Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 22 đến ngày 28-8-2016)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN, vtv)
16:07, ngày 30-08-2016

TCCSĐT - Hoạt động điều chỉnh giá dịch vụ y tế bước 2 (bao gồm chi phí tiền lương) đã khiến chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế tăng đến 8,12% và góp phần làm cho CPI tăng khoảng 0,28%.

Tổng cục Hải quan rút ngắn thời gian thông quan qua biên giới

Thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ, Tổng cục Hải quan đặt mục tiêu rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới năm 2016 tối đa 10 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu, 12 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu. Như vậy, mục tiêu sẽ giảm 3 ngày đối với hàng xuất; 2 ngày với hàng nhập so với mục tiêu của năm ngoái (13 và 14 ngày). Toàn ngành phấn đấu đến năm 2020, thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới dưới 36 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 41 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng triển khai mở rộng đối với thủ tục hành chính của các bộ đã triển khai trên cổng thông tin điện tử hải quan một cửa quốc gia. Cơ quan này đã hoàn thành kết nối giữa Hệ thống VNACCS/VCIS với hệ thống công nghệ thông tin của các nước ASEAN phục vụ quản lý hàng hóa và phương tiện vận tải quá cảnh trong khu vực ASEAN. Đồng thời, vận hành Cơ chế một cửa ASEAN hướng tới mục tiêu thực hiện trao đổi thông tin giữa các quốc gia thông qua Cổng thông tin đầy đủ, kịp thời và hiệu quả.

Tổng cục Hải quan cũng triển khai hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Liên minh kinh tế Á - Âu (Nga, Belarus, Kazakhstan, Acmenia, Kyrgyzstan) về kết nối và trao đổi thông tin trong khuôn khổ hợp tác hải quan. Đồng thời thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi thương mại (TF), tạo thuận lợi cho hàng Việt Nam xuất khẩu và kiểm soát hàng nhập khẩu. Ngoài ra, ngành hải quan tăng kiểm tra sau thông quan trên cơ sở áp dụng đầy đủ kỹ thuật quản lý rủi ro, ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng cải cách hiện đại hóa hải quan và định hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Bên cạnh đó, việc hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, tạo thuận lợi đối với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa được thực hiện. Đồng thời, ngăn chặn kịp thời trường hợp cố tình gian lận gây thất thu cho ngân sách nhà nước, góp phần hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách của ngành.

* Lý giải về việc chênh lệch số liệu thống kê giữa số liệu tổng của từng kỳ với số liệu lũy kế tháng trong các biểu sơ bộ Tổng cục Hải quan ban hành do một số tổ chức và cá nhân sử dụng thông tin thống kê hải quan thắc mắc, Tổng cục Hải quan cho biết, theo Thông tư số 68/2011/TT-BTC ngày 21-11-2011 của Bộ Tài chính về việc “hướng dẫn Thống kê Nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu” thời điểm thống kê là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan được cơ quan hải quan chấp nhận. Đây là thời điểm số sơ bộ kỳ báo cáo thống kê được tạm chốt. Tuy nhiên, sau thời điểm này có những tờ khai sửa đổi bổ sung, tờ khai hủy xóa, tờ khai nghi ngờ sai... Do vậy số liệu tổng của các kỳ sẽ chưa hoàn toàn khớp với số liệu tháng.

Số liệu xuất nhập khẩu trong các biểu sơ bộ được Tổng cục Hải quan phổ biến hằng tháng là số liệu có thể thay đổi khi có thông tin mới cập nhật. Việc thay đổi số liệu thống kê sẽ được phản ánh trạng thái tại các biểu có ký hiệu “Điều chỉnh”, “Chính thức” được thực hiện sáu tháng một lần. Số liệu thống kê hải quan hiện có ba trạng thái sau: sơ bộ, điều chỉnh và chính thức. Như vậy, khi có số liệu chính thức thì số liệu cộng lại của các kỳ mới khớp với số liệu của kỳ báo cáo dài hơn.

Giá dịch vụ y tế điều chỉnh đã tác động mạnh lên CPI

Theo Báo cáo từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Tám tăng 0,1% so với tháng Bảy. Như vậy, CPI tháng này đã tăng 2,57% so với cùng kỳ và tăng 2,58% so với tháng 12-2015. Theo đó, CPI bình quân tám tháng của năm 2016 so với cùng kỳ năm đã tăng 1,91%.

Lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng Tám tăng 0,09% so với tháng Bảy, tăng 1,83% so với cùng kỳ và tám tháng so cùng kỳ năm 2015 tăng 1,81%. Đáng chú ý trong tháng này, bên cạnh 6 nhóm có mức tăng giá thì ở chiều ngược lại có đến 5 nhóm hàng hóa giảm giá. Cụ thể, nhóm thuốc và dịch vụ y tế có mức tăng giá mạnh nhất 6,18%, kế đến là nhóm giáo dục tăng 0,47%, may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,14%, hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,11%, đồ uống và thuốc lá tăng 0,05% và thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,05%.

Các nguyên nhân dẫn đến tăng chỉ số giá tiêu dùng tháng Tám, theo bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê phải kể đến, hoạt động điều chỉnh giá dịch vụ y tế bước 2 (bao gồm chi phí tiền lương) của Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC của Bộ Y tế và Bộ Tài chính. Điều này đã khiến chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế tăng đến 8,12% và góp phần làm cho CPI tăng khoảng 0,28%. Ngoài ra, nguyên nhân khác được bà Ngọc nhắc đến là vừa qua một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng học phí theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02-10-2015 của Chính phủ. Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện, nước cao đã làm cho giá nước sinh hoạt tăng 0,16%, giá điện sinh hoạt tăng 0,18%.

Thương vụ 14 tỷ USD của Pfizer “tạo sóng” trên thị trường dược phẩm

Vừa được công bố hôm 22-8, thương vụ mua bán có giá trị cao kỷ lục 14 tỷ USD giữa hãng dược phẩm “khổng lồ” của Mỹ Pfizer và hãng "đồng hương" công nghệ sinh học Medivation được giới phân tích coi là một "cú huých" cần thiết cho những "cái bắt tay" tương tự trong lĩnh vực dược phẩm trong tương lai. Theo hãng tư vấn Ernst & Young, các nhà sản xuất dược phẩm lớn trên toàn cầu đang chạy đua để giành lấy một chỗ đứng vững chắc trong ngành ung thư học vì ngành này hứa hẹn sẽ là một trong những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng đầy tiềm năng và có đóng góp lớn nhất vào hoạt động kinh doanh của các hãng dược phẩm trong vòng 5 năm tới.

Năm nay, hoạt động mua bán và sáp nhập trong các lĩnh vực khoa học đời sống diễn ra khá yên ắng khi đã giảm 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ được cải thiện trong thời gian tới, giữa bối cảnh các hãng dược phẩm lớn đang ngày càng nhận thấy tầm quan trọng của các công ty sinh học đối với tăng trưởng.

Thông tin Medivation chấp nhận “bán mình” cho Pfizer cũng giúp giá cổ phiếu của các hãng dược phẩm khởi sắc. Cụ thể, giá cổ phiếu của hai hãng chuyên sản xuất các sản phẩm chữa trị ung thư Incyte Corp và Seattle Genetics đã lần lượt tăng 11% và 4% trong khi giá cổ phiếu của hãng chuyên sản xuất các loại thuốc chữa bệnh hiếm gặp BioMarin Pharmaceutical Inc cũng cộng thêm đến 7% sau khi thương vụ mua bán có giá trị cao kỷ lục kể từ đầu năm nay được công bố.

Theo một chuyên gia của hãng phân tích BMO Capital Markets, ngoài Pfizer và Medivation thì các công ty khác cũng đang có ý định tham gia vào những thương vụ mua bán tương tự bao gồm Vertex Pharmaceuticals Inc, Alexion Pharmaceuticals Inc, Neurocrine Biosciences Inc và Intercept Pharmaceuticals Inc.

Hàn Quốc - Nhật Bản đàm phán thỏa thuận hoán đổi tiền tệ mới

Ngày 27-8, Nhật Bản và Hàn Quốc thông báo sẽ bắt đầu đàm phán về thỏa thuận hoán đổi tiền tệ mới nhằm thúc đẩy khả năng ứng phó của hai nước trước những bất ổn từ thị trường tài chính toàn cầu.

Phát biểu sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Yoo Il-ho cho biết nước này đã đề nghị bắt đầu cuộc đàm phán với phía Nhật Bản về thỏa thuận hoán đổi tiền tệ mới. Theo Bộ trưởng Yoo Il-ho, Seoul và Tokyo sẽ hợp tác để đối phó trước chủ nghĩa bảo hộ thương mại, cũng như hợp tác chặt chẽ trong các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên.

Cũng tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Taro Aso cho biết hai nước đã nhận thấy nhu cầu hợp tác kinh tế trong thời gian tới. Trong tuyên bố chung được đưa ra sau đó, Hàn Quốc và Nhật Bản cho biết hiện hai nước đang đối diện với những nguy cơ từ khả năng tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp và nguy cơ bất ổn ngày càng gia tăng từ thị trường tài chính toàn cầu.

Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ gần đây nhất giữa Hàn Quốc và Nhật Bản được ký kết vào năm 2001. Hai nước đã từng nâng giá trị hoán đổi lên tới 70 tỷ USD vào năm 2011. Tuy nhiên, những bất đồng chính trị giữa hai nước đã dẫn tới việc thỏa thuận này không được gia hạn sau khi hết hạn hồi tháng 02-2015.

Thương lượng TTIP giữa Mỹ - EU đã thất bại

Ngày 28-8, Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel nhận định các cuộc thương lượng về một thỏa thuận thương mại tự do giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã thất bại. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel cho biết: "Trên thực tế, các cuộc thương lượng với phía Mỹ đã thất bại, mặc dù không ai thừa nhận điều này".

Ông Gabriel nêu rõ trong 14 vòng đàm phán vừa qua, cả Mỹ và EU đều chưa thể thống nhất về một trong tổng số 27 vấn đề đang được thảo luận. Ông đồng thời cho rằng các cuộc thương lượng về Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) không có triển vọng như thỏa thuận thương mại tự do giữa Canada và EU, mà ông cho là công bằng hơn cho cả hai phía.

Hồi tháng Tư vừa qua, ông Gabriel cũng đã cảnh báo các cuộc thương lượng về TTIP "sẽ thất bại" nếu Mỹ không chịu đưa ra những nhượng bộ. Các cuộc đàm phán về TTIP được khởi động từ tháng 7-2013 nhưng không đạt được tiến bộ đáng kể. TTIP gặp phải sự phản đối kịch liệt tại một số nước châu Âu, đặc biệt là Đức - nơi các nhà chỉ trích còn đề cập đến khả năng thỏa thuận này làm phương hại các tiêu chuẩn về sinh thái cũng như của thị trường lao động, đồng thời lên án sự giữ bí mật về các cuộc thương lượng.

TTIP được kỳ vọng sẽ là thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới, tạo ra một thị trường khổng lồ với 850 triệu người tiêu dùng và chiếm hơn một nửa kim ngạch kinh tế toàn cầu. Nếu được hoàn tất, hiệp định này sẽ thúc đẩy thương mại giữa EU và Mỹ lên đến 1.000 tỷ USD/năm, đồng thời tạo thêm khoảng 13 triệu việc làm./.