Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 30-7 đến 05-8-2018)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN)
22:02, ngày 08-08-2018

TCCSĐT - Trong 6 tháng đầu năm nay, các vụ sáp nhập và mua lại doanh nghiệp đã trở thành một trong những lĩnh vực có sự khởi đầu mạnh mẽ nhất trên thế giới.

Xác định những giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam

Việc chỉ ra các hạn chế kìm hãm quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; các giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0; Hiệu lực, hiệu quả của chương trình hành động, trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc của các địa phương để thực hiện tốt Nghị quyết của Quốc hội, Trung ương về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng... là những nội dung chủ yếu được đưa ra thảo luận tại Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng diễn ra sáng 02-8 tại Hà Nội.

Theo kết quả đánh giá định lượng các tác động tới nền kinh tế, việc đạt được các mục tiêu đã đề ra về chuyển dịch nguồn lực và cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn 2018 - 2020 sẽ dẫn tới cải thiện mạnh mẽ tốc độ tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Đây là trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong công tác điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Việc hoàn thành các mục tiêu đã đề ra về cơ cấu lại nền kinh tế sẽ là động lực quan trọng hàng đầu để duy trì tốc độ tăng trưởng cao và nâng cao hiệu quả của nền kinh tế trong giai đoạn 2018 - 2025.

Theo đó, các nhiệm vụ trọng tâm về cơ cấu lại nền kinh tế trong năm 2018 - 2020 được Ban Chỉ đạo đưa ra tại phiên họp bao gồm 7 nhiệm vụ cơ bản.

Thứ nhất, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất, cắt giảm điều kiện kinh doanh và chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; trong đó đặc biệt lưu ý đến tạo dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng cho khu vực kinh tế tư nhân trong nước.

Thứ hai, rà soát, hoàn thiện luật pháp liên quan về đất đai để khuyến khích và tạo điều kiện tích tụ đất nông nghiệp; phát triển mạnh thị trường quyền sử dụng đất. Đổi mới và thực hiện chế độ quản lý mục đích sử dụng đất nông nghiệp một cách linh hoạt hơn; bãi bỏ các giới hạn, khống chế về đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp; nâng đến mức đáng kể hoặc xóa bỏ hạn điền sử dụng, tăng thời hạn giao đất, cho thuê đất nông nghiệp đồng thời, đánh thuế lũy tiến đối với đất bị bỏ hoang, đất không sử dụng như mục đích đã định.

Thứ ba, tập trung xây dựng chính sách phát triển các ngành kinh tế trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, xác định mục tiêu rõ ràng về tăng năng suất và hiệu quả của các ngành. Trước mắt tập trung một số ngành như du lịch, công nghiệp chế biến thực phẩm, công nghiệp phụ trợ ôtô và nông nghiệp công nghệ cao. Có thể hình thành dưới dạng Chương trình phát triển ngành với các mục tiêu và lộ trình định hướng cụ thể về gia tăng năng suất và định vị trong chuỗi giá trị toàn cầu. Sắp xếp, tổ chức và điều phối lại hàng loạt các chính sách hỗ trợ phân tán và thiếu hiệu quả đối với phát triển ngành hiện nay nhằm hướng đến các mục tiêu phát triển ngành cụ thể như trên, tổ chức giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện.

Thứ tư, nâng cao hiệu quả đầu tư công bằng cách hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư công, bảo đảm hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế; trong đó ưu tiên đổi mới cách thức thẩm định, đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư theo mức độ hiệu quả kinh tế dự tính của dự án. Tập trung đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, gắn chặt với các ưu tiên về cơ cấu lại nền kinh tế.

Thứ năm, đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, tăng cường chiều sâu và tốc độ cổ phần hóa, đồng thời có những biện pháp cụ thể để nâng cao thực chất trình độ quản trị, tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý DNNN. Với vai trò chủ sở hữu, Chính phủ giao các chỉ tiêu bắt buộc đối với các lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước về các chỉ tiêu nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp như nâng cao tỷ suất lợi nhuận trên vốn.

Thứ sáu, xây dựng thị trường vốn nhằm bảo đảm hiệu quả trung gian tài chính.

Thứ bảy, cơ cấu lại lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Chuyển mạnh từ sản xuất theo hộ gia đình riêng lẻ sang mô hình sản xuất hợp tác, liên kết, tập trung, quy mô lớn; có cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Cuối cùng, tiền đề của các nhóm giải pháp trên là Chính phủ cần có những biện pháp củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định và thuận lợi cho cơ cấu lại nền kinh tế và tăng năng suất trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. Các giải pháp chính sách thuộc nhóm này bao gồm cơ cấu lại ngân sách nhà nước; trong đó tập trung quản lý nợ công theo hướng bảo đảm an toàn, bền vững; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính-ngân sách nhà nước; điều hành chủ động, linh hoạt và phối hợp tốt chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác, nhất là chính sách điều chỉnh các loại giá, phí do nhà nước quản lý đồng thời rà soát, gỡ bỏ rào cản về thể chế, chính sách đối với khai thác tài nguyên số và nền kinh tế số hóa.

Bổ sung các giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn những năm tới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng cần tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô đã đạt được; đẩy mạnh hoàn thiện khuôn khổ cho tái cơ cấu. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; tiếp tục phát triển đội ngũ doanh nghiệp tư nhân. Bên cạnh đó, cần có chiến lược, chính sách, công cụ phát triển phù hợp cho các đô thị; tăng cường thể chế về liên kết vùng; các chỉ số về chất lượng tăng trưởng…

Triển khai các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản

Sáng 03-8, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg về một số nhiệm vụ cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải triển khai có hiệu quả các khuyến nghị để EC gỡ bỏ cảnh báo “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam; hướng tới mục tiêu lâu dài là chấn chỉnh hoạt động khai thác hải sản, phát triển bền vững, trong đó có yêu cầu tuân thủ nghiêm túc các quy định về khai thác hải sản của quốc tế.

Từ đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các bộ, ngành trung ương, Ủy ban nhân dân 28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương phải quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không thực hiện theo quy định.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tập trung tham mưu, sớm trình Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống đánh bắt bất hợp pháp để tập trung chỉ đạo, thống nhất từ Trung ương đến địa phương; Tập trung hoàn thiện pháp luật liên quan đến thủy sản nói chung, các quy định về đánh bắt hải sản nói riêng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, bảo đảm ngư dân, cán bộ, các tổ chức cá nhân có liên quan hoạt động thủy sản phải có đầy đủ thông tin về việc cảnh báo Thẻ vàng của EC; tuyên truyền cho ngư dân, các tổ chức cá nhân liên quan hiểu rõ về việc cảnh báo thẻ vàng của EC.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì xây dựng tài liệu hướng dẫn chủ tàu, ngư dân trong việc kê khai thông tin cần thiết về nguồn gốc đánh bắt,… phục vụ công tác giám sát, đảm bảo dễ hiểu, dễ kê khai…; Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu, thống nhất việc lập và triển khai Dự án thông tin quản lý nghề cá trên biển giai đoạn II để giám sát hoạt động của tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên; bố trí vốn đầu tư công trung hạn cho dự án này; Lập kế hoạch rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch đầu tư, nâng cấp, mở rộng các cảng cá.

Bộ Quốc phòng kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền làm nghề thủy sản khi xuất, nhập bến; kiên quyết không cho ra khơi khi chưa đủ các thủ tục, giấy tờ, các trang thiết bị theo quy định. Xử lý nghiêm theo quy định các tàu cá có dấu hiệu vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; trong đó chú trọng phát hiện, đề xuất xử lý nghiêm các hành vi môi giới, đầu tư cho tàu cá, ngư dân vi phạm.

Đồng thời, Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển, trong đó tập trung tại các khu vực chồng lấn, tranh chấp giữa Việt Nam và các nước để kịp thời phát hiện; xử lý tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam cũng như ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài; hỗ trợ kịp thời tàu cá và ngư dân ta khi gặp sự cố, bị nước ngoài bắt giữ trái phép.

Bộ Công an phối hợp các cơ quan liên quan điều tra, xử lý nghiêm các hành vi môi giới, đầu tư cho tàu cá, ngư dân khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài; Lập danh sách và quản lý chặt chẽ số ngư dân được nước ngoài trả về.

Bộ Ngoại giao tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo hộ ngư dân, phối hợp với Bộ Quốc phòng cung cấp các bằng chứng về việc các nước trong khu vực bắt giữ trái phép tàu cá và ngư dân Việt Nam trên vùng biển Việt Nam, vùng biển chưa phân định, chồng lấn giữa hai nước. Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh đàm phán phân định ranh giới vùng biển giữa Việt Nam và các nước.

Bộ Ngoại giao phối hợp Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các bộ khác tăng cường thông tin về sự nỗ lực, cố gắng của Việt Nam trong việc thuyết phục EC gỡ bỏ "thẻ vàng" với Việt Nam; đề xuất các biện pháp ngoại giao cần thiết để thực hiện nhiệm vụ tháo dỡ "thẻ vàng", cũng như các vấn đề tranh chấp khác.

Bộ Công Thương tham mưu các giải pháp để mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu cho hải sản Việt Nam; cũng như cùng các bộ phối hợp, có thông tin với các tổ chức, đối tác thương mại quốc tế hiểu rõ hơn về những nỗ lực, cố gắng của Việt Nam; tham mưu hoạch định các giải pháp, biện pháp để ứng phó với những rào cản thương mại, ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu thụ hàng của Việt Nam.

Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc tiếp tục bố trí kinh phí duy trì hệ thống giám sát Movimar thực hiện năm 2019 - 2020 (cho khối tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 m trở lên theo khuyến nghị của EC); đề xuất giải pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải xây dựng cơ chế kiểm soát tàu và hàng thủy sản có nguồn gốc khai thác cập cảng Việt Nam, bảo đảm thực hiện các quy định về biện pháp quốc gia có cảng.

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ với các Bộ liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác phòng, chống khai thác trái phép tại các nước cũng như trong nước. Một mặt, thông tin để người dân biết về các quy định đánh bắt thủy sản quốc tế; phát hiện, cảnh báo những trường hợp cố tình vi phạm; nhưng đồng thời cũng giới thiệu những tấm gương tốt, những cách làm hay của các bộ, ngành, địa phương, của bà con ngư dân.

Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển, trước hết phải xây dựng kế hoạch hành động chống đánh bắt bất hợp pháp, quy định rõ trách nhiệm của chính quyền các cấp, cơ quan chức năng liên quan; thường xuyên báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến việc để tàu cá và ngư dân thường xuyên vi phạm; báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

EU và Trung Quốc thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và tự do thương mại


Ngày 03-8, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đã nhất trí thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và ủng hộ tự do thương mại. Thỏa thuận này đạt được trong cuộc họp giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Đại diện Cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 (AMM 51) và các hội nghị liên quan đang diễn ra tại Singapore.

Bà Mogherini đánh giá cao mối quan hệ hữu nghị lâu dài giữa EU và Trung Quốc. Quan chức này khẳng định EU sát cánh cùng Trung Quốc thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và ủng hộ tự do thương mại, theo đó Brussels sẵn sàng tăng cường đối thoại và hợp tác chiến lược với Bắc Kinh.

Về phần mình, Ngoại trưởng Vương Nghị cho rằng việc Trung Quốc và EU đẩy mạnh đối thoại và hợp tác chiến lược, ủng hộ chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế không chỉ đem lại lợi ích cho hai bên mà còn góp phần duy trì ổn định và hòa bình trên thế giới trước tình hình quốc tế nhiều bất ổn.

Theo quan chức này, hai bên đã tổ chức thành công cuộc đàm phán tại thủ đô Bắc Kinh hồi tháng 7 vừa qua và đã nhất trí bảo vệ hệ thống thương mại đa phương.

Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - EU lần thứ 20 diễn ra hôm 16-7 vừa qua ở thủ đô Bắc Kinh đã nhất trí hợp tác để bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và ủng hộ thương mại tự do toàn cầu.

Đây có thể xem là tín hiệu về sự đồng lòng nhất định của Bắc Kinh và Brussels nhằm chống lại chính sách bảo hộ thương mại và tăng thuế quan mà Mỹ đang áp đặt với cả Trung Quốc và EU, gây ra những tranh cãi gay gắt có nguy cơ “kích hoạt” một cuộc chiến thương mại quy mô lớn gây tổn hại cho kinh tế toàn cầu.

Bên cạnh đó, hai bên cũng nhất trí trao đổi về các đề nghị tiếp cận thị trường lẫn nhau để thúc đẩy một thỏa thuận đầu tư song phương.

Kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ, Fed giữ nguyên lãi suất

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 01-8 đã nêu bật sức mạnh của thị trường lao động và kinh tế Mỹ, một dấu hiệu củng cố lộ trình tăng lãi suất sắp tới của Fed, dù ngân hàng Trung ương của Mỹ vẫn giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp lần này.

Trước đó, các thị trường tài chính đã dự đoán sẽ có một đợt tăng lãi suất vào tháng 9 tới, nhưng cách dùng từ của Fed có thể phần nào củng cố những đồn đoán về một đợt tăng lãi suất lần thứ tư trong năm nay vào tháng 12, đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp thấp, số việc làm tăng mạnh qua từng tháng và kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ trong quý II.

Ủy ban Thị trường mở Liên bang, cơ quan hoạch định chính sách của Fed, cho biết “hoạt động kinh tế đã và đang tăng trưởng mạnh mẽ,” chứ không chỉ “vững chắc” như trong thông báo đưa ra sau cuộc họp trước đó của Fed hồi tháng Sáu. Cũng theo thông báo sau cuộc họp lần này, chi tiêu hộ gia đình đã “gia tăng mạnh mẽ”, thay vì chỉ “khởi sắc” như mô tả trong thông báo lần trước. Và một lần nữa, Fed cho biết ngân hàng này sẽ tiếp tục tục lộ trình tăng lãi suất dần dần.

Điều này có thể sẽ không làm hài lòng Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã từng công kích ngân hàng trung ương Mỹ hồi tháng trước, cho rằng chính sách của Fed đang kìm hãm những nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế của ông.

Quyết định giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp lần này là kết quả đồng thuận tuyệt đối của các thành viên trong ủy ban chính sách nói trên. Và kết quả này được đưa ra trong bối cảnh kinh tế Mỹ tăng trưởng 4,1% trong quý 2, trong khi lạm phát tăng lên trên 2% và tiền lương đang bắt đầu tăng lên.

Tuy nhiên, giới chuyên gia dự đoán rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ không duy trì được mức tăng trưởng cao của quý 2 trong thời gian còn lại của năm nay, và triển vọng kinh tế đang bị "phủ bóng" bởi những căng thẳng thương mại của Washington với nhiều quốc gia trên thế giới.

Toàn cảnh các thương vụ sáp nhập, mua lại doanh nghiệp trên thế giới

Trong 6 tháng đầu năm nay, các vụ sáp nhập và mua lại doanh nghiệp đã trở thành một trong những lĩnh vực có sự khởi đầu mạnh mẽ nhất trên thế giới. Với tốc độ này, năm nay đang trên đà phá vỡ kỷ lục về những vụ sáp nhập và mua bán doanh nghiệp từng được ghi nhận năm 2007. Tuy nhiên, tình hình thu hút đầu tư ở các khu vực và lĩnh vực khác nhau không đồng nhất.

Theo kết quả nghiên cứu của Công ty kiểm toán và tư vấn tài chính quốc tế EY có trụ sở tại London của Anh, cho biết số lượng giao dịch của các nhà đầu tư Trung Quốc tại châu Âu đã giảm 12% trong 6 tháng đầu năm nay, xuống còn 111 thương vụ mua lại các doanh nghiệp.

Tại Đức và Anh, vốn là 2 địa bàn mục tiêu chính của các nhà đầu tư Trung Quốc, số lượng giao dịch giảm từ 26 xuống 22 thương vụ. Tuy nhiên, tại Thụy Sĩ, tình hình vẫn ổn định, với 7 thương vụ mua lại hay đầu tư mua cổ phần từ các nhà đầu tư Trung Quốc như Bally International, Mercuria Energy Group, Swiss Education Group, Lista Holding, Takeda Chromo, Granite Capital và M.A. Med Alliance. Đáng chú ý nhất là việc các nhà đầu tư Trung Quốc tỏ ra không mấy quan tâm đến thị trường Mỹ.

Theo một nghiên cứu khác của hãng luật quốc tế Baker McKenzie và Rhodium Group, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc ra nước ngoài đã chuyển từ Bắc Mỹ sang châu Âu trong giai đoạn vừa qua.

Nghiên cứu này có tính đến giá trị các thương vụ sáp nhập và mua lại của Trung Quốc được công bố gần đây ở châu Âu, đạt 22 tỷ USD, vượt xa con số 2,5 tỷ USD giá trị các thương vụ được thực hiện ở Bắc Mỹ.

Theo Giám đốc chuyên trách đầu tư xuyên quốc gia của Baker McKenzie và Rhodium Group, ông Thilo Hanemann, tại châu Âu, các rào cản pháp lý vẫn yếu hơn so với ở Bắc Mỹ, các mối quan hệ chính trị dễ dự đoán hơn và các tài sản công nghiệp công nghệ cao có chất lượng hơn.

Trong khi đó, theo công ty kiểm toán và tư vấn tài chính quốc tế Deloitte, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Thụy Sĩ rất được quan tâm và được các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm nhiều trong nửa đầu năm nay.

So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ này được bán lại cho các nhà đầu tư nước ngoài đã tăng thêm 38%, với tổng cộng 40 doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong số những nhà đầu tư này chỉ có 2 nhà đầu tư của Trung Quốc. Hầu hết các nhà đầu tư khác đều là người châu Âu; trong đó 9 nhà đầu tư người Đức, 3 người Pháp và Anh và 2 người Thụy Điển.

Nghiên cứu của Deloitte cũng ghi nhận xu hướng mua lại và sáp nhập đột phá (được gọi là Disruptive M&A) đang gia tăng trên toàn cầu, theo đó ngày càng có nhiều công ty mua bí quyết kỹ thuật số để mở rộng hoặc thay đổi hoàn toàn mô hình kinh doanh.

Theo cố vấn tài chính Stephan Brücher, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech), trí tuệ nhân tạo, chế tạo robot hay an ninh mạng đang rất được quan tâm.

Cuối cùng, theo báo cáo mới nhất của Hãng luật quốc tế Allen & Overy, những vụ sáp nhập lớn tiếp tục được tiến hành. Số lượng giao dịch trị giá hơn 10 tỷ USD đã tăng hơn 301% trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.

Minh chứng thêm về xu hướng này, các dữ liệu trong báo cáo do hãng tin Thomson Reuters cung cấp, cho thấy các giao dịch trị giá hơn 5 tỷ USD tăng 226%. Do đó, giá trị các vụ giao dịch đã tăng tổng cộng 64% trong nửa đầu năm nay, mặc dù số lượng giao dịch giảm 11%./.