TCCSĐT - Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố đã tròn 40 năm, nhưng mỗi lần đọc lại, chúng ta lại càng cảm nhận rõ hơn công lao và sự nghiệp vĩ đại của Người đối với Đảng ta, dân tộc ta và cách mạng thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi nhưng đã để lại cho chúng ta một di sản quý báu, đó là sự nghiệp vĩ đại và đạo đức, phong cách của Người. Bốn mươi năm qua, cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng đã học tập, làm theo tấm gương của Người, rèn luyện đạo đức, phong cách làm việc cách mạng và khoa học, xứng đáng là những thế hệ cán bộ, đảng viên thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội, mang ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh tới đích cuối cùng.

Phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân

Có thể nói, đây là luận điểm thể hiện rõ nhất tính kế thừa, đổi mới và cách mạng trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những người làm lãnh đạo, quản lý phải thấm nhuần luận điểm này trong hành động thực tế. Điều đó sẽ góp phần quyết định vào việc củng cố mối quan hệ giữa Đảng và dân, nhất là trong tình hình hiện nay.

Trong thời đại dân chủ, Đảng lãnh đạo và những người cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có bổn phận phát huy quyền làm chủ của dân, làm công bộc phục vụ nhân dân một cách trung thành. Mọi biểu hiện quan liêu, xa rời dân chỉ làm cho Đảng suy yếu.

Trong toàn Đảng, nếu mọi cán bộ, đảng viên dều làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân, thì sẽ thật sự làm cho mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân gắn bó chặt chẽ, đồng thời, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, xã hội và nhân dân. Trong Di chúc, Người khẳng định rõ: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(1) .

Tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác-Lê-nin, trung với nước, hiếu với dân

Ngay từ những năm 1924-1927, bài giảng đầu tiên của Người trong giáo dục lý luận cách mạng cho những thanh niên Việt Nam yêu nước tại Quảng Châu là vấn đề tư cách đạo đức người cách mạng. Trong đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ ra một phẩm chất đạo đức quan trọng là “Giữ chủ nghĩa cho vững”, tức là người cách mạng muốn đi tới thành công phải trung thành với chủ nghĩa Mác - Lê-nin và lấy đó làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hoạt động. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời, không chỉ tuyệt đối trung thành mà còn luôn biết vận sụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác- Lê-nin trong hoạch định đường lối, chính sách, trong lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta. Chuẩn bị cho phút lâm chung, Người vẫn thanh thản viết: “Tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê-nin và các nhà cách mạng đàn anh khác”. Nghĩa là từ lúc giác ngộ chủ nghĩa Mác Lê-nin cho đến khi bước vào thế giới người hiền, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn trung thành với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, và đã thực hiện trọn vẹn điều Người hằng dạy cán bộ, đảng viên: Trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân.

Về nội dung hiếu với dân, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó không chỉ là sự hiếu thảo trong gia đình mà điều quan trọng là trung thành và hết lòng phục vụ Tổ quốc, chăm lo đời sống nhân dân. Trong Di chúc, như chúng ta đều biết, Người căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Đó là lời căn dặn của một lãnh tụ có tầm nhìn xa trông rộng - nhìn sâu về quá khứ, nhìn rõ hiện tại, nhìn xa đến tương lai của dân tộc và nhân loại.

Với tư tưởng nhân văn cao cả, Người cho rằng, những công việc đầu tiên sau chiến tranh là “công việc đối với con người”. Đó cũng chính là điều mà người đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý hôm nay phải hết sức quan tâm, học tập Bác Hồ.

Trước hết là đối với những người có công với Tổ quốc - các thương binh, Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách giúp họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với liệt sĩ, các địa phương cần xây dựng vườn hoa, bia kỷ niệm để ghi công và đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho các thế hệ sau. Đối với cha, mẹ, vợ, con của thương binh, liệt sĩ mà thiếu lao động, túng thiếu, thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ họ có công ăn, việc làm thích hợp, quyết không để họ đói, rét.

Những căn dặn của Người vừa bao quát, vừa hết sức cụ thể và thiết thực, là những phương hướng chỉ đạo cho công tác thương binh, liệt sĩ.

Người còn chỉ rõ, đối với những thanh niên nam, nữ đã trải qua thử thách trong chiến đấu và lao động sản xuất gian khổ thời kỳ chiến tranh, Đảng, Nhà nước cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng họ thành đội quân chủ lực, cốt cán trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Người hết sức quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới, coi công cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng của phụ nữ là rất quan trọng và có ý nghĩa như một cuộc cách mạng.

Đặc biệt, Người đánh giá cao và cảm thông sâu sắc đối với bà con nông dân. Nông dân đã luôn trung thành với Đảng, Chính phủ ta, đã có nhiều đóng góp người và của cho cách mạng, kháng chiến, nên khi kháng chiến chống đế quốc Mỹ thắng lợi, “đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp, để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”. Đây là một chủ trương vì dân hết sức sáng suốt, cụ thể, thiết thực. Tiếc rằng chúng ta thực hiện có phần hơi chậm trễ.

Về thế hệ trẻ Việt Nam, Người tin tưởng, khẳng định sứ mệnh của họ sẽ là những người xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, với điều kiện Đảng, Nhà nước phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”.

Phương pháp giáo dục đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ, cho nhân dân, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, không gì hơn là chính cán bộ, đảng viên, nhất là các cán bộ lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu thực hiện đạo đức, nói phải đi đôi với làm. Người khẳng định: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước… Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã”.

Học tập đạo đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư và thường xuyên phê bình, tự phê bình

Nếu mỗi cán bộ, đảng viên thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư thì bệnh tham những, tham ô, quan liêu, lãng phí nhất định bị ngăn chặn, đẩy lùi. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, đảng viên thường ở các vị trí lãnh đạo, quản lý, có chức vụ, có quyền lực nên phải hết sức tu dưỡng, rèn luyện mới tránh sa ngã trước tiền bạc và nguy cơ sống xa dân, cách biệt với dân, sinh thói quan liêu mệnh lệnh, đứng trên nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyên cán bộ, đảng viên phải biết dùng phê bình và tự phê bình như một phương thuốc trị bệnh, cứu người. Muốn vậy, phải có tinh thần trung thực và phương pháp khéo léo mới có hiệu quả. Như bánh ngon nhưng ăn phải đúng lúc, cách mời ăn phải lịch sự thì mới ăn ngon được. Tự phê bình và phê bình cũng vậy, phải đúng lúc và đúng cách. Và nhất là phải phê bình trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, thương yêu lẫn nhau, phải nhằm mục đích làm cho mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng nhận rõ khuyết điểm để sửa chữa, ưu điểm để phát huy. Mỗi con người đều có cái thiện, cái ác ở trong lòng, bởi vậy, thái độ của người cách mạng là phải biết làm cho phần tốt nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi .

Trong Di chúc, Người căn dặn: “Trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất của Đảng”. Đó là đoạn trong bản Di chúc Bác Hồ đánh máy ngày 15-5-1965. Một năm sau, trong những ngày từ 12 đến 14-5-1966, đọc đi đọc lại lời căn dặn về nguyên tắc, phương pháp phê bình và tự phê bình nói trên, Người đã cẩn trọng thêm vào câu kết: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”(2). Theo Người, chỉ khi thật sự tiến hành phê bình và tự phê bình trên tinh thần có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau mới là có tính xây dựng, nhằm trị bệnh cứu người, hoàn toàn không phải là kiểu làm qua loa chiếu lệ, hoặc nhân cơ hội phê bình để đả kích, thanh toán, lật đổ nhau.

Di chúc là tất cả sự suy nghĩ trăn trở của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cả quá khứ, hiện tại và tương lai của dân tộc ta. Có nhà nghiên cứu cho rằng, Di chúc của Bác hầu như bao quát toàn bộ các vấn đề cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh. Cho nên, việc học tập và thực hiện Di chúc không phải chỉ làm trong một lúc, trong các dịp kỷ niệm, mà nên là một công việc thường xuyên, lâu dài trong thực tiễn học tập, nghiên cứu, công tác của cán bộ, đảng viên, nhằm noi gương Người, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp cách mạng của Người.

Tiền đề của việc thực hiện thành công những mục tiêu trước mắt và lâu dài ấy là công tác giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên về học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Điều đó càng trở nên cần thiết trong tình hình hiện nay, khi một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, thoái hoá, biến chất, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, thiếu trách nhiệm, thiếu tự giác rèn luyện, phấn đấu, thiếu tinh thần đồng chí đang diễn ra khá trầm trọng.

Trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập, mở cửa, có rất nhiều cám dỗ khiến cho việc giữ vững phẩm chất đạo đức trong sáng là một thử thách đối với cán bộ, đảng viên, công chức. Bởi vậy, mỗi người phải kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, cá nhân, một lòng, một dạ phục vụ nhân dân, mới có thể bồi dưỡng, củng cố được đạo đức cách mạng. Bên cạnh đó, trong toàn Đảng cần đẩy mạnh giáo dục đạo đức mới, tăng cường phê bình và tự phê bình; Nhà nước ngày càng hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường kiểm tra, kiểm soát; nhân dân được thực hiện đầy đủ quyền dân biết, dân bàn và nhất là quyền dân kiểm tra các hoạt động của các tổ chức đảng, của các cơ quan nhà nước và của cán bộ, đảng viên, công chức. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ lãnh đạo phải tự giác thấy rõ vai trò, vị trí của mình trong công tác, đời sống, gương mẫu phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, tự sửa chữa, khắc phục những yếu kém thì mới có thể nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, chống được chủ nghĩa cá nhân, như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong đợi.

Công tác giáo dục đạo đức, phong cách chuẩn mực cho cán bộ, đảng viên cần gắn liền với công tác quản lý cán bộ, đảng viên ở nơi làm việc, cũng như tại nơi cư trú. Đồng thời, thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên thông qua tổ chức đảng, các cơ quan bảo vệ pháp luật, hệ thống cơ quan dân cử, nhân dân và các phương tiện thông tin đại chúng.

Trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên là liên hệ việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với tư tưởng, hành động của cá nhân, của đơn vị. Muốn vậy, cần xây dựng mục tiêu, kế hoạch, chương trình công tác với các biện pháp cụ thể và phải có quyết tâm thực hiện. Kết quả của việc thực hiện mục tiêu, kế hoạch, chương trình công tác đó chính là thước đo phẩm chất đạo đức và phong cách làm việc mới của cán bộ, đảng viên./.



1 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t 12, tr 510.

2 Hồ Chí Minh: Sđd, t 12, tr 495