã chủ động triển khai phương án áp dụng công nghệ, kỹ thuật trong giảng dạy. Xác định tình hình dịch bệnh còn kéo dài khó dự đoán, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có những biện pháp thay đổi để thích ứng, trong đó có việc dạy - học trực tuyến.
Một số thách thức khi dạy và học trực tuyến
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm học 2021 - 2022, Hà Nội và một số địa phương trên cả nước chọn hình thức khai giảng trực tuyến hoặc khai giảng trên truyền hình vào đúng ngày 5-9-2021, bảo đảm các quy định về giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Trong bối cảnh dịch COVID-19 còn căng thẳng, thầy và trò không thể đến trường, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường chủ động thực hiện các giải pháp khắc phục tác động của dịch, tổ chức dạy học linh hoạt, phù hợp với khả năng đáp ứng của trường và điều kiện thực tế của học sinh.
Dạy học trực tuyến (online) là giải pháp đã được nhiều quốc gia và các tổ chức giáo dục trên thế giới lựa chọn trong bối cảnh dịch COVID-19. Đây là một trong những phương pháp giảng dạy khá hiệu quả để truyền tải kiến thức đến học sinh, sinh viên một cách linh hoạt, giúp người học tiếp thu hiệu quả bài học và môn học. Dạy học trực tuyến đã, đang và sẽ trở thành xu hướng được tăng cường, củng cố và dần trở thành một xu thế tất yếu, một nhiệm vụ chính trong các nhiệm vụ triển khai năm học để thích ứng với tình hình mới.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, ngành Giáo dục và đào tạo ở nước ta nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng đã có nhiều đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải thiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; thay đổi, điều chỉnh các hoạt động dạy học, tổ chức dạy học trực tuyến góp phần phát triển năng lực sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học, thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh, tạo điều kiện để trẻ em, học sinh, sinh viên được học ở mọi nơi, mọi lúc và bảo đảm công tác phòng, chống dịch, thích ứng với tình hình mới; thực hiện tốt phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học” nhằm đáp ứng mục tiêu chương trình, kế hoạch công tác của năm học.
Trong thời gian đầu, việc triển khai hình thức dạy học trực tuyến còn gặp một số khó khăn, như cán bộ quản lý, giáo viên chưa được tập huấn hình thức dạy học mới; học sinh, sinh viên chưa được chuẩn bị tâm thế; điều kiện hạ tầng kỹ thuật còn tự phát, chưa đồng bộ… Những điều này tác động không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả của việc dạy và học. Trước tình trạng nhiều học sinh và giáo viên không vào được phòng học trực tuyến, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã giao cho các phòng giáo dục chủ động rà soát, làm việc với các nhà trường để nắm tình hình thực tế việc dạy học trực tuyến, tập hợp các vấn đề phát sinh, như trục trặc do nghẽn đường truyền, do phần mềm dạy học, học sinh thiếu thiết bị, trong đó, đặc biệt chú ý đến đối tượng học sinh có điều kiện khó khăn, học sinh các khối lớp 1, 2 để có biện pháp phối hợp với gia đình hỗ trợ các em. Để hạn chế nghẽn mạng, các nhà trường thống nhất với cha mẹ học sinh bố trí dạy học trực tuyến theo các khung giờ khác nhau trong buổi sáng, chiều, tối để giảm mật độ truy cập vào cùng một thời điểm. Cùng với việc bố trí khung giờ khác nhau giữa các nhóm lớp, các trường linh hoạt chia nhỏ lớp học, kết hợp các hình thức khác nhau, gửi video bài giảng, giao bài tập cho học sinh qua email hoặc các group trên ứng dụng Zalo, Facebook. Học sinh các lớp bé có sự hỗ trợ của cha mẹ để xem trước bài giảng và thực hiện các nhiệm vụ giáo viên giao, nhằm tiết kiệm thời gian khi vào tiết học online và cũng là để học sinh chủ động hơn trong các giờ học, từ đó có thể điều chỉnh thời gian của tiết học, khoảng nghỉ khác nhau giữa các tiết học của các khối lớp. Các trường hợp học sinh đang khó khăn chưa vào được “lớp học” thì bên cạnh việc tìm nguyên nhân khắc phục, giáo viên có các hình thức khác để gửi bài, giải đáp thắc mắc, sửa bài tập cho học sinh.
Bên cạnh đó, còn một khó khăn khác nữa là tình trạng thiếu thiết bị dạy và học trực tuyến. Tính tới ngày 15-9-2021, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã quyên góp được trên 6.000 máy tính, thiết bị học trực tuyến, 10.000 sim data truy cập internet miễn phí để hỗ trợ học sinh khó khăn khi học trực tuyến. Cũng trong ngày 15-9-2021, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố kho học liệu điện tử nhằm hỗ trợ giáo viên, phụ huynh, học sinh tham khảo trong khi dạy học trực tuyến. Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, việc xây dựng kho học liệu điện tử đã được triển khai từ trước với các môn học. Trong bối cảnh học sinh phải dừng đến trường do COVID-19, chuyển sang học trực tuyến, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã rà soát, bổ sung và công bố để các nhà trường hướng dẫn giáo viên, phụ huynh, học sinh truy cập, sử dụng. Tính tới thời điểm hiện tại, số học liệu điện tử trên hệ thống HanoiStudy đã có hàng ngàn bài giảng trên truyền hình, bài giảng điện tử tương tác (e-learning), các bài trình chiếu, video clip, hình ảnh minh họa do các thầy, cô giáo tâm huyết xây dựng. Căn cứ vào chương trình giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã lựa chọn, kiểm tra, thẩm định chất lượng các tư liệu này để đưa vào kho học liệu; tiếp tục cập nhật, hoàn thiện kho học liệu điện tử để mở rộng nguồn tài nguyên dùng chung cho giáo viên, phụ huynh, học sinh, xem đây là một trong những giải pháp đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số trong ngành giáo dục.
Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học trực tuyến
Có thể nói, dạy và học trực tuyến đã, đang và sẽ trở thành xu hướng tất yếu trong thời gian tới. Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần tập trung đổi mới hơn nữa phương pháp tổ chức dạy và học online, đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học để khắc phục, ứng phó với tác động của dịch COVID-19 và các tình huống bất thường khác đối với các cấp học. Để nâng cao chất lượng dạy và học trong thời gian tới, cần chú trọng một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông để quán triệt và thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Chủ động thực hiện các phương án cụ thể để tổ chức dạy học phù hợp với diễn biến của dịch bệnh và trạng thái bình thường mới, bảo đảm an toàn về thể chất, tinh thần cho người dạy và học.
Thứ hai, tiếp tục xây dựng và rà soát, hoàn thiện việc ban hành các văn bản hướng dẫn dạy học trực tuyến và đào tạo từ xa, phát triển các nguồn học liệu điện tử phong phú, hợp lý, dễ sử dụng. Tổ chức xây dựng giáo án dạy học trực tuyến bảo đảm các yêu cầu về phương pháp, kỹ thuật, thiết bị dạy học và học liệu, phương án kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học. Xây dựng các video bài giảng để tổ chức dạy học trên truyền hình theo chương trình các môn học, hoạt động giáo dục; bảo đảm lịch phát sóng cụ thể theo từng bài học, môn học, lớp học được phổ biến đến các đối tượng người học. Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống đề thi, bài kiểm tra, ngân hàng câu hỏi; chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện kiểm tra, đánh giá trực tuyến theo quy định, bảo đảm chất lượng, chính xác, hiệu quả, công bằng, khách quan, trung thực; đánh giá đúng năng lực của học sinh, sinh viên.
Thứ ba, nâng cao năng lực chuyển đổi số cho đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu của các phương thức dạy học mới, bao gồm ứng dụng công nghệ giáo dục (Edtech) trong lớp học, ứng dụng các phần mềm Edtech trong phương pháp dạy học, kỹ năng, phương pháp dạy học trên truyền hình cho giáo viên và ứng dụng công nghệ số trong quản lý giáo dục. Xây dựng cẩm nang và tổ chức tập huấn dạy học trực tuyến cho đội ngũ giáo viên. Hướng dẫn về chuẩn tối thiểu cho một bài giảng trên truyền hình. Giáo viên tăng cường giao nhiệm vụ cho học sinh, sinh viên tự nghiên cứu sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, xem video, thí nghiệm mô phỏng để tiếp nhận và vận dụng kiến thức trả lời các câu hỏi, bài tập được giao thực hiện ở nhà hoặc qua mạng; tổ chức cho học sinh, sinh viên báo cáo, thuyết trình, thảo luận, luyện tập, thực hành, kết quả tự học của mình.
Thứ tư, các cơ sở giáo dục và đào tạo chủ động điều chỉnh, tinh giản nội dung, thay đổi phương thức và cập nhật nội dung giáo dục và đào tạo; phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng kế hoạch dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình; phát triển kho học liệu điện tử, các video hỗ trợ việc giáo dục học sinh, sinh viên để sử dụng hiệu quả trong việc tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình; khai thác, chia sẻ hiệu quả các công cụ hỗ trợ, kho tài liệu, học liệu trực tuyến.
Thứ năm, hướng dẫn sử dụng an toàn các phần mềm, công cụ dạy học trực tuyến; hỗ trợ các cơ sở giáo dục, học sinh, sinh viên, giáo viên tiếp cận hạ tầng số, dịch vụ truy cập internet tốc độ cao an toàn, dễ sử dụng. Các doanh nghiệp viễn thông xem xét, miễn giảm giá cước truy cập internet cho học sinh, sinh viên, giáo viên; giá cước sử dụng giải pháp giáo dục, đào tạo và quản lý giáo dục cho các cơ sở giáo dục; giá dịch vụ thuê máy chủ, băng thông phục vụ đào tạo từ xa cho các cơ sở giáo dục đại học.
Thứ sáu, ưu tiên nguồn lực bảo đảm điều kiện để dạy học trực tuyến, có chính sách hỗ trợ giáo viên, học sinh, sinh viên khó khăn không có phương tiện để dạy và học trực tuyến, tiếp cận phương thức dạy học mới. Huy động các nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, tập đoàn hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà trường, gia đình học sinh, sinh viên, giáo viên gặp khó khăn về tài chính, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ để trang bị thiết bị dạy và học tối thiểu phục vụ giảng dạy và học tập trực tuyến./.
Đổi mới quản trị giáo dục - đào tạo bậc đại học ở Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư  (21/09/2021)
Thành phố Hà Nội đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, hướng về người dân, doanh nghiệp  (21/09/2021)
Hà Nội nới lỏng thêm một số hoạt động, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh và tiếp tục nâng cao năng lực toàn diện cho ngành y tế Thủ đô  (20/09/2021)
Xây dựng nông thôn mới ở huyện Thường Tín (thành phố Hà Nội): Kết quả đạt được và giải pháp trong thời gian tới  (18/09/2021)
Hà Nội thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị  (18/09/2021)
Du lịch Hà Nội ứng dụng công nghệ số hướng đến phát triển bền vững  (18/09/2021)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay