Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 06 đến ngày 12-6-2016)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN, vtv, vov)
21:57, ngày 14-06-2016

TCCSĐT - Malaysia trở thành quốc gia đầu tiên trong ASEAN và thứ 5 ở châu Á phê chuẩn Công ước quốc tế về lương tối thiểu, gọi tắt là Công ước số 131.

Chỉ tiêu nợ Chính phủ trong năm 2015 vượt giới hạn cho phép

Đến ngày 31-12-2015, ước tính nợ công của Việt Nam ở mức 62,2% GDP, nợ Chính phủ ở mức 50,3% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 43,1% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ ở mức 16,0% tổng thu ngân sách nhà nước. Như vậy chỉ tiêu nợ Chính phủ vượt giới hạn cho phép là 0,3% GDP. Những con số này đã khiến dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến mức độ an toàn nợ công của Việt Nam hiện nay.

Theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), nguyên nhân của chỉ tiêu nợ vượt quá giới hạn xuất phát từ hai lý do chủ yếu. Đó là GDP thực tế thực hiện năm 2015 giảm mạnh so với số đã dự báo tháng 10-2015 là 291.100 tỷ đồng và việc bổ sung 30.000 tỷ đồng kế hoạch giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài năm 2015 theo Nghị quyết số 99/2015/QH13 ngày 11-11-2015 của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng cần khẩn trương thực hiện cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ trọng vay dài hạn để giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai các nghiệp vụ quản lý và xử lý rủi ro đối với danh mục nợ công.

Giai đoạn hiện nay cũng như 5 năm tới, trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn và diễn biến kinh tế thế giới, trong nước còn nhiều biến động khó lường, để các chỉ tiêu nợ không vượt trần cho phép, bảo đảm cho an toàn nợ công, thì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia phải được đặt lên hàng đầu. Kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng cần được xây dựng trong khả năng cân đối và bảo đảm tính bền vững của chính sách tài khóa.

Cùng với đó, theo người đứng đầu ngành tài chính, không thực hiện đầu tư vượt quá khả năng bố trí trả nợ của ngân sách nhà nước. Thu hẹp đầu tư của nhà nước theo hướng tập trung vào các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, có tác dụng lan tỏa rộng. Thực hiện kiểm soát chặt chẽ danh mục đầu tư công, siết chặt phạm vi, đối tượng và điều kiện cấp bảo lãnh của Chính phủ.

Ngành tài chính cũng kiên quyết cắt giảm bội chi ngân sách nhà nước theo lộ trình đã được Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đề ra. Ưu tiên bố trí nguồn ngân sách nhà nước để chi trả nợ đến hạn; đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước nhằm đáp ứng nhu cầu huy động vốn trung - dài hạn cho đầu tư phát triển nền kinh tế.

Liên minh thương mại điện tử xuyên biên giới của sáu nước Mekong

Các doanh nghiệp và các tổ chức thương mại của sáu nước dọc sông Mekong đã thành lập một liên minh thương mại nhằm xây dựng nền tảng cho thương mại điện tử xuyên biên giới.

Phát biểu tại diễn đàn hợp tác kinh tế Tiểu vùng sông Mekong Mở rộng (GMS) diễn ra ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Chủ tịch liên minh Yi Hong cho biết liên minh này sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại xuyên biên giới thông qua hình thức thương mại điện tử ở GMS.

Năm 1992, sáu nước dọc sông Mekong - gồm Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam - đã triển khai Chương trình hợp tác kinh tế GMS nhằm hỗ trợ các dự án kết cấu hạ tầng khu vực và thúc đẩy thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế. Tham gia liên minh thương mại nói trên gồm các tổ chức, các công ty về thương mại điện tử cũng như các công ty xúc tiến thương mại.

Khu vực thương mại điện tử xuyên biên giới này sẽ sử dụng sáu ngôn ngữ của các nước dọc sông Mekong cùng với tiếng Anh, và có các chương trình đào tạo nhằm khuyến khích các công ty thương mại mới tập trung vào hoạt động giao dịch thương mại điện tử. Dự kiến, hơn 100.000 danh mục hàng hóa sẽ được đưa vào trao đổi trong giai đoạn đầu.

WB dành 310 triệu USD giúp Việt Nam chống chọi với biến đổi khí hậu

Chiều 11-6, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết Ban Giám đốc Điều hành Nhóm Ngân hàng Thế giới đã phê duyệt khoản tín dụng 310 triệu USD giúp Việt Nam nâng cao sức chống chọi với biến đổi khí hậu. Số tiền này cũng góp phần bảo đảm sinh kế bền vững cho 1,2 triệu người dân sinh sống tại 9 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng biến đổi khí hậu, ngập mặn, xói lở bờ biển và lũ lụt.

Khoản tín dụng vừa được phê duyệt sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực quy hoạch theo hướng thích ứng với khí hậu cũng như tăng sức chống chọi với biến đổi khí hậu trong quản lý sử dụng nguồn đất và nước. Dự án sẽ đem lại những lợi ích trực tiếp cho nông dân (nhất là những người sản xuất lúa gạo) ở các tỉnh nằm ở phía thượng nguồn vùng châu thổ, cũng như các hộ dân nuôi trồng thủy sản, làm ngư nghiệp tại các tỉnh ven biển ở khu vực này, trong đó có người dân tộc thiểu số Kh’me ở hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh.

Dự án này là một phần quan trọng trong cam kết lâu dài của Ngân hàng Thế giới đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm tăng cường quản lý châu thổ lồng ghép, thích ứng bằng cách kêu gọi sự phối hợp giữa các ban, ngành, địa phương trong công tác quy hoạch, ưu tiên, thực hiện đầu tư tăng tính thích ứng. Sự phát triển của ngành nông nghiệp, đặc biệt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của Việt Nam nói chung, cũng như tình hình an ninh lương thực của cả khu vực.

Các khu đất ngập nước và cửa sông ở đồng bằng sông Cửu Long là những nguồn đa dạng sinh học quan trọng. Tuy vậy, đây cũng là một trong những vùng đồng bằng chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ biến đổi khí hậu cũng như các diễn biến ở thượng nguồn.

Giá vàng tại châu Á đang hướng đến tuần tăng thứ hai liên tiếp trong khi chứng khoán châu Á “đỏ sàn” chờ đợi các diễn biến kinh tế mới

Giá vàng tại thị trường châu Á giảm nhẹ trong phiên 10/-, nhưng vẫn gần mức “đỉnh” của ba tuần qua và hướng đến tuần tăng giá thứ hai liên tiếp. Trên Sàn giao dịch điện tử Singapore, vào lúc 13 giờ 52 phút (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.265,46 USD/ounce. Phiên ngày 9-6, kim loại quý này đã chạm mức cao nhất kể từ ngày 18-5 là 1.271,31 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng ở Mỹ giảm 0,3% xuống 1.268,50 USD/ounce.

Tài sản vốn được xem là kênh đầu tư an toàn này đã bắt đầu xu hướng đi lên từ ngày 3-6 và đã tăng gần 2% trong tuần này sau báo cáo việc làm gây thất vọng của Mỹ và bình luận từ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen - điều đã làm “mờ bớt” đồn đoán về việc nâng lãi suất.

Chuyên gia phân tích Daniel Hynes của ngân hàng ANZ nhận định báo cáo việc làm yếu kém công bố tại Mỹ tuần trước và bình luận thận trọng của bà Yellen đã giúp vàng quay trở lại quỹ đạo tăng giá. Bên cạnh đó, cuộc trưng cầu dân ý tại nước Anh vào ngày 23-6 tới có thể sẽ đẩy giá vàng lên mốc 1.400 USD/oune.

Nhu cầu vàng của giới đầu tư dự kiến sẽ vẫn mạnh trong ngắn hạn nhờ đồn đoán về khả năng Fed - Ngân hàng Trung ương Mỹ - nâng lãi suất “hạ nhiệt.” Tuy vậy, các chính sách nới lỏng tiền tệ, lãi suất trái phiếu âm và có khả năng đồng USD chững giá cũng sẽ hỗ trợ thị trường vàng. SPDR Gold Trust, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới, cho biết lượng vàng do quỹ này nắm giữ đã tăng 0,71% lên 887,38 tấn hôm 9-6, mức cao nhất kể từ tháng 10-2013.

Trong một diễn biến khác, chịu ảnh hưởng từ những diễn biến không mấy khả quan trên các sàn chứng khoán Phố Wall và châu Âu, các chỉ số chứng khoán châu Á đồng loạt giảm điểm trong phiên giao dịch 10-6 trước những quan ngại về tương lai của kinh tế toàn cầu giữa bối cảnh giới đầu tư đang chờ một loạt các sự kiện lớn của thế giới sắp diễn ra trong tháng này.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản hạ 0,4%, xuống còn 16.601,35 điểm, chủ yếu do giá cổ phiếu của các công ty năng lượng giảm sau khi giá dầu đi xuống từ mức cao nhất của 11 tháng. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của Hong Kong cũng chốt phiên mất 1,2%, hay 255,24 điểm, xuống 21.042,64 điểm. Chứng khoán Sydney và Seoul cũng đồng loạt giảm 0,9% và 0,3% còn chứng khoán Thượng Hải đóng cửa nghỉ lễ.

Như vậy là sau khi được hỗ trợ bởi đà phục hồi của giá dầu, các chỉ số chứng khoán bắt đầu đánh mất lợi thế do giới đầu tư tỏ ra thận trọng trước thềm cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Chủ tịch của ngân hàng này, ông Mario Draghi đã kêu gọi ECB tăng cường thêm các chính sách nhằm thúc đẩy nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và cảnh báo cái giá của việc trì hoãn cải cách sẽ là rất lớn.

Ngoài ECB, giới đầu tư cũng chờ đợi kết quả cuộc họp chính sách dự kiến sẽ diễn ra trong tuần tới của hai ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới là Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Những quan ngại về kết quả không tích cực của cuộc trưng cầu dân ý liên quan đến tư cách thành viên của Vương quốc Anh trong Liên minh châu Âu (EU) vào 23-6 cũng là nguyên nhân khiến chứng khoán châu Á rớt điểm trong phiên này.

Trong phiên này, giá cổ phiếu của lần lượt các "ông lớn" trong ngành năng lượng như Inpex và JX Holdings đã giảm 2,91% và 2,92% xuống còn 884 yen/cổ phiếu và 432 yen/cổ phiếu.

Malaysia phê chuẩn công ước quốc tế về mức lương tối thiểu

Malaysia trở thành quốc gia đầu tiên trong ASEAN và thứ 5 ở châu Á phê chuẩn Công ước quốc tế về lương tối thiểu, gọi tắt là Công ước số 131. Bộ trưởng Nhân lực Malaysia Richard Riot Jaem cho biết Malaysia đã trao văn bản phê chuẩn công ước này cho Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại kỳ họp thứ 105 của Hội nghị Lao động quốc tế đang diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ.

Theo quyết định của Chính phủ Malaysia, từ ngày 01-7, mức lương tối thiểu của nước này sẽ tăng từ 900 ringgit (khoảng 225 USD) lên 1.000 ringgit đối với khu vực Malaysia bán đảo và từ 800 ringgit lên 920 ringgit cho bang Sabah, Sarawak và Labuan.

WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống còn 2,4% trong 2016

Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 07-6 hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2016 của thế giới xuống còn 2,4% từ mức 2,9% đưa ra hồi tháng Một trong bối cảnh sự phục hồi chậm tại các nền kinh tế hàng đầu, trong khi giá cả hàng hóa thấp ảnh hưởng đến kinh tế nhiều nước.

Báo cáo "Triển vọng Kinh tế Toàn cầu" mới công bố cho thấy tăng trưởng chậm tại các nền kinh tế lớn đang kìm nén các nước phát triển khi mà thương mại và đầu tư thế giới đều đình trệ. Vẫn chưa thấy các dấu hiệu cải thiện trong khi tình trạng ngưng trệ lại rất rõ tại các nền kinh tế mới nổi phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là dầu mỏ.

Trong bối cảnh đó, WB hạ dự báo tăng trưởng trung bình của những nền kinh tế này xuống còn 0,4% từ mức 1,2% đưa ra hồi tháng Một. Ngoài ra, dự báo tăng trưởng của những nền kinh tế mới nổi đang được hưởng lợi từ giá cả hàng hóa thấp cũng bị giảm 0,1% xuống còn 5,8%.

WB cảnh báo các nguy cơ đối với tăng trưởng đã tăng lên trong 5 tháng đầu năm 2016, đặc biệt là mức vay mượn cao của các doanh nghiệp ở các nền kinh tế đang phát triển; điều này khiến các công ty này dễ bị tổn thương với các cuộc khủng hoảng tín dụng khi tăng trưởng đình trệ. WB cũng cảnh báo về sự hoài nghi đang gia tăng về chính sách nới lỏng tiền tệ quá mức của một số nền kinh tế phát triển, trong đó một số nước còn để lãi suất âm.

Báo cáo của WB cho biết trong các nền kinh tế lớn, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ, sẽ chỉ đạt 1,9% trong năm 2016, giảm 0,8% so với dự báo trước. Trong khi đó, tăng trưởng của Khu vực đồng tiền chung châu Âu chỉ đạt 1,6%. Nhật Bản, với các áp lực về giảm phát thậm chí chỉ tăng trưởng 0,5%. Theo WB, tại cả 3 nền kinh tế lớn trên, đầu tư èo uột do những hoài nghi về tính hiệu quả của các chính sách, đặc biệt khi các ngân hàng trung ương giữ lãi suất ở mức thấp. Với các nền kinh tế mới nổi, Trung Quốc vẫn là động lực chính của tăng trưởng với tốc độ khoảng 6,7%. Tuy nhiên, WB dự báo nền kinh tế thứ 2 thế giới này sẽ giảm tốc vào năm 2018 với tỷ lệ tăng trưởng chỉ đạt 6,3%.

Ấn Độ cũng là một trong những nền kinh tế có mức tăng trưởng tốt, 7,6% do có lợi thế nhập khẩu các hàng hóa giá thấp. Tuy nhiên, hai nền kinh tế lớn khác là Brazil và Nga được dự báo sẽ còn giảm phát sâu hơn trong khi và Nam Phi tăng trưởng rất chậm, chỉ 0,6%. Báo cáo lần này của WB không khác nhiều những dự báo, cảnh báo mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra trước đó./.