Xây dựng, phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong điều kiện hiện nay
TCCS - Doanh nghiệp nhà nước trong những năm qua đã có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định vai trò then chốt và là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước. Để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội trong những năm tới, cùng với việc đẩy mạnh cổ phần hóa, khắc phục và tháo gỡ những khó khăn, hạn chế trong cơ chế, chính sách phát triển, rất cần có sự đổi mới trong đánh giá và phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước.
1- Thời gian qua, các doanh nghiệp nhà nước có bước phát triển vượt bậc, góp phần thực hiện vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế nhà nước trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa nhằm xây dựng cơ sở vật chất của xã hội mới, với mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình cao.
Thứ nhất, doanh nghiệp nhà nước có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, chiếm tỷ lệ lớn trong thu ngân sách và bảo đảm việc làm cho người lao động.
Đến nay, với quá trình đẩy mạnh cổ phần hóa, số lượng doanh nghiệp nhà nước giảm dần, chiếm tỷ trọng thấp về số lượng trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp, song vẫn nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, tạo nguồn doanh thu và đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước. Theo “Sách trắng Doanh nghiệp” năm 2019, tính đến năm 2018, chỉ còn 2.486 doanh nghiệp (giảm 212 doanh nghiệp so với năm 2017), chiếm khoảng 0,4% trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng nắm hơn 3,7 triệu tỷ đồng tài sản với vốn chủ sở hữu là 1,6 triệu tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 0,214 triệu tỷ đồng và đã đóng góp vào ngân sách nhà nước 0,3 triệu tỷ đồng. So với toàn bộ hệ thống doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp nhà nước đóng góp 28% cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho 1,2 triệu lao động (8,3%); chiếm 29% tổng vốn của toàn khu vực doanh nghiệp và tạo ra 22,9% lợi nhuận so với lợi nhuận của toàn khu vực doanh nghiệp.
Tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh có lãi đạt 47,3%, trong đó, doanh nghiệp nhà nước kinh doanh có lãi chiếm 83,5% trong khối này, doanh nghiệp FDI là 54,4% và thấp nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước với 47%. Nhìn lại khoảng gần 10 năm trước, tỷ lệ doanh nghiệp nhà nước làm ăn có lãi chỉ đạt khoảng 30% (năm 2012). Như vậy, tỷ lệ doanh nghiệp làm ăn có lãi đối với khối doanh nghiệp nhà nước đã tăng lên, vượt tỷ lệ của khối doanh nghiệp tư nhân, kể cả khối doanh nghiệp FDI. Theo số liệu thống kê, tổng doanh thu hợp nhất năm 2019 của 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu nhà nước đạt 1.478.949 tỷ đồng, tăng 6,4% so với năm 2018. Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 99.832 tỷ đồng, tăng 28% kế hoạch năm. Tổng nộp ngân sách hợp nhất đạt 221.108,68 tỷ đồng, tăng 17,6% so với năm 2018(1).
Mặc dù tỷ lệ đóng góp vào ngân sách, tạo việc làm và góp phần thúc đẩy tăng trưởng của doanh nghiệp nhà nước những năm gần đây có giảm (gắn với giảm số lượng doanh nghiệp), song vẫn giữ tỷ lệ không nhỏ. Xu hướng giảm tỷ trọng như trên là phù hợp với xu hướng chung của nền kinh tế thế giới và xuất phát từ quá trình tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước những năm qua, cùng với sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân nội địa và việc mở rộng đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình Việt Nam đẩy mạnh hội nhập quốc tế.
Thứ hai, doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò chi phối trong một số ngành, lĩnh vực, đặc biệt lĩnh vực tạo lập kết cấu hạ tầng cho tăng trưởng.
Trong nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng của quốc gia, như: năng lượng, tài chính tín dụng, ngân hàng, viễn thông, xuất khẩu lương thực, dịch vụ cảng hàng không..., doanh nghiệp nhà nước có ảnh hưởng lớn, thậm chí là chi phối. Theo “Sách trắng Công nghệ thông tin và Truyền thông” năm 2019, có tới 96% đối tượng sử dụng mạng điện thoại di động là khách hàng của Tập đoàn Viettel, Tập đoàn VNPT và Tổng Công ty Viễn thông MobiFone. Các ngân hàng thương mại nhà nước, như: BIDV, Agribank, Vietcombank, Vietinbank… chiếm hơn 50% tổng dư nợ cho vay của toàn ngành. Một số doanh nghiệp nhà nước đi đầu, mở rộng thị trường và thu được lợi nhuận lớn từ hoạt động đầu tư ra nước ngoài và đóng góp vai trò quan trọng trong an ninh năng lượng quốc gia, như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV)(2). Trong Top 5 Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, có 4 doanh nghiệp nhà nước gồm EVN, PVN, Viettel, Petrolimex. Trong đó, 2 tập đoàn có quy mô lớn nhất là PVN và EVN cùng nhau nắm giữ 48% nguồn vốn kinh doanh và 46% vốn chủ sở hữu nhà nước. Ba tập đoàn (PVN, EVN và Viettel) cùng tạo ra 50% doanh thu, 51% lợi nhuận và 52% nộp ngân sách của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Hiện nay, Việt Nam chủ yếu dựa vào nguồn lực của Nhà nước để đầu tư mở rộng kết cấu hạ tầng, đầu tư tư nhân vào kết cấu hạ tầng còn thấp, chỉ dưới 1% GDP trong thập kỷ qua. Theo thống kê, có khoảng 90% các dự án kết cấu hạ tầng ở Việt Nam do Nhà nước đầu tư. Nguồn vốn đầu tư đến từ hỗ trợ ngân sách trực tiếp, vốn của các doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhà nước vay vốn... chiếm tỷ trọng lớn. Chính những nguồn đầu tư này đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của nền kinh tế.
Thứ ba, doanh nghiệp nhà nước đi đầu trong đầu tư vào những vùng khó khăn, những lĩnh vực đầu tư có tỷ suất lợi nhuận thấp qua đó thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền, kiến tạo nền tảng phát triển.
Để thúc đẩy và hỗ trợ các hoạt động đầu tư này, Việt Nam có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực, vùng còn khó khăn, kém phát triển. Đặc biệt kể từ ngày 1-7-2015, các dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện khó khăn được áp dụng mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; đồng thời miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định, các nguyên liệu, vật tư, linh kiện để thực hiện dự án đầu tư. Miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất. Doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn đặc biệt khó khăn được miễn giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất theo pháp luật về đất đai.
Với các chính sách trên, doanh nghiệp nhà nước khắc phục khó khăn, đi tiên phong trong các chương trình đầu tư vào các khu vực và lĩnh vực ít sinh lời, tạo sức lan tỏa và động lực phát triển để thu hút các thành phần kinh tế khác tham gia; đóng góp tích cực vào chương trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tiêu biểu là hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội tham mưu cho Chính phủ mở rộng từ 3 lên 20 chương trình tín dụng, nhiều lần nâng mức cho vay các chương trình, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết phát triển kinh tế của người dân và ứng biến với những rủi ro. Với 2 chương trình tín dụng là cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được coi là bước đột phá, giảm nguy cơ tái nghèo ở những vùng “lõi nghèo”, như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Các chương trình tín dụng trên ngày càng thâm nhập sâu rộng vào đời sống, không chỉ giúp người nghèo và đối tượng chính sách có cơ hội nâng cao chất lượng sống, mà còn giảm thiểu rủi ro, như cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, giải quyết việc làm, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi... Nếu không có đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, khó có thể cải thiện điều kiện sống của dân cư, khơi dậy và phát huy tiềm năng của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo… trong chiến lược phát triển chung của cả nước.
Thứ tư, ngoài các nhiệm vụ kinh doanh, doanh nghiệp nhà nước còn thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội, tham gia các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, góp phần trực tiếp tham gia thực hiện công tác an sinh xã hội.
Trong những năm qua, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn của Nhà nước như: BIDV, Vietinbank, PVN, Viettel…, xác định tham gia các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, thực hiện an sinh xã hội chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng của chính bản thân doanh nghiệp. Bên cạnh nhiệm vụ kinh doanh, các doanh nghiệp này luôn đề cao vai trò, trách nhiệm thực hiện an sinh xã hội của mình đối với người lao động trong doanh nghiệp và cộng đồng.
Bên cạnh các chương trình cụ thể bảo đảm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống người lao động trong doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước chủ động hỗ trợ cộng đồng thông qua các chương trình vận động của các tổ chức xã hội, nhất là của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Thực hiện tốt các chương trình này cũng chính là góp phần triển khai chủ trương tăng trưởng đi liền với tiến bộ, công bằng xã hội của Đảng và Nhà nước ta.
2- Bên cạnh những cố gắng bảo đảm vai trò của mình trong nền kinh tế, sự phát triển khu vực doanh nghiệp nhà nước đã và đang đặt ra không ít vấn đề:
Một là, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế, chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Cụ thể, hiện nay, doanh nghiệp nhà nước đóng góp gần 40% GDP, phần còn lại 60% của GDP là đóng góp từ doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI. Trong khi đó khoảng 60% nguồn lực xã hội đang tập trung cho doanh nghiệp nhà nước. Như vậy, khu vực doanh nghiệp nhà nước sử dụng vốn chưa hiệu quả. Theo số liệu thống kê 5 tháng đầu năm 2019, doanh nghiệp nhà nước đóng góp 12,6% vào ngân sách nhà nước, doanh nghiệp FDI đóng góp hơn 15% và doanh nghiệp tư nhân đóng góp hơn 17%.
Hiệu suất sinh lời trên tài sản (tính bằng tổng lợi nhuận trước thuế/tổng tài sản) cho biết khả năng sinh lời trên mỗi đồng tài sản của doanh nghiệp. Tính riêng trong 415 doanh nghiệp nhà nước quản lý của bộ, ngành, ủy ban nhân dân cấp tỉnh, hiện còn tồn tại nhiều doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu, tỷ suất lợi nhuận trước thuế/tổng tài sản đạt thấp dưới mức lãi suất gửi tiết kiệm bình quân của ngân hàng (khoảng từ 1-5%)
Mức nợ của nhiều doanh nghiệp nhà nước và hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, các doanh nghiệp kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay các tổ chức tín dụng, vốn chiếm dụng, tiềm ẩn rủi ro mất cân đối tài chính tăng lên. Theo báo cáo hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty có tổng số nợ phải trả là 1.448.622 tỷ đồng, tương đương với thực hiện năm 2018, chiếm 53% tổng nguồn vốn của các tập đoàn, tổng công ty. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2019 là 1,14 lần (công ty mẹ là 0,74 lần); có 15 công ty mẹ có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần(3). Dự kiến cả năm 2020, khi dịch bệnh kéo dài, giá dầu không phục hồi, doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục giảm và cũng vì vậy việc khắc phục tình trạng thua lỗ so với kế hoạch sẽ là thách thức vô cùng lớn.
Việc thực hiện tái cơ cấu thời gian qua còn chậm. Theo thống kê, lũy kế từ năm 2016 đến tháng 9-2019, mới cổ phần hóa được 36 doanh nghiệp (đạt 28% kế hoạch). Hơn nữa, việc tái cơ cấu mới chỉ tập trung vào việc sắp xếp các doanh nghiệp thành viên của tổng công ty, tập đoàn kinh tế theo hướng thu gọn số lượng doanh nghiệp nhà nước (thực hiện sắp xếp cổ phần hóa, bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp), chưa chú trọng đến các định hướng, giải pháp có tính đột phá về khoa học, công nghệ, nhân lực chất lượng cao và một chiến lược kinh doanh dài hạn có tính khả thi cao.
Việc tách chức năng đại diện chủ sở hữu vốn của nhà nước với chức năng quản lý nhà nước trên thực tế còn chậm. Kể từ khi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đi vào hoạt động và thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu tại 19 tập đoàn, tổng công ty lớn, thì Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp mới chủ yếu thực hiện công tác tiếp nhận và xử lý các công việc chuyển tiếp; chưa thật sự phát huy vai trò trong việc đưa ra định hướng sản xuất, kinh doanh, hình thức quản lý đối với các doanh nghiệp được chuyển giao.
Tình trạng quản lý và sử dụng đất đai, quản lý hoạt động đầu tư xây dựng của nhiều doanh nghiệp nhà nước có nhiều sai sót, yếu kém. Theo Kiểm toán Nhà nước, diện tích, số lượng cơ sở nhà đất mà các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước được giao rất lớn song chưa được bản thân doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý chặt chẽ; nhiều diện tích đất chưa sử dụng. Nhiều doanh nghiệp sử dụng đất không đúng mục đích, thậm chí còn bị lấn chiếm, tranh chấp lên tới hàng chục héc-ta. Tương tự, việc quản lý hoạt động đầu tư xây dựng còn buông lỏng. Nhiều dự án nghiệm thu, thanh toán, quyết toán sai sót về khối lượng, đơn giá và chưa đầy đủ thủ tục.
Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến còn hạn chế. Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam vẫn đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2 - 3 thế hệ, đặc biệt là trình độ cơ khí chế tạo (là trụ cột của sản xuất công nghiệp)(4).
4. Để khắc phục những hạn chế trên và tiếp tục xây dựng, phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong điều kiện hiện nay, cần đổi mới nhận thức về vai trò của khu vực doanh nghiệp nhà nước và đi liền với đó là hệ giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh của khu vực này:
Một là, đổi mới quan niệm và đánh giá vai trò khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Cần có nhìn nhận khách quan về vai trò doanh nghiệp nhà nước thời gian qua. Những hoạt động kém hiệu quả của một bộ phận các doanh nghiệp không thể đánh đồng và quy chụp cho toàn bộ khu vực doanh nghiệp nhà nước. Sự đóng góp của doanh nghiệp nhà nước vào sự phát triển của đất nước là rất lớn, ngoài đóng góp về kinh tế, còn đóng góp vào sự ổn định chính trị - xã hội. Hơn nữa, không ít doanh nghiệp nhà nước là điểm sáng của sự phát triển như Tập đoàn Viettel, một số doanh nghiệp của ngành dầu khí… Đánh giá doanh nghiệp nhà nước cần nhìn nhận khách quan, bởi khu vực này thường phải đầu tư vào những lĩnh vực sinh lời thấp, rủi ro cao, tư nhân không muốn đầu tư; gánh trên vai “nhiệm vụ kép” vừa kinh doanh, vừa thực hiện các nhiệm vụ chính trị - xã hội. Đây cũng là thực trạng chung của các doanh nghiệp nhà nước trên thế giới.
Trong điều kiện hiện nay và cũng phù hợp với xu thế phát triển chung, doanh nghiệp nhà nước không cần nắm hầu như mọi lĩnh vực, mọi ngành sản xuất, mà chỉ giữ vai trò chủ đạo ở những ngành kinh tế chủ đạo, trụ cột, ngành liên quan tới quốc phòng - an ninh, cùng với đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại để thực sự giữ vai trò then chốt trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, theo đó, cần đi tiên phong trong đầu tư ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ, đẩy nhanh quá trình số hóa; tham gia sản xuất và cung ứng một số loại hàng hóa và dịch vụ có những đặc thù nhất định mà khu vực tư nhân không muốn tham gia; tiếp tục đi đầu trong đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng ở vùng sâu, xa, khó khăn; đầu tư phát triển lĩnh vực liên quan đến quốc phòng - an ninh; ở các lĩnh vực khác nếu tư nhân làm tốt cần có cơ chế để thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân trong nước chiếm lĩnh thị trường.
Hai là, để nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, cần có quy định minh bạch giữa nhiệm vụ kinh doanh với các nhiệm vụ chính trị - xã hội. Bản thân doanh nghiệp nhà nước là một nguồn lực, là công cụ của Nhà nước trong tham gia bình ổn, định hướng sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cần có quy định rõ ràng để hạch toán hiệu quả, phản ánh đúng thực chất sự phát triển của doanh nghiệp; không vì gánh vác nhiệm vụ chính trị - xã hội dẫn đến khó khăn trong hoạt động hạch toán kinh doanh.
Ba là, tiếp tục và quyết liệt thúc đẩy cổ phần hóa và thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước. Để làm điều này cần sớm luật hóa chính sách thu cổ tức, lợi nhuận từ vốn đầu tư tại doanh nghiệp nhà nước và các nội dung về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; bảo đảm sự công khai, minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc của thị trường, tạo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước với các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Bên cạnh việc xác định các cổ đông chiến lược trong cổ phần hóa, cần hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước có thể tiếp cận và kinh doanh ở những lĩnh vực mà doanh nghiệp nhà nước rút lui, đẩy mạnh quá trình chiếm lĩnh thị trường của các doanh nghiệp tư nhân nội địa.
Đi liền với cổ phần hóa, cần nghiên cứu cơ chế, chính sách thực hiện quốc hữu hóa phù hợp với luật pháp. Trong điều kiện không bình thường (khủng hoảng, thiên tai…) có thể thông qua quốc hữu hóa để bảo vệ nền tảng của nền kinh tế quốc gia, hạn chế sự lấn sân, thâu tóm của các doanh nghiệp nước ngoài.
Bốn là, đổi mới cơ chế quản trị doanh nghiệp nhà nước theo hướng hiện đại, phù hợp với những chuẩn mực quốc tế. Có một thực tế trong những năm qua, hiệu quả sử dụng vốn trong các doanh nghiệp nhà nước có xu hướng sụt giảm liên tục, trong bối cảnh nền kinh tế đang trên đà phục hồi và chất lượng tăng trưởng chung của nền kinh tế đang được cải thiện. Tức là nó diễn ra ngược với xu thế chung. Điều này cho thấy, những yếu kém của khu vực doanh nghiệp nhà nước chủ yếu là vấn đề nội tại của khu vực này chứ không phải do những tác động từ môi trường bên ngoài. Một trong những lý do đó là năng lực quản trị còn yếu kém, cơ chế quản trị chậm được đổi mới, chưa phù hợp với thông lệ, chuẩn mực phổ biến của quốc tế, tính công khai, minh bạch còn hạn chế. Công tác cán bộ, chính sách tiền lương, thưởng của doanh nghiệp nhà nước chưa gắn rõ với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp theo cơ chế thị trường, thiếu khuyến khích người lao động tăng năng suất. Doanh nghiệp nhà nước chưa thực sự được bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo cơ chế thị trường. Điều đó bức thiết đòi hỏi cần khẩn trương nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp nhà nước, phù hợp với trình độ quản trị bậc cao của mô hình tập đoàn kinh tế, bằng phương pháp quản trị hiện đại, nâng cao tính tự chủ để nâng cao tính cạnh tranh; cần đặt ra chỉ số hiệu quả trong quản lý doanh nghiệp nhà nước.
Năm là, đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhà nước nói riêng. Trên thực tế, doanh nghiệp nhà nước chưa là đối tượng nổi bật trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, chưa có quy định, chính sách ràng buộc hợp tác, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; thiếu cơ chế tài chính phù hợp để thực hiện đầu tư phát triển, cũng như các giải pháp cụ thể để tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo hướng thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ. Điều đó cần thay đổi thời gian tới, bởi đổi mới sáng tạo là con đường ngắn nhất để giảm bớt sự cồng kềnh, sức ỳ vốn có của khu vực này, trong đó doanh nghiệp là trung tâm của quá trình đổi mới như một nhu cầu tự thân, Nhà nước đóng vai trò là “bà đỡ” hỗ trợ về pháp lý. Thực hiện hiệu quả và đồng bộ các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp, đặc biệt là chính sách hỗ trợ về tài chính nhằm thúc đẩy doanh nghiệp triển khai các hoạt động đổi mới công nghệ và cải thiện năng lực quản trị công nghệ. Chú trọng tổ chức đào tạo về quản lý công nghệ và cập nhật công nghệ mới cho doanh nghiệp. Tăng cường bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về đổi mới công nghệ cho cán bộ quản lý doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, ứng dụng công nghệ tiên tiến, đào tạo, thuê chuyên gia thiết kế, sản xuất sản phẩm mới và thay đổi quy trình công nghệ. Hình thành các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học - công nghệ thực hiện nghiên cứu và ứng dụng sản xuất sản phẩm mới. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với các tổ chức khoa học và công nghệ, cá nhân và doanh nghiệp nước ngoài phát triển công nghệ, tham gia các triển lãm, hội chợ công nghệ và thiết bị ở nước ngoài. Tổ chức, phối hợp và hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc hợp tác với các tổ chức và cá nhân hoạt động khoa học - công nghệ để tiến tới làm chủ công nghệ nhập khẩu, qua đó nâng cao tính tự chủ và khả năng quản trị công nghệ./.
----------------------
(1) Hà Thanh Giang - Tô Hà: "Doanh nghiệp nhà nước phải có ý chí, khát vọng để phát triển đất nước hùng cường", https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/doanh-nghiep-nha-nuoc-phai-co-y-chi-khat-vong-de-phat-trien-dat-nuoc-hung-cuong-447461/ ngày 18-1-2020
(2) Lê Mạnh Hùng: "Vị trí, vai trò của lực lượng doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh cải cách", Tạp chí kinh tế và dự báo, số 1+2, tháng 1-2020
(3) Bạch Huệ: "Tập đoàn, tổng công ty nhà nước nợ nước ngoài 341.591 tỷ đồng",
https://vneconomy.vn/tap-doan-tong-cong-ty-nha-nuoc-no-nuoc-ngoai-341591-ty-dong-20201025091406727.htm, ngày 25-10-2020
(4) Hội đồng Lý luận Trung ương: Thực trạng công nghiệp Việt Nam thời gian qua, http://hdll.vn/vi/thong-tin-ly-luan/thuc-trang-cong-nghiep-viet-nam-thoi-gian-qua.html, ngày 14-8-2019
(5) Xem thêm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2019
(6) Xem thêm: Bộ Thông tin và Truyền thông: Sách trắng Công nghệ thông tin và Truyền thông 2019, Nxb. Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2019
(7) Xem thêm: Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, ngày 16-11-2017, của Chính phủ, “Về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần”
Thành phố Hồ Chí Minh giữ vững vai trò đầu tàu phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam  (14/12/2020)
Tỉnh Gia Lai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá để phát triển bền vững, phấn đấu trở thành trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên  (13/12/2020)
Chủ trương, chính sách khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của Trung Quốc năm 2020  (08/12/2020)
Thành phố Đà Nẵng thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững  (06/12/2020)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay