TCCS - Liên kết vùng trong phát triển kinh tế - xã hội đã và đang được các tỉnh, thành phố vùng duyên hải miền Trung triển khai thực hiện hướng tới mục tiêu huy động và sử dụng tối đa các nguồn lực, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và cả vùng.

Liên kết vùng là sự hợp tác giữa các địa phương của một vùng trong xây dựng và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch cũng như hình thành các cơ chế, chính sách phát triển thống nhất nhằm thúc đẩy sự phát triển của mỗi địa phương, của cả vùng. Liên kết vùng không những tạo động lực phát triển kinh tế mà còn giúp các địa phương trong vùng thực hiện tốt chức năng bảo tồn tài nguyên, sinh thái, ổn định an ninh, chính trị, xã hội. Đối với vùng duyên hải miền Trung, việc liên kết vùng để cùng phát triển nhanh, bền vững hơn đang là vấn đề đặt ra đối với các địa phương trong vùng.

Vùng duyên hải miền Trung (ở đây gồm 9 tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận), có diện tích hơn 49,4 nghìn km2, dân số 10,2 triệu người ( chiếm 14,9% diện tích và 11,36% dân số cả nước), là địa bàn giàu tài nguyên; có nhiều tiềm năng, lợi thế lớn về kinh tế, nhất là kinh tế biển; có bờ biển dài gần 1.500 km, chiếm gần 50% chiều dài bờ biển của cả nước. Đây là địa bàn chiến lược trọng yếu, nằm trên trục giao thông chính Bắc - Nam, là cửa ngõ ra biển Đông của hành lang Đông - Tây, nối với đường hàng hải quốc tế qua biển Đông và Thái Bình Dương; có thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn và 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc.

Nhận thức được vấn đề quan trọng, bức thiết của sự liên kết vùng trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như xuất phát từ yêu cầu thực tế, ngày 15-7-2011, lãnh đạo chủ chốt 7 tỉnh, thành phố ( 05 tỉnh, thành phố trong vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, gồm: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và 2 tỉnh Nam Trung bộ: Phú Yên, Khánh Hòa) có tiếng nói chung tại Hội thảo khoa học “Liên kết phát triển 7 tỉnh duyên hải miền Trung”, được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng, đồng thời ký kết “Biên bản cam kết liên kết phát triển 7 tỉnh duyên hải miền Trung” với tên gọi chung là liên kết vùng duyên hải miền Trung. Các tỉnh, thành phố thống nhất thành lập Ban Điều phối vùng, nhóm Tư vấn liên kết phát triển vùng nhằm tổ chức, giám sát và điều hành các hoạt động liên kết vùng. Trên cơ sở đó, Quỹ Nghiên cứu Phát triển miền Trung cũng được thành lập nhằm mục đích hỗ trợ tài chính cho các hoạt động nghiên cứu phát triển vùng. Đến tháng 8-2012, Ban Điều phối vùng bổ sung thêm hai thành viên mới là tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.

Mục tiêu chung của liên kết phát triển vùng duyên hải miền Trung là khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và toàn vùng; thực hiện thành công nội dung tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thực hiện 3 đột phá chiến lược; nâng cao hiệu quả việc xây dựng sử dụng nguồn nhân lực của các địa phương, hạn chế mâu thuẫn trong quy hoạch đầu tư, thu hút đầu tư giữa các địa phương trong vùng; tạo dựng thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh của từng địa phương và toàn vùng trong bối cảnh hội nhập; từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương, góp phần giải quyết công ăn, việc làm, nâng cao mức sống, trình độ dân trí cho các tầng lớp dân cư và bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Trước mắt, các địa phương tập trung liên kết, thúc đẩy phát triển một số ngành, lĩnh vực: Hạ tầng giao thông đường bộ liên tỉnh, đường cao tốc xuyên vùng; đào tạo phát triển nguồn nhân lực, chú trọng phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch; xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch; xây dựng vùng nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm...

Kết quả bước đầu

Theo Ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung, những năm qua, mặc dù hoạt động theo tinh thần tự nguyện, chưa có tính ràng buộc về pháp lý, nhưng hoạt động liên kết nói chung, hoạt động của Ban Điều phối nói riêng vẫn đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và cả khu vực. Cụ thể như: Tổ chức thành công các hội thảo khoa học với các chủ đề “Liên kết phát triển các tỉnh duyên hải miền Trung”, “Liên kết phát triển du lịch các tỉnh duyên hải miền Trung”, “Liên kết đào tạo nguồn nhân lực các tỉnh duyên hải miền Trung”, “Về kinh nghiệm thu hút đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp các tỉnh duyên hải miền Trung”; triển khai xây dựng và chính thức vận hành Cổng thông tin điện tử vùng duyên hải miền Trung; tổ chức khảo sát thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội các địa phương trong vùng; xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất vùng duyên hải miền Trung và cập nhật thông tin trên Cổng thông tin điện tử vùng duyên hải miền Trung; bước đầu phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong tổ chức huy động đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước tham gia vào các hoạt động hội thảo, nghiên cứu liên kết phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, liên kết thu hút đầu tư, phát triển kinh tế biển; kêu gọi, xúc tiến đầu tư trực tiếp từ các nhà đầu tư vào các địa phương trong vùng; phối hợp nghiên cứu cơ chế, chính sách cho các tỉnh trong vùng phát triển các khu công nghiệp hỗ trợ; phát hành các ấn phẩm về liên kết vùng và tập sách giới thiệu sản phẩm du lịch của vùng;... Qua đó, tạo chuyển biến bước đầu trong cả nhận thức và hành động từ các lãnh đạo chủ chốt trong hệ thống chính trị đến các doanh nghiệp và người dân trong khu vực cũng như tạo được sự tin cậy, ủng hộ từ các cơ quan, ban, ngành Trung ương, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước về hợp tác phát triển vùng.

Trên cơ sở liên kết vùng, các tỉnh, thành phố còn tùy vào tiềm năng, lợi thế và điều kiện liên kết riêng có, liên kết phát triển với các địa phương khác trong và ngoài vùng, như: Liên kết của 5 tỉnh vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung (KTTĐMT); liên kết của ba tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng về phát triển du lịch; liên kết của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc khai thác tiềm năng của Hải Vân Quan; liên kết của tỉnh Khánh Hòa với tỉnh Lâm Đồng trong việc xây dựng tuyến đường Nha Trang - Đà Lạt nhằm phát triển mạnh du lịch; tỉnh Phú Yên kết nối với tỉnh Lâm Đồng trong việc hỗ trợ khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh sản phẩm hàng hóa của địa phương,...

Nhờ có sự liên kết cũng như sự nổ lực của từng địa phương, nền kinh tế của các địa phương trong vùng phát triển ổn định và tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm nội địa (GRDP) giai đoạn 2011 - 2015 tăng bình quân khoảng 9,3%, trong 2 năm 2016 và 2017 tăng bình quân trên 7,5%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên; GRDP bình quân đầu người đạt trên 44,8 triệu đồng/năm. Riêng 5 tỉnh, thành phố nằm trong vùng KTTĐMT, bên cạnh sự liên kết chung, còn có sự liên kết riêng của vùng KTTĐMT nên có sự phát triển khởi sắc hơn. Giai đoạn 2011 - 2015, các địa phương trong vùng đạt nhiều kết quả khả quan: Tăng trưởng kinh tế duy trì ổn định và đạt khá, GRDP tăng bình quân 9,4%/năm; GRDP bình quân đầu người gần 47 triệu đồng. Năm 2016, 2017 mặc dù các địa phương trong vùng gặp nhiều khó khăn nhưng GRDP vẫn tăng bình quân trên 7,8%.

Một số vấn đề đặt ra

Qua hoạt động liên kết vùng duyên hải miền Trung thời gian qua, có thể rút ra một số vấn đề sau:

Một là, hoạt động liên kết phát triển vùng tuy đạt được một số kết quả nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn. Cụ thể là, chưa xây dựng được cơ chế liên kết có tính pháp lý cao giữa các tỉnh, thành phố trong vùng về quy hoạch phát triển, thu hút đầu tư, dịch vụ công...; chưa đề xuất được cơ chế, chính sách thúc đẩy liên kết vùng giữa các khu kinh tế, doanh nghiệp; chưa phối hợp có hiệu quả với các ban, bộ, ngành Trung ương để ban hành và triển khai các chủ trương, thể chế chính sách kinh tế vùng, liên kết vùng; chưa tạo ra được lực đủ mạnh để “gắn kết” giữa các địa phương trong vùng. Việc thực hiện cơ chế điều phối và 09 nội dung liên kết được lãnh đạo 9 tỉnh, thành phố ký kết còn hạn chế; các địa phương vẫn còn lúng túng, bị động trong việc triển khai các hoạt động liên kết, chưa tích cực tham gia và triển khai các hoạt động liên kết; chưa chủ động đề xuất các vấn đề liên quan đến liên kết phát triển vùng đang đặt ra ở từng địa phương... Nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động liên kết thiếu một cơ chế pháp lý. Theo lãnh đạo Ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung, nguyên nhân trước hết là do hoạt động liên kết vùng thiếu một cơ chế pháp lý. Cho đến nay, quy chế hoạt động của Ban Điều phối vùng vẫn chưa được thể chế hóa bằng văn bản pháp lý, các thỏa thuận đều không kèm theo điều kiện thi hành, dẫn đến nguồn lực cho hợp tác bị hạn chế. Thứ hai, là các lợi ích địa phương cục bộ vẫn chi phối hợp tác giữa các địa phương. Theo quy định của Luật Ngân sách, dòng tài chính vẫn do các địa phương tự phân phối, tự tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư bằng cơ chế, chính sách của địa phương, dẫn đến chính sách “đặc thù” không còn đặc thù. Thứ ba, là chưa phối hợp có hiệu quả cùng các ban, bộ, ngành Trung ương trình Trung ương Đảng, Quốc Hội, Chính phủ để ban hành và triển khai các chủ trương, thể chế chính sách kinh tế vùng, liên kết vùng. Chính các yếu tố đó dẫn đến hoạt động liên kết, phối hợp chuyên ngành chưa được cụ thể hóa, còn mang tính hình thức trong khuôn khổ hợp tác phát triển; sự thiếu thống nhất về thể chế, chính sách, thu hút đầu tư, phân bổ nguồn lực, thiết lập hạ tầng dùng chung, liên kết phụ trợ giữa các doanh nghiệp trong vùng... nhằm bảo đảm sự chia sẻ lợi ích chung và giải quyết những gánh nặng xã hội và ô nhiễm môi trường. Các địa phương luôn lúng túng, bị động trong việc đề xuất và triển khai các hoạt động liên kết. Vì bị động, chưa thật sự quyết tâm trong hoạt động liên kết nên các địa phương chưa xác định được lợi thế chuyên biệt của mình để tập trung nguồn lực cho công tác đầu tư, hầu hết đều lấy cảng biển, sân bay để kéo nhà đầu tư về phía mình, mà chưa có sự liên kết để phát huy thế mạnh khu vực. Và, cũng do thiếu tính liên kết đó, các địa phương tự thân vận động, tự tranh thủ từng chút hỗ trợ của Trung ương dẫn đến việc khai thác, phát huy các nguồn lực vốn có trên địa bàn manh mún và không đồng bộ, nơi nào cũng làm khu công nghiệp, trong khi điều kiện môi trường để thu hút khu công nghiệp ở một số nơi lại không có.

Hai là, chưa phát huy được lợi thế so sánh của vùng. Tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trong vùng khá tương đồng (biển, du lịch, cảng biển, sân bay, khu kinh tế, nguồn nhân lực dồi dào...). Với 6 khu kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, du lịch, lọc hóa dầu và hàng chục khu, cụm công nghiệp phân bố đều khắp, lại nằm trên trục Hành lang kinh tế Đông Tây, có lợi thế cạnh tranh về thu hút đầu tư. Tuy nhiên, tỉnh nào cũng chú trọng đến việc lôi kéo dự án về địa phương mình, chưa nghĩ đến lợi ích chung cho toàn vùng,... Và, thực tế đã xuất hiện những xung đột giữa lợi ích địa phương và lợi ích toàn vùng do các tỉnh đều ưu tiên tập trung phát triển cảng biển, sân bay, khu kinh tế. Thêm vào đó, các ngành kinh tế chủ lực tại các khu kinh tế, khu công nghiệp của các địa phương có sự trùng lắp nên địa phương nào cũng bị phân tán nguồn lực đầu tư (cả nhà nước lẫn tư nhân). Mặt khác, các ngành kinh tế chủ lực của các tỉnh có cơ cấu ngành, sản phẩm khá trùng lắp, thiếu các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ. Thực tế cho thấy, xuất phát điểm nền kinh tế của các địa phương trong vùng đều ở mức thấp, tích lũy đầu tư nhỏ, hiệu quả đầu tư chưa cao. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) còn ở mức khiêm tốn, ngoại trừ thành phố Đà Nẵng. Cơ cấu kinh tế của các địa phương trong vùng tuy đã chuyển dịch tích cực theo hướng tăng nhanh tỷ trọng các nhóm ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, nhưng tỷ trọng nhóm ngành nông - lâm - ngư nghiệp vẫn còn khá lớn, chiếm trên 17%. Bên cạnh đó, phần lớn các địa phương đều có tư duy phát triển dàn trải dựa trên tiềm năng, thế mạnh của mình về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên du lịch (thiên nhiên, nhân văn), nguồn nhân lực dồi dào, lao động rẻ... đã ảnh hưởng không nhỏ đến liên kết phát triển vùng.

Ba là, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội, nhất là hệ thống giao thông trong vùng chưa kết nối đồng bộ cũng như nguồn nhân lực chất lượng còn khiêm tốn chưa đáp ứng nhu cầu liên kết phát triển vùng. Thực tế những năm qua cho thấy, do lãnh địa trải rộng và địa hình phức tạp đã và đang cản trở tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội của vùng, nhất là kết nối giao thông đường bộ cho dù trong vùng hiện có tới 13 cảng biển, 36 bến cảng, 06 cảng hàng không, trong đó có 04 cảng hàng không quốc tế; 14 quốc lộ quan trọng và tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua. Nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông liên tỉnh và quốc tế rất lớn trong khi đó đa số các địa phương trong vùng chưa có khả năng tích lũy để phát triển; thu nhập dân cư thấp, GRDP bình quân đầu người trên 44,8 triệu đồng/năm, bằng 92,2% so với mức bình quân đầu người cả nước; quy mô ngân sách còn nhỏ bé, chỉ có 4/9 tỉnh, thành cân đối được ngân sách. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng cạnh tranh và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đòi hỏi phải có nhân lực chất lượng cao, nhưng để đào tạo được nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cần có thời gian và nguồn lực không nhỏ. Trong vùng chưa có các sản phẩm chủ lực, thương hiệu sản phẩm đặc trưng, một số điểm du lịch có thương hiệu, như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Huế,... nhưng chưa có tác dụng lan tỏa. Bên cạnh đó, thiên tai, dịch bệnh xảy ra thường xuyên; tác động của sự biến đổi khí hậu và vấn đề ô nhiễm môi trường đã và đang là những thách thức lớn đối với sự liên kết phát triển bền vững của vùng...

Một số giải pháp

Từ kết quả hoạt động và vấn đề đặt ra trong liên kết vùng, thiết nghĩ thời gian tới, các tỉnh duyên hải miền Trung cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp, liên kết giữa các địa phương, cũng như sự ra tay từ Trung ương, hướng tới mục tiêu khai thác, phát huy hiệu quả tối đa các nguồn lực để tạo động lực tích cực thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững cho các địa phương và cho cả vùng. Hiện nay, Ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả cơ chế điều phối và 9 nội dung liên kết đã được lãnh đạo chủ chốt của 9 tỉnh, thành phố ký kết; hoàn thiện cơ chế điều phối, nâng cao vị trí, vai trò của Ban Điều phối vùng trong việc nghiên cứu, đề xuất, triển khai các chủ trương, chính sách phát triển vùng và định hướng phát triển các địa phương trong vùng; xây dựng cơ chế hợp tác phát triển vùng hiệu quả; tạo dựng thương hiệu, hình ảnh và tăng cường sức cạnh tranh của vùng; tăng cường chia sẻ hợp tác trong đầu tư phát triển; sớm triển khai nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội gắn với tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng toàn vùng, thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược, xác định các mục tiêu trọng điểm, các dự án cần ưu tiên đầu tư, thu hút đầu tư.

Theo các chuyên gia, các địa phương trong vùng nên tập trung liên kết phát triển một số lĩnh vực chủ yếu, có tính khả thi cao như: phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ liên tỉnh; hạ tầng và sản phẩm du lịch; kinh tế biển và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ kinh tế biển; phát triển mạnh ngành khai thác và chế biến thủy sản, cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng nhân lực phục vụ phát triển du lịch; phân công, chuyên môn hóa sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại, đầu tư... Qua đó tạo lập không gian kinh tế thống nhất toàn vùng để cùng phát triển, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế;...

Điều đáng lưu ý hơn, là các tỉnh duyên hải miền Trung đều nằm trải dài theo bờ biển, không có địa phương nào làm trọng tâm đẩy, kéo địa phương khác nên đòi hỏi các tỉnh, thành phố trong vùng phải có sự đồng thuận cao trong liên kết sử dụng và khai thác các nguồn lực và có sự chia sẻ lợi ích để cùng phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cũng cần có sự vào cuộc, tạo “cú hích” của Trung ương để thúc đẩy liên kết vùng, tránh hiện tượng “duy trì cơ cấu sản xuất khép kín” hay “phát triển kinh tế khép kín” vốn có của các địa phương trong vùng. Cụ thể là: Trung ương nên có chính sách khác biệt mang tính đặc thù so với mặt bằng chung cho vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung nói riêng, cho vùng duyên hải miền Trung nói chung; tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp liên kết đầu tư phát triển các nguồn lực theo liên vùng, thay đổi tư duy từ phát triển “điểm du lịch” thành “vùng du lịch”, có chủ trương, cơ chế giúp các cơ sở đào tạo gắn kết được với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có tên tuổi để đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực có chất lượng,.../.