TCCSĐT - Sáng 31-10, nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn một số vấn đề liên quan đến việc quản lý tội phạm trên không gian mạng; tăng cường đối thoại và thi hành án hành chính; chức năng, nhiệm vụ của bộ máy thanh tra ngành, việc xác lập quyền sở hữu tài sản đầu tư trên đất, công tác làm sạch và bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.

Đâu là giải pháp đột phá quản lý tội phạm trên không gian mạng?

Đại biểu quốc hội Đinh Duy Vượt chất vấn tân Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng về quản lý nhà nước trên môi trường mạng. Theo đại biểu Vượt, nhiều cử tri phản ánh thực trạng thông tin sai sự thật, hình ảnh phản cảm, lừa đảo qua mạng đang diễn ra ngày càng phức tạp. Chính phủ quyết liệt chỉ đạo, Bộ Thông tin đã tập trung giải quyết nhưng vấn đề này vẫn gây bất an cho xã hội, vậy giải pháp đột phá là gì?

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay, do ông Nguyễn Mạnh Hùng mới nhậm chức Bộ trưởng Thông tin Truyền thông chưa lâu nên Phó thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ thay mặt Chính phủ trả lời.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: “Ở tầm Chính phủ thì đây là câu hỏi lớn. Trong thời gian ngắn tôi chỉ xin nêu một ý. Chúng ta đều đã biết trên không gian mạng cơ bản giống như cuộc sống thật. Cuộc sống thật có gian lận, lừa đảo thì trên đó có lừa đảo, cuộc sống thật có đánh bạc, tống tiền thì trên không gian mạng cũng có đánh bạc, tống tiền. Các loại tội phạm và tệ nạn giống như vậy nên nhìn chung chúng ta phải hoàn thiện quy định của pháp luật, không chỉ về quản lý không gian mạng mà tất cả các lĩnh vực pháp luật về quản lý xã hội đều phải lưu ý hình thái phát sinh trên không gian mạng”.

Theo Phó Thủ tướng, điều thứ hai quan trọng đó là vai trò của các Bộ, đặc biệt là Bộ thông tin truyền thông. Đó là có những vấn đề ở cuộc sống thực thì hệ thống pháp luật, quản lý, toàn xã hội nhận biết và đấu tranh với tội phạm dễ dàng.

“Nhưng trên không gian mạng, thông qua giải pháp kỹ thuật gián tiếp, đặc biệt không lưu vết, tội phạm trên không gian mạng tìm cách không lưu vết nên khó phát hiện, nhận diện, đấu tranh hơn. Vì vậy, trách nhiệm của Bộ Thông tin và các bộ liên quan phải làm cho những vấn đề này không thành quá phức tạp, không quá cao siêu mà dễ nhận diện”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, việc đấu tranh này không chỉ với một số cơ quan chức năng mà sự vào cuộc của toàn xã hội, cũng như cuộc sống thực vốn có. Đó là việc cần phổ biến kiến thức, tuyên truyền để toàn dân, tất cả mọi người nắm bắt được xu thế phát triển.

“Hiện nay Hội khuyến học Việt Nam đã lên tiếng nhiều lần, chúng ta tiến tới làm sao mọi người dân Việt Nam đều xóa mù về tri thức công nghệ nói chung, đặc biệt là những tri thức cơ bản về công nghệ thông tin,” Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Tăng cường đối thoại và thi hành án nghiêm túc

Án hành chính tăng, tỷ lệ giải quyết thấp, sự vắng mặt của các cấp chính quyền khi tham gia giải quyết các vụ án hành chính rất phổ biến…Đây là thông tin được Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đưa ra khi trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về việc khởi kiện các quyết định hành chính, nhất là những vụ án hành chính liên quan đến đất đai.

Án hành chính tăng, tỷ lệ giải quyết thấp

Theo Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, số lượng án hành chính tăng đều qua các năm, trung bình tăng 11% mỗi năm, chủ yếu liên quan đến đất đai và thường là những vụ kiện rất khó.

Tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết các vụ án này rất thấp, chỉ đạt 39% trong khi Quốc hội yêu cầu là 60%. Tồn đọng của án hành chính rất nhiều, chủ yếu là tại các thành phố lớn, trung tâm công nghiệp và thời gian giải quyết kéo dài.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, bên cạnh hạn chế về phía tòa án thì sự vắng mặt của các cấp chính quyền khi tham gia giải quyết các vụ án hành chính là rất phổ biến.

Họ thường không có mặt nên phiên tòa phải hoãn. Nếu phải xử vắng mặt, bản án bất lợi cho chính quyền thì chính quyền lại kháng cáo, kháng nghị nên vụ án kéo dài.

Về giải pháp, Chánh án chỉ rõ, Tòa án nhân dân Tối cao đã sắp xếp lại các tòa án chuyên trách, tăng cường cán bộ, nhất là thẩm phán có năng lực cho các tòa án, đề cao trách nhiệm của các thẩm phán khi giải quyết các vụ án hành chính, tăng cường tổng kết xét xử để đào tạo, bồi dưỡng và hướng dẫn áp dụng pháp luật thống nhất trong toàn quốc.

Bên cạnh đó, chính quyền các cấp, Ủy ban nhân dân các cấp phải chấp hành nghiêm quy định của Luật và Chỉ thị của Thủ tướng.

Theo đó, phải cung cấp đầy đủ tài liệu cho người dân để đảm bảo quyền khởi kiện của họ, tham gia các phiên đối thoại, giải quyết các tranh chấp hành chính, các vụ kiện hành chính trước khi phải xét xử (thường chính quyền không tham gia phiên đối thoại này).

Các cấp chính quyền phải có mặt tại phiên tòa theo đúng thành phần, đối tượng, đúng yêu cầu của luật pháp. Khi bản án có hiệu lực thì phải thi hành nghiêm túc.

Theo Chánh án, Quốc hội cần tổng kết Luật Hành chính và Luật Tố tụng Hành chính. “Thực tiễn cho thấy, nếu như tất cả các khâu, các cấp đã nỗ lực, mà tình hình không được cải thiện thì có điều gì đó không hợp lý trong quy định của luật. Nhiều địa phương phản ánh là Chủ tịch, nếu như tất cả các vụ án hành chính phải có mặt sẽ không có thời gian làm việc. Tôi đề nghị phải tổng kết lại, nếu như không hợp lý thì cũng cần phải xem xét”, Chánh án nêu.

Bản án sai thì dứt khoát phải kháng nghị và sửa

Trả lời đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) về thời gian xét xử giám đốc thẩm quá dài, khiến người dân mất hy vọng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, số đơn gửi giám đốc thẩm, tái thẩm những năm gần đây rất nhiều.

Theo quy định, việc xét xử hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm phải chặt chẽ để tránh lên cấp thứ 3, tuy nhiên lượng đơn gửi lên cấp giám đốc thẩm rất cao, khoảng 2.000 đơn trong 2018.

Trong năm, Hội đồng Thẩm phán đã giải quyết được 53% số đơn (hơn 1.200 đơn giám đốc thẩm, tái thẩm), đây là nỗ lực rất lớn của Hội đồng Thẩm phán.

Theo Chánh án, việc kéo dài lên giám đốc thẩm mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, đây là cơ hội cuối cùng của người dân nên phải xem xét thận trọng.

Về giải pháp, Chánh án cho rằng phải nâng cao chất lượng xét xử, đội ngũ cán bộ tòa án nhằm hạn chế sai sót dẫn đến kháng nghị, khiếu kiện lên giám đốc thẩm, tái thẩm.

Tranh luận lại với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, đại biểu Phạm Trí Thức (Thanh Hóa) chất vấn: “Chánh án thông tin trong 2.000 đơn giám đốc thẩm đã giải quyết được 53%, như vậy so với các nước là rất lớn, khá tốt. Tôi cho rằng chưa thỏa đáng. Bởi vì chất lượng xét xử nước ta khác với nước ngoài. Sai lầm trong xét xử rất khó sửa chữa một cách tuyệt đối. Ví dụ như vụ án ông Vũ Bá Phê (Phú Yên) tranh chấp một con bê, sau đó tòa xử sai khiến ông tự tử. Các cơ quan tư pháp phải tốn kém hàng tỷ đồng cũng không cứu lại được mạng sống của ông Phê. Phía sau mỗi lá đơn là số phận một con người, mỗi gia đình, dòng họ, không đơn giản là giải quyết một nửa là tốt lắm rồi. Tôi thấy rất băn khoăn”.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng tranh luận với Chánh án Nguyễn Hòa Bình về công tác xét xử của tòa án các cấp trong thời gian qua.

Đại biểu nêu thực tế là khi tòa phúc thẩm xử án có hiệu lực thì sẽ thi hành án và cưỡng chế; sau đó người bị thi hành án đưa đơn lên tòa cấp cao hoặc giám đốc thẩm. Cấp giám đốc thẩm và tòa cấp cao phủ quyết án sơ thẩm và phúc thẩm.

“Người bị thi hành án thiệt hại tài sản rất lớn. Ở Đồng Tháp có người bị cưỡng chế thi hành án, tài sản thiệt hại khoảng 600 triệu đồng từ cách đây 2 năm nhưng không cấp nào, không ai đứng ra bồi thường. Như vậy có oan sai không?” đại biểu Hòa chất vấn.

Trả lời đại biểu Phạm Trí Thức, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, ông hoàn toàn đồng tình với quan điểm sai thì phải sửa, điều đó đã trở thành nguyên lý, đúng trong tất cả các lĩnh vực, kể cả chính trị, kinh tế, xã hội… và vừa qua đã được ghi trong luật “nếu bản án có sai thì dứt khoát phải kháng nghị và phải sửa”.

“Việc Tòa án giải quyết 1200 đơn thì không có nghĩa là chúng ta dừng giải quyết những đơn đã xác định sai. Thực tế trong 1.200 đơn chúng tôi đã giải quyết thì tất cả các vụ án có sai sót đều được kháng nghị và xét xử”, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao nhấn mạnh.

Liên quan ý kiến của đại biểu Phạm Văn Hòa về một vụ án cụ thể, Chánh án khẳng định lại, nếu bản án kể cả đã thi hành án mà xác định sai thì vẫn phải sửa để bảo đảm quyền lợi của người dân.

“Trong bản án cụ thể này, xin phép đại biểu chúng tôi sẽ lấy lại hồ sơ, xem vụ án đã đúng hay chưa. Quá trình xem xét lại, những sai sót, hậu quả của giai đoạn trước sẽ được giải quyết trong bản án cuối cùng. Chúng tôi sẽ kiểm tra lại và sẽ có trả lời cho đại biểu”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu.

Xác định trách nhiệm quản lý nguồn thải của từng địa phương

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã trả lời một số câu hỏi của đại biểu Quốc hội về chức năng, nhiệm vụ của bộ máy thanh tra ngành; việc xác lập quyền sở hữu tài sản đầu tư trên đất; công tác làm sạch và bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.

Phối hợp thông suốt trong thanh, kiểm tra quản lý, sử dụng đất đai

Đại biểu Quốc hội Lữ Thanh Hải (Khánh Hòa) nêu vấn đề về việc thời gian gần đây xảy ra nhiều sai phạm trong quản lý Nhà nước về đất đai, giao đất, thu hồi đất, thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, lấn chiếm mặt nước biển trái phép… Các cơ quan chức năng, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc, kịp thời xử lý, chấn chỉnh. Mặc dù vụ việc liên quan đến công tác quản lý đất đai, vi phạm, song đại biểu cho rằng, ít thấy thanh tra ngành Tài nguyên và Môi trường vào cuộc để kịp thời ngăn chặn, xử lý. Từ đó, đại biểu Lữ Thanh Hải đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà về sự phù hợp trong chức năng, nhiệm vụ đảm nhiệm của bộ máy thanh tra ngành Tài nguyên và Môi trường trong tình hình hiện nay? Bộ trưởng có chỉ đạo giải pháp gì khắc phục những vấn đề tồn tại trong lĩnh vực trên?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường có chức năng thanh tra về hành chính trong lĩnh vực tài nguyên môi trường; thanh tra chuyên ngành trong những lĩnh vực có liên quan đến tài nguyên. Như vậy đối tượng thanh tra là các cơ quan quản lý và cơ quan, chủ thể, doanh nghiệp, tổ chức cá nhân...

Trong hai năm qua, thanh tra ngành Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành hơn 1.000 cuộc thanh tra, trong đó có xử lý về hành chính, trách nhiệm, thu hồi lại kinh phí. Lý giải một trong những nguyên nhân khiến thanh tra ngành vào cuộc thiếu hiệu quả trong một số vụ việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ: “Thanh tra môi trường của chúng tôi có trách nhiệm thực hiện các thanh tra đột xuất liên quan đến vấn đề bức xúc, nóng hoặc do phát hiện ra sai phạm. Các công việc này chiếm khoảng 30% khối lượng công việc hiện nay chúng tôi làm. Bên cạnh đó, còn các vấn đề đất đai, tài nguyên môi trường đã để lại trong thời gian dài, vấn đề quản lý các vi phạm, khiếu kiện tố cáo… Chính phủ hằng năm giao cho chúng tôi một khối lượng công việc cùng với Thanh tra Chính phủ, thanh tra các địa phương để giúp Chính phủ kiểm tra lại các kết quả xử lý của các cấp ở địa phương”.

Ở góc độ trách nhiệm, vai trò chỉ đạo của ngành trong vấn đề thanh tra, Bộ trưởng đánh giá, với khối lượng công việc đồ sộ như trên, so với tương quan số lượng thanh tra ngành hiện nay là khoảng 40 người, thanh tra ngành Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện đầy đủ việc phối hợp với Thanh tra Chính phủ, thanh tra Nhà nước ở địa phương ban hành kế hoạch tổng thể, xác định nhiệm vụ, vấn đề cần quan tâm, cần kiểm tra, thanh tra.

Những hoạt động chung này đã tạo nên sự phối hợp tích cực trong cả ngành thanh tra nói chung, từ đó đem tới hiệu quả là rất nhiều vụ việc được phát hiện, xử lý, thu lại tiền của cho Nhà nước cũng như đảm bảo sự minh bạch, công bằng, trong đó có xử lý tài sản, xử lý vấn đề trách nhiệm, chuyển từ hành chính sang hình sự. Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, nhiệm vụ đặt ra với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác thanh tra là hết sức quan trọng; đồng thời cho biết trong thời gian tới Bộ đã xây dựng đề án đề nghị tăng cường về năng lực, trang thiết bị, trách nhiệm đội ngũ đối với lực lượng thanh tra ngành trên toàn quốc.

Thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho lĩnh vực môi trường

Cũng trong phiên chất vấn sáng nay, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (thành phố Hà Nội) đã đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Trần Hồng Hà về vấn đề làm sạch sông Nhuệ - sông Đáy. Liên quan đến việc làm sạch, bảo vệ môi trường tại khu vực hai con sông Nhuệ - Đáy, theo Bộ trưởng cần có Ban Chỉ đạo liên ngành về vấn đề này. Ban Chỉ đạo liên ngành phải xác định rõ trách nhiệm của từng địa phương với tư cách người quản lý toàn bộ các nguồn thải của địa phương đó. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay số liệu thống kê nguồn nước thải của các địa phương từ nước thải sinh hoạt, làng nghề, công nghiệp… đã có đầy đủ. Từng địa phương cần có lộ trình cắt giảm phát thải nước thải đối với lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.

Một vấn đề khác cần quan tâm là sửa đổi cơ chế chính sách, đặc biệt là thu hút nguồn lực xã hội hóa từ các doanh nghiệp tư nhân có đủ công nghệ, năng lực. Vấn đề tài chính của Nhà nước và đóng góp chi phí của chủ thể gây ô nhiễm cũng cần được xác định rõ, trong đó có trách nhiệm của người dân, các làng nghề, khu công nghiệp trong vấn đề nước thải sinh hoạt. Bộ trưởng cho rằng, cần xem xét chi phí hợp lý để ngoài nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ vẫn bảo đảm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân vào đầu tư, vừa mang lại hiệu quả cho xã hội, vừa mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp. “Trên tinh thần đó, tôi tin rằng hoàn toàn có thể giải quyết được bài toán đối với sông Nhuệ - sông Đáy”, Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho rằng, vấn đề cơ chế, chính sách, pháp luật cần sớm được hoàn thiện. Bộ trưởng khẳng định, khi nhìn nhận ở góc độ này có liên quan đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, bố trí xem xét hình thức đấu thầu các dự án, giảm bớt thời gian để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Liên quan đến chi phí nhà nước và người dân, doanh nghiệp… cùng đóng góp, Bộ trưởng đề nghị Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các địa phương để sớm có cơ chế về phí phù hợp, sớm xử lý vấn đề môi trường, đầu tư hạ tầng liên quan đến thu gom nước thải tập trung. Bên cạnh đó, vấn đề về cải tạo đô thị, cảnh quan cũng cần được quan tâm thực hiện theo hướng luôn gắn với bảo vệ môi trường, quản lý thu gom tập trung hệ thống nước thải.

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) về công tác xác lập quyền sở hữu tài sản đầu tư trên đất, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT, ngày 29-9-2017, về việc quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP, ngày 06-01-2017, của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai đã quy định rõ, đầy đủ các quyền đăng ký cũng như quyền thế chấp các tài sản trên đất./.