TCCS - Theo số liệu ngày 16-5-2020 do Bộ Y tế cung cấp, dịch COVID-19 khởi nguồn từ Trung Quốc đã, đang bùng phát ở 214 quốc gia, vùng lãnh thổ làm hơn 4,6 triệu người nhiễm bệnh và trên 310.000 người tử vong. Dịch COVID-19 sẽ còn tác động nhiều mặt về kinh tế - xã hội cho cả thế giới, trong đó có Việt Nam... Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), những tổn thất do dịch COVID-19 gây ra cho kinh tế toàn cầu trong năm 2020 thậm chí có thể lớn hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Kinh tế toàn cầu có nguy cơ đối mặt với tăng trưởng âm và sẽ đòi hỏi những phản ứng chưa từng có tiền lệ.
Áp lực từ đại dịch COVID-19...
Đại dịch COVID-19 là thảm họa dịch bệnh đã tạo ra những thách thức y tế, cũng như tạo áp lực lên quản lý xã hội và phát triển kinh tế chưa từng có cho các nước, các doanh nghiệp trên toàn thế giới, cũng như đối với Việt Nam. Những hệ lụy tiêu cực của đại dịch ngày càng sâu, toàn diện ở cả cấp vĩ mô và vi mô.
Theo Báo cáo đánh giá sơ bộ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO): “COVID-19 và thế giới việc làm: Tác động và giải pháp”, cuộc khủng hoảng kinh tế và lao động do dịch COVID-19 gây ra có thể làm tăng thêm 25 triệu người thất nghiệp trên toàn cầu, so với số lượng người thất nghiệp sẵn có là 188 triệu trong năm 2019(1). Hàng triệu người lao động đã và tiếp tục sẽ rơi vào tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, giảm giờ làm, tiền lương và rớt xuống dưới chuẩn nghèo. Nhóm lao động tự làm ở các nước đang phát triển, vốn thường là “tấm đệm” giúp làm nhẹ bớt độ “xung” của những tác động do những thay đổi đột ngột mang lại, thì lần này không còn tác dụng, vì những hạn chế di chuyển đối với con người và hàng hóa. Giảm số lượng việc làm đồng nghĩa với việc mất đi nguồn thu nhập lớn cho người lao động, ước tính con số này tương đương từ 860 tỷ USD đến 3,4 nghìn tỷ USD trong năm 2020. Tổ chức Lao động quốc tế ước tính sẽ có thêm từ 8,8 triệu đến 35 triệu người lao động rơi vào cảnh đói nghèo trên khắp thế giới, so với mức ước tính trước đây cho năm 2020 (là giảm 14 triệu người). Ngoài ra, tác động của cuộc khủng hoảng việc làm tới một số nhóm lao động sẽ không đồng đều và làm gia tăng bất bình đẳng. Những người bị ảnh hưởng lớn bao gồm những người được bảo vệ ít hơn và làm những công việc được trả lương thấp, nhất là lao động trẻ và lao động cao tuổi. Phụ nữ và lao động di cư cũng thuộc nhóm này. Lao động di cư dễ bị tổn thương vì họ thường không được hưởng đầy đủ quyền lao động và an sinh xã hội. Phụ nữ thường chiếm số đông trong nhóm các công việc lương thấp và các ngành kinh tế bị tác động bởi dịch bệnh.
Tổ chức Lao động quốc tế cũng kêu gọi thực hiện các biện pháp khẩn cấp, quyết liệt trên diện rộng và đồng bộ ở cả ba trụ cột: Bảo vệ người lao động tại nơi làm việc; kích thích nền kinh tế, việc làm; hỗ trợ việc làm và thu nhập. Những biện pháp này bao gồm mở rộng an sinh xã hội, hỗ trợ khả năng giữ việc làm, như giảm thời giờ làm việc, nghỉ phép có lương và các trợ cấp khác, giảm thuế và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; hỗ trợ cho vay và hỗ trợ tài chính đối với một số ngành kinh tế cụ thể; tăng cường đối thoại xã hội, đối thoại giữa người lao động, người sử dụng lao động và các tổ chức đại diện của họ; xây dựng niềm tin của công chúng và các tiêu chuẩn lao động quốc tế cập nhật...
Trước đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng sớm đưa ra khuyến nghị chính phủ các nước cần “hành động nhanh chóng và quyết liệt” để vượt qua dịch bệnh bằng các biện pháp bảo vệ thu nhập của các nhóm và doanh nghiệp dễ bị ảnh hưởng. Các chính phủ có thể cấp bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, chi trả các chi phí y tế liên quan đến dịch COVID-19, xem xét các biện pháp giảm, hoãn thuế, nợ, giảm chi phí năng lượng cho các doanh nghiệp ở những vùng và lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề; giảm tạm thời tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng...
Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 21-4-2020, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Takeshi Kasai nhấn mạnh rằng, Việt Nam hiện ghi nhận 268 ca mắc COVID-19 và chưa có trường hợp tử vong nào. Số liệu này ít hơn nhiều so với hầu hết các quốc gia Đông Nam Á khác và nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu trong nỗ lực kiểm soát dịch COVID-19. Việt Nam đã cho thấy khả năng lãnh đạo nhạy bén, quyết liệt của Chính phủ trong việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Ý thức kỷ luật của người dân khi tuân thủ các quy định cách ly xã hội đã giúp Việt Nam giảm tỷ lệ lây nhiễm cũng như phát huy hiệu quả các biện pháp của Chính phủ trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tại Việt Nam ước tính sơ bộ có 19% doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô; 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc; 78% lao động ngành vận tải, giày da, dệt may bị giảm việc, giãn việc hoặc ngừng việc; 98% lao động hàng không tạm nghỉ việc. Hàng triệu người lao động đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là lao động giản đơn thu nhập thấp không thường xuyên. Dự báo trong tháng 5-2020, ước tính sẽ có khoảng 2 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm; trường hợp dịch bệnh bùng phát mạnh sẽ có khoảng 3,5 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm.
Trong quý I-2020, phản ánh xu hướng khó khăn chung của các nước trên thế giới, do tác động của đại dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam cũng chịu nhiều tổn thất, khó khăn hơn so với cùng kỳ năm trước: Tăng lạm phát, thất nghiệp và số doanh nghiệp dừng hoạt động, phá sản; dư nợ tín dụng dự kiến bị ảnh hưởng bởi dịch lên đến khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với hoạt động ngân hàng; giảm về vốn đăng ký và số lao động của các doanh nghiệp đăng ký mới, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động và số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế (lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lớn hơn số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới); giảm lượng du khách quốc tế, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, số vốn FDI tăng thêm, vốn góp và mua cổ phần. Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện và xuất khẩu quý I-2020 đạt mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016 - 2020. Hàng loạt các hoạt động lễ hội, du lịch và học tập, giao lưu tụ tập đông người bị đóng cửa; các hoạt động vận tải, bán lẻ, ngoại thương, đầu tư, tài chính - ngân hàng bị thu hẹp tối đa. Thu ngân sách nhà nước giảm sút, trong khi nhiệm vụ chi đột xuất cho chống dịch ngày càng tăng lên. Đặc biệt, tăng sự đứt gãy và gián đoạn một số chuỗi cung ứng đầu vào và tiêu thụ đầu ra của một số mặt hàng, ngành chủ lực của Việt Nam đang chịu phụ thuộc cao vào thị trường bên ngoài.
Theo Tổng cục Thống kê, khoảng 42% số doanh nghiệp được khảo sát gặp khó khăn trong kinh doanh quý I-2020 và 25,9% số doanh nghiệp dự báo kinh doanh trong quý II-2020 sẽ khó khăn hơn quý I-2020. Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) dự báo, nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, thì có tới gần 30% số doanh nghiệp được khảo sát chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm. Trên 75% số doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp quy mô lao động và có tới gần 10% số doanh nghiệp phải giảm quy mô lao động tới 50% so với hiện nay. Chỉ có chưa đầy 1% số doanh nghiệp gia tăng lao động. Như vậy, hàng triệu lao động sẽ có nguy cơ mất việc làm trong những tháng tới đây, nhất là lao động kỹ năng thấp trong các ngành công nghiệp dệt may, da giày, điện tử... Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, cùng với các giải pháp ngắn hạn, như tập trung phòng, chống dịch bệnh, cần hỗ trợ duy trì sản xuất, kinh doanh bằng chính sách tài khóa, chính sách tín dụng, chính sách lao động, tiền lương và công đoàn, mà điển hình là đề nghị không điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2021....
Tuy nhiên, theo Báo cáo Đông Á và Thái Bình Dương thời COVID-19 được Ngân hàng Thế giới công bố, nền kinh tế Việt Nam quý I-2020, mức tăng trưởng kinh tế 3,82% GDP, dù là mức thấp nhất trong 11 năm qua của Việt Nam, nhưng lại là con số cao nhất trong số các nước có được số liệu đến thời điểm này. Đây là kết quả hội tụ và tín hiệu tích cực phản ánh những nỗ lực chung cải thiện môi trường đầu tư từ năm 2019.
Giám đốc ILO Việt Nam, TS. Chang-Hee Lee cho rằng, Việt Nam đã làm rất tốt công tác kiềm chế dịch. Sự quyết tâm được thể hiện rõ qua thông điệp của Thủ tướng rằng, Chính phủ chấp nhận thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho người dân. Theo TS. Chang-Hee Lee, cuộc chiến chống COVID-19 có khả năng sẽ còn kéo dài, bây giờ là lúc bắt đầu hành động để giảm thiểu những tác động tiêu cực của dịch bệnh tới doanh nghiệp, việc làm và thu nhập của phần lớn người lao động, bao gồm cả khu vực kinh tế phi chính thức. Tổ chức Lao động quốc tế Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động Việt Nam “chiến đấu” vì việc làm thỏa đáng tại thời điểm khủng hoảng toàn cầu nghiêm trọng về cả sức khỏe, thị trường lao động cũng như kinh tế hiện nay.
Thông điệp và những đối sách thích ứng
Ông Masatsugu Asakawa, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, ADB đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã có những hành động kịp thời và hiệu quả để chống lại đại dịch. Chính phủ chú trọng duy trì ổn định kinh tế và tăng trưởng trong trung và dài hạn, bao gồm thông qua mở rộng chi đầu tư công và tăng cường các mạng lưới an sinh xã hội cho các hộ gia đình nghèo và dễ tổn thương. Để giúp Chính phủ Việt Nam chặn đứng sự lây lan của COVID-19, ADB sẽ cân nhắc tất cả các giải pháp, gồm cả giải ngân nhanh hỗ trợ ngân sách, cho vay chính sách và đẩy nhanh giải ngân các khoản vay hiện tại để bảo đảm rằng mọi gói hỗ trợ có thể được phê duyệt nhanh chóng và được giải ngân một cách kịp thời... Trước đó, ngày 18-3-2020, ADB đã công bố gói hỗ trợ ban đầu trị giá 6,5 tỷ USD (và sẽ bổ sung khi cần thiết) để đáp ứng nhu cầu trước mắt của các quốc gia thành viên đang phát triển trong ứng phó với đại dịch COVID-19.
Theo dự báo của ADB, năm 2020, Việt Nam sẽ tăng trưởng kinh tế 4,8% GDP; lạm phát ở mức 3,3% và tăng lên 3,5% năm 2021. Thâm hụt tài khoản vãng lai dự kiến ở mức 0,2% GDP năm 2020 và thặng dư 1% GDP vào năm 2021. Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam đang được cộng đồng thế giới đánh giá cao cả về năng lực đối phó với đại dịch COVID-19 và nỗ lực duy trì động lực tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Đại dịch cũng là thời điểm người dân trải nghiệm và thêm tin tưởng vào năng lực lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; năng lực, trách nhiệm chuyên môn cao của ngành y tế nước nhà và ngày càng tin yêu hơn hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ. Với phương châm “Chống dịch như chống giặc”, “không để ai bị đói cơm, lạt muối vì dịch”, nhằm cả hai mục tiêu: chống dịch tốt để bảo vệ người dân, đồng thời duy trì ổn định kinh tế để sẵn sàng bứt phá khi dịch lắng xuống, Chính phủ đã, đang và sẽ tiếp tục có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch, như các gói hỗ trợ về tiền tệ (được nâng lên khoảng 300.000 tỷ đồng); gói hỗ trợ về tài khóa (khoảng 180.000 tỷ đồng); gói hỗ trợ an sinh xã hội (trên 62.000 tỷ đồng, dự kiến cấp cho khoảng 20 triệu đối tượng bị ảnh hưởng; tùy từng đối tượng, người lao động sẽ được hỗ trợ từ 1 - 1,8 triệu đồng/tháng, trong vòng không quá 3 tháng kể từ tháng 4 đến tháng 6-2020), gói hỗ trợ giá điện (khoảng 12.000 tỷ); gói hỗ trợ giá viễn thông (khoảng 15.000 tỷ đồng)... Đây cũng là thời điểm biểu đạt tình đoàn kết và trách nhiệm cộng đồng; mỗi doanh nghiệp và người dân cần chung sức, đồng lòng cùng Chính phủ nỗ lực vượt khó, đạt bằng được mục tiêu kép trên.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, các kịch bản phục hồi kinh tế hậu COVID-19 đang được xúc tiến xây dựng ở các cấp, ngành, địa phương dựa theo giả định thời gian kết thúc dịch bệnh COVID-19. Đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực làm giảm cả tổng cung và tổng cầu của mỗi quốc gia và toàn thế giới. Vì vậy, các nhiệm vụ và giải pháp hỗ trợ kinh tế hậu dịch COVID-19 đều cần tập trung vào cả hai nhóm giải pháp đồng bộ để tăng liên kết, chống đứt gẫy chuỗi cung ứng, tăng cả tổng cung và tăng tổng cầu xã hội. Đồng thời, cần nhận diện và làm sâu sắc hơn những thay đổi cả trong tư duy, cũng như trong phương thức quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp, kể cả trong cơ cấu kinh tế vĩ mô và vi mô theo một tâm thế “sống chung với dịch bệnh”, thực hiện “kinh doanh an toàn” cả trong và sau dịch bệnh. Theo đó, đòi hỏi năng lực thích nghi mới của cả bộ máy quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, cũng như từng người dân trong sự linh hoạt thích ứng với thị trường và bối cảnh mới, với yêu cầu tăng cường tiêu chuẩn bảo đảm vệ sinh và an toàn y tế; sắp xếp lại các chuỗi cung ứng toàn cầu và hướng nhiều hơn vào thị trường trong nước; gia tăng các hoạt động và ứng dụng chuyển đổi số, phát triển kinh tế nền tảng và các dịch vụ tiếp xúc phi truyền thống, giảm thiểu sự gián đoạn khi “giãn cách xã hội”; phát triển các ứng dụng hỗ trợ làm việc tại nhà, học trực tuyến và thương mại điện tử, thanh toán kỹ thuật số, làm việc từ xa và xử lý trực tuyến dịch vụ công; hoàn thiện hệ thống căn cước số đáng tin cậy để hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ tài chính điện tử và các nền tảng khu vực tư nhân khác tăng khả năng phân tích dữ liệu lớn (big data), thanh toán không dùng tiền mặt...
Đặc biệt, dù bất luận kịch bản nào thì Việt Nam cũng tiếp tục và đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, loại bỏ những thủ tục gây chậm trễ, rườm rà, ràng buộc, giảm bớt thanh tra, kiểm tra, điều tra một số việc không cần thiết trừ các trường hợp vi phạm pháp luật; đẩy mạnh tiến độ giải ngân đầu tư công và kiểm soát tình trạng độc quyền, lợi ích nhóm với tinh thần đặt lợi ích đất nước lên trên hết, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng. Đồng thời, khai thác tốt các cơ hội mới từ các hiệp định thương mại tự do, tổ chức khai thác tốt thị trường trong nước; tập trung phát triển mạnh các vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước; khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian thay thế nhập khẩu; phát triển công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng, như thép chế tạo, vải, vật liệu mới; hỗ trợ nâng cao năng lực các doanh nghiệp thông qua các giải pháp hỗ trợ về tài chính, tín dụng, nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường, thúc đẩy kết nối giữa các nhà sản xuất và phân phối, ngân hàng với doanh nghiệp.../.
------------------------------
(1) https://www.nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/43681102-25-trieu-nguoi-tren-toan-cau-co-the-that-nghiep-vi-COVID-19.html
Thực hiện mục tiêu “kép” trên những công trình trọng điểm  (13/05/2020)
Binh chủng Tăng thiết giáp phòng, chống dịch Covid-2019 bằng nhiều biện pháp thiết thực, hiệu quả  (12/05/2020)
Agribank cơ cấu lại nợ cho 27.500 khách hàng ảnh hưởng dịch COVID-19  (09/05/2020)
“Thời điểm vàng” để phục hồi kinh tế  (07/05/2020)
Tác động xã hội và ứng phó của Việt Nam trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19  (30/04/2020)
Điểm sáng của ngành dầu khí trong khủng hoảng kép  (28/04/2020)
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển