Thành công và bài học về xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội
TCCS - Sau hơn 10 năm (2006 - 2016) quán triệt nghiêm túc, tập trung chỉ đạo thực hiện tích cực, quyết liệt các Chương trình của Thành ủy Hà Nội khóa XV và XVI về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân, công tác phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới đã có bước phát triển toàn diện, đạt được những thành tựu nổi bật, với những bài học quan trọng được rút ra.
Nhu cầu cấp thiết, quyết tâm chính trị cao, chỉ đạo sát sao và triển khai đồng bộ các giải pháp
Sau mở rộng địa giới, Hà Nội tăng mạnh về diện tích, dân số, đồng thời nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại không gian kinh tế - xã hội, tổ chức sắp xếp các phân khu chức năng phát triển theo yêu cầu phát triển bền vững cũng nặng nề hơn. Thách thức mới, nổi bật là sự chênh lệch về mức độ phát triển giữa các vùng, miền; điều kiện địa lý, dân cư, thói quen khác nhau; dân số nông thôn lớn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, khoảng cách giàu nghèo lớn, đời sống của một bộ phận dân cư vùng xa trung tâm, vùng miền núi còn khó khăn; hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, cơ sở vật chất về giao thông, thủy lợi, trường học, bệnh viện, điện chiếu sáng,... còn thiếu, cần nguồn lực lớn để đầu tư phát triển; rà soát các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thống nhất các cơ chế, chính sách và quan tâm đến công tác dân tộc là vấn đề mới vốn không đặt ra trước khi mở rộng.
Quán triệt chủ trương của Đảng, Nhà nước, từ nhu cầu thực tiễn mới về phát triển nông nghiệp, nông thôn sau mở rộng địa giới và với quyết tâm chính trị cao, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các sở, ban, ngành thành phố Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo xây dựng và triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X Về xây dựng nông thôn mới, với trục xuyên suốt nổi bật là Chương trình hành động số 02/CTr-TU, ngày 31-10-2008 và Chương trình số 02-CTr/TU, ngày 26-4-2016, của Thành ủy Hà Nội Về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân cho các giai đoạn giai đoạn 2011 - 2015 và 2016 - 2020; thành lập Ban Chỉ đạo phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân các cấp; cụ thể hóa Chương trình thành các nghị quyết, kế hoạch và đề án cụ thể để triển khai phù hợp, bám sát mục tiêu của Nghị quyết số 03/2010/NQ-HĐND, ngày 21-4-2010, của Hội đồng nhân dân thành phố Về phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, định hướng 2030, theo đó Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2015 đạt 160 xã chuẩn nông thôn mới (40%), đến hết năm 2020 đạt thêm 120 xã. Giai đoạn 2021 - 2030 hoàn thành 121 xã còn lại.
Trên địa bàn Thủ đô đã dấy lên phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, với hàng loạt chính sách đồng bộ và cụ thể; đặc biệt, ban chỉ đạo các xã cũng ban hành chương trình, kế hoạch, nghị quyết cụ thể; tổ chức giao ban hằng tuần để rút kinh nghiệm và kịp thời giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện. 100% các xã đã bố trí 1 công chức xã chuyên trách theo dõi công tác xây dựng nông thôn mới; xuất hiện nhiều tấm gương điển hình, tiêu biểu cho từng lĩnh vực, nhiệm vụ và địa phương, đặc biệt là trong phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; công tác “dồn điền, đổi thửa” và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau “dồn điền, đổi thửa”; tuyên truyền hướng dẫn thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới,... được đông đảo người dân hưởng ứng tham gia.
Những kết quả đáng ghi nhận
Xét theo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới chuẩn quốc gia, kết quả mà Hà Nội đạt được là rất đáng tự hào, cụ thể: Năm 2010, khi bắt đầu triển khai Chương trình cả thành phố Hà Nội có 401 xã, nhưng chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã cao nhất đạt 12 tiêu chí, xã thấp nhất đạt 1 tiêu chí, bình quân chung toàn thành phố đạt 7 tiêu chí/xã. Đến hết năm 2015, toàn thành phố có 1 huyện Đan Phượng được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới và 201/386 xã (do 15 xã của huyện Từ Liêm đã chuyển thành phường từ năm 2014) đã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 52,07% tổng số xã, vượt 12,07% so với mục tiêu đề ra; có 102 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 83 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí; thành phố Hà Nội là một trong 13 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất; 56 xã và 17 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 1 huyện và 1 xã được tặng Cờ Thi đua của Chính phủ vì đã có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011 - 2015.
Trong 2 năm 2016 - 2017, Thủ tướng Chính phủ công nhận thêm 3 huyện (Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức) của thành phố đạt chuẩn nông thôn mới. Tổng cộng, đến giữa năm 2018, thành phố có 4/18 huyện (đạt 22,22%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và 294 xã đạt và cơ bản đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 36 xã đạt và cơ bản đạt từ 10 đến 14 tiêu chí. Thành phố cũng đang chỉ đạo và giao chỉ tiêu phấn đấu cho 4 huyện (Gia Lâm, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai) đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2020.
Tính đến hết năm 2017, kết quả xây dựng nông thôn mới xét theo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở xã khá đồng đều, cụ thể: 100% số xã đã hoàn thành các tiêu chí về quy hoạch và tổ chức công khai quy hoạch xây dựng nông thôn mới; về điện; về thông tin và truyền thông; về hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật; về giáo dục và đào tạo; về y tế; về nhà ở dân cư; 100% số hộ dân nông thôn toàn thành phố được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó có 49% số hộ dân được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế; thành phố chỉ còn 1 xã (Đồng Tâm) chưa đạt tiêu chí về quốc phòng an ninh và còn 1 xã (Ba Vì) chưa đạt tiêu chí về lao động có việc làm. Theo tiêu chí về giao thông, có 368/386 (95%) xã đạt và cơ bản đạt; về thủy lợi: 97%; về trường học: 82%; về cơ sở vật chất văn hóa: 92%; về thu nhập: 88%; về hộ nghèo: 94%; về tổ chức sản xuất: 97%; về văn hóa: 86%; về hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh: trên 84%, về tỷ lệ huyện có đơn vị vệ sinh môi trường thực hiện công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt: 100%; về tỷ lệ thu gom rác thải trong làng tại các xã: 100%.
Tổng nguồn vốn xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thủ đô huy động được trong giai đoạn 2011 - 2015 là 25.937 tỷ đồng, bình quân 4.329 tỷ đồng/năm; so với Đề án thành phố (20.058 tỷ đồng) đạt 128% kế hoạch; so Đề án huyện, thị xã (58.573 tỷ đồng) đạt 44% kế hoạch; so Đề án các xã (68.140 tỷ đồng) đạt 38% kế hoạch.
Tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy giai đoạn 2016 - 2020 đến hết tháng 3-2018 là 25.093,3 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương: 58 tỷ đồng; ngân sách thành phố: 10.667,6 tỷ đồng (hỗ trợ trực tiếp: 4.748,7 tỷ đồng, vốn lồng ghép: 5.918,9 tỷ đồng); ngân sách cấp huyện: 11.438,7 tỷ đồng; ngân sách xã: 680,1 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động ngoài ngân sách: 2.248,9 tỷ đồng (vốn doanh nghiệp, hợp tác xã,...: 954,8 tỷ đồng; vốn dân đóng góp: 942,6 tỷ đồng; các nguồn vốn khác: 351,5 tỷ đồng).
Ngoài ngân sách nhà nước cấp cho các địa phương, các quận nội thành đã chung sức xây dựng nông thôn mới cùng với các huyện với kinh phí của 12 quận hỗ trợ 4 huyện trong giai đoạn 2010 - 2015 là 95,5 tỷ đồng. Từ năm 2016 đến nay, số tiền hỗ trợ đó là 284,9 tỷ đồng, tăng 189,4 tỷ đồng so với cuối năm 2015.
Ngoài ra, từ năm 2016 đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hà Nội đã cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn 101.385 tỷ đồng, trong đó số tiền cho vay để xây dựng nông thôn mới là 42.455 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam chi nhánh Hà Nội cho vay tại 18 huyện, thị xã 5.193 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn 500 tỷ đồng mà Ủy ban nhân dân thành phố bố trí để thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy đã tạo điều kiện cho các hộ vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của người dân.
Nhìn chung, trên toàn thành phố, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được tăng cường; các huyện, thị xã và các xã đã tích cực triển khai thực hiện cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, như đường làng, ngõ xóm được kiên cố hóa, hệ thống thoát nước cơ bản đáp ứng nhu cầu; các công trình thủy lợi, nội đồng được đầu tư xây dựng bảo đảm nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp; các trường học bảo đảm nhu cầu giảng dạy và học tập tại địa phương được nâng cấp và xây mới; các thiết bị cho các nhà văn hóa thôn bảo đảm sinh hoạt cộng đồng được đầu tư; các trạm y tế bảo đảm nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân được cải tạo, nâng cấp, xây mới.
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến hết năm 2017 đạt 38 triệu đồng/năm (tăng 5 triệu đồng so với năm 2015 và gấp gần 3 lần so với năm 2008). Toàn thành phố thực hiện “dồn điền, đổi thửa” được 79.183,1 (đạt 103,8% so với kế hoạch), tăng 2.291,3ha so với cuối năm 2015, vượt 2.901,5ha so với kế hoạch; đã cấp được 616.704/622.861 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau “dồn điền, đổi thửa”, đạt 99,1%, tăng 61,4% số giấy chứng nhận so với cuối năm 2015; một số huyện, như Thường Tín, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thanh Trì, Thạch Thất, Ứng Hòa, Hoài Đức và thị xã Sơn Tây đã hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ nông dân.
Sau “dồn điền, đổi thửa”, thành phố đã chỉ đạo hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, như các vùng sản xuất lúa chất lượng cao ở hầu hết các huyện có quy hoạch sản xuất và chuyển đổi vùng đất lúa kém hiệu quả sang các mô hình canh tác hiệu quả cao hơn, qua đó giúp gia tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Đến nay, toàn thành phố có 123 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trong điều kiện hiện nay.
Việc tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị cũng được thành phố quan tâm chỉ đạo, nhằm tăng tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Hiện toàn thành phố có 114 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Các mô hình liên kết hiện nay đã tạo ra chuyển biến tích cực, giúp người dân phát triển sản xuất bền vững và tạo những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, bước đầu các mô hình đã tạo nền tảng liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, bảo đảm đầu ra cho nông sản có thị trường tiêu thụ ổn định.
Một số bài học rút ra
Thứ nhất, coi trọng chỉ đạo và tổ chức tuyên truyền, tạo thống nhất nhận thức đúng đắn và sâu sắc về xây dựng nông thôn mới.
Công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, phương châm, cách làm trong xây dựng nông thôn mới cần có hình thức phong phú, nội dung phù hợp với các đối tượng cụ thể của địa phương. Tăng cường công tác thông tin tổng hợp, dự báo và cung cấp số liệu kịp thời, chính xác cho công tác tổng hợp báo cáo phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố để chủ động các nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp phù hợp.
Xây dựng nông thôn mới phải là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp từ thành phố đến cơ sở xã phải làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn; về mục tiêu phấn đấu vì cuộc sống của người dân để cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia với tinh thần tự nguyện và trách nhiệm cao.
Xây dựng nông thôn mới là hành động tự giác, tự thân, vì lợi ích và đáp ứng nhu cầu của gia đình và địa phương; là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các cấp; khắc phục việc coi xây dựng nông thôn mới là phong trào hình thức, thậm chí là cơ hội để xin và ỷ lại vào tài trợ từ ngân sách nhà nước.
Thứ hai, kiện toàn và nâng cao năng lực, trách nhiệm tổ chức xây dựng nông thôn mới.
Sự thành công trong xây dựng nông thôn mới đòi hỏi quyết tâm và trách nhiệm chính trị rất cao. Các cấp ủy đảng, chính quyền từ thành phố đến cơ sở phải chủ động căn cứ Chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân trong từng giai đoạn của Thành ủy, căn cứ nghị quyết đại hội đảng bộ cấp mình để ra nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới; lãnh đạo, chỉ đạo ủy ban nhân dân cùng cấp xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện vượt chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới theo nghị quyết đại hội đã đề ra.
Ban chỉ đạo các cấp, các sở, ngành cần được liên tục kiện toàn, thường xuyên bám sát cơ sở, nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi để địa phương tổ chức thực hiện theo mục tiêu đề ra. Quá trình triển khai, thực hiện cần linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tế của địa phương. Lựa chọn, chỉ đạo thực hiện các công việc có trọng tâm, trọng điểm. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và tập huấn về kiến thức xây dựng nông thôn mới cho đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ trực tiếp làm công tác xây dựng nông thôn mới ở xã, thôn, chủ động và kiên quyết thay thế cán bộ trách nhiệm không cao, uy tín thấp, thiếu năng lực trong vận dụng, cụ thể hóa, nhất là việc lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết một số vấn đề trọng tâm, lĩnh vực trọng điểm hoạt động xây dựng nông thôn mới.
Tăng cường thông tin và phối hợp nội bộ giữa các sở, ngành và giữa sở, ngành với các địa phương trong một số lĩnh vực, đặc biệt là trong công tác “dồn điền, đổi thửa”; thường xuyên giao ban, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho cơ sở. Giải quyết linh hoạt và đúng nguyên tắc các kiến nghị của địa phương; phân công rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị. Tăng cường phân cấp, tạo quyền chủ động cho cơ sở. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện chương trình, đồng thời chú trọng xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, kinh nghiệm hay trong phát triển sản xuất, huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới.
Ủy ban nhân dân thành phố, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và các xã xây dựng kế hoạch thực hiện xây dựng nông thôn mới 5 năm và kế hoạch chi tiết hằng năm, bố trí nguồn lực, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, đơn vị thuộc cấp mình quản lý tổ chức triển khai thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội phối hợp với chính quyền các cấp và các cơ quan truyền thông tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân hăng hái, tự giác tham gia công tác xây dựng nông thôn mới, nhất là việc thực hiện các tiêu chí không cần nhiều kinh phí đầu tư.
Các đơn vị quân đội, công an thành phố tăng cường công tác huấn luyện, giáo dục chính trị tư tưởng để nâng cao trình độ, năng lực và sức chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân của thành phố, phối hợp cùng với chính quyền các cấp xử lý, giải quyết kịp thời các vụ, việc phức tạp phát sinh, hoàn thành tốt các nhiệm vụ về quốc phòng và an ninh để bảo đảm giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của khu vực nông thôn của thành phố.
Thứ ba, phát huy dân chủ, công khai, minh bạch trong quy hoạch và quản lý xây dựng nông thôn mới; đa dạng hóa các nguồn lực và đồng bộ hóa các giải pháp, triển khai các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới có trọng tâm, trọng điểm.
Thực tế cho thấy, để tạo thuận lợi cho các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, phải xác định quan điểm xây dựng nông thôn mới là “việc làm của người dân nông thôn” và tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới phải tuân thủ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch chung (về sử dụng đất, khu đô thị, khu dân cư...) của Thủ đô đến năm 2030 và các quy hoạch ngành, lĩnh vực...
Trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, người dân luôn là chủ thể xây dựng nông thôn mới, đồng thời là người được thụ hưởng thành quả do chương trình nông thôn mới đem lại. Người dân phải được bàn bạc dân chủ, công khai và giám sát, kiểm tra việc thực hiện các dự án dân sinh trên địa bàn. Những công việc trực tiếp liên quan đến lợi ích của cộng đồng và người dân, nhất là xây dựng quy hoạch, đề án nông thôn mới, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, quy hoạch sản xuất, “dồn điền, đổi thửa” và cả trong việc công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới phải được thực hiện một cách minh bạch.
Thực hiện tốt việc xã hội hóa nguồn lực, động viên, khuyến khích nhân dân tham gia đóng góp công sức, tiền của, đất đai,... cho xây dựng nông thôn mới.
Công tác quy hoạch, xây dựng đề án nông thôn mới phải gắn với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi. Ưu tiên đầu tư các dự án phục vụ sản xuất, như giao thông, thủy lợi nội đồng. Kế thừa tối đa các công trình hiện có kết hợp nâng cấp và xây dựng mới. Lấy thôn, xóm làm đơn vị cơ sở và hộ gia đình là hạt nhân để vận động xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt, cần chủ động rà soát lại các quy hoạch để tối ưu hóa về kỹ thuật, giảm thiểu lượng vốn đầu tư lý thuyết cần thiết và tăng cơ hội thực tế huy động vốn đầu tư xã hội hóa và lan tỏa của từng gói đầu tư theo tiến độ quy hoạch các hạng mục liên quan (như gắn kết quy hoạch phát triển chợ và các đô thị với quy hoạch phát triển giao thông). Trong quá trình rà soát, điều chỉnh quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới cần tổ chức xin ý kiến tham gia của người dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, công khai quy hoạch và các nguồn huy động đầu tư, phát huy quyền làm chủ, sức sáng tạo của nhân dân để người dân thấy được quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Cơ chế, chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn phải cụ thể, phù hợp với thực tế, thực hiện đơn giản, nội dung thiết thực đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân và huy động nhân dân đóng góp trí tuệ, công sức, tiền bạc để xây dựng nông thôn mới.
Nguồn vốn thực hiện xây dựng nông thôn mới cần được đa dạng hóa và huy động tổng hợp từ tất cả các nguồn lực, kết hợp hài hòa giữa cơ chế thị trường với hỗ trợ trực tiếp từ nguồn ngân sách nhà nước phù hợp với đặc điểm, tính chất mỗi dự án cần đầu tư. Các nguồn vốn được kỳ vọng nhiều nhất là vốn ngân sách; phát hành trái phiếu địa phương, trái phiếu chính phủ; vốn vay thương mại từ các ngân hàng và từ Quỹ Hỗ trợ phát triển thành phố Hà Nội; vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); cũng như huy động vốn thông qua hình thức BOT (Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao), mô hình hợp tác công - tư (PPP)... Tăng cường huy động nguồn lực từ ngân sách để xây dựng nông thôn mới. Việc huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư tại chỗ phải phù hợp với điều kiện kinh tế của nhân dân. Đối với việc huy động doanh nghiệp tham gia, cần có chính sách cụ thể và bảo đảm hiệu quả cho doanh nghiệp. Trong điều kiện còn khó khăn hiện nay, trước mắt nên ưu tiên ngân sách đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nông dân, phát triển hệ thống nước sạch, đào tạo nâng cao trình độ kỹ thuật cho nông dân.
Đồng thời, cần tổ chức tôn vinh các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân ủng hộ đóng góp vốn thực hiện đề án và có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Các huyện, thị xã và các xã cần chủ động bố trí vốn tập trung dứt điểm các dự án, tránh phát sinh nợ đọng vốn xây dựng cơ bản, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đấu giá đất nhỏ lẻ, xen kẹt nhằm tạo nguồn vốn để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; kịp thời hạch toán ghi thu - ghi chi các khoản ủng hộ đóng góp bằng tiền và hiện vật vào ngân sách nhà nước theo quy định; thực hiện tốt công tác quyết toán các dự án, công trình và quyết toán đề án xây dựng nông thôn mới sau khi hoàn thành; tổ chức xây dựng kế hoạch, phương án và giải pháp huy động mọi nguồn lực để thực hiện chương trình (lấy ý kiến tham gia đóng góp của nhân dân) và triển khai phân công trách nhiệm cho từng thành viên ban chỉ đạo xã; thực hiện tốt công tác quyết toán các dự án, công trình thuộc Đề án xây dựng nông thôn mới của xã sau khi hoàn thành.
Cải thiện môi trường đầu tư ở nông thôn thông qua tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là ở các vùng khó khăn. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người dân nông thôn, gắn với nhu cầu thiết thực của người dân. Từ đó nâng cao khả năng kinh tế của người dân nông thôn nhằm tăng mức đóng góp trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Quan tâm thu hút sự hỗ trợ nguồn lực từ bên ngoài thông qua việc xây dựng công khai, kế hoạch về các dự án cụ thể theo từng năm để huy động nguồn lực cho xây dựng Chương trình nông thôn mới.
Đẩy mạnh phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, tiếp tục tăng cường huy động nội thành hỗ trợ ngoại thành và sự góp sức của cộng đồng, dân cư. Định kỳ sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm. Kịp thời biểu dương, khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích nổi bật, có cách làm sáng tạo, hiệu quả. Cán bộ làm tốt cần được quan tâm phát triển...
Với những thành công và bài học đã thu được, thành phố Hà Nội đang tiếp tục nỗ lực duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, nhất là các tiêu chí về y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường và thu nhập; phấn đấu đến năm 2020 thành phố có 90% trở lên số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 10% so với mục tiêu của Chương trình), có 14 huyện, thị xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 4 huyện so với mục tiêu của Chương trình); thu nhập của nông dân khu vực nông thôn Thủ đô đạt 49 triệu đồng/người/năm trở lên và đến cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,5% theo tiêu chí mới; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn dưới 1,5% (theo tiêu chí mới); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70% - 75%; tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề đạt từ 80% trở lên; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn đô thị đạt 100%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ở các huyện, thị xã đạt 85% trở lên. Hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được đầu tư đồng bộ, đáp ứng cơ bản yêu cầu phát triển sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân. Hệ thống chính trị vững mạnh; an ninh, trật tự và an toàn xã hội được bảo đảm./.
VinCity Gia Lâm ra mắt The Park - phân khu căn hộ đầu tiên  (31/10/2018)
Khai trương dịch vụ hội - họp tiêu chuẩn 5 sao quốc tế tại Việt Nam  (31/10/2018)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi điện chia buồn về vụ xả súng tại Mỹ  (30/10/2018)
Quốc hội bắt đầu tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn  (30/10/2018)
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay