Hà Nội đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
TCCS - Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Hà Nội xác định là khâu đột phá, góp phần tạo nền tảng quan trọng để Thủ đô thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững.
Những điểm nhấn ấn tượng
Thực tiễn cho thấy, Hà Nội đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao. Sau 5 năm triển khai Chương trình hành động số 04-CTr/TU về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”, thành phố đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực.
Thứ nhất, việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ, viên chức được triển khai có trọng tâm, trọng điểm. Thông qua tuyển dụng, bổ sung 1.000 nhân lực được đào tạo bài bản về làm việc tại các ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
Thứ hai, giáo dục và đào tạo có bước chuyển mình mạnh mẽ cả về chất lượng và quy mô. Theo đó, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, số học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia năm 2020 đạt 75% (hoàn thành sớm 2 năm so với kế hoạch đề ra). Nhiều cơ sở giáo dục đào tạo tích cực đổi mới, cập nhật các phương pháp đào tạo tiệm cận với xu hướng phát triển của thế giới.
Thứ ba, giáo dục nghề nghiệp của Thủ đô tiếp tục có bước phát triển. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 53,14% năm 2015 lên 70,25% năm 2020; tỷ lệ lao động chất lượng cao (có bằng cấp, chứng chỉ) đạt 48%; tỷ lệ giải quyết việc làm sau đào tạo đạt trên 70%. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn thành phố chủ động hợp tác quốc tế, xây dựng chuẩn hóa khung chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn của khu vực cũng như quốc tế. Nhiều doanh nghiệp tham gia, hợp tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hà Nội dẫn đầu trong nhiều kỳ thi, hội thi tay nghề cấp quốc gia và quốc tế. Bên cạnh đó, công tác đào tạo gắn với doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô cũng được tích cực triển khai. Các cơ sở đang hoạt động giáo dục nghề nghiệp hợp tác với khoảng hơn 800 doanh nghiệp theo nhiều nội dung và hình thức liên kết khác nhau, nhằm gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
Tiếp tục kế thừa những thành tựu quan trọng trong thực hiện Chương trình 04-CTr/TU, ngày 17-3-2021, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025”. Chương trình nêu rõ mục tiêu của Thủ đô về phát triển về nguồn nhân lực, đặc biệt chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. Để thực hiện mục tiêu phát triển nguồn nhân lực, trong Kế hoạch số 176/KH-UBND ban hành ngày 30-7-2021, về thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025”, Hà Nội yêu cầu sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành nhằm tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất cho giáo dục theo hướng hiện đại hóa, ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào đào tạo nguồn nhân lực. Đồng thời, thành phố khuyến khích xã hội hóa, huy động sự tham gia đóng góp của cộng đồng xã hội, doanh nghiệp, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố cùng tham gia vào nhiệm vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Giải pháp trong thời gian tới
Theo Kế hoạch số 176/KH-UBND, thành phố sẽ tập trung vào 3 nhóm giải pháp cho nhiệm vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đó là giáo dục phổ thông; giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm; tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Song song với các nhóm giải pháp, Hà Nội đặt ra các chỉ tiêu cụ thể. Về giáo dục phổ thông, số trường học công lập (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) đạt chuẩn quốc gia là 80-85%; đầu tư xây dựng từ 3 đến 5 trường liên cấp (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) có diện tích tối thiểu 5ha, có cơ sở vật chất ngang tầm các nước trong khu vực. Về giáo dục nghề nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 75 - 80%; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 55 - 60%; Mỗi năm đào tạo nghề khoảng 230.000 lượt người. Để đạt được những chỉ tiêu trên, thời gian tới, Thủ đô cần tập trung vào một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trước hết, Hà Nội cần phát triển hệ thống trường học chất lượng cao, trường học thông minh, trang bị cơ sở vật chất trường lớp theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa, tiên tiến và từng bước hiện đại. Bên cạnh đó, khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường gắn kết đào tạo với doanh nghiệp, tích cực đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, khung chương trình đào tạo và phương pháp dạy và học ở tất cả các cấp học theo hướng phát huy tư duy sáng tạo, tăng thời lượng thực hành, áp dụng các tiến bộ, thành tựu khoa học nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, trang bị cho người học kiến thức để làm chủ khoa học và công nghệ trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ.
Hai là, xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản luật, dưới luật của Thủ đô về phát triển nguồn nhân lực phù hợp với thực tiễn và trình độ phát triển, hoàn thiện bộ máy quản lý phát triển nguồn nhân lực, tiếp tục đổi mới phương pháp quản lý, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động bộ máy quản lý về phát triển nguồn nhân lực. Theo đó, tiếp tục nâng cao năng lực quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp theo hướng tiếp cận các phương thức quản lý tiên tiến, hiện đại trên thế giới. Xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các cơ sở đào tạo, các tổ chức xã hội và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực. Đặc biệt, thành phố cần có cơ chế, chính sách đãi ngộ hợp lý, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi thu hút các nhà giáo, nhà khoa học đầu ngành trong và ngoài nước tham gia vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học công nghệ.
Ba là, xây dựng và phát triển chương trình đào tạo có nội dung hiện đại, đáp ứng được yêu cầu thị trường, đẩy mạnh hợp tác, tiếp nhận và chuyển giao các chương trình đào tạo tiên tiến của các nước trong khu vực và thế giới, xây dựng và phát triển mô hình trường tiên tiến, hiện đại theo xu thế hiện đại, hội nhập quốc tế. Hà Nội cũng cần tiếp tục chú trọng phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo để đáp ứng mục tiêu đổi mới sáng tạo và chiến lược phát triển bền vững của Thủ đô./.
Hà Nội phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số  (29/08/2021)
Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số  (29/08/2021)
Định hướng giải pháp thực hiện ba đột phá chiến lược theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng  (13/08/2021)
Kinh tế không tiếp xúc: Nhận diện và một số hàm ý chính sách  (26/07/2021)
Kinh tế không tiếp xúc: Nhận diện và một số hàm ý chính sách  (26/07/2021)
Vietcombank ra mắt ngân hàng số cho khách hàng doanh nghiệp cao cấp  (21/07/2021)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam