Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 30-10 đến 05-11-2017)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN)
21:39, ngày 07-11-2017

TCCSĐT - Tổng số nợ của thế giới dự kiến sẽ tăng lên mức kỷ lục khoảng 226.000 tỷ USD, chiếm 324% Tổng sản phẩm nội địa (GDP) toàn cầu trong năm 2017. Điều này khiến nhiều ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới có kế hoạch chấm dứt chính sách tín dụng nới lỏng cho vay với lãi suất thấp.

Thủ tướng: Tất cả các lĩnh vực chuyển biến tích cực nhất kể từ đầu năm

Phát biểu khai mạc phiên họp thường kỳ tháng 10 của chính phủ sáng 03-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, thời điểm này, nhiều bộ, ngành, địa phương đã tích cực tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đặc biệt là tích cực, chỉ đạo tập trung chuẩn bị tốt nhất cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 với tinh thần trách nhiệm cao của quốc gia chủ nhà.

Thủ tướng vui mừng cho biết vừa mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra mức đánh giá mới về môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, theo đó, WB đã nâng thứ hạng của Việt Nam lên 14 bậc, từ 82 lên vị trí 68. Cho rằng Việt Nam đang đi dần đến mục tiêu xếp vào nhóm đầu ASEAN, Thủ tướng phân tích kết quả xếp hạng của WB dựa trên nhiều chỉ tiêu, trong đó có hai chỉ tiêu quan trọng là thủ tục thuế điện tử và thủ tục giải quyết điện năng. Thủ tướng cũng cho biết Tổ chức xếp hạng thống kê quốc gia Moody’s đã nâng hạng dịch vụ ngân hàng của Việt Nam từ mức ổn định lên tích cực, đây cũng là một tin rất đáng mừng đối với hoạt động ngân hàng, tín dụng của Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ.

Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10, Thủ tướng cho rằng so với tháng 9, tất cả các lĩnh vực của kinh tế-xã hội đất nước đều có chuyển biến rất tích cực, có thể là tích cực nhất từ đầu năm đến nay. Cụ thể, kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số công nghiệp tăng 17%, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo và các lĩnh vực khác. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng cao, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam đã vượt con số dự kiến, đạt trên 10 triệu khách quốc tế; doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 17%. Đáng chú ý, chỉ số xuất khẩu tháng 10 tiếp tục tăng cao, nhất là nông sản và một số mặt hàng chủ lực; xuất siêu đạt 1,23 tỷ USD sau 10 tháng - một tin rất vui của kinh tế vĩ mô, Thủ tướng nói.

Cũng trong tháng 10, cả nước có 105 ngàn doanh nghiệp mới được thành lập, trong đó có 97% doanh nghiệp đã có doanh thu và nộp thuế. Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng, việc một số doanh nghiệp rời khỏi thị trường cũng là hoạt động bình thường tại nền kinh tế Việt Nam cũng như các nền kinh tế khác trên thế giới.

Đề cập đến những khó khăn do tình hình thiên tai, bão lũ gây thiệt hại nghiêm trọng tại một số địa phương trong cả nước về người, tái sản, sản xuất nông nghiệp, tại phiên họp, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường sớm vào khu vực Nam Trung Bộ để trực tiếp chỉ đạo, ứng phó với cơn bão số 12.

Nhắc lại những đánh giá trên nghị trường Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng nhận xét tình hình kinh tế xã hội của đất nước vẫn còn nhiều khó khăn như trong giải ngân vốn đầu tư cơ bản dù có tiến bộ nhưng vẫn còn chậm; an ninh trật tự, an toàn giao thông còn nhiều vấn đề…

Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ cần tiếp thu, khắc phục ngay những vấn đề bất cập mà đại biểu Quốc hội đã nêu ra như lạm thu ở bậc Tiểu học, phí chồng phí hay một số vấn đề văn hóa, xã hội, môi trường mà đã được kiểm tra, xử lý kết luận chứ không cần chờ kết thúc Kỳ họp.

Cùng với đó là tiếp tục khắc phục lũ lụt tại 4 tỉnh vừa qua; tiếp tục bảo đảm tốt nhất cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng, Quảng Nam. Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ thảo luận đề xuất một số vấn đề liên quan đến nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2018 theo tinh thần Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội để đầu tháng 01-2018, hoàn thiện Nghị quyết 01 của Chính phủ.

Thành phố Hồ Chí Minh thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng gấp 2 lần


Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, trong 10 tháng năm 2017, tính chung cả vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dưới hình thức cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước, Thành phố thu hút được 5,04 tỷ USD, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ. Cụ thể, có 681 dự án được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đạt 1,89 tỷ USD; có 184 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư là 703,4 triệu USD.

Ngoài ra, Thành phố cũng chấp thuận cho 1.839 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước với vốn góp đăng ký tương đương khoảng 2,43 tỷ USD.

Một số dự án có vốn đầu tư lớn đáng chú ý như Khu phức hợp thông minh tại khu chức năng số 2A trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm với vốn đầu tư hơn 885 USD; dự án KNT ASIA với vốn đầu tư 215 triệu USD; Công ty trách nhiệm hữu hạn Tech Mastery Việt Nam với vốn đầu tư 80 triệu USD...

Về cơ cấu phân theo lĩnh vực ngành nghề hoạt động của ác dự án FDI cấp mới, hoạt động kinh doanh bất động sản có vốn đầu tư nhiều nhất (53,3%) với 1,01 USD (tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ); công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 25% với 473,01 USD (tăng gấp 5,7 lần so với cùng kỳ); Bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, môtô, xe máy chiếm 10,6% với 200 triệu USD (giảm 19,6% so với cùng kỳ).

Hiện nhà đầu tư Hàn Quốc vẫn dẫn đầu về tỷ trọng vốn đầu tư (54,4%) với 1,03 tỷ USD; tiếp theo lần lượt là Hoa Kỳ chiếm 13,3% với hơn 255 triệu USD, Singapore chiếm 7,3% với 137 USD, Nhật Bản chiếm 6,4% với 121 triệu USD...

Từ đầu năm đến nay, thành phố có 33.839 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng vốn đăng ký 457.082 tỷ đồng, tập trung nhiều nhất tại Quận 1, Tân Bình, Bình Thạnh, Gò Vấp, Bình Tân (so cùng kỳ tăng 13,2% về số lượng doanh nghiệp và tăng 88,7% về vốn đăng ký). Ngoài ra, có 49.476 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh; trong đó vốn điều chỉnh bổ sung tăng 260.528 tỷ đồng (so cùng kỳ tăng 11,2% về số lượt doanh nghiệp và tăng gấp 9 lần về vốn bổ sung). Tính chung, tổng vốn đăng ký và bổ sung là 717.609 tỷ đồng, tăng gấp 3,4 lần so với cùng kỳ.

Thành phố Hồ Chí Minh đang tích cực hỗ trợ và khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp. Đến nay đã có 1.629 hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp, tập trung nhiều nhất ở các quận huyện như Thủ Đức, Bình Thạnh, Quận 10, Bình Chánh.

Chính sách tín dụng có xu hướng thắt chặt vì nợ quốc gia tăng

Tổng số nợ của thế giới dự kiến sẽ tăng lên mức kỷ lục khoảng 226.000 tỷ USD, chiếm 324% Tổng sản phẩm nội địa (GDP) toàn cầu trong năm 2017. Điều này khiến nhiều ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới có kế hoạch chấm dứt chính sách tín dụng nới lỏng cho vay với lãi suất thấp.

Trong một động thái mới đây, ngày 26-10, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã bắt đầu thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt. Theo báo cáo vừa công bố của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), một số quốc gia mới nổi đang đứng trước những thách thức lớn vì đã vay nợ ồ ạt bằng ngoại tệ mạnh như đồng euro hoặc USD. Trong tổng số nợ khổng lồ 226.000 tỷ USD kể trên, số nợ cần phải trả hoặc đáo hạn từ nay tới cuối năm 2018 của các nước đang phát triển lên tới 1.700 tỷ USD, trong khi các nước này không được bảo đảm sẽ được hưởng những điều kiện vay với lãi suất thấp.

Những khoản nợ bằng ngoại tệ mạnh của những nước mới nổi đã vượt quá con số 8.200 tỷ USD, tức gần 15% tổng dư nợ của các nước đang phát triển toàn cầu.

IIF cho biết mặc dù mức độ tăng nợ toàn cầu có giảm đôi chút, nhưng số nợ của Trung Quốc lại tăng nhanh. Chỉ riêng năm 2016, các khoản nợ của doanh nghiệp Trung Quốc đã tăng thêm 660 tỷ USD, cao hơn nhiều so với nợ của Mỹ trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 hoặc nợ của Nhật Bản trước cuộc khủng hoảng tài chính ngân hàng năm 1991.

Đặc biệt, số lượng công ty gặp khó khăn trong thanh toán nợ cũng tăng mạnh. Tỷ lệ các khoản vay tư nhân trong nền kinh tế cũng cao, vượt rất nhiều so với năm 2010. Riêng tại Brazil, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, số nợ của doanh nghiệp chiếm hơn 20% tổng số nợ và tỷ lệ này ở Trung Quốc là gần 16%.

Tại các nước phát triển, nợ công ở Canada, Đức và Pháp đang có chiều hướng tăng lên nhưng lại có dấu hiệu cải thiện tại Nhật Bản và nước Anh.

Tổng thống Mỹ bổ nhiệm ông Jerome Powell làm Chủ tịch Fed


Ngày 02-11, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lựa chọn ông Jerome Powell, một thành viên của Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), giữ chức Chủ tịch Fed thay thế bà Janet Yellen sau khi bà hết nhiệm kỳ vào tháng 02-2018.

Ông Powell được bổ nhiệm vào Hội đồng Thống đốc của Fed từ năm 2012 và là một người được cho là có quan điểm mềm mỏng theo đường lối ôn hòa. Tổng thống Trump gọi ông Powell là một người cứng rắn, thông minh và có đủ sự khôn khéo cũng như kỹ năng lãnh đạo để dẫn dắt nền kinh tế Mỹ.

Theo giới chức Nhà Trắng, ông Powell được lựa chọn dựa trên trình độ chuyên môn, kinh nghiệm làm việc tại Fed cũng như khả năng phối hợp với Tổng thống Trump.

Giới hoạch định chính sách và thị trường tài chính coi ông Powell là một sự lựa chọn an toàn của Tổng thống Trump bởi ông này được cho là sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ hiện tại của Mỹ. Quyết định bổ nhiệm ông Powell sẽ được trình lên Thượng viện để phê chuẩn.

Trước đó, hôm 27-10, trên mạng xã hội Instagram, Tổng thống Trump tiết lộ người đứng đầu Fed sẽ là người được kỳ vọng "làm nên chuyện" và sẽ rất "gây ấn tượng".

Đàm phán về TPP giữa 11 nước đã gần đi đến đích cuối cùng

Theo trang tin Globe and Mail của Canada, các cuộc đàm phán về việc thực thi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa 11 nước (không bao gồm Mỹ) đã gần đi đến đích cuối cùng trước thềm Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam.

Đây là dấu hiệu cho thấy có thể lãnh đạo của 11 nước sắp có những động thái quan trọng liên quan đến thỏa thuận thương mại này, nhất là sau khi New Zealand đồng ý sửa đổi một số luật trong nước liên quan đến lĩnh vực đất đai và sở hữu nhà của người nước ngoài.

Theo trang tin trên, những thỏa hiệp đạt được sau 3 ngày họp ở Nhật Bản trong tuần này đã giúp 11 nước tránh được kịch bản phải đàm phán lại TPP theo yêu cầu trước đó của Chính phủ New Zealand nhằm bảo đảm hiệu quả của các biện pháp kiểm soát giá nhà đất trong nước. Ngoài ra, kết quả trên cũng giúp các nước thành viên TTP tiến gần thêm tới sự nhất trí về việc thiết lập một khu vực thương mại tự do mới bên lề Hội nghị Cấp cao APEC.

Ông Kazuyoshi Umemoto, Trưởng đoàn đàm phán TPP của Nhật Bản, nhận định: “Động lực hướng tới thỏa thuận tại hội nghị này đã tăng lên đáng kể. Tác động về kinh tế của TPP-11 chắc chắn sẽ không nhỏ, nhưng thông điệp lớn hơn là thỏa thuận này sẽ ảnh hưởng đến hệ thống kinh tế toàn cầu và mang lại hòa bình, cũng như thịnh vượng cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương".

Trước đó, tại cuộc họp kéo dài 3 ngày ở thành phố Urayasu của Nhật Bản, các nhà đàm phán của 11 nước đã quyết định thu hẹp một số điều khoản trong nội dung thỏa thuận ban đầu (khi Mỹ còn tham gia) để có thể cứu vãn TPP tại Hội nghị Cấp cao APEC 2017, đồng thời đặt mục tiêu sẽ đạt được những kết quả tích cực về hiệp định này tại hội nghị cấp bộ trưởng sẽ diễn ra bên lề APEC 2017.

Nhật Bản cũng hy vọng các nước còn lại trong TPP sẽ thông qua thỏa thuận này tại Hội nghị APEC sắp tới nhằm chứng minh cho các nước khác thấy rằng hiệp định này có ý nghĩa như "nhà vô địch" của tự do hóa thương mại và từ đó có thể thuyết phục Mỹ quay trở lại hiệp định này.

TPP được ký kết tháng 02-2016, với 12 nước tham gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam, chiếm khoảng 40% kinh tế toàn cầu.

Ngay sau khi nhậm chức vào tháng 01-2017, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi TPP, cho rằng hiệp định đa phương này làm ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người Mỹ và nhấn mạnh Washington sẽ tiến hành đàm phán hiệp các định thương mại song phương.

Trước động thái này của Mỹ, 11 nước thành viên còn lại đã nỗ lực khôi phục hiệp định trên thông qua các vòng đàm phán. Nhiều nhà phân tích hy vọng TPP sẽ sớm được thực thi trước khi có thể mở cửa đón thêm một số nền kinh tế tiềm năng khác, trong đó có Hàn Quốc./.