Phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
TCCS - Phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh là chủ trương nhất quán trong đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định những kết quả phát triển kinh tế biển của nước ta trong thời gian vừa qua, đồng thời nhấn mạnh những mục tiêu, nhiệm vụ mới cho giai đoạn tiếp theo, trong đó, một lần nữa khẳng định vị trí và tầm quan trọng trong phát triển kinh tế biển, đồng thời, nhấn mạnh nhiệm vụ phấn đấu để nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.
Chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh
Phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh là chủ trương nhất quán, được khẳng định trong nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng. Biển nước ta có vị trí quan trọng đối với cả phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng, an ninh của Tổ quốc. Biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, chủ trương, đường lối phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh được khẳng định trong nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng. Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển kinh tế biển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn.
Trên thực tế, đường lối phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền của Tổ quốc là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong suốt những năm qua. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định, sự ổn định và phát triển bền vững mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội là nền tảng vững chắc của quốc phòng - an ninh. Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với tăng cường sức mạnh quốc phòng - an ninh. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh, quốc phòng - an ninh với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và trên từng địa bàn. Đây là nguyên tắc căn bản trong sự gắn kết giữa phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh của nước ta. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng năng động, thu hút sự quan tâm chú ý của nhiều nước, đặc biệt cạnh tranh giữa các nước lớn và tranh chấp chủ quyền biển, đảo gia tăng, sự kết hợp giữa phát triển kinh tế với quốc phòng nói chung, phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh nói riêng càng hết sức quan trọng. Đại hội XIII của Đảng trong đường lối phát triển đã đề cập phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển, đặc biệt là các giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo.
Đặc biệt đáng chú ý là trong hơn 10 năm vừa qua, Đảng ta đã có hai nghị quyết riêng về chiến lược phát triển kinh tế biển. Đó là Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 9-2-2007, của Hội nghị Trung ương 4 khóa X, “Về chiến lược biển đến năm 2020” và Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, “Về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Cả hai nghị quyết này đều khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế biển đối với nước ta và đặc biệt nhấn mạnh đến sự phát triển kinh tế biển phải gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trong Nghị quyết số 36-NQ/TW xác định vị trí, vai trò của biển và các giải pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững, trong đó nhấn mạnh phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển.
Thực trạng phát triển kinh tế biển
Qua hơn 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các mặt, kinh tế tăng trưởng nhanh và ổn định, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng cao, quốc phòng, an ninh được bảo đảm. Cùng với quá trình đó, phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Thứ nhất, nhận thức về tầm quan trọng của phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh được nâng cao. Nhiều chủ trương, chính sách đã đi vào cuộc sống. Kinh tế biển, đảo từ xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển ngành nghề, đến đầu tư khoa học - công nghệ, phát triển nguồn nhân lực... đều có tiến bộ rõ rệt. Trong báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 nêu rõ: “Nhận thức về phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo được nâng lên. Đã chú trọng, tập trung đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh các cảng hàng không, cảng biển, phát triển dịch vụ du lịch, đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy sản,… Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế biển, đảo được cải thiện rõ rệt, nhất là các công trình điện lưới quốc gia nối với các đảo lớn, các cảng biển, trung tâm nghề cá phục vụ đánh bắt xa bờ, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ven biển và hải đảo được cải thiện”(1).
Thứ hai, kinh tế biển có những bước phát triển về mọi mặt, đóng góp ngày càng nhiều vào sự phát triển chung của đất nước. Nhiều chính sách phù hợp về quản lý, đầu tư, khai thác biển, đảo được thực hiện, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng biển, đảo, chuyển đổi cơ cấu theo hướng tích cực. Phát triển kinh tế biển ngày càng hiện đại. Đã hình thành nhiều khu sản xuất, đánh bắt, chế biến hải sản lớn, nhiều mô hình kinh tế biển hiệu quả. Kinh tế biển dần trở thành động lực phát triển của đất nước, hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng biển không ngừng được cải thiện. Nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản, phát triển nguồn nhân lực về biển đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo việc làm ổn định, thay đổi cơ cấu ngành nghề theo hướng hiện đại. Sự gắn kết giữa phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh chặt chẽ hơn ở tất cả các khâu từ quy hoạch đến đầu tư và các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác. Đồng thời, quốc phòng, an ninh ngày càng được củng cố, đóng góp tích cực vào bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Thứ ba, việc xây dựng các khu kinh tế cùng với phát triển đồng bộ, hiện đại một số ngành công nghiệp thế mạnh của vùng biển được chú trọng. Kết hợp giữa phát triển các ngành công nghiệp nền tảng với những ngành công nghiệp mũi nhọn trong phát triển kinh tế biển gắn với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, quá trình đô thị hóa có những kết quả tích cực. Nhiều ngành kinh tế biển gắn với kỹ thuật công nghệ hiện đại, như khai thác dầu khí, công nghiệp đóng tàu, đánh bắt xa bờ, vận tải biển, du lịch biển, đảo và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Việc thăm dò, khai thác dầu khí với công nghệ hiện đại mang lại nguồn lợi lớn đối với phát triển kinh tế đất nước. Sự phát triển kinh tế trở thành nền tảng quan trọng trong việc củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền Tổ quốc. Các lực lượng hải quân, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, kiểm ngư được tăng cường mạnh mẽ về tiềm lực và sức mạnh sẵn sàng chiến đấu. Thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân được giữ vững và ngày càng được củng cố vững chắc. Nghị quyết số 36-NQ/TW khẳng định, nhận thức về vị trí và vai trò của biển đảo đối với phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia được nâng lên rõ rệt. Chủ quyền an ninh quốc gia trên biển được giữ vững; công tác tìm kiếm cứu nạn, an toàn hàng hải cơ bản được bảo đảm; công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển được triển khai chủ động, toàn diện. Kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển đất nước, hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư; đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng biển được cải thiện. Nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản, phát triển nguồn nhân lực về biển đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng được chú trọng. Hệ thống chính sách, pháp luật, bộ máy quản lý nhà nước về biển, đảo từng bước được hoàn thiện và phát huy hiệu lực, hiệu quả.
Tuy nhiên, nhìn chung, phát triển kinh tế biển của nước ta còn chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế vốn có, chưa thực sự trở thành quốc gia mạnh về biển. Trước hết, trong quy hoạch phát triển chưa tích hợp được các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh, sức mạnh và sự bổ trợ các ngành, vùng, khu vực trên biển, ven biển và nội địa. Việc đầu tư còn dàn trải. Một số quy hoạch, kế hoạch, nhất là việc xây dựng bến cảng, cơ sở công nghiệp biển, các khu dịch vụ trên đảo còn tràn lan, làm ảnh hưởng đến hiệu quả và khả năng bảo vệ quốc phòng, an ninh trên biển, đảo. Sự gắn kết giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh ở một số nơi, một số khâu còn chưa chặt chẽ, hiệu quả. Cụ thể, công tác quy hoạch, kế hoạch tổng thể chưa đồng bộ, liên thông giữa các bộ, ngành và các vùng, địa phương, khu vực. Việc thu hút đầu tư, phát triển mạnh mẽ các ngành hiện đại, công nghệ cao còn hạn chế. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm. Các dịch vụ phát triển kinh tế biển chưa được quan tâm phát triển đúng mức. Chưa nhuần nhuyễn giữa phát triển mạnh kinh tế để tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh và tăng cường quốc phòng, an ninh để phát triển mạnh kinh tế biển.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển trong thời gian tới
Trong bối cảnh mới, trước xu thế toàn cầu hóa và khu vực hóa phát triển mạnh mẽ, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương trở thành khu vực phát triển năng động của thế giới, thu hút sự quan tâm của nhiều nước lớn. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những công nghệ mới tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của các nước và các vấn đề toàn cầu. Vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông ngày càng phức tạp. Các nước ngày càng quan tâm đến chiến lược phát triển nói chung, chiến lược biển nói riêng. Văn kiện Đại hội XIII nêu rõ: “Tình hình Biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định của khu vực và môi trường đầu tư phát triển”(2). Các vấn đề môi trường, khai thác tài nguyên biển gắn với bảo tồn môi trường sinh thái biển còn hạn chế. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần có tư duy, nhận thức mới về phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Coi mục tiêu trở thành quốc gia mạnh về biển, phát triển bền vững biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh là ưu tiên chiến lược.
Trên cơ sở những kết quả đạt được trong việc thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, Văn kiện Đại hội XIII tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò phát triển kinh tế biển Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2025, chiến lược phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, mối quan hệ giữa phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh các giải pháp chủ yếu:
Một là, tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển kinh tế biển và mối quan hệ giữa phát triển bền vững kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh và chủ quyền của đất nước trong tình hình mới. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về biển, đảo. Thực hiện tốt chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tài nguyên, môi trường biển; phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao đời sống người dân vùng biển, đảo.
Hai là, hoàn thiện cơ chế, chính sách, thực hiện tốt việc quy hoạch tổng thể kết hợp giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng biển và ven biển. Cần có sự đánh giá đầy đủ tiềm năng, lợi thế của từng vùng gắn với quốc phòng, an ninh đất nước. Quy hoạch biển nằm trong quy hoạch tổng thể quốc gia. Công tác quy hoạch phải bảo đảm thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước để phát triển những ngành nền tảng và những ngành mũi nhọn. Đồng thời, cần có sự lựa chọn phát triển những khu đô thị hiện đại, gắn với xây dựng các cảng biển chiến lược để làm nòng cốt phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Công tác quy hoạch và đầu tư cần gắn kết ngay từ đầu mục tiêu phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Việc xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư phát triển các ngành kinh tế biển phải có sự gắn kết với xây dựng các công trình quốc phòng, an ninh theo tính lưỡng dụng để vừa bảo đảm phục vụ quốc phòng, an ninh, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Ba là, phát triển mạnh mẽ các ngành có tiềm năng và lợi thế của biển gắn với quốc phòng, an ninh. Đẩy mạnh phát triển và nâng cao hiệu quả các ngành kinh tế biển, hình thành các khu kinh tế, khu công nghiệp và các đô thị ven biển. Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế biển, nhất là nhân lực chất lượng cao. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, điều tra tài nguyên môi trường biển, xây dựng cơ sở dữ liệu số về biển, đảo, nâng cao năng lực giám sát môi trường biển, dự báo thiên tai, biến đổi khí hậu vùng biển, ven biển.
Ưu tiên phát triển các ngành kinh tế biển, nhất là du lịch, dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác, nuôi trồng và khai thác hải sản, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản. Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân trong quá trình khai thác thủy sản trên các vùng biển. Tập trung nhân rộng các mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp sinh thái ven biển, gắn với hình thành kinh tế đô thị và phát triển các trung tâm kinh tế mạnh.
Bốn là, phát triển bền vững kinh tế biển trong tình hình mới phải dựa trên nền tảng kinh tế biển xanh, trong đó quan trọng nhất là phát triển phải gắn với bảo tồn hệ sinh thái biển. Phát triển bền vững gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Bảo vệ chủ quyền, bảo đảm tốt quốc phòng, an ninh chính là bảo vệ tài nguyên và môi trường, ngược lại, bảo vệ tốt tài nguyên và môi trường làm cơ sở cho phát triển bền vững kinh tế biển, là cơ sở để bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển một cách vững chắc. Bên cạnh đó, cần tăng cường bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển các hệ sinh thái, đa dạng sinh học biển, đặc biệt là các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn và rừng phòng hộ ven biển, nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên biển. Mở rộng diện tích, thành lập mới các khu vực bảo tồn biển.
Năm là, nâng cao trình độ quản lý trên cơ sở tận dụng công nghệ hiện đại, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ tài nguyên, môi trường và quốc phòng, an ninh. Thiết lập bộ cơ sở dữ liệu số về biển, đảo, bảo đảm tính tích hợp, chia sẻ và cập nhật. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, động đất, sóng thần, quan trắc, giám sát môi trường biển./.
--------------------------
(1), (2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 26, 88
Tư duy mới về tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng  (17/02/2022)
Tư duy mới về tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng  (17/02/2022)
Quảng Ninh mở cửa đón khách quốc tế trong tuần đầu tiên của năm 2022  (30/11/2021)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên