TCCSĐT - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời phiên chất vấn tại hội trường chiều 31-10.

Du lịch vùng Đông Bắc chưa xứng tiềm năng

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã trả lời câu hỏi về giải pháp giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số; vấn đề liên kết vùng trong khai thác và phát triển du lịch.

Thiếu ngân sách bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) liên quan đến vấn đề bảo tồn di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định đây là một chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, được Bộ đã, đang và sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện.

Một trong những giải pháp cơ bản là tiến hành điều tra, kiểm kê để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Bộ trưởng nêu rõ đến nay đã có 134/271 di sản văn hóa phi vật thể của cả nước đã đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hằng năm, Bộ chỉ đạo lập hồ sơ đề nghị công nhận các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và hiện nay đang lập hồ sơ đề nghị công nhận 2 di sản văn hóa phi vật thể thế giới đối với di sản xòe Thái và hát Then - đàn tính.

Các hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19-4 được tổ chức thường niên. Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các vùng Tây Bắc, Đông Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, giao lưu văn hóa đối với từng dân tộc như Thái, Chăm, Khơ Me, Mông, Mường, Dao... trên quy mô toàn quốc diễn ra định kỳ.

Ngoài ra, giao lưu liên hoan nghệ thuật hát Then - đàn tính đối với các dân tộc Tày, Nùng, Thái; giao lưu văn hóa nghệ thuật ở các tuyến biên giới Việt Nam-Lào, Việt Nam - Campuchia... cũng thường xuyên được tổ chức.

Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các ngành, cơ quan và các địa phương điều tra, sưu tầm, thống kê, tổ chức phục dựng các lễ hội truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc có nguy cơ mai một cao.

Đến nay, 85 lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số như Thái, Giáy, Ê Đê, Bana, Khơ mú, Bố Y, Pà Thẻn đã được hỗ trợ phục dựng, bảo tồn; xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện Đề án bảo tồn làng, bản, buôn truyền thống. Kết quả, có 32 làng, bản, buôn của 25 dân tộc được hỗ trợ đầu tư bảo tồn.

Dự án bảo tồn tiếng nói, chữ viết, trang phục của các dân tộc thiểu số cũng là giải pháp được thực hiện hằng năm.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết thông qua việc mở các lớp truyền dạy văn hóa truyền thống phi vật thể cho các dân tộc có số dân ít người như La Hủ, Cống, Bố Y, Pu Péo, Chứt... tại các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Kon Tum..., nhiệm vụ bảo tồn khẩn cấp văn hóa các dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 người đã được triển khai hiệu quả. Việc dạy học do các nghệ nhân, chủ thể văn hóa các dân tộc thiểu số trực tiếp truyền dạy.

Thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành phong tặng danh hiệu cho 276 nghệ nhân ưu tú là người đồng bào dân tộc thiểu số, những người nắm giữ các dân ca, dân vũ, dân nhạc, tiếng nói, chữ viết để truyền dạy cho các thế hệ.

Đồng thời, Bộ phối hợp với các địa phương định kỳ tổ chức gặp mặt cho các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín các dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 người nhằm trực tiếp lắng nghe các ý kiến đề xuất, tâm tư nguyện vọng của đồng bào.

Bộ cũng tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật, tập huấn công tác bảo tồn phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, bài trừ hủ tục lạc hậu cho các già làng, trưởng bản, người có uy tín…; hỗ trợ mỗi năm khoảng 100 văn nghệ sỹ người dân tộc thiểu số ở Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh tham gia vào các trại sáng tác.

Đồng thời, Bộ chỉ đạo, phối hợp cùng các địa phương có đoàn văn hóa nghệ thuật, đội văn nghệ cấp thôn bản thường xuyên xây dựng các chương trình nghệ thuật, ngoài thực hiện nhiệm vụ chính trị còn phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa truyền thống của đồng bào.

Thừa nhận nhiều di sản văn hóa của đồng bào dân tộc có nguy cơ mai một và biến dạng và chưa có điều kiện để bảo tồn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định một trong số những nguyên nhân cơ bản của vấn đề là do không có nguồn ngân sách riêng cho lĩnh vực này, đồng thời đề nghị huy động sức mạnh của toàn xã hội để nhằm bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số.

Du lịch vùng Đông Bắc chưa được khai thác đúng tiềm năng

Cho rằng việc liên kết, hỗ trợ, phát triển giữa các địa phương về du lịch trong thời gian qua đã được quan tâm triển khai đồng bộ, thiết thực, góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa đối với địa phương lân cận; điển hình như liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Tây Bắc, duyên hải miền Trung, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện về vấn đề phát triển du lịch vùng Đông Bắc, trong đó có tỉnh Bắc Kạn.

Về vấn đề chú trọng liên kết vùng trong khai thác và phát triển du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, du lịch là một ngành mang tính liên vùng, liên ngành, có tính chất xã hội hóa cao.
“Bây giờ không có một địa phương nào có thể một mình phát triển du lịch được mà luôn luôn phải liên kết. Liên kết du lịch các vùng đạt hiệu quả rất cao. Riêng Đông Bắc thì đúng là một vùng có rất nhiều tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa rất quan trọng. Tuy nhiên, thời gian vừa qua liên kết vùng này vẫn còn chưa được triển khai hiệu quả, thiết thực”, Bộ trưởng chỉ rõ.

Cho rằng du lịch vùng Đông Bắc thời gian qua chưa được đánh giá, khai thác đúng tiềm năng, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện liệt kê những danh thắng du lịch của vùng Việt Bắc như thác Bản Giốc, hồ Ba Bể, hồ Na Hang, hồ Núi Cốc, núi Mẫu Sơn, cao nguyên Đá Đồng Văn, chiến khu cách mạng; những địa danh lịch sử như hang Pác Bó, suối Lê nin, di tích lịch sử Tân Trào...

Để làm tốt công tác phối hợp trong phát triển du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, 6 tỉnh Cao - Bắc - Lạng và Hà - Tuyên - Thái của vùng Đông Bắc phải tổ chức liên kết chặt chẽ hơn.

Tỉnh Bắc Kạn đã đưa vào quy hoạch khu du lịch quốc gia Ba Bể. Hiện nay cũng đã có một số tập đoàn như Saigontourist đầu tư cho thiết chế du lịch ở đây.

Bộ trưởng khẳng định trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ của ngành, Bộ sẽ quan tâm hơn đến du lịch của Bắc Kạn nói riêng cũng như các tỉnh vùng Đông Bắc nói chung.

Quản lý đất đai sau cổ phần hóa thuộc trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh

Các vấn đề về quản lý đất đai, định giá quyền sử dụng đất trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; giải pháp quản lý hóa đơn tránh gây thất thu ngân sách... đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình tại phiên chất vấn.

Phương án sử dụng đất phải được phê duyệt trước khi cổ phần hóa

Đề cập đến việc quản lý đất đai trước và sau cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đại biểu Quách Thế Tản (Hòa Bình) cho rằng công tác này còn nhiều thiếu sót, tức là không tính hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa. Việc này đã dẫn đến thất thoát vốn, tài sản nhà nước. Mặt khác, những vướng mắc liên quan đến đất đai đã gây ảnh hưởng đến tiến độ, kết quả của quá trình cổ phần hóa.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Tài chính đưa ra các giải pháp khắc phục.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết giá trị sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai trong từng thời kỳ. Trước năm 2011, đất thuê trả tiền hàng năm phải tính giá trị vị trí địa lý và giá trị doanh nghiệp. Từ năm 2013, tiền thuê đất đã được điều chỉnh lại sát với giá thị trường và doanh nghiệp phải nộp ngân sách phần chênh lệch.

Theo Bộ trưởng, việc quản lý, sử dụng chặt chẽ đất đai sau cổ phần hóa ở mỗi địa phương thuộc trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh. Trên thực tế, một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa đã lợi dụng chính sách quản lý đất đai của Nhà nước, di dời cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô để chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà không thực hiện việc thu hồi, đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần. Theo đó, phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước thời điểm cổ phần hóa. Sau cổ phần hóa, đất phải được sử dụng đúng theo phương án đã phê duyệt. Trường hợp chuyển đổi mục đích phải được thực hiện thu hồi để đấu giá theo quy định.

Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh việc quản lý đất đai của doanh nghiệp trước và sau cổ phần hóa rất hệ trọng. Dù doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp Nhà nước hay thành phần khác khi chuyển đổi vẫn phải thu hồi đấu giá.

Đối với ý kiến đại biểu nêu về vướng mắc trong việc quản lý, sử dụng đất có ảnh hưởng đến quá trình cổ phần hóa của doanh nghiệp hay không, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu rõ trong Nghị định 126 đã quy định, các địa phương nơi doanh nghiệp cổ phần hóa có sử dụng đất phải chịu trách nhiệm phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Vì thế, cơ bản không có vướng mắc. Một số doanh nghiệp sử dụng đất đai ở nhiều địa phương nên còn gây ra những khó khăn. Do đó cần phải có sự vào cuộc của các cấp, cấp ngành.

Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

Đại biểu Bùi Thu Hằng (Hòa Bình) chất vấn về tình trạng kinh doanh không xuất hóa đơn VAT vẫn phổ biến, dẫn tới người tiêu dùng chịu thiệt, Nhà nước thất thu. Đại biểu đề nghị Bộ Tài chính đưa ra giải pháp khắc phục.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận tình trạng một số người nộp thuế không xuất hóa đơn, không kê khai nộp thuế gây thất thu ngân sách.

Qua thanh tra, Bộ đã phát hiện tình trạng không những không xuất hóa đơn mà còn có cá nhân lập doanh nghiệp để lợi dụng buôn bán hóa đơn, rút tiền hoàn thuế của Nhà nước. Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công an phát hiện, xử lý nghiêm một số vụ buôn bán hóa đơn.

Về thể chế, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và Nghị định 109/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá phí, lệ phí và hóa đơn…

Bộ cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2018 quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Bên cạnh đó, trong những năm qua, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, hóa đơn điện tử...

Về giải pháp khắc phục tình trạng mua bán không xuất hóa đơn, Bộ trưởng cho rằng, bên cạnh việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, các cơ quan cần thực hiện tốt Nghị định 119 về hóa đơn điện tử.

Ngoài ra, tập trung sửa đổi Luật Quản lý thuế; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu về việc mua hàng hóa, dịch vụ phải được cung cấp hóa đơn, chứng từ. Thực tế, nền kinh tế Việt Nam vẫn sử dụng quá nhiều tiền mặt.

Bộ Tài chính sẽ phối hợp Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai đồng bộ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, hóa đơn điện tử.../.