Phát huy giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống trong phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh

NGUYỄN VĂN NINH
Đại học Sư phạm Hà Nội
05:42, ngày 30-09-2023

Tỉnh Quảng Ninh hiện có 613 di tích lịch sử, di sản văn hóa vật thể và 362 di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, có 5 khu di tích quốc gia đặc biệt là: Danh lam thắng cảnh vịnh Hạ Long, Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử, Khu di tích lịch sử Bạch Đằng, Đền Cửa Ông, Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều; có 6 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là: Lễ hội truyền thống đình Trà Cổ (thành phố Móng Cái), Lễ hội truyền thống đình Quan Lạn (huyện Vân Đồn), Hát nhả tơ (thành phố Móng Cái), Hát Then của người Tày (huyện Bình Liêu), Lễ hội Tiên Công (thị xã Quảng Yên) và Lễ hội đền Cửa Ông (thành phố Cẩm Phả).

Hệ thống các di tích, di sản, danh thắng cần được bảo tồn, phát huy giá trị để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển ngành du lịch nói riêng. Hơn nữa, việc nâng cao nhận thức của người dân và cả hệ thống chính trị trong bảo vệ các di tích, di sản gắn với phát triển du lịch có vai trò quan trọng trong chiến lược đưa tỉnh Quảng Ninh trở thành trọng điểm du lịch của cả nước.

Một số di tích lịch sử, di sản văn hóa vật thể tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh

Danh lam thắng cảnh vịnh Hạ Long

Vịnh Hạ Long là vùng biển, đảo ở phía Đông Bắc của Việt Nam, thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh, có diện tích 1.553km2, với 1.696 hòn đảo; phía Bắc và Tây Bắc kéo dài từ thị xã Quảng Yên, qua thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả, đến hết phần biển, đảo của huyện Vân Đồn; phía Đông bao gồm toàn bộ vịnh Bái Tử Long và phía Nam giáp vịnh Bắc bộ; phía Tây Nam giáp đảo Cát Bà (thành phố Hải Phòng).

Lịch sử địa chất vịnh Hạ Long được mở ra từ khoảng 500 triệu năm trước, với những hoàn cảnh cổ địa lý hết sức khác nhau và khá phức tạp. Toàn bộ khu vực vịnh Hạ Long là một cảnh quan karst qua nhiều triệu năm, với các tháp karst hình chóp, hình tháp bị bào mòn, tạo nên cảnh đẹp nổi bật, độc đáo trên toàn thế giới.

Vẻ đẹp của vịnh Hạ Long được tạo nên từ ba yếu tố: đá, nước và bầu trời. Hàng nghìn hòn đảo, hàng chục hang động đẹp đã tạo nên giá trị thẩm mỹ. Địa hình karst của vịnh Hạ Long có ý nghĩa toàn cầu và có tính chất nền tảng cho khoa học địa mạo. Môi trường địa chất còn là nền tảng phát sinh các giá trị khác của vịnh như: đa dạng sinh học, văn hóa khảo cổ và các giá trị nhân văn khác. Trong vùng vịnh Hạ Long có mặt trên là 300 loài cá, 545 loài động vật đáy biển, 154 loài san hô, 139 loài rong biển, 31 loài thực vật vùng ngập mặn,…

Năm 1962, khu vực vịnh Hạ Long được công nhận là di tích thắng cảnh cấp quốc gia. Năm 1994, vịnh Hạ Long được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản thiên nhiên thế giới về giá trị thẩm mỹ và được tái công nhận lần thứ 2 với giá trị ngoại hạng toàn cầu về địa chất - địa mạo vào năm 2000.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và thẩm mỹ đặc biệt của Vịnh, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định xếp hạng Danh lam thắng cảnh vịnh Hạ Long là “Di tích quốc gia đặc biệt” vào ngày 12-8-2009.

Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử

Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử có diện tích tự nhiên 2.686ha, trong đó có 1.736ha rừng tự nhiên, đỉnh cao nhất là 1.068m, các di tích được trải dài gần 20km theo tuyến đường từ Dốc Đỏ (chùa Bí Thượng - chùa Trình) đến đỉnh núi Yên Tử (chùa Đồng), thuộc địa bàn phường Phương Đông, xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí và xã Hồng Thái Đông, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Gần 1.000 năm trước, sử sách đã ghi lại rằng, Yên Tử được coi là “Phúc địa thứ 4 của Giao Châu”. Sau đó, vua Trần Nhân Tông đã tìm đến Yên Tử tu hành.

Năm 1299, Trần Nhân Tông xây dựng nên dòng thiền Trúc Lâm với hệ thống lý thuyết và hành động gắn “Đạo” với “Đời”. Ông được coi là Đệ nhất tổ của Thiền phái Trúc Lâm mang Phật danh Điều Ngự Giác Hoàng. Kế tục sự nghiệp của ông là Pháp Loa Đồng Kiên Cương và Huyền Quang Lý Đạo Tái. Cả ba vị được gọi là Tam Tổ Trúc Lâm. Từ đó, Yên Tử trở thành kinh đô tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm, đánh dấu sự phát triển về triết học và tư tưởng của dân tộc Việt Nam trong các thế kỷ XII, XIII và XIV.

Gắn liền với lịch sử phát triển của dòng thiền Trúc Lâm tại Yên Tử là việc xây dựng và hình thành một quần thể các công trình kiến trúc bao gồm hàng chục ngôi chùa, hàng trăm am, tháp, bia, tượng, như chùa Bí Thượng, chùa Suối Tắm, chùa Cầm Thực, chùa Giải Oan, chùa Hoa Yên, chùa Vân Tiêu, chùa Bảo Sái, chùa Một Mái, chùa Đồng, chùa Lân,...; am Lò Rèn, am Hoa, am Dược, am Diêm, am Muối, am Thiền Định; thác Ngự Dội, Hòn Ngọc, vườn tháp Huệ Quang. Hệ thống chùa, am, tháp, bia tượng... ở Yên Tử là những tư liệu lịch sử vật chất quý báu gắn liền với tên tuổi, sự nghiệp tu hành của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông và các thế hệ thiền sư sau này. Bên cạnh đó, Yên Tử còn được xem như một bảo tàng sinh thái tự nhiên với sự đa dạng về hệ sinh thái, cảnh quan. Cùng với hệ thống chùa, am, tháp là đường tùng, rừng thông, rừng trúc, rừng mai. Trong khu vực này hiện có khoảng 200 cây tùng đại thụ thuộc 4 nhóm quý hiếm, được trồng cách đây khoảng 700 năm, làm cho Yên Tử càng trở nên tươi đẹp và quyến rũ. Ngày 27-9-2012, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng nơi đây là Di tích quốc gia đặc biệt. Hiện nay, Khu di tích lịch sử - danh thắng Yên Tử và Khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều đang lập hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Khu di tích lịch sử Bạch Đằng

Khu di tích lịch sử Bạch Đằng gồm quần thể các bãi cọc, đình, đền, miếu dàn trải bên tả ngạn sông Bạch Đằng, phân bố trên địa bàn phường Yên Giang, phường Nam Hòa, xã Liên Hòa thuộc thị xã Quảng Yên và khu Đền Công 1, phường Trưng Vương thuộc thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

Trong lịch sử giữ nước của dân tộc ta, sông Bạch Đằng đã ba lần chứng kiến quân và dân ta chiến thắng oanh liệt quân xâm lược phương Bắc hùng mạnh. Đó là chiến thắng năm 938 của Ngô Quyền; năm 981 của Lê Hoàn và đỉnh cao là chiến thắng năm 1288 của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Bãi cọc Yên Giang: Ở vị trí cửa sông Chanh, một nhánh của sông Bạch Đằng, thuộc phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên. Phát hiện năm 1953, khai quật vào các năm 1958, 1969, 1976, 1984, 1988.

Bãi cọc Đồng Má Ngựa: Ở vị trí cửa sông Kênh, sát với sông Rút, thuộc phường Nam Hoà, thị xã Quảng Yên. Phát hiện năm 2009, khai quật năm 2010.

Đền Trần Hưng Đạo: Tọa lạc trên dải đất cổ giữa sông Bạch Đằng, nơi trung tâm chiến trận Bạch Đằng năm 1288, thuộc phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên. Đền thờ anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Miếu Vua Bà: Tọa lạc cạnh đền Trần Hưng Đạo, thuộc phường Yên Giang. Miếu thờ bà bán hàng nước ở bến Đò Rừng cổ. Tương truyền, bà đã mách bảo cho Trần Hưng Đạo lịch thủy triều, địa thế lòng sông Bạch Đằng để xây dựng trận địa cọc và kế hỏa công đánh giặc Nguyên Mông năm 1288. Sau chiến thắng, bà được vua Trần phong “Vua Bà”.

Bến Đò Rừng: Ở vị trí trước miếu Vua Bà. Tại đây có cây quếch cổ thụ, tương truyền, Trần Hưng Đạo đã chọn làm nơi phát hỏa hiệu lệnh chiến đấu trong chiến trận Bạch Đằng năm 1288.

Đền Trung Cốc: Tọa lạc giữa khu Đồng Cốc, phường Nam Hòa. Tương truyền, năm 1288, khi đi thị sát địa hình xây dựng trận địa cọc ở cửa sông Rút và sông Kênh, thuyền chở Trần Hưng Đạo và Phạm Ngũ Lão bị mắc cạn ở gò đất Đồng Cốc. Sau chiến thắng, nhân dân lập đền thờ Trần Hưng Đạo và Phạm Ngũ Lão.

Đình Trung Bản: Thuộc thôn Trung Bản, xã Liên Hòa. Tương truyền, năm 1288, Trần Hưng Đạo cùng quân sĩ đánh đuổi tàn binh của giặc trên các gò đất cao gần trận địa cọc Bạch Đằng, tóc ông bị xổ ra, khi đến gò đất này, ông đã dừng lại chống kiếm xuống đất búi lại tóc. Sau chiến thắng, nhân dân xây đình, tôn ông làm Thành hoàng làng.

Đình Yên Giang: Thuộc phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên. Xưa kia là làng Rừng, giáp với sông Bạch Đằng, mảnh đất ghi dấu chiến thắng Bạch Đằng năm 1288.

Đình Đền Công: Cách sông Bạch Đằng 500m, thuộc khu Đền Công 1, phường Trưng Vương, thành phố Uông Bí. Tương truyền, năm 1288, có 5 vị thần xưng là Ngũ vị Đại tướng quân đã báo mộng cho Trần Hưng Đạo chọn nơi phát hỏa hiệu lệnh chiến đấu. Sau chiến thắng, Trần Hưng Đạo sửa lễ vật tế tạ đền công các vị thần. Nhân dân xây đình lấy tên Đền Công, xây miếu thờ 5 vị thần.

Ngày 27-9-2012, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng Khu di tích lịch sử Bạch Đằng năm 1288 là Di tích quốc gia đặc biệt.

Đền Cửa Ông

Đền Cửa Ông (phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả), qua sử sách ghi chép, có thể khẳng định đền được khởi dựng, tồn tại qua hơn 100 năm.

Lúc khởi dựng, đền chỉ là một thảo am nhỏ làm bằng tranh, tre, nứa, lá; từ năm 1907 đến năm 1916, đền được trùng tu lại; năm 1916 xây thêm đền Thượng, đền Trung, đền Hạ và chùa; năm 1946, đền Hạ, đền Thượng tiếp tục được tu bổ, tôn tạo; từ năm 2015, đền Trung được phục dựng lại và hoàn thành vào năm 2017. Đền Cửa Ông lúc đầu khởi  dựng  chỉ thờ Trần Quốc Tảng. Sau khi xây thêm các khu đền Hạ, đền Trung, đền Thượng và chùa..., đền Cửa Ông là một quần thể các công trình tín ngưỡng đa dạng bao gồm đền, chùa, lăng, phủ thờ Mẫu. Trong đó, đền Thượng thờ Đức Ông Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, gia quyến, cận thần của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn; phía sau đền Thượng là lăng Đức Ông Trần Quốc Tảng.

Các thần tích, thần sắc, sắc phong cho các vị thần còn được lưu giữ tại đền Cửa Ông, trở thành kho tư liệu lịch sử quý giá cho các thế hệ con cháu tìm hiểu về quá trình dựng nước và giữ nước của triều Trần. Di tích lịch sử đền Cửa Ông đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt vào ngày 25-12-2017.

Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều

Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều (Di tích lịch sử - văn hóa đền, chùa, lăng mộ các vua Trần) thuộc địa phận các xã An Sinh, Tràng An, Bình Khê, Thủy An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều được định hình rõ nét về mặt quy mô từ sau năm 1299, khi Thượng hoàng Trần Nhân Tông đến Yên Tử tu hành, lập nên thiền phái Trúc Lâm. Đến cuối thế kỷ XIV, nhiều lăng mộ của vua Trần được xây dựng hoặc di chuyển về Đông Triều. Cùng với việc xây dựng lăng mộ, triều đình còn xây dựng đền, miếu để thờ cúng các bậc tiên đế, cùng nhiều công trình kiến trúc tôn giáo để phục vụ cho việc tu hành, giảng đạo. Vì thế, nơi đây trở thành một vùng “thánh địa” linh thiêng, nơi tập trung nhiều kiến trúc độc đáo mang đậm dấu ấn của triều đại nhà Trần.

Ngoài ra, khu di tích còn là nơi lưu giữ và duy trì nhiều sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo gắn với lịch sử vùng đất, tiêu biểu là lễ hội đền An Sinh, lễ hội chùa Quỳnh Lâm và chùa - quán Ngọc Thanh... Với những giá trị đặc biệt của khu di tích, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định xếp hạng Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều là Di tích quốc gia đặc biệt vào ngày 9-12-2013.

Một số di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh

Lễ hội đình Trà Cổ - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Đình Trà Cổ, thuộc phường Trà Cổ (thành phố Móng Cái), từ lâu vẫn được coi như cột mốc văn hóa nơi biên ải mang đậm các giá trị thuần Việt. Theo các tư liệu lịch sử là thần tích, sắc phong thì đình Trà Cổ được xây dựng vào năm Quang Thuận thứ 2 (năm 1461). Đình Trà Cổ thờ 6 vị tiên công người Đồ Sơn (Hải Phòng) và thờ Quận He Nguyễn Hữu Cầu - một lãnh tụ nông dân khởi nghĩa thời Lê - Trịnh cũng quê ở Đồ Sơn. Tương truyền, vào đầu thế kỷ XVI, có 12 hộ dân chài từ Đồ Sơn đi đánh cá bị giông tố mà dạt đến đất này. Lễ hội đình Trà Cổ tổ chức từ ngày 30-5 đến ngày 3-6 (âm lịch) hằng năm với phần lễ mộc dục, lễ rước cây đèn thần, các nghi lễ thỉnh sinh, rước kiệu và nghinh thần. Cùng với đó, là phần hội thi Ông Voi vô cùng đặc sắc, rộn ràng và các hoạt động văn hóa, thể thao...

Xướng Then của người Tày ở huyện Bình Liêu - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Hát Then - tiếng Tày gọi là “xướng Then”, là tín ngưỡng văn hóa lâu đời của người Tày. Diễn xướng nghi lễ Then của người Tày ở huyện Bình Liêu có ba hình thức chính là: cấp sắc Then; hỷ phúc, vàn phúc; “so booc” (cầu hoa, cầu có con nối dõi tông đường).

Then có nhiều làn điệu phục vụ các nghi lễ cúng tế, nội dung diễn tả con đường Then đưa binh mã đi qua ba tầng trời để làm lễ, vừa hiện thực vừa lãng mạn, lại có âm nhạc chắp cánh cho lời ca thêm bay bổng nên có sức dẫn dắt người nghe từ thực tại cuộc sống đi vào cõi mộng mơ, trở thành một nhu cầu tâm linh của người dân tộc Tày.

Lễ hội Tiên Công (thị xã Quảng Yên) - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Theo các tư liệu, từ thời Lý - Trần đã có một số vạn chài đến vùng đất Quảng Yên ngày nay sinh sống, họ dựa vào những gò đất cao trên triều để dãi chài, phơi lưới. Đến đầu thế kỷ XV, khoảng từ năm 1434 đến năm 1500, có 6 nhóm Tiên Công (trong đó có 17 vị Tiên Công) và dân cư đến quai đê lấn biển, khẩn hoang đất đai trồng lúa, lập làng, tạo nên khu đảo Hà Nam. Để tưởng nhớ công ơn các vị Tiên Công, người dân xã Phong Lưu đã lập miếu thờ thập thất Tiên Công ở thôn Cẩm La để tuần rằm lễ tiết, tứ thời phụng thờ. Căn cứ vào các cứ liệu cho thấy, lễ hội ra đời khoảng cuối thế kỷ XVII (từ năm 1650 đến năm 1690). Phần lễ của lễ hội Tiên Công có nhiều nghi lễ rất độc đáo như: chạp tổ, ra cỗ họ, dẫn thọ, rước thọ,... Trong đó, đặc sắc nhất là nghi lễ rước thọ được tổ chức vào ngày chính hội mồng 7 tháng Giêng. Vào ngày này, những gia đình có cha mẹ thượng thọ có điều kiện sẽ cùng dòng họ và làng xóm tổ chức đoàn rước đưa “cụ Thượng” về miếu Tiên Công lễ tổ.

Nguyên tắc chung trong công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, di sản, danh thắng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

Một là, Nhà nước có chính sách bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; khuyến khích tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài đóng góp, tài trợ cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Hai là, Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu di sản văn hóa. Chủ sở hữu di sản văn hóa có trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Ba là, Nhà nước đầu tư vào công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và cá nhân có trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Trên cơ sở đó, nghiêm cấm các hành vi chiếm đoạt, làm sai lệch di sản văn hóa; hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa; đào bới trái phép địa điểm khảo cổ; xây dựng trái phép, lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; mua bán, trao đổi và vận chuyển trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; đưa trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài; lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để thực hiện những hành vi trái pháp luật.

Một số giải pháp phát triển du lịch, dịch vụ gắn với bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của các di tích, di sản, danh thắng ở tỉnh Quảng Ninh thời gian tới

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có khoảng 120 di tích, di sản đã nằm trong các điểm tour, tuyến du lịch cố định. Sự góp mặt của hệ thống di tích lịch sử, di sản văn hóa được đầu tư phục dựng bài bản, bảo vệ, phát huy, giống như “ngọc trong đá” càng mài càng sáng, khiến sức hút của các di tích, di sản ngày càng lớn, tạo đà cho du lịch của tỉnh lớn mạnh thực sự. Chỉ tính trong 5 năm (2016 - 2021), tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh tăng trung bình từ 12 đến 15% mỗi năm, tăng từ 30 đến 50% so với năm 2015.

Cụ thể, năm 2016, tỉnh Quảng Ninh đạt tổng lượng du khách là 8,3 triệu lượt người, trong đó du khách quốc tế là 3,5 triệu lượt người; tổng doanh thu du lịch đạt 13.000 tỷ đồng. Các năm sau đó, tổng lượng khách nội địa và quốc tế, doanh thu đều tăng năm sau cao hơn năm trước ở mức từ 10 đến 25%. Tiêu biểu, năm 2019, tổng lượng khách là 14 triệu lượt người, tăng 14%, trong đó khách quốc tế là 5,75 triệu lượt người, tăng 15%; tổng doanh thu đạt 29.500 tỷ đồng, tăng 25%, đóng góp vào ngân sách địa phương gần 3.570 tỷ đồng, tăng 30%, chiếm 11% tổng thu ngân sách nội địa của tỉnh.

Yên Tử là một thành công điển hình trong việc chung tay bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị của di tích, trở thành điểm du lịch trọng yếu của tỉnh Quảng Ninh. Mười năm qua, gần 3.000 tỷ đồng đã được đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ và các điểm di tích. Hằng năm, Yên Tử đón trung bình 2 triệu lượt khách, ở cả 4 mùa trong năm thay vì một mùa lễ hội, chiếm đến 60% tổng lượng du khách thuộc loại hình du lịch tâm linh tại tỉnh Quảng Ninh.

Ngày 9-3-2018, Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU, “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” và Quyết định số 931-QĐ/TU, về phê duyệt Đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”, trong đó đề ra 7 nhóm giải pháp là:

Thứ nhất, nghiên cứu để phát huy các giá trị đặc sắc về văn hóa các dân tộc, văn hóa biển, đảo, văn hóa công nhân vùng mỏ, sự giao thoa của nền văn minh sông Hồng trong hình thành văn hóa và con người tỉnh Quảng Ninh nhằm khắc sâu, nhân rộng những truyền thống văn hóa tốt đẹp, để những giá trị đặc sắc đó trở thành nguồn lực, sức mạnh thúc đẩy sự phát triển.

Thứ hai, bảo tồn và phát huy tốt giá trị các di tích lịch sử, văn hóa. Bảo tồn, khôi phục làng nghề truyền thống, đặc biệt là di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc đang có nguy cơ mai một. Khuyến khích các hoạt động sản xuất, quảng bá các loại hình văn hóa phi vật thể, thể hiện được đặc trưng riêng có của tỉnh Quảng Ninh.

Thứ ba, rà soát, kiểm tra, đánh giá các lễ hội trong toàn tỉnh, từ đó chọn lọc để thổi hồn, khắc sâu, nâng tầm những giá trị tiêu biểu của các lễ hội bảo đảm giữ gìn các giá trị nhân văn mang đậm bản sắc văn hóa riêng có của tỉnh Quảng Ninh. Xây dựng, quy hoạch lễ hội toàn tỉnh trên cơ sở kế thừa, kết nối các lễ hội truyền thống.

Thứ tư, xây dựng và phát triển nền văn học - nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh phong phú, đa dạng, giàu bản sắc, kết hợp truyền thống với hiện đại.

Thứ năm, chú trọng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ sáng tác, biểu diễn để lớp trẻ kế cận. Tập hợp, động viên, bồi dưỡng, tạo cơ hội và điều kiện để khích lệ đội ngũ văn, nghệ sĩ sáng tạo, cho ra đời các tác phẩm có giá trị nghệ thuật, tư tưởng cao, phản ánh thực tiễn của cuộc sống, nâng tầm văn hóa truyền thống.

Thứ sáu, mở rộng không gian văn hóa, tăng cường kết nối giao lưu, tiếp thu tinh hoa tiên tiến của thế giới và khu vực. Tranh thủ quảng bá văn hóa Quảng Ninh ra thế giới, nhất là đối với các quốc gia, vùng lãnh thổ có quan hệ kết nghĩa, hợp tác trên các lĩnh vực với tỉnh Quảng Ninh.

Thứ bảy, xây dựng cơ chế và chính sách đặc thù phục vụ cho nhiệm vụ bảo tồn và phát triển văn hóa.

Năm 2021, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh tham mưu với tỉnh triển khai xây dựng Đề án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020 - 2030”, làm cơ sở đề ra các giải pháp, mục tiêu cụ thể nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích, danh thắng trong toàn tỉnh.

Có thể thấy rằng, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích, di sản, danh thắng một cách nghiêm túc, đúng hướng, hiệu quả của tỉnh Quảng Ninh thời gian qua đã góp phần quan trọng nâng tầm giá trị di tích lịch sử, văn hóa. Từ đó, đưa di tích, di sản, danh thắng trở thành nguồn tài nguyên quý cho phát triển du lịch văn hóa, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và nâng cao đời sống nhân dân./.