Chủ động dành đất để phát triển đô thị và tái định cư nông thôn
Tốc độ đô thị hóa nhanh trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta hiện nay đang đặt ra những vấn đề bức xúc về quản lý đất đai đô thị. Quy hoạch sử dụng đất là một trong những nội dung quan trọng trong công tác quản lý của Nhà nước về đất đai. Gắn quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng đô thị, kết hợp chặt chẽ giữa quản lý đất đô thị với việc quản lý xây dựng theo quy hoạch tổng thể là một giải pháp quan trọng để phát triển đô thị bền vững.
Trong khoảng 10 năm gần đây, nhiều nghiên cứu quốc tế và trong nước đã lên tiếng cảnh báo về sự bùng nổ dân số đô thị và hiện tượng đô thị hóa không bình thường ở Việt Nam. Vấn đề này càng trở nên đặc biệt khi nó lan rộng ra quy mô toàn quốc, kể cả vùng sâu, vùng xa, và có thể trở thành vấn nạn ở tầm quốc gia nếu không có sự quan tâm đúng mức. Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XI, đã có Nghị quyết thông qua quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đai 5 năm 2006 - 2010. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiên cứu một cách đồng bộ, công phu bản quy hoạch này với việc đánh giá thực trạng tình hình sử dụng đất đai 5 năm qua (2001 - 2005), báo cáo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế cả đất nước, từng vùng kinh tế - xã hội của từng địa phương và cả nước; dự báo phát triển dân số, xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa đến năm 2010, qua đó tính toán đề xuất quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đai cho toàn quốc và cho từng vùng lãnh thổ.
Thiếu nghiêm trọng đất dành cho phát triển đô thị. Đó là công bố của Viện Nghiên cứu định cư tại Hội thảo quốc gia “Sử dụng tài nguyên đất với định cư đô thị và nông thôn”. Theo các nhà khoa học, mô hình đô thị - nông thôn hiện nay đang làm lãng phí tài nguyên đất và không phù hợp với yêu cầu của nhân dân.
Quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đai toàn quốc, từng vùng lãnh thổ kinh tế - xã hội thuộc loại quy hoạch và kế hoạch vĩ mô. Nội dung và tiêu chí để xác định kế hoạch chỉ nên dừng ở mức chung phân chia và bố trí 6 loại đất như Luật Đất đai (năm 1993) đã quy định, bao gồm đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất đô thị, đất nông thôn, đất chuyên dùng và đất chưa sử dụng. Luật Đất đai (năm 2003) quy định phân chia các loại đất để lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đai vừa quá chung chung, vừa quá chi tiết. Ví dụ, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp không thể xác định diện tích từng loại đất trồng lúa nước, đất trồng cây hằng năm, đất trồng cây lâu năm..., hay đối với đất chuyên dùng cũng xác định quá chi tiết như đất giao thông thì gộp cả đường quốc lộ với đường phố đô thị; đất kinh doanh phi nông nghiệp được gộp cả đất các khu công nghiệp tập trung với đất sản xuất kinh doanh khác; đất của các công trình hạ tầng xã hội (giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao...) thường được xây dựng đồng bộ với các điểm dân cư đô thị và nông thôn thì ở quy hoạch và kế hoạch này cũng được xác định khá chi tiết.
Thiếu đất ở đang dẫn tới việc tùy tiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tại Hà Nội, đất của các công trình công cộng, xã hội như bệnh viện, trường học, công sở... bị biến thành đất ở, đất thương mại. Đây là việc làm vi phạm pháp luật, phá vỡ quy hoạch, cảnh quan kiến trúc và là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng hỗn loạn kiến trúc đô thị.
Từ năm 1998 đến năm 2006, diện tích đất đô thị tại Việt Nam đã tăng từ 63.300 ha lên tới 1.153.549 ha, trong đó có 676.000 ha đất nông nghiệp và chỉ có 477.549 ha là đất thuần đô thị. Với tốc độ phát triển đô thị như trên, đến nay, Việt Nam đã dùng hết quỹ đất đô thị được Chính phủ phê duyệt cho đến năm 2020. Như vậy, kể từ năm 2007 trở đi, mỗi dự án xây dựng là chúng ta đã vi phạm chỉ tiêu sử dụng đất xây dựng mà Chính phủ đã phê duyệt từ năm 1998.
Dự báo đến năm 2010, dân số Việt Nam sẽ vào khoảng 88,5 triệu. Trong đó dân số đô thị tăng thêm 6,13 triệu người; dân số nông thôn giảm 1,87 triệu người (từ 60,85 triệu người năm 2005 xuống 59 triệu người). Như vậy, việc tăng đất đô thị từ năm 2006 đến 2010 khoảng 7.861 ha là không đủ. Cần dự tính và dành đủ đất để định cư cho 6,13 triệu người dân đô thị tăng thêm. Nếu tính đất ở cho một người dân đô thị trung bình khoảng 40m2/người (tương đương đất ở cho đô thị loại II và loại III) thì đất ở cho đô thị cần tăng thêm 21.043 ha, gấp ba lần dự kiến kế hoạch đã được Quốc hội phê duyệt năm 2006. Như vậy, đất dành cho phát triển đô thị đang thiếu nghiêm trọng.
Quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đai phải bảo đảm phát triển bền vững trong từng tỉnh, từng vùng lãnh thổ. Một số quy hoạch sử dụng đất đai gần đây không thể hiện được nguyên tắc này. Ví dụ, quy hoạch và kế hoạch phát triển đất các khu công nghiệp tập trung ở vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ mà Bộ Tài nguyên và Môi trường mới lập xong đầu năm 2007 là quá lớn. Cụ thể, từ năm 2006 đến 2010, tại địa bàn Hà Tây trước đây, dự kiến phát triển 14.757 ha (từ 2.243 ha hiện nay lên 17.000 ha); tỉnh Bắc Ninh từ 1.062 ha phát triển lên 7.000 ha; tỉnh Vĩnh Phúc từ 761 ha lên 52.000 ha; tỉnh Hưng Yên từ 102 ha lên 4.080 ha... Nếu xây dựng lấp đầy các khu công nghiệp trên với lượng công nhân làm việc tại mỗi héc-ta đất công nghiệp khoảng 50 đến 100 công nhân thì ở tỉnh Bắc Ninh cần một lượng công nhân làm việc là 40 vạn đến 70 vạn người, tương đương với dân số đô thị khoảng 1,2 triệu đến 2 triệu người, trong khi dân số toàn tỉnh Bắc Ninh hiện nay mới xấp xỉ 1 triệu người làm việc ở 3 lĩnhvực: nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Hiện tượng mất cân đối cơ cấu dân cư này cũng phổ biến tại các tỉnh khác chứng tỏ nội dung quy hoạch và kếhoạch sử dụng đất đai đã được lập và phê duyệt thời gian qua còn quá nhiều bất cập./.
Thông cáo số 16 Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII  (05/11/2008)
Không để dịch bệnh có điều kiện phát triển  (05/11/2008)
Đại hội X Công đoàn Việt Nam thành công tốt đẹp  (05/11/2008)
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay