TCCSĐT - Trong cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản nhiệm kỳ thứ 45 vào ngày 30-8, Đảng Dân chủ đối lập (DPJ) đã chiến thắng vang dội trước Đảng Dân chủ tự do cầm quyền (LDP), giành được 308 ghế trong tổng số 480 ghế của Hạ viện. Với kết quả này, chính trường Nhật Bản bước vào giai đoạn chuyển giao quyền lực lịch sử từ Đảng LDP sang Đảng DPJ, hứa hẹn mang “luồng gió mới” trên đất nước Mặt trời mọc.

Chiến thắng không bất ngờ

Có thể nói, kết quả cuộc bầu cử ngày 30-8 hoàn toàn không bất ngờ bởi trước sự kiện này, các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy, LDP sẽ thua cuộc và buộc phải trao cho Đảng đối lập DPJ trọng trách chèo lái “con thuyền” đất nước. Theo nhiều nhà bình luận quốc tế, “cơn địa chấn” thay đổi quyền lực trên chính trường Nhật Bản bắt nguồn từ một số lý do sau:

Thứ nhất, sau hơn nửa thế kỷ LDP nắm quyền gần như liên tục (từ 1955 đến nay), hơn lúc nào hết, tâm lý cử tri Nhật Bản mong muốn có sự thay đổi mạnh mẽ trong đời sống chính trị, xã hội. Nhiều cử tri Nhật Bản chưa hẳn ủng hộ DPJ vì những cam kết mạnh mẽ của họ mà đơn giản là muốn trao cho DPJ một cơ hội để tạo ra sự khác biệt nào đó so với LDP “già nua”, tiến hành kiểu chính trị “tập trung quan liêu”. Nắm được điều này, DPJ trong quá trình vận động tranh cử luôn nhấn mạnh vào các chính sách đổi mới mà người dân kỳ vọng. Ngay khi cử tri bắt đầu bỏ phiếu, DPJ tuyên bố: “Chúng tôi sẽ thay đổi Nhật Bản”. Ngày 30-8, phát biểu tại một cuộc họp báo ở Thủ đô Tô-ky-ô, ông Ha-tô-y-a-ma, Chủ tịch Đảng DPJ, Thủ tướng tới đây của Chính phủ Nhật Bản, cũng nhắc lại thông điệp “thay đổi”: “Cử tri nói rằng chúng tôi phải thay đổi cách thức làm chính trị tại Nhật Bản”.

Thứ hai, cử tri Nhật Bản đã quá mệt mỏi, thất vọng và mất kiên nhẫn với sự điều hành yếu kém, ì ạch, cùng các chính sách thất bại của LDP về kinh tế, chính trị. Trong thời kỳ cầm quyền giai đoạn 2001-2006, cựu Thủ tướng Kôi-du-mi đã đưa ra chính sách kiểu chủ nghĩa nguyên lý thị trường, khiến khoảng cách giàu - nghèo trong xã hội ngày càng lớn, hệ thống chăm sóc y tế, điều dưỡng xuất hiện nhiều “lỗ thủng”… Các thủ tướng thuộc Đảng LDP sau đó là Sin-zô-a-bê, Fu-ku-da và T.A-so tiếp tục rơi vào “vết xe đổ”, cải cách nửa chừng các chính sách dang dở trên. Thực tế một năm qua, LDP rất lúng túng trong việc giải quyết cuộc suy thoái kinh tế trầm trọng nhất kể từ chiến tranh thế giới lần hai, cũng như các vấn đề nan giải khác như nợ quốc gia ngày càng tăng (lên tới 64,1 tỉ USD), dân số ngày càng già, tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục (5,7 % vào tháng 7-2009)... Dưới sự điều hành của LDP, hiện có khoảng 10 triệu người Nhật bản thu nhập dưới 16.000 ơ-rô/ năm, khiến Nhật Bản từ chỗ đứng thứ 4 trên thế giới về thu nhập GDP/đầu người tụt xuống vị trí thứ 19.

Trước cuộc bầu cử Hạ viện, uy tín của LDP giảm sút nghiêm trọng vì bất ổn, mâu thuẫn nội bộ; đảng này liên tiếp thất bại tại các cuộc bầu cử địa phương, trong đó có cuộc bầu cử Hội đồng thành phố Tô-ky-ô, khiến Thủ tướng T.A-so buộc phải tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn. Chỉ trong vài năm gần đây, LDP phải thay tới 3 Chủ tịch, chứng tỏ vị thế đi xuống của họ.

Con số hơn 70% cử tri đi bỏ phiếu, cao hơn mức 67,5% năm 2005 cho thấy người Nhật Bản thực sự quan tâm hơn tới tương lai đất nước, trước lo ngại về một tương lai xã hội bất ổn.

Thứ ba, trong chiến dịch tranh cử, DPJ giành được sự ủng hộ của nhiều tầng lớp dân chúng trong xã hội, từ thành thị đến nông thôn, bởi cương lĩnh “khôn khéo, kiên trì” xoáy vào các chính sách phục vụ đời sống của người dân hơn là vì quyền lợi của các doanh nghiệp. Trong khi chỉ trích LDP hoang phí tiền, làm tổn hại mạng lưới an sinh xã hội, DPJ hứa hẹn cắt giảm các khoản chi tiêu công lãng phí và tập trung kích thích tiêu dùng cá nhân. Chính phủ mới dưới sự điều hành của DPJ cũng chủ trương “phân phối của cải nhiều hơn cho người dân”, với việc bãi bỏ các khoản lộ phí, giảm giá năng lượng; trợ cấp cho các gia đình nuôi con nhỏ, hỗ trợ nông dân; cải cách hệ thống lương hưu; tăng cường phúc lợi xã hội và các giải pháp tạo thêm việc làm... Đây đều là các vấn đề cử tri Nhật Bản hết sức quan tâm.

Thách thức phía trước

Lên nắm quyền, DPJ phá vỡ thế bế tắc trong Quốc hội Nhật Bản, nơi Hạ viện thuộc kiểm soát của LDP, còn Thượng viện thuộc quyền kiểm soát của đảng đối lập và các đồng minh từ năm 2007. Tuy nhiên, các nhà phân tích chính trị cho rằng, thời gian tới, chính phủ của DPJ sẽ phải đối mặt với một số thách thức lớn, gồm:

Một là, thách thức do DPJ thiếu kinh nghiệm quản lý, điều hành đất nước. Trong lịch sử, Đảng này mới chỉ lên nắm quyền một thời gian ngắn, khoảng 10 tháng từ giữa năm 1993. Do vậy, DPJ sẽ rất khó khăn để xoay chuyển nhanh chóng hàng loạt vấn đề phức tạp tại Nhật Bản, đặc biệt là tìm đường đưa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phục hồi, ngăn chặn giảm phát và cải cách nền hành chính cồng kềnh, quan liêu. Hơn nữa, DPJ còn bị chỉ trích là chưa có kế hoạch kinh tế cụ thể mà mới dừng lại ở những cam kết và định hướng chung chung.

Hai là, thách thức từ việc giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ DPJ và liên minh. Thành lập ngày 28-9-1996, thành phần chủ yếu của DPJ gồm các nghị sĩ tách ra từ Đảng Xã hội và Đảng Sa-ki-ga-ke. Tháng 4-1998, DPJ sáp nhập thêm Tân đảng ái hữu và Liên hiệp cải cách dân chủ, thành lập Đảng Dân chủ mới, trở thành đảng đối lập lớn nhất Nhật Bản. Đến tháng 10-2003, DPJ lại sáp nhập với Đảng Tự do thành Đảng Dân chủ. Chính sự đa dạng trong thành phần thành viên DPJ như trên khiến nội bộ DPJ có nhiều quan điểm, tư tưởng khác nhau. Hiện DPJ đang tìm cách thành lập liên minh cầm quyền với 2 đảng đối lập khác là đảng Dân chủ xã hội (SDP) và Đảng Quốc dân mới (PNP). Tuy nhiên, nếu không tạo ra được sự hòa hợp, nhượng bộ nhằm đạt được sự đồng tâm nhất trí về các chiến lược chính trị - kinh tế - xã hội, chính phủ liên minh do DPJ tạo dựng rất dễ sụp đổ.

Ba là, thách thức từ việc tìm nguồn chi ổn định để thực hiện các kế hoạch cải cách lớn như DPJ đã cam kết trong cương lĩnh tranh cử. Trên thực tế, tăng chi cho các vấn đề an ninh, xã hội…cần tới 3,5 % GDP của Nhật Bản. Điều này sẽ khiến ngân sách của Nhật Bản thâm hụt trầm trọng hơn. Hiện Nhật Bản đang là quốc gia có mức công nợ lớn nhất thế giới (chiếm 175% tổng thu nhập quốc dân).

Bốn là, thách thức trong chính sách đối ngoại. Từng chỉ trích LDP quá phụ thuộc Mỹ, giờ đây DPJ sẽ phải rất khéo léo tìm cách xây dựng thế đứng ngoại giao độc lập hơn nhưng lại không làm căng thẳng mối quan hệ đồng minh thân cận với Mỹ. Bên cạnh đó, chính phủ do DPJ dẫn dắt còn phải vừa biết cách tranh thủ, vừa đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, Ấn Độ trong khu vực.

Có thể nói, việc DPJ thắng cử là “cơn động đất” trên chính trường Nhật Bản. Nhưng khả năng DPJ giải quyết được những “cội rễ” đã ăn sâu vào xã hội Nhật Bản và thành công trong việc xây dựng những điều mới mẻ hoàn toàn thì chỉ có thời gian mới mang lại câu trả lời chính xác./.