Năm 2012, thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước
Thực hiện những giải pháp đồng bộ và quyết liệt của Chính phủ, năm 2011, ngành Tài chính đã góp phần quan trọng trong công tác kiểm soát giá cả và kiềm chế lạm phát. Nhân dịp đầu năm mới 2012, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã chia sẻ với phóng viên về công tác điều hành giá trong năm qua, cũng như những việc phải làm trong năm 2012.
Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về công tác kiểm soát giá, kiềm chế lạm phát trong năm 2011 vừa qua?
Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Năm 2011, tình hình kinh tế - xã hội nước ta diễn ra trong bối cảnh nhiều thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Trên thế giới, lạm phát cao quay trở lại ở nhiều nước, đẩy giá cả hàng hóa tăng nhanh... Trong nước, bên cạnh những yếu kém vốn có của nền kinh tế chưa khắc phục được; việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu, điều chỉnh giá điện, xăng dầu, tỷ giá ngoại tệ, thiên tai dịch bệnh... đã có những tác động đến mặt bằng giá chung.
Trong bối cảnh đó, thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, cùng với nhiều biện pháp đồng bộ khác, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ hoặc trực tiếp ban hành các cơ chế, chính sách quản lý, điều hành, kiểm soát giá chung nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, Bộ Tài chính đã đề xuất điều hành giá điện, xăng dầu, than bán cho sản xuất điện theo nguyên tắc điều chỉnh tăng ở mức độ có kiềm chế, giảm một bước bao cấp qua giá và không đẩy chỉ số giá tăng quá cao. Cụ thể, Bộ điều chỉnh tăng giá bán điện từ ngày 1/3 là 15,28%, trong khi nếu tính đủ thì giá bán điện phải tăng 49%. Với điều hành giá xăng dầu thì có tăng có giảm nhưng cơ bản là giữ vững bình ổn giá thông qua việc áp dụng các biện pháp sử dụng Quỹ bình ổn giá và giảm thuế nhập khẩu xăng, madut. Mặt hàng than bán cho sản xuất điện tăng 5%, chỉ tính bằng khoảng 57% - 63% giá thành tiêu thụ than năm 2010 và chưa thực hiện được theo nguyên tắc giá bán than cho các đối tượng tiêu thụ than tối đa bằng khoảng 90% giá than xuất khẩu cùng loại.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã thực hiện các biện pháp để giữ ổn định giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu quan trọng khác. Áp dụng đồng bộ các biện pháp bình ổn giá như bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ; các biện pháp tài khóa, tiền tệ... không để xảy rá các "cơn sốt" đột biến về giá. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ phương án giá của các hàng hóa, dịch vụ chi từ nguồn ngân sách nhà nước; hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký giá, kê khai giá. Kiên quyết dừng các trường hợp tăng giá bất hợp lý so với biến động tăng của các yếu tố đầu vào.
Phóng viên: Trong những tháng cuối năm, giáp Tết Nguyên đán 2012, ngành Tài chính sẽ triển khai những biện pháp gì để bình ổn giá và thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Trong những tháng giáp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, thị trường có nhiều yếu tố tác động gây sức ép tăng giá như khối lượng tiền sẽ ra lưu thông nhiều hơn, nhu cầu tiêu dùng, nhất là hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ Tết như lương thực, thực phẩm... cũng sẽ tăng cao. Vì vậy, để đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát và bình ổn giá, ngành Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, tiết kiệm chi thường xuyên. Đồng thời, thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tháo gỡ khó khăn nhằm giảm chi phí sản xuất để hạ giá thành sản phẩm như: thực hiện đúng chính sách miễn, giảm thuế đối với các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng được miễn, giảm thuế đến hết năm 2011 và năm 20112; tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục hành chính, tiêu thụ sản phẩm, tổ chức thông quan hàng hóa, xuất nhập khẩu kịp thời, thực hiện kiểm soát chi từ nguồn ngân sách nhà nước, kiên quyết loại trừ các khoản chi không đúng định mức, không đúng quy định của các đơn vị được sử dụng ngân sách Nhà nước.
Bộ Tài chính cũng tạm thời giãn thời gian điều chỉnh giá một số hàng hóa, dịch vụ là đầu vào quan trọng cho sản xuất và đời sống mà Nhà nước còn kiểm soát giá thông qua việc sử dụng linh hoạt các giải pháp tài chính như thuế, Quỹ bình ổn giá... Kiểm soát chặt chẽ các phương án giá, mức giá của các hàng hóa, dịch vụ được thanh toán từ nguồn ngân sách nhà nước; hàng hóa dịch vụ còn được trợ cước, trợ giá; hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá, đăng ký giá.
Phóng viên: Theo dự kiến, chỉ số giá tiêu dùng năm 2012 có khả năng giảm hơn so với tốc độ tăng của năm 2011. Tuy nhiên để đạt mức dưới 10% như mục tiêu của Chính phủ đề ra thì ngành Tài chính cần thực hiện những giải pháp gì cho cả năm 2012, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Bước sang năm 2012, kinh tế thế giới được dự báo vẫn gặp nhiều khó khăn, cộng với những thách thức rất lớn xuất phát từ nội tại nền kinh tế sẽ ảnh hưởng không tốt đến kinh tế của Việt Nam. Vì vậy, để có thể đạt được chỉ số giá ở mức dưới 10% như mục tiêu đề ra thì ngành Tài chính cần phấn đấu quyết liệt và đồng bộ các giải phát trực tiếp quản lý điều hành giá. Theo đó, thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Tiếp tục lộ trình điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường, xóa bao cấp qua giá đối với các loại hàng hóa, dịch vụ còn bao cấp qua giá vào thời điểm thích hợp, với liều lượng hợp lý phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện công khai, minh bạch giá các hàng hóa, dịch vụ này, đồng thời, phải thực hiện tốt các chính sách an sinh, xã hội khi điều chỉnh giá.
Với một số mặt hàng nhạy cảm như điện thì tăng ở mức kiềm chế theo hướng phù hợp với biến động của chi phí đầu vào và chỉ tạm thời phân bổ một phần các chi phí còn "treo lại" chưa tính đủ vào cơ cấu giá điện trước đây như chênh lệch tỷ giá, lỗ lũy kế 2010... Điều chỉnh tăng giá than cho sản xuất điện ở mức kiềm chế cùng với thời điểm điều chỉnh giá điện bằng khoảng 72% - 80% giá thành tiêu thụ than năm 2010. Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, tuy nhiên do giá xăng dầu hiện nay chưa tính đủ các yếu tố cấu thành giá cơ sở nên trước mắt khi giá thế giới giảm, cần khôi phục lại giá cơ sở theo quy định và khi đó sẽ giao doanh nghiệp tự định giá trong biên độ cho phép theo quy định. Đồng thời, sẽ điều chỉnh chính sách viện phí mà cụ thể là sửa đổi khung giá viện phí theo hướng tiến tới tính đúng, tính đủ các chi phí phục vụ bệnh nhân. Có chính sách trợ giúp đối với những người thuộc diện chính sách xã hội, người nghèo, hưu trí, cận nghèo...
Bên cạnh đó, áp dụng có hiệu quả các biện pháp bình ổn giá khi thị trường có biến động bất thường theo quy định của Pháp lệnh giá. Thực hiện cơ chế doanh nghiệp tự định giá, cạnh tranh về giá theo quy định của pháp luật đối với đại bộ phận hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế. Nhà nước chỉ áp dụng các biện pháp kinh tế gián tiếp để tác động vào sự hình thành và vận động của giá cả hàng hóa dịch vụ trên thị trường và mặt bằng giá nhằm thực hiện mục tiêu bình ổn giá. kiểm soát chặt chẽ giá độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh về giá, chống bán phá giá và chuyển giá nội bộ theo quy đinh của pháp luật.
Ngoài ra, ngành Tài chính cũng sẽ thực hiện những giải pháp đồng bộ gián tiếp khác như bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ, các giải pháp tổng quát về chính sách tài khóa, tiền tệ và kiểm soát thị trường nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần tạo ra sự đồng thuận trong xã hội để hạn chế tối đa các tác động tăng gía do yếu tố tâm lý, kỳ vọng lạm phát.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng./.
Không có đột phá nào trong đàm phán Israel và Palestine  (05/01/2012)
Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương  (05/01/2012)
"Phát súng" đầu tiên của cuộc chạy đua vào Nhà Trắng  (05/01/2012)
Mỹ tiếp tục vũ trang Vùng Vịnh  (05/01/2012)
Đưa Sơn La dẫn đầu khu vực miền núi phía Bắc  (05/01/2012)
Chủ tịch nước gặp đại biểu thanh niên tiên tiến  (05/01/2012)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên