Thúc đẩy liên kết vùng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Nam

Nguyễn Đình Khang Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam
20:59, ngày 03-01-2019

TCCS - Nhận thức rõ tầm quan trọng của liên kết vùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng yêu cầu: “Phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, đồng thời ưu tiên phát triển các vùng kinh tế động lực,... Thực hiện quy hoạch vùng, chính sách vùng; sớm xây dựng và thể chế hóa cơ chế điều phối liên kết vùng...”(1). Tỉnh Hà Nam, trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, luôn coi liên kết nội vùng, liên kết với các vùng là một trong những động lực để phát triển và đã đạt được những kết quả quan trọng.

Từ những định hướng đúng đắn

Hà Nam là cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội, với diện tích tự nhiên 860,5km2 và dân số hơn 82 vạn người. Tỉnh có 5 huyện và 1 thành phố; 116 xã, phường, thị trấn. Được xác định là một tỉnh thuộc vùng Thủ đô Hà Nội, trong chiến lược phát triển kinh tế của mình, tỉnh Hà Nam luôn tuân thủ chặt chẽ theo định hướng phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội. Tỉnh xác định thúc đẩy liên kết vùng trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Từ đó, tỉnh Hà Nam đề ra những định hướng thúc đẩy liên kết vùng:

Một là, phát huy lợi thế tiếp cận cửa ngõ Thủ đô và hệ thống giao thông hướng biển, phát triển các dịch vụ công nghiệp - đô thị kết nối trung tâm vùng Thủ đô Hà Nội với cửa ngõ kinh tế biển; phát triển các khu công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ, lô-gi-stíc, trung tâm thương mại, y tế, đào tạo, thể thục - thể thao, chế biến nông sản.

Hai là, tập trung phát triển đô thị tỉnh lỵ và các đô thị chuyên ngành có vai trò tạo động lực trong vùng trên cơ sở tăng cường sự liên kết và khai thác hiệu quả hệ thống đường vành đai (vành đai 4, vành đai 5) các trục, hành lang kinh tế (Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh; Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Lạng Sơn - Bắc Giang - Hà Nội; Hà Nội - Hà Nam; Hà Nội - Thái Nguyên). Phát triển thành phố Phủ Lý là trung tâm cấp vùng về y tế, giáo dục - đào tạo phía Nam của vùng Thủ đô Hà Nội, vai trò cửa ngõ quan trọng của vùng với các tỉnh phía Nam đồng bằng sông Hồng.

Ba là, tập trung nguồn lực thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; xây dựng nông thôn theo hướng kết hợp cải tạo không gian cũ với phát triển mới các điểm dân cư nông thôn sản xuất nông nghiệp hiện đại. Phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất và chế biến sản phẩm, phát triển các vùng lúa đặc sản chất lượng cao, rau quả sạch, hoa, cây ăn quả đặc sản.

Bốn là, hình thành một số khu vực trọng điểm phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ đóng góp chuỗi liên kết sản xuất các ngành công nghiệp ưu tiên mang tính đột phá dọc các hành lang kinh tế kết nối với các cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu; tập trung lấp đầy và rà soát lựa chọn các loại hình công nghiệp thích hợp đối với các khu công nghiệp đã xây dựng, đẩy nhanh di dời, chuyển đổi chức năng các cơ sở sản xuất công nghiệp cũ tại nội thành.

Năm là, trở thành vùng du lịch trung tâm quan trọng của miền Bắc với các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc thù, kết nối với du lịch núi, biển, đảo của các vùng lân cận. Đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, bảo đảm liên kết giữa các vùng, khu và điểm du lịch trên địa bàn vùng. Thiết lập các tuyến du lịch cấp vùng trên cơ sở kết nối các di sản tự nhiên và di sản văn hóa.

Sáu là, tận dụng năng lực kết cấu hạ tầng giao thông hiện có, phát huy tối đa lợi thế địa lý của vùng, tập trung cải tạo nâng cấp kết hợp xây dựng mới mạng lưới giao thông hiện đại, đồng bộ; phát triển đa dạng các loại hình vận tải, kết nối liên thông giữa các phương thức vận tải (đường thủy, đường bộ, đường sắt, đường hàng không,...) phát triển các loại hình giao thông mới, hiện đại gắn với quy hoạch, phát triển hệ thống giao thông công cộng đa dạng phù hợp với các đô thị.

Đến những kết quả quan trọng bước đầu

Với những định hướng về thúc đẩy phát triển liên kết vùng đúng đắn; sự quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, thời gian qua Hà Nam đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng trong phát triển liên kết vùng. Những kết quả này thực sự là động lực quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thúc đẩy liên kết vùng đã góp phần vào bức tranh phát triển kinh tế - xã hội, là một nhân tố quan trọng trong những thành tích phát triển của tỉnh Hà Nam, thể hiện ở các phương diện:

Thứ nhất, trong công nghiệp hóa nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, chuyển dịch mạnh lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, làm nền tảng để phát triển nhanh và bền vững.

Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 08-4-2016, về đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến 2035. Trên cơ sở đó tỉnh đã phê duyệt 9 chương trình, đề án phát triển nông nghiệp, chủ động thực hiện hợp tác với các địa phương trong nước (thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Lâm Đồng) và các địa phương của quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp như Nhật Bản.

Tỉnh đã xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành các hợp tác xã vệ tinh, các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị; đã quy hoạch 6 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 656,22ha. Đến nay, các hộ dân trong các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn toàn tỉnh đã ký hợp đồng cho thuê đất với diện tích 375,68ha, trong đó đã trả tiền thuê đất tích tụ là 225,68ha và ký hợp đồng cho các doanh nghiệp thuê lại quyền sử dụng đất là 204,8ha. Các doanh nghiệp đang đầu tư, đẩy mạnh sản xuất, từng bước đưa sản phẩm nông nghiệp sạch ra thị trường; giá trị sản xuất trong các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với khu sản xuất ngoài trời đạt 1.200 triệu đồng/ha/năm, khu trong nhà kính đạt 4.500 triệu đồng/ha/năm. Từ hiệu quả sản xuất tại các khu nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh chỉ đạo nhân rộng một cách phù hợp và đến nay đã có 46 xã với 55 mô hình tích tụ ruộng đất, với tổng diện tích 578ha của 1.885 hộ tham gia sản xuất lúa, rau củ quả; ra mắt 15 cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm nông sản an toàn; đồng thời đẩy mạnh các chương trình liên kết với doanh nghiệp.

Trên địa bàn tỉnh tập trung phát triển chăn nuôi bò sữa, bò thịt, lợn theo quy hoạch; chuyển dần chăn nuôi từ quy mô nông hộ sang quy mô công nghiệp, bán công nghiệp, chăn nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Đến nay chuyển đổi đạt trên 60% số cơ sở chăn nuôi, trong đó trang trại chiếm khoảng 21% - 25% số cơ sở chăn nuôi. Qua đó thu hút được các doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi lợn, doanh nghiệp chế biến thịt quy mô lớn, các doanh nghiệp tham gia trong chuỗi liên kết chăn nuôi.

Tỉnh đã tăng nhanh tỷ lệ cơ giới hóa trong các khâu sản xuất nông nghiệp gắn với đẩy mạnh chuyển dịch lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp - dịch vụ. Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất lúa ở khâu làm đất đạt 100%, khâu thu hoạch đạt trên 80%, khâu gieo trồng đạt 40% diện tích, khâu bảo quản chế biến đạt 31,26%; từ đó góp phần chuyển dịch lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ (tỷ lệ lao động nông nghiệp trên tổng lao động năm 2017 còn 40,5%).

Công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản của tỉnh Hà Nam được đẩy mạnh. Từ thu hút, mời gọi các doanh nghiệp về nghiên cứu khảo sát, lập dự án đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đến nay đã có một số nhà đầu tư lớn về nghiên cứu, đầu tư dự án tại tỉnh, như Công ty VinEco, Công ty cổ phần Giống cây trồng trung ương, Tập đoàn Masan, Công ty Vinamilk, Công ty Dabaco, Tập đoàn FLC, Tập đoàn T&T,...

Thứ hai, trong phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo nền tảng vững chắc để phát triển công nghiệp với tốc độ cao.

Tỉnh ủy Hà Nam đã xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 08-4-2016, về đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, tạo nền tảng phát triển công nghiệp với tốc độ cao và bền vững. Tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư theo đúng định hướng của tỉnh, đó là tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo. Từ đầu năm 2016 đến nay, tỉnh đã thu hút được 286 dự án đầu tư, trong đó có 88 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 817 dự án đầu tư còn hiệu lực (243 dự án FDI) với vốn đăng ký 2.713,7 triệu USD và 104.604,5 tỷ đồng. Hai thị trường thu hút chính là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tỉnh đã tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, thuận tiện trong kết nối giao thông. Đến nay đã có 6/8 khu công nghiệp theo quy hoạch đã được triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ trên diện tích 1.211,8ha; trong đó diện tích đất công nghiệp là 877,2ha. Tích cực thực hiện Đề án củng cố phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông tạo liên kết vùng, liên kết các loại hình vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân cũng như công nhân các khu công nghiệp, đáp ứng yêu cầu năng lực khai thác vận chuyển hàng hóa trên địa bàn tỉnh nói chung và của các khu công nghiệp nói riêng. Củng cố và nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ hoạt động của các khu công nghiệp, như nhà ở công nhân, nhà ở chuyên gia, hệ thống nhà hàng, siêu thị, cảng thông quan nội địa và các dịch vụ thiết yếu khác.

Đồng thời, tỉnh Hà Nam đã rà soát, bổ sung và vận dụng các cơ chế chính sách, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn; đánh giá những nguyên nhân gây trở ngại làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh và có biện pháp xử lý. Tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc đối với sản xuất, kinh doanh, tăng cường các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường cho doanh nghiệp. Thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tạo sự gần gũi thân thiện giữa chính quyền và doanh nghiệp. Duy trì thực hiện hiệu quả 10 cam kết của tỉnh với nhà đầu tư, doanh nghiệp; duy trì “đường dây nóng” của các cấp lãnh đạo (Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh) để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp. Tổ chức xúc tiến thương mại, hội chợ thương mại, hỗ trợ xây dựng website thương mại điện tử giúp doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Thứ ba, trong phát triển mạnh thương mại, dịch vụ tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp, đô thị và đưa Hà Nam trở thành trung tâm dịch vụ chất lượng cao cấp vùng về y tế, giáo dục - đào tạo vào năm 2020.

Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 30-6-2016, về đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ chất lượng cao cấp vùng về y tế, đào tạo nguồn nhân lực và du lịch. Tập trung huy động tối đa các nguồn vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại - dịch vụ, đặc biệt là Trung tâm Y tế chất lượng cao, Đại học Nam Cao, Khu du lịch trọng điểm quốc gia Tam Chúc. Hoàn thành, đưa vào vận hành, khai thác kinh doanh dự án Khách sạn Mường Thanh - Hà Nam theo tiêu chuẩn 5 sao; tổ hợp thương mại - dịch vụ tổng hợp Vincom Hà Nam, sân gôn Kim Bảng... Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 tại Trung tâm y tế chất lượng cao; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Tiếp tục thu hút, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu nhà ở, khu trung tâm thương mại - dịch vụ hỗn hợp trên địa bàn. Có cơ chế chính sách khuyến khích thu hút đầu tư, đặc biệt là đối với các dự án đầu tư quy mô lớn, đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ.

Tỉnh Hà Nam đã đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch gắn kết hợp tác với các tỉnh trong vùng để phát triển du lịch theo tuyến, đặc biệt là hình thức du lịch tâm linh, du lịch sinh thái. Phát triển mạnh các cơ sở lưu trú, khách sạn, từng bước đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước.

Thứ tư, trong công tác bảo vệ môi trường.

Các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh Hà Nam tập trung chỉ đạo, điều hành giải quyết những vấn đề ô nhiễm môi trường bức xúc của địa phương. Tỉnh đã tiến hành rà soát, lấy mẫu đánh giá chất lượng môi trường tại một số “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường làng nghề. Đẩy mạnh xử lý chất thải chăn nuôi, chất thải y tế, rác thải đô thị và nông thôn, ô nhiễm môi trường khu vực Tây Đáy. Tỉnh Hà Nam phối hợp chặt chẽ với thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện dự án kiểm soát ô nhiễm công nghiệp lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy; theo dõi, thông báo kịp thời các đợt ô nhiễm, giảm thiểu tác hại đối với người dân.

Thứ năm, trong đầu tư phát triển đô thị, hệ thống kết cấu hạ tầng, trong đó chú trọng hạ tầng giao thông liên vùng.

Tỉnh Hà Nam tập trung huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là nguồn vốn xã hội hóa. Thực hiện đấu giá các vị trí đất có lợi thế phát triển dịch vụ, thương mại, nhà ở theo quy hoạch. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công, giải ngân các dự án, trọng tâm là các dự án trọng điểm.

Tỉnh đã tiến hành triển khai thực hiện Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh, Chương trình phát triển nhà ở. Triển khai các dự án đô thị mới theo quy hoạch, chú trọng các dự án có lợi thế để tạo nguồn vốn hoàn trả nhà đầu tư.

Đối với xây dựng đô thị Phủ Lý, tỉnh tập trung mọi nguồn lực phấn đấu hoàn thành các tiêu chí của đô thị loại II, chú trọng công tác đầu tư - xây dựng kết cấu hạ tầng khung, trọng tâm là thực hiện các dự án chỉnh trang nâng cấp đô thị, kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội (đường, cầu, thiết chế văn hóa, trường học, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng các khu đô thị cũ), các dự án hạ tầng đô thị các khu vực mới.

Thứ sáu, trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hiệu quả ứng dụng khoa học - công nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Tỉnh Hà Nam đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giữ vững chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục mũi nhọn ở thứ hạng cao. Thu hút, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Đại học Thương mại, Đại học Sư phạm Hà Nội thành lập phân hiệu và đi vào hoạt động tại tỉnh; thu hút Đại học U1 của Hàn Quốc,... Thành lập Trường Tiểu học cơ sở, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành trực thuộc Đại học Sư phạm phân hiệu Hà Nam.

Tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu Đại học Nam Cao để thu hút các trường đại học công lập, các trường đại học, cao đẳng nghề trong và ngoài nước. Đến nay, đã có 17 trường đăng ký đầu tư về khu Đại học Nam Cao, trong đó 5 trường đã có chấp thuận chủ trương đầu tư, 3 trường có quyết định phê duyệt dự án, 2 trường đang xây dựng cơ sở vật chất. Đổi mới trong công tác đào tạo nghề, liên kết, hợp tác với trường quốc tế, đào tạo theo địa chỉ, đào tạo gắn với nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp.

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới tỉnh Hà Nam tiếp tục đẩy mạnh liên kết vùng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, thực hiện hiệu quả quy hoạch phát triển vùng đã được phê duyệt, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương, coi trọng hợp tác liên kết vùng, duy trì tốc độ phát triển cao và bền vững về kinh tế, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, xây dựng quê hương Hà Nam giàu đẹp, văn minh. /.

---------------------------------------------

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 95