Hồ Chí Minh - Người khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa
Mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh nhắc đến tư tưởng vĩ đại của Thô-mát Giép-phơ-xơn trong Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ, rằng: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc"(1), và Người cũng nhắc đến tư tưởng của các nhà triết học Pháp thế kỷ thứ XVIII trong Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1791 của nước Pháp, rằng: "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi"(2). Rõ ràng, Hồ Chí Minh đã khéo vận dụng ngay những tinh hoa của các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người trên một thế kỷ rưỡi trước đây của nhân loại tiến bộ được thể hiện ở những "lời bất hủ" trong hai bản tuyên ngôn trên để khẳng định "đó là những lẽ phải không ai chối cãi được", đồng thời làm cơ sở cho những kết luận mới của Người. Nhắc lại những tư tưởng trên là Người muốn khẳng định: nhân dân Việt Nam không hề xa lạ với những tư tưởng tiến bộ trong lịch sử nhân loại và những tư tưởng đó đã trở thành giá trị tinh thần chung của thế giới; nước Việt Nam hoàn toàn tán thành và có ý tưởng chung về tính pháp lý của nhân loại với quyền bình đẳng, quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của con người.
Nét sáng tạo của Hồ Chí Minh là ở chỗ, sau khi khẳng định quyền con người với ý nghĩa là quyền con người nói chung và quyền mỗi con người nói riêng, Người còn "suy rộng ra" và nâng lên thành tính pháp lý về quyền của tất cả các dân tộc trong thời đại mới, rằng: "tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do"(3). Đó là kết luận lôgíc, hợp lý và đanh thép. Từ kết luận đó, trong Tuyên ngôn, Người lên án toàn diện và kết tội mạnh mẽ bọn thực dân, đế quốc xâm lược, cụ thể là thực dân Pháp và phát-xít Nhật đã xâm phạm quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam và Tuyên ngôn cũng khẳng định rằng nhân dân Việt Nam đã gan góc đứng lên đánh đổ bọn đế quốc, phát-xít, bọn phong kiến tay sai thì việc lập nên chế độ dân chủ cộng hòa là quyền hoàn toàn chính đáng của dân tộc Việt Nam. Cho nên, trong Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh tuyên bố xóa bỏ mọi ràng buộc bất bình đẳng giữa Việt Nam với Pháp, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền, đặc lợi của Pháp trên đất nước Việt Nam, đó cũng là điều hợp lẽ phải, phù hợp với tính pháp lý và lý tưởng chung của nhân loại tiến bộ về quyền con người, về quyền dân tộc cơ bản. Việc nâng quyền con người thành quyền dân tộc, Hồ Chí Minh muốn lưu ý các lực lượng cách mạng tiến bộ trên thế giới lúc đó công nhận quyền độc lập, tự do của nước Việt Nam mới. Ngay trong Tuyên ngôn, Người đã kêu gọi Liên hợp quốc: "Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các hội nghị Tê hê răng và Cựu Kim Sơn quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam" (4).
Thật ra, ngay từ năm 1938, trước tình hình thế giới và trong nước biến chuyển nhanh chóng, nguy cơ của cuộc chiến tranh thế giới đến gần, Hồ Chí Minh đã suy nghĩ và nung nấu đến vận mệnh, tương lai của dân tộc Việt Nam. Người đã rời Mát-xcơ-va lên đường về nước để lãnh đạo công cuộc giải phóng dân tộc. Tháng 6-1940, khi bắt liên lạc được với Ban Hải ngoại của Đảng ở Côn Minh, Người đã triệu tập cuộc họp, có một số đồng chí ở trong nước sang, Người đưa ra nhận định: Việc Pháp mất nước là cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam, ta phải tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ, chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng. Vào thời gian này, Người triển khai các hoạt động quốc tế dồn dập nhằm tranh thủ mọi lực lượng, tạo vị thế pháp lý quốc tế cho cách mạng Việt Nam. Người đã cử Trần Văn Hinh đi Diên An để thiết lập mối quan hệ quốc tế, còn Người đáp máy bay lên Trùng Khánh gặp Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc để phối hợp hành động cách mạng giữa hai nước. Để có danh nghĩa hoạt động hợp pháp, Người cho lập lại Việt Nam Độc lập đồng minh, một tổ chức chính trị chống đế quốc của người Việt đã có ở đây từ năm 1935, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân Trung Quốc và mở rộng ảnh hưởng quốc tế của cách mạng Việt Nam. Trước khi về nước, Người còn dặn, phải giữ cho được tổ chức này để liên lạc với quốc tế.
Trên đường về nước, Người đã suy nghĩ tới việc thành lập một tổ chức có tính pháp lý cho cách mạng Việt Nam. Người nói với một đồng chí: "Ta phải nghĩ đến việc lập một hình thức mặt trận thật rộng rãi, có tên cho thích hợp. Việt Nam giải phóng đồng minh?, Việt Nam phản đế đồng minh?, hay Việt Nam độc lập đồng minh?"(5). Mùa xuân năm 1941, Người về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh. Trong Chương trình Việt Minh do Người khởi thảo nêu rõ: Sau khi đánh đuổi được đế quốc, phát-xít Nhật, sẽ lập nên chính phủ nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lấy cờ đỏ, sao vàng năm cánh làm quốc kỳ. Sang năm 1945, tình hình thế giới có nhiều diễn biến quan trọng. Là một nhà chính trị sáng suốt, Hồ Chí Minh rất nhạy cảm trước những chiều hướng phức tạp, đan chéo của các lực lượng quốc tế trong vấn đề Đông Dương, Người quyết định cần phải tiếp xúc với Đồng minh để có những cơ sở pháp lý cần thiết cho cách mạng Việt Nam trong quan hệ quốc tế sau này. Trong những lần tiếp xúc với đại diện Mỹ của Đồng minh ở Côn Minh, Người đều nói rõ sự lớn mạnh, khả năng và thiện chí của Việt Minh; đồng thời khẳng định cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam có địa vị pháp lý trong lực lượng Đồng minh thế giới chống phát-xít. Trong lần Bộ Chỉ huy Mỹ ở Côn Minh cử Sác-lơ Phen thuộc tổ chức OSS đến gặp Người, khi được hỏi, Người trả lời: Chỉ muốn Đồng minh công nhận tổ chức Việt Minh. Gặp tướng Sê-nôn - Tổng Chỉ huy Quân đoàn không quân và Đại sứ Mỹ ở Trùng Khánh, khi được hỏi Việt Minh có vui lòng giúp việc tổ chức cứu giúp những phi công Đồng minh bị rơi ở Đông Dương không, Người trả lời: Trách nhiệm của những người chống phát-xít là làm tất cả những việc có thể làm để giúp đỡ Đồng minh. Thiếu tá Pát-ti thuộc tổ chức OSS hỏi Người về tổ chức Việt Minh, Người trả lời: Việt Minh không phải là đơn vị mà là một bộ phận nhân dân Việt Nam, là tổ chức của công nhân, nông dân hoạt động tại các địa phương và có thể liên lạc từ Sài Gòn đến Cao Bằng.
Ngay trong những ngày diễn ra cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, nhân danh Ủy ban Dân tộc giải phóng của Mặt trận Việt Minh, Hồ Chí Minh đã yêu cầu nhà cầm quyền Hoa Kỳ thông báo cho Liên hợp quốc ủng hộ Việt Nam giành độc lập: "Chúng tôi đã đứng về phía Liên hợp quốc chống lại bọn Nhật. Nay bọn Nhật đã đầu hàng. Chúng tôi yêu cầu Liên hợp quốc thực hiện lời hứa long trọng của mình là tất cả các dân tộc đều được hưởng dân chủ và độc lập”.
Sau thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám không lâu, trước nguy cơ Pháp quay lại xâm lược nước ta lần thứ hai, Hồ Chí Minh đã nhiều lần gửi thư, công hàm, điện văn yêu cầu chính phủ các nước Mỹ, Trung Quốc, Liên Xô, Anh... và cả Liên hợp quốc lên tiếng ủng hộ và công nhận nền độc lập chính đáng của Việt Nam. Trong thư gửi Tổng thống Mỹ H.Tơ-ru-man, ngày 17-10-1945, Người nêu rõ, từ ngày 19-8-1945, Việt Nam đã là một nước độc lập trên mọi phương diện, Việt Nam có đủ tư cách có đại diện trong Ủy ban Tư vấn Viễn Đông và có đủ khả năng giải quyết có hiệu quả các vấn đề tồn tại ở Viễn Đông. Trong điện văn gửi các ông Ang-đrê Grô-mư-cô - đại diện Liên Xô, Giêm Biếc-nơ - Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, Cố Duy Quân - đại diện Trung Quốc tại Hội đồng Liên hợp quốc, Người đều khẳng định địa vị pháp lý quốc tế của Việt Nam, rằng "Quốc dân chúng tôi đã giành được quyền độc lập và giữ vững nền độc lập, thiết tha yêu cầu các ngài công nhận nền độc lập ấy và nhận chúng tôi vào Hội đồng Liên hợp quốc. Theo như lời tuyên bố của vị đại diện Trung Hoa Cố Duy Quân thì Á châu chưa có đủ đại biểu trong Hội nghị. Chúng tôi tin rằng sự có mặt của chúng tôi trong Hội nghị sẽ có ích nhiều cho việc giải quyết một cách nhanh chóng và hòa bình cho các vấn đề ở Đông - Nam Á châu hiện nay"(6). Rõ ràng, với chủ trương quan hệ với Đồng minh, gặp gỡ Đồng minh, Hồ Chí Minh muốn cho họ thấy cách mạng Việt Nam đã là một lực lượng của Đồng minh chống phát-xít, đồng thời khẳng định trong thực tế địa vị pháp lý của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà họ phải tính tới, không thể bỏ qua.
Trong Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định nguyên tắc pháp lý về quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam và các dân tộc trên thế giới, mà còn khẳng định trong thực tiễn cuộc đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam vì các quyền dân tộc thiêng liêng đó. Kết thúc bản Tuyên ngôn độc lập, Người khẳng định ý chí đanh thép quyết tâm giành và giữ nền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam, đồng thời trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".
Trước toàn thể thế giới, Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam - Hồ Chí Minh là hòn đá tảng pháp lý đầu tiên khẳng định cả trên nguyên tắc và thực tế quyết tâm sắt đá của nhân dân Việt Nam về quyền được sống trong độc lập, tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, về quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam với tất cả các dân tộc trên thế giới. Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc do Hồ Chí Minh lãnh đạo đã gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng con người khỏi mọi áp bức bóc lột, thực hiện các quyền dân chủ cơ bản cho mọi người dân Việt Nam.
Cách mạng Tháng Tám thành công đã mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta. Cống hiến to lớn của Hồ Chí Minh là từ quan điểm gắn độc lập của dân tộc với tự do, hạnh phúc của con người, gắn quyền dân tộc thiêng liêng với quyền cơ bản của con người. Cũng từ thực tiễn cuộc đấu tranh thắng lợi của nhân dân Việt Nam, hai khái niệm pháp lý trên đã được phát triển thành khái niệm mới quyền dân tộc cơ bản. Vì vậy, Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam - Hồ Chí Minh được coi là bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của các dân tộc đấu tranh cho độc lập, tự do, hạnh phúc và văn minh. Đúng như Rô-mét Chan-đra, nguyên Chủ tịch Hòa bình thế giới, đã đánh giá: "Bất cứ nơi nào chiến đấu cho độc lập, tự do, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Bất cứ ở đâu chiến đấu cho hòa bình và công lý, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Ở bất cứ đâu, nhân dân chiến đấu cho một thế giới mới, chống lại đói nghèo, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao"(7)./.
------------------------------------------------------------------------
(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t 3, tr 554
(3), (4) Hồ Chí Minh: Sđd, t 3, tr 555, tr 557
(5) Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr 32
(6) Hồ Chí Minh: Sđd, t 4, tr 157
(7) Rô-mét Chan-đra: “Hồ Chí Minh trong trái tim nhân loại”, báo Nhân Dân, ngày 21-5-1980
Bốn mươi năm - những quyết sách của Đảng theo điều “Trước hết” trong Di chúc của Bác Hồ  (01/09/2009)
Bầu cử ở Nhật Bản: Sự thay đổi lịch sử  (01/09/2009)
Những tấm gương sáng trong học tập và rèn luyện  (01/09/2009)
Đặc xá nhân dịp Quốc khánh 2-9  (01/09/2009)
Tư tưởng đoàn kết quốc tế trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh  (01/09/2009)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm