Tiếp tục kỳ họp Quốc hội khóa XIV

BTV/TTXVN
21:51, ngày 31-10-2018

TCCSĐT - Chiều 31-10, Quốc hội tiếp tục tiến hành các phiên chất vấn đối với các thành viên Chính phủ.

Kiên quyết xử lý tình trạng chồng chéo trong thanh tra, kiểm toán

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 31-10, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đã giải trình, làm rõ nhiều nội dung liên quan đến việc tiếp công dân định kỳ; giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán...

Tiếp công dân gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo

Đại biểu Quách Thế Tản (Hòa Bình) nêu câu hỏi theo báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tiếp công dân định kỳ của chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp hầu hết chưa đạt yêu cầu theo quy định của Luật Tiếp công dân; đối thoại với công dân còn hình thức, kết quả giải quyết vụ việc chưa cao và còn nhiều vụ việc khiếu kiện đông người vượt cấp. Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng có nhận định tương tự. Đại biểu đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng này.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái thừa nhận bên cạnh những địa phương, bộ, ngành làm tốt công tác tiếp công dân, vẫn còn một số người đứng đầu không thực hiện nghiêm quy định của Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, nhất là về thời gian tiếp công dân, số lượng tiếp công dân trong một năm, việc tiếp nhận và xử lý đơn thư, thời hạn ra quyết định giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo...

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, những vấn đề này cần được thực hiện nghiêm trong thời gian tới. Cụ thể, cần thực hiện nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan của Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, huyện, xã. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã tiếp công dân mỗi tuần một ngày, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện tiếp công dân mỗi tháng 2 ngày, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh thì mỗi tháng tiếp một ngày.

Đồng thời, cần tăng cường tiếp công dân để phát hiện những khiếu nại, tố cáo, chấn chỉnh những thiếu sót và sai phạm; xử lý nghiêm những hành vi sai sót theo quy định của luật cũng như trách nhiệm của người đứng đầu. Mặt khác, để nhân dân giám sát kết quả thanh tra và đánh giá đầy đủ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cần phải công khai những nơi làm tốt, nơi làm không tốt.

Bên cạnh đó, việc tiếp công dân phải gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo, nếu chỉ tiếp mà không giải quyết khiếu nại, tố cáo thì không đạt yêu cầu. Do vậy phải nâng cao chất lượng tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, nhất là trong việc chấp hành pháp luật về đất đai.

Cần sửa Luật Thanh tra

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ về tình trạng thanh tra chồng chéo, trùng lắp khiến doanh nghiệp hàng năm phải tiếp rất nhiều đơn vị thanh tra. “Phải xử lý vấn đề này như thế nào?”, đại biểu đặt câu hỏi.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết thanh tra Nhà nước hoạt động theo Luật Thanh tra, trong hệ thống có Thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh, huyện, thanh tra các bộ, ngành và thanh tra chuyên ngành thuộc Sở. Hoạt động kiểm toán được điều chỉnh bởi Luật Kiểm toán Nhà nước. Việc chồng chéo, trùng lắp giữa hoạt động thanh tra và kiểm toán có thể xảy ra ở cả khu vực nhà nước cũng như khu vực ngoài nhà nước.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, Điều 16 Luật Thanh tra quy định Tổng Thanh tra Chính phủ có nhiệm vụ chủ trì xử lý sự chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động của hệ thống thanh tra nhà nước.
“Với vai trò này, hằng năm Thanh tra Chính phủ có định hướng đối với toàn hệ thống thanh tra kể cả thanh tra nhà nước và thanh tra tỉnh. Việc tổ chức thực hiện, chọn đối tượng cụ thể, nếu có chồng chéo giữa các bộ thì tự xử lý với nhau, không xử lý được Tổng Thanh tra Chính phủ sẽ xử lý”, ông Lê Minh Khái nêu rõ.

Tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho biết Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước đã có Quy chế phối hợp. Hai bên sẽ trao đổi với nhau trước khi xây dựng kế hoạch trên tinh thần định hướng chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ.

“Chúng tôi chia sẻ thông tin và thống nhất với nhau kế hoạch thanh tra và kiểm toán để tránh chồng chéo, trùng lắp”, ông Khái nói.

Nhấn mạnh việc kiên quyết xử lý sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra và kiểm toán, Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng trước mắt phải sửa Luật Thanh tra, đồng thời nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 01/2014/TT-TTCP quy định việc xây dựng, phê duyệt định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra và Thông tư 05/2014/TT-TTCP quy định về tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác của đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra; nghiên cứu tổng kết quy chế phối hợp với Kiểm toán Nhà nước để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Bảo đảm người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình

Chiều 31-10, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã giải đáp các vấn đề về chính sách đối với người có công với cách mạng.

Cụ thể hóa chính sách cho người có công theo tình hình, điều kiện cụ thể

Nêu vấn đề tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Hội (đoàn Nghệ An) mong muốn Chính phủ quan tâm tới việc điều chỉnh chính sách dành cho người có công - nhất là trường hợp liệt sỹ hy sinh trước năm 1975 không còn thân nhân, mức tiền thờ cúng hỗ trợ hiện nay chỉ có 500.000 đồng.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ghi nhận ý kiến của đại biểu, đồng thời cho biết hiện nay, theo Chỉ thị 14 của Ban Bí thư, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng các địa phương đang tiến hành tổng kết 5 năm thi hành Pháp lệnh Người có công và trong tháng 12 này, sẽ trình Chính phủ nội dung soạn thảo Pháp lệnh Người có công (sửa đổi).

“Theo đó, sẽ rà roát tổng thể chính sách của cả 13 đối tượng người có công. Trên cơ sở đó, sẽ xem xét, đề xuất một cách hợp lý nhất, trên cơ sở phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của đất nước - trong đó có chính sách này”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ.

Liên quan đến các chính sách đối với người có công, đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai (đoàn Trà Vinh) băn khoăn: “Quyết định 118-TTg Chính phủ hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở, có gì “sai phạm” không so với Pháp lệnh 26 về Ưu đãi người có công với cách mạng và Nghị định 198, khi thực hiện theo Quyết định 118, vừa hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ giao đất, vừa miễn giảm đất, thì có sai phạm không?”

Trả lời đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định các chính sách mà Đảng, Nhà nước, nhân dân đang tập trung thực hiện thực hiện thể hiện sự tri ân đối với người có công. Về cơ bản, người có công đã được hưởng các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước.

Bộ trưởng cho rằng chính sách về người có công là một trong những chính sách thực hiện tốt nhất trong thời gian vừa qua. “Riêng câu hỏi Quyết định 118 có gì sai phạm không so với Pháp lệnh 26 và Nghị định 198, tôi xin báo cáo: Các quyết định của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ là nhằm cụ thể hóa các quy định của pháp lệnh, không bao giờ trái so với pháp lệnh”, tư lệnh ngành lao động - thương binh và xã hội cho hay.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, các chính sách được Chính phủ cụ thể hóa như hỗ trợ nhà ở, đất ở... theo điều kiện cụ thể, tình hình kinh tế xã hội từng thời gian, với từng đối tượng.

Bộ trưởng nêu ví dụ về Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung hỗ trợ người có công có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Từ đó, thời gian qua có 410 nghìn ngôi nhà cho người có công đã được xây dựng. Với các đối tượng khác, ngân sách chưa có khả năng, Bộ trưởng cho biết sẽ vận động xã hội cũng như các địa phương tham gia đóng góp, đảm bảo người có công có cuộc sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư.

Sớm xem xét, giải quyết các trường hợp vướng mắc

Đại biểu Hà Thị Lan (đoàn Bắc Giang) chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và đề nghị Bộ trưởng cho ý kiến về vấn đề một số gia đình có người thân hy sinh trong tham gia các cuộc kháng chiến nhưng đến nay chưa được công nhận là liệt sỹ, do các thông tin lưu giữ không đầy đủ.

Tiêu biểu là tại Bắc Giang còn 160 trường hợp chưa được giải quyết, trong đó có một số trường hợp có mộ trong nghĩa trang liệt sỹ xã, có tên trong bảng ghi công và được ghi trong lịch sử đảng bộ xã nhưng chưa được công nhận là liệt sỹ.

Bày tỏ ngạc nhiên trước thông tin đại biểu Lan đưa ra về việc Bắc Giang còn tới 160 trường hợp liệt sỹ chưa được công nhận, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết hiện nay Bộ cùng với các địa phương đang tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng, nhất là hồ sơ liệt sỹ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh. “Về cơ bản, các địa phương cũng đã giải quyết xong ở cấp tỉnh. Do đó, chúng tôi ghi nhận ý kiến này và sẽ làm việc ngay với Bắc Giang để xem xét lại trường hợp này”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ: “Tôi nghĩ là đối với liệt sỹ đã nằm trong nghĩa trang và có danh tính trong lịch sử đảng bộ, thì đương nhiên về nguyên tắc là đã được công nhận”. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng cũng có trường hợp, mặc dù đã nằm trong nghĩa trang nhưng vẫn không đủ điều kiện để công nhận liệt sỹ. Vì những trường hợp này đã báo tử là tử sỹ hoặc do những giai đoạn lịch sử nhất định, nhiều trường hợp không phải là liệt sỹ, nhưng thực tế đang nằm ở nghĩa trang. “Vì vậy, với các trường hợp cụ thể, đề nghị địa phương chuyển hồ sơ, chúng tôi sẽ xem xét xử lý ngay trong thời gian tới”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Không có lợi ích nhóm trong xử lý các dự án kém hiệu quả

Không có chuyện bao che dù ở bất cứ cấp nào với những cá nhân và tổ chức vi phạm; không có lợi ích nhóm trong việc xử lý đối với các dự án kém hiệu quả. Đây là khẳng định của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khi trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp chiều 31-10.

Tiến độ xử lý dự án chậm

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho biết trong các phiên chất vấn trước đây, ông đã đặt vấn đề xử lý các dự án thua lỗ tại Bộ Công Thương. Đến nay, mặc dù Chính phủ, Bộ Công Thương đã có nhiều ý kiến chỉ đạo triển khai xử lý nhưng tiến độ còn chậm, đặc biệt tại Dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2.

Văn bản kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu tiến độ tiến hành thoái vốn dự án trong năm 2018 nhưng đến nay đã là quý 4/2018, vẫn chưa được thực hiện. “Sự chậm trễ ở đây là gì? Có lợi ích nhóm trong việc cố tình kéo dài thoái vốn tại doanh nghiệp để trục lợi?, đại biểu đặt câu hỏi.

Ngoài ra, cử tri và nhân dân nghi ngờ tính nghiêm minh trong xử lý vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng xảy ra tại các dự án này. “Đề nghị Bộ trưởng Công Thương làm rõ băn khoăn này”, đại biểu chất vấn.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh xác nhận Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 bị chậm so với tiến độ chung của 12 dự án do quá trình triển khai rất phức tạp. Bộ trưởng chỉ rõ nguyên nhân là do các tranh chấp pháp lý giữa Tổng Công ty thép Việt Nam, Công ty Gang thép Thái Nguyên với tổng thầu EPC (là tổng thấu nước ngoài).

“Có khả năng sẽ phải giải quyết tranh chấp pháp lý quốc tế với tổng thầu, vì có nhiều vấn đề tồn đọng trong suốt quá trình triển khai dự án qua nhiều giai đoạn. Vấn đề này rất phức tạp, có những việc làm không đúng trách nhiệm của chủ đầu tư và tổng thầu”, Bộ trưởng cho biết.

Bên cạnh đó, việc thoái vốn nhà nước ra khỏi Tổng Công ty Thép Việt Nam, cơ quan chủ sở hữu của Công ty Gang thép Thái Nguyên và cũng là chủ đầu tư Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 còn vướng mắc.

Sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã tích cực rà soát để triển khai việc thoái vốn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện lại vướng vào vấn đề mới, liên quan đến cam kết bảo lãnh của Tổng Công ty Thép với Công ty Gang thép Thái Nguyên trong Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, với khoản vay hơn 1.800 tỷ đồng của Vietinbank. Nếu thoái vốn sẽ gây thiệt hại lớn cho nhà nước, vì Tổng Công ty Thép đã cam kết 100% bảo lãnh cho khoản vay này.

“Phải giải quyết xong được khoản giải chấp đối với bảo lãnh này thì mới tiến hành thoái vốn được. Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ và xin phép triển khai xây dựng phương án mới cho phù hợp”, Bộ trưởng Công Thương giải trình.

Liên quan đến trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức có nghiêm minh hay không, có sự bao che hay không, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, tất cả 12 dự án đã làm đồng bộ và toàn diện về các khía cạnh. Trong đó, có rà soát về pháp lý và xem xét trách nhiệm kể cả các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Người đứng đầu ngành Công Thương cho biết có bốn dự án đã chuyển cơ quan công an để điều tra; khởi tố vi phạm tại hai dự án (PVTex Đình Vũ và Nhiên liệu sinh học Phú Thọ). Ngoài ra, cơ quan chức năng đang điều tra các dự án khác có dấu hiệu vi phạm pháp luật như Dự án Nhà máy đạm Ninh Bình, Dự án Nhà máy đạm Hà Bắc...

Thông tin thêm về nhiều cá nhân đã bị tạm giam, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: “Chắc chắn không có chuyện bao che dù ở bất cứ cấp nào với những cá nhân và tổ chức liên quan. Tôi đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an cung cấp thêm thông tin liên quan đến các hoạt động kiểm tra, thanh tra, điều tra với các đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Không có lợi ích nhóm trong việc xử lý tồn tại, vướng mắc của các dự án”.

Hỗ trợ doanh nghiệp phòng vệ thương mại

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, đại biểu Trương Anh Tuấn (Nam Định) nêu câu hỏi về việc thương trường là chiến trường, các quốc gia đều có biện pháp phòng vệ thương mại để bảo hộ sản xuất. Bộ đã có giải pháp gì để bảo vệ, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) chất vấn Bộ Công Thương về việc Bộ sẽ làm gì để hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam phát triển trước sức ép cạnh tranh của doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam.

Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu Bộ Công Thương đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp chủ động tham gia vào các hiệp định thương mại tự do, sắp tới đây là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường trong nước, có cơ chế phối hợp với các hiệp hội, tổ chức thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp trong xử lý tranh chấp thương mại quốc tế...

Trả lời đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, Bộ trưởng Công Thương cho biết hoạt động phát triển thị trường thương mại nội địa phải đối mặt với áp lực cạnh tranh của doanh nghiệp nước ngoài. “Mặc dù chúng ta có điều kiện bảo lưu với Tổ chức Thương mại thế giới nhưng nguyên tắc vẫn phải mở cửa thị trường nội địa cho doanh nghiệp nước ngoài tham gia”, Bộ trưởng nêu rõ và cho biết thêm, trong báo cáo trình Bộ Chính trị về đề án phát triển hàng Việt Nam và phát triển thương mại nội địa, Bộ đã có hàng loạt giải pháp trong đó có việc hoàn thiện hạ tầng thương mại, tiếp tục phát triển nguồn nhân lực... Điều quan trọng là phải nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa nội địa, trong đó có tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các sản phẩm công nghiệp./.