TCCSĐT - Ngày 30-10, Quốc hội bắt đầu hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra liên tục trong ba ngày từ 30-10 đến 01-11. Nội dung quan trọng này được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri, nhân dân theo dõi.


Theo chương trình, trong ngày làm việc đầu tiên của nội dung này (30-10), sau lời khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các đại biểu Quốc hội nghe Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo tổng hợp việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.

Sau khi nghe các báo cáo trên, các đại biểu Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Cuối phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Việc chất vấn và trả lời chất vấn thực hiện theo phương thức hỏi nhanh-đáp gọn tại kỳ họp trước tiếp tục được phát huy tại kỳ họp này. Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý là phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 sẽ dành trọn vẹn 3 ngày cho các đại biểu chất vấn những vấn đề Chính phủ đã thực hiện từ đầu nhiệm kỳ tới nay, phân tích rõ nguyên nhân những mặt chưa làm được và đề ra giải pháp khắc phục.

Sáng 30-10, Quốc hội nghe Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.

100% kiến nghị đều được xem xét, giải quyết và trả lời

Theo Báo cáo, thông qua 1.423 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 5, đã có 2.115 kiến nghị của cử tri liên quan đến hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao... Đến nay, 100% kiến nghị đều được xem xét, giải quyết và trả lời tới Đoàn đại biểu quốc hội nơi cử tri kiến nghị.

Cụ thể, cử tri có 60 kiến nghị về hoạt động Quốc hội. Theo đó, cử tri đánh giá cao hoạt động của Quốc hội có nhiều đổi mới, đặc biệt là hoạt động chất vấn của các đại biểu Quốc hội dân chủ, trí tuệ, tăng tính tranh luận, qua đó nhiều vấn đề mà cử tri gửi gắm đã được xem xét, giải quyết hiệu quả.

Cử tri nhiều tỉnh, thành phố tiếp tục kiến nghị Quốc hội hạn chế đến mức tối đa việc giao Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết các điều, khoản trong luật; quan tâm giám sát việc ban hành những văn bản này để giảm thiểu tình trạng văn bản hướng dẫn trái với nội dung của luật, không đúng thẩm quyền... ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người dân.

Các cử tri đã gửi 2.004 ý kiến (chiếm 94,75%), kiến nghị công tác điều hành của Chính phủ. Toàn bộ nội dung kiến nghị trên đã được gửi đến Chính phủ, các bộ, ngành, được nghiên cứu, giải quyết, trả lời. Trong đó, 1.599 kiến nghị được giải trình, cung cấp thông tin tới cử tri; có 103 kiến nghị (5,14%) đã giải quyết xong, thông qua sửa đổi 16 văn bản theo phản ánh của cử tri; thanh tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường; về tình trạng lạm thu đầu năm học, bạo hành trẻ mầm non; về quy hoạch, hỗ trợ, tái định cư cho người dân Khu đô thị Thủ Thiêm...

Đặc biệt, theo phản ánh của cử tri Kiên Giang, Ninh Thuận, Phú Thọ... về tình trạng buôn lậu, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thực phẩm, dược phẩm, Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tiến hành thanh tra, kiểm tra 728 cơ sở, phát hiện và xử lý 367 vụ vi phạm, chuyển cơ quan điều tra một số vụ vi phạm nghiêm trọng, như vụ VINACA, khăn lụa Khaisilk, mỹ phẩm TS, xác minh dấu hiệu vi phạm với sản phẩm nhãn hiệu CONCUNG; xem xét, xử lý cán bộ có dấu hiệu vi phạm trong thực thi công vụ.

Đối với 302 kiến nghị (15,07%) đang giải quyết, đã có 234 kiến nghị dự kiến thời hạn giải quyết xong (chiếm 77,48%) tạo sự tin tưởng yên tâm đối với cử tri.

Tất cả các Đoàn đại biểu Quốc hội đều nhận xét Chính phủ, các bộ, ngành rất nỗ lực, trách nhiệm trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri, có sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng, số lượng và thời hạn giải quyết, cơ bản đã giải đáp thỏa đáng những vấn đề cử tri phản ánh qua các đợt tiếp xúc cử tri. Lần đầu tiên có bộ không còn tồn đọng kiến nghị chưa giải quyết như: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Một số tồn tại nêu tại các báo cáo kỳ trước đã được tích cực giải quyết, như việc công khai lịch tiếp công dân định kỳ trên cổng thông tin điện tử được 100% bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện (tăng 11 bộ).

Một số văn bản đã được xem xét sửa đổi theo kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tháo gỡ khó khăn cho người dân, như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình Chính phủ ban hành Nghị định 116 về một số chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn; Bộ Tài nguyên và Môi trường dự thảo thông tư về tiêu chí phân loại đất lâm nghiệp và đất có rừng; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thành dự thảo thông tư về tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp viên chức tại Trung tâm Khuyến nông...

Một số văn bản trả lời cử tri còn chung chung


Cũng theo Báo cáo, một số văn bản trả lời cử tri có nội dung còn chung chung, chủ yếu là tiếp thu và sẽ nghiên cứu giải quyết nên khó khăn khi thực hiện. Một số bộ, ngành tránh để kiến nghị tồn đọng nên đã phân loại các kiến nghị cần thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm sang dạng chỉ cần cung cấp thông tin tới cử tri.

Điển hình như việc cử tri Bình Định, Quảng Ngãi phản ánh về chất lượng công trình cao tốc Quảng Nam-Quảng Ngãi, đường Quốc lộ 1A đoạn qua Bình Định chưa bảo đảm; hệ thống thoát nước, đường dân sinh chưa phù hợp, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân nhưng chỉ được Bộ Giao thông vận tải tiếp thu và sẽ nghiên cứu giải quyết. Hiện tượng này cũng dẫn tới tỷ lệ kiến nghị được giải quyết thấp, chủ yếu là cung cấp thông tin, chiếm 79,79%.

Cá biệt có cơ quan viện dẫn văn bản không liên quan để trả lời như cử tri Ninh Bình hỏi chế độ phụ cấp và nơi sinh hoạt của Phó trưởng Ban chuyên trách Hội đồng Nhân dân cấp huyện. Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện theo Nghị quyết số 1206 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (trong Nghị quyết không quy định về vấn đề này).

Bên cạnh đó, một số văn bản ban hành chậm, ảnh hưởng đến người dân, nguồn thu của ngân sách. Việc cải cách thủ tục hành chính, được Chính phủ chỉ đạo thực hiện rất quyết liệt, có nhiều chuyển biến, nhưng trong một số ít lĩnh vực việc cắt giảm còn hình thức, chạy theo số lượng, có lĩnh vực chi phí tuân thủ cho một thủ tục lên tới hàng trăm giờ, hàng chục triệu đồng.

Cũng theo Báo cáo trên, từ đầu kỳ nhiệm kỳ tới nay, có 6.449 cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội trên phạm vi toàn quốc, qua đó tiếp nhận 9.991 kiến nghị của cử tri. Trong đó, khối Chính phủ tiếp nhận và giải quyết nhiều kiến nghị nhất với 9.400 kiến nghị, chiếm 94,08%.

Đến nay, toàn bộ số kiến nghị này đã được xem xét, trả lời cử tri; trong đó có 1.878 kiến nghị đã giải quyết xong, đạt 18,79 %, cao nhất trong vòng 15 năm và cao gấp 1,5 lần nhiệm kỳ trước.

Trước một số khó khăn cử tri phản ánh như việc thu hút đầu tư tại các địa phương; chi phí vận chuyển, logistic quá cao; nhiều thủ tục hành chính rườm rà; công chức thực thi công vụ còn cửa quyền, hách dịch,...

Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với nông dân, công nhân, doanh nghiệp; chỉ đạo, chủ trì nhiều hội thảo, hội nghị xúc tiến đầu tư, thành lập Tổ công tác kiểm tra tại các bộ, ngành, địa phương; triển khai thực hiện các quy chế, chương trình phối hợp giữa cơ quan hành chính các cấp với các cơ quan của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như ký quy chế phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương; chọn chủ đề năm 2018 là “Năm Dân vận Chính quyền,” qua đó tạo môi trường kinh doanh thông thoáng hơn, tháo gỡ nhiều khó khăn mà cử tri nêu, kết quả tăng trưởng kinh tế GDP chín tháng đầu năm đạt 6,98% vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, được cử tri ghi nhận, đánh giá cao.

Cùng ngày, các đại biểu Quốc hội đã nêu nhiều câu hỏi đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân về việc bổ nhiệm chức danh “hàm”; công tác cán bộ đối với người dân tộc thiểu số, cải cách thủ hành chính, việc tinh gọn bộ máy nhà nước.

333 thực hiện bổ nhiệm chức danh “hàm”


Trả lời chất vấn của đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) về giải quyết vấn đề bổ nhiệm chức danh "hàm" ở các cơ quan trung ương mà dư luận quan tâm từ khóa trước tới nay, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: “Luật cán bộ công chức không có quy định về hàm. Nếu có ban hành nghị định hay quyết định về hàm thì đây là quyết định không có đầu, có nghĩa là không có luật quy định điều này. Do đó, sau kỳ họp Quốc hội này, Bộ Nội vụ sẽ thông báo tới tất cả các địa phương, bộ, ngành về việc không thực hiện bổ nhiệm chức danh hàm nữa".

Cũng theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, để thực hiện Kế hoạch 04-KH/TW của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự thoái hóa về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ và thực hiện Kế hoạch số 10-KH/TW thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ, Ban Tổ chức Trung ương đã được giao nhiệm vụ xây dựng đề án về tiêu chuẩn, chế độ, chính sách đối với đội ngũ chuyên gia, tiêu chuẩn trợ lý, thư ký các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong đó có chức danh hàm.

Do đó, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương xây dựng đề án này trình Bộ Chính trị. Nếu được chấp thuận, từ Đề án này Bộ Nội vụ sẽ chỉnh sửa các văn bản quy phạm pháp luật kèm theo phục vụ Đề án.

Ưu tiên cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số

Trả lời chất vấn về giải pháp căn cơ nhằm nâng cao tỷ lệ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số trong các cơ quan Nhà nước các cấp của đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An), Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết Chính phủ đã ban hành Quyết định số 402/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới.

Trong Quyết định này có nêu rõ trách nhiệm của Bộ Nội vụ về nghiên cứu, xây dựng và sửa đổi, bổ sung các chính sách đặc thù trong tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng viên chức và chế độ đào tạo bồi dưỡng đối với người dân tộc thiểu số; đồng thời xác định tỷ lệ tối thiểu cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số làm việc tại các địa phương.

Quyết định nêu rõ việc bố trí cán bộ các cấp đối với các địa phương có từ 5% người dân tộc thiểu số trở lên. Cùng với đó, chế độ chính sách đối với người dân tộc thiểu số đã từng bước được hoàn thiện.

Cũng theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 05/2017 quy định miễn thi ngoại ngữ trong các kỳ thi nâng ngạch công chức đối với người dân tộc thiểu số, đưa nội dung đào tạo tiếng dân tộc thiểu số vào nội dung bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Bên cạnh đó, việc ưu tiên quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số trẻ sẽ được đề bạt, bổ nhiệm vào những chức danh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; trường hợp thiếu các tiêu chuẩn cũng được ưu tiên. Đối với trường hợp thi tuyển vào các chức danh của cán bộ lãnh đạo, quản lý..., nếu hai người trúng tuyển cùng một chức danh, qua vòng hai thì cũng ưu tiên cho người dân tộc thiểu số.

Thực hiện nghiêm công vụ

Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) về đánh giá hiệu quả của Tổ công tác về kiểm tra công vụ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết để thực hiện nghiêm công vụ của công chức, ngày 02-4-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 364 về việc thành lập Tổ công tác kiểm tra về công vụ, giao cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm Tổ trưởng.

Từ tháng 7 đến nay, Bộ Nội vụ đã ban hành các quy chế và chương trình hoạt động của Tổ công tác. Nội dung kiểm tra công vụ tập trung vào các vấn đề: Kỷ cương, kỷ luật hành chính, tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, kế hoạch của Nhà nước; về đạo đức công vụ, tổ chức bộ máy về tinh giản biên chế, công tác tuyển dụng, đề bạt cán bộ, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo.

Tổ công tác đã kiểm tra 12 đơn vị gồm 8 địa phương, 4 bộ, ngành, qua đó chỉ ra những phần thực hiện chưa nghiêm các nhiệm vụ mà Thủ tướng và Chính phủ giao, các quy định pháp luật, đặc biệt là công tác quản lý cán bộ, đề bạt, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ, tổ chức biên chế... Hàng tháng, Tổ công tác có báo cáo trình Chính phủ và Thủ tướng, kết hợp chặt chẽ giữa thanh tra của bộ, ngành và thanh tra chính phủ để thực hiện công tác hậu kiểm.

Nhằm tìm ra những điểm pháp luật hiện chưa phù hợp trên cơ sở phản ánh của các địa phương, Tổ Công tác giúp Bộ Nội vụ và các ngành tham mưu trong việc sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp trong tình hình hiện nay.

Việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế còn chậm

Nêu vấn đề tinh gọn bộ máy hiện nay mới theo cơ học, chưa có sự thống nhất giữa các địa phương, ngành, số lượng tinh giản biên chế chủ yếu vẫn là nghỉ hưu, nghỉ chế độ viên chức hợp đồng theo Nghị định 68/NĐ-CP, đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) cho rằng thực tế công chức, viên chức chưa được tinh giản. Bộ Nội vụ chưa có quy định hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ đối với cơ quan mới sau khi sáp nhập nên việc thực hiện nhiệm vụ vẫn theo quy định cũ, đầu mối giảm nhưng thực chất chưa giảm.

Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế còn chậm khi triển khai Nghị quyết Trung ương 6.

Lý giải nguyên nhân này, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thừa nhận là do việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn. Bộ trưởng cho biết theo Nghị quyết 56 của Quốc hội, Nghị quyết 18 và 19 của Hội nghị Trung ương 6, Bộ Nội vụ được giao điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung 4 bộ luật gồm Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức. Cùng với đó, Bộ Nội vụ được giao sửa đổi 12 nghị định và khoảng 30 thông tư để triển khai việc sắp xếp lại bộ máy.

Trước mắt, Bộ Nội vụ tập trung sửa đổi Nghị định 24/NĐ-CP và Nghị định 37/NĐ-CP về cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và cấp huyện; sửa đổi Nghị định 123/NĐ-CP về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan bộ, cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ; Nghị định 10/NĐ-CP về cơ cấu tổ chức và chức năng của các đơn vị thuộc Chính phủ. Tất cả những văn bản trên phải phù hợp với Nghị quyết của Đảng.

Theo người đứng đầu ngành Nội vụ, thời gian qua, việc chậm ban hành các nghị định trên là do chờ hướng dẫn của Bộ Chính trị về thí điểm hợp nhất và tổ chức lại một số cơ quan của Nhà nước và cơ quan tham mưu giúp việc của Đảng có chức năng tương đồng.

Đến nay, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay các nghị định này đã được trình Chính phủ. Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Ban cán sự Đảng Chính phủ xin ý kiến Bộ Chính trị 3 nội dung: Khung các cơ quan chuyên môn các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện; tiêu chuẩn, điều kiện để thành lập các đơn vị hành chính (số lượng người tối thiểu, số lượng cấp phó tối đa cho từng đơn vị). Khi có ý kiến của Bộ Chính trị, Chính phủ sẽ ký và ban hành các nghị định về cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện. Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ sẽ chỉnh sửa, bổ sung Nghị định 123/NĐ-CP và Nghị định 10/NĐ-CP.

Tăng cường cải cách thủ tục hành chính


Trả lời chất vấn của đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) về vấn đề cải cách thủ tục hành chính hiện nay, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ và thực hiện một số giải pháp đối với vấn đề này như tăng cường trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị nhà nước trong công tác thanh tra, kiểm tra; phát huy hoạt động đối với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác của các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh.

Cùng với đó, tiếp tục triển khai đồng bộ nội dung cải cách hành chính theo quy định tại Nghị quyết 30c ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, Quyết định 225/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nghiêm túc kết luận của Thủ tướng Chính phủ trong việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.

Bộ Nội vụ đề nghị tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, trong đó chủ yếu xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và các tổ chức hoạt động của các loại hình hành chính; đẩy mạnh cải cách bộ máy hành chính gọn nhẹ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cải cách về thủ tục hành chính, củng cố kiện toàn mô hình "một cửa".

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị thời gian tới, cần thực hiện nghiêm Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện kỷ cương, kỷ luật hành chính theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời đẩy nhanh thực hiện Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, hoàn thiện hệ thống dữ liệu quốc gia cho phát triển kinh tế - xã hội./.