Công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên địa bàn Hà Nội
Trong những năm gần đây, số doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng rất nhanh và chiếm gần 90% tổng số doanh nghiệp, trong đó hầu hết là quy mô nhỏ, được thành lập từ năm 2000 trở lại đây, sau khi Luật Doanh nghiệp được thực thi. Hiện nay, cả nước có khoảng 260.000 doanh nghiệp ngoài quốc doanh với tổng số vốn lên đến hàng trăm nghìn tỉ đồng. Các doanh nghiệp này hoạt động tập trung ở một số ngành nhất định do tính chất riêng biệt của từng địa phương. Bình quân một doanh nghiệp có 31 lao động và 4 tỉ đồng vốn, bằng 7,4% về lao động và 2,4% về vốn so với doanh nghiệp nhà nước và bằng 10,3% về lao động và 2,9% về vốn so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy vậy, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã đóng góp đáng kể vào GDP của cả nước.
Trên địa bàn Hà Nội, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh cũng phát triển rất nhanh, đáp ứng đòi hỏi phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Năm 2004, doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại Hà Nội có quy mô lao động trung bình là 16người /doanh nghiệp, đóng góp 20% GDP, hơn 10% giá trị công nghiệp và 25% kim ngạch xuất khẩu của Thủ đô… Cùng với sự tăng nhanh của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, số lượng lao động trong các doanh nghiệp này cũng tăng lên. Năm 2004, tổng số lao động doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại Hà Nội có 268,9 nghìn người, chiếm 41% tổng số lao động doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Gắn với thực tế này phải kể đến vai trò hoạt động của tổ chức công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp. Các công đoàn cơ sở đã phát triển và thay đổi mạnh mẽ, phù hợp với những yêu cầu của tình hình kinh tế - xã hội của đất nước thời kỳ hội nhập.
Các nghiên cứu về công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại Hà Nội cho thấy, đa số người lao động đều đã được ký hợp đồng lao động (95%), trong đó 74% số người lao động ký thời hạn trên 1 năm; có thâm niên công tác chủ yếu dưới 10 năm; có 11% là nông dân. Số lao động được đào tạo nghề trước khi vào doanh nghiệp là 69%. Lao động trực tiếp chiếm 65%, chủ yếu rơi vào doanh nghiệp tập thể và tư nhân. Công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại Hà Nội luôn là tổ chức hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người lao động, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của họ; nâng cao nhận thức cho người lao động, để họ không những hiểu về quyền lợi mà còn hiểu cả nghĩa vụ của mình đối với doanh nghiệp. Hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh thời gian qua được khẳng định từ các phía: cán bộ công đoàn cơ sở, người sử dụng lao động và người lao động.
Về cơ cấu của tổ chức công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại Hà Nội, chủ tịch công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh là cán bộ quản lý của doanh nghiệp chiếm tỷ lệ 65% và là cán bộ phụ trách các phòng ban chiếm tỷ lệ 19%. Tương ứng, phó chủ tịch công đoàn chiếm tỷ lệ 35% và 41%. Các thành viên của ban chấp hành phần lớn là những người tham gia quản lý doanh nghiệp, trong đó có 34% là lao động gián tiếp, nhân viên các phòng ban, 10% là lao động kỹ thuật và 11% là lao động trực tiếp.
Cơ cấu này đem lại sự thuận lợi trong các hoạt động công đoàn tại các cơ sở, bởi lẽ cán bộ công đoàn phần lớn là những người quán xuyến mọi công việc của doanh nghiệp, những người trực tiếp lo cho sự phát triển của doanh nghiệp và quyền lợi của người lao động; bảo đảm vai trò của công đoàn là tổ chức điều hòa các mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người lao động. Đây là điều kiện thuận lợi giúp cho hoạt động công đoàn có hiệu quả trong việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động hiện nay. Thực tế cho thấy, nếu cán bộ công đoàn là người có vị trí quản lý trong doanh nghiệp, thì tiếng nói của công đoàn cơ sở sẽ có trọng lượng hơn và những ý kiến, yêu cầu của công đoàn cơ sở luôn được quan tâm giải quyết. Điều đó càng được khẳng định hơn nếu các cán bộ công đoàn này là người có năng lực, trình độ chuyên môn và có bản lĩnh...
Trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại Hà Nội, số cán bộ công đoàn cơ sở có trình độ đại học, cao đẳng chiếm tỷ lệ khá cao (64,2%), vượt hẳn lên số người tốt nghiệp trung học phổ thông theo từng độ tuổi. Đặc biệt, có 1/3 trong số họ còn rất trẻ, dưới 30 tuổi. Có 78,1% số cán bộ có trình độ đại học ở độ tuổi dưới 30; gần 1/2 số cán bộ tuổi từ 31đến 50, là độ tuổi có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất cũng như trong công tác công đoàn. Mặt khác, các cán bộ công đoàn từ khi vào làm việc đến nay đã được học tập qua nhiều lớp nâng cao trình độ chuyên môn (53%), trình độ nhận thức chính trị (33%), lớp nghiệp vụ công đoàn (58%) và được trao đổi về kinh nghiệm của công tác công đoàn (62%).
Từ trình độ học vấn cao và được trau dồi qua các lớp học này, các cán bộ công đoàn có trình độ nhận thức tốt về công tác công đoàn và tự tin hơn trong các hoạt động đó. Đây chính là điều kiện cực kỳ thuận lợi giúp cho các hoạt động của công đoàn cơ sở có hiệu quả cao.
Về phía người sử dụng lao động, hiện nay đa số người sử dụng lao động đã thừa nhận vai trò to lớn của công đoàn và ủng hộ, tạo điều kiện cho các hoạt động công đoàn có hiệu quả hơn. Hầu hết người sử dụng lao động được hỏi đều khẳng định đã tạo những điều kiện thuận lợi cơ bản như: doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí, ban giám đốc tạo điều kiện về mặt thời gian, tôn trọng ý kiến tham gia đề xuất của công đoàn và tạo điều kiện cho cán bộ công đoàn được bồi dưỡng công tác công đoàn. Ban giám đốc cũng ủng hộ các hoạt động của công đoàn cơ sở trong công tác văn nghệ, thể dục thể thao (80%), tạo điều kiện để hoạt động công đoàn phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp. Đến nay, đã có 74% số doanh nghiệp xây dựng được quy chế phối hợp công đoàn – ban giám đốc. Có 96% số người sử dụng lao động khẳng định họ luôn quan tâm tới ý kiến của người lao động. Lắng nghe, quan tâm tới ý kiến người lao động, sẵn sàng để người lao động được tham gia vào quản lý doanh nghiệp từ phía người sử dụng lao động là các nhân tố tạo điều kiện cho công đoàn hoạt động tốt. Người sử dụng lao động ủng hộ các hoạt động của công đoàn trên cơ sở tôn trọng pháp luật là nhân tố đem lại hiệu quả cao trong hoạt động của công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp.
Về phía người lao động, công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp sẽ không tồn tại nếu không có yếu tố người lao động. Các hoạt động của tổ chức này có hiệu quả cao hay thấp không những phụ thuộc vào cán bộ công đoàn cơ sở, người sử dụng lao động mà còn phụ thuộc rất nhiều vào người lao động.
Đa số người lao động trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên địa bàn Hà Nội có trình độ học vấn khá cao: 23% có trình độ cao đẳng, đại học; 55% có trình độ trung học phổ thông. Hơn 2/3 số người lao động được đào tạo trước khi vào làm việc (chiếm 69%). Đây là điều kiện thuận lợi cho hoạt động của công đoàn và cũng là lợi thế để phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp giai đoạn hiện nay. Có hơn 50% số người lao động và đoàn viên công đoàn ý thức được công nhân là giai cấp lãnh đạo, là nhân tố quyết định sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tự hào là người công nhân.
Nhiều người lao động nhận thức được công đoàn luôn là người đại diện, bảo vệ tốt nhất quyền lợi của công nhân. Có 60% người lao động là đoàn viên công đoàn tham gia hoạt động công đoàn ở các cấp độ khác nhau. Từ mức độ tham gia đó, có thể thấy, công đoàn cơ sở vẫn chưa thực sự có sức lôi cuốn đoàn viên công đoàn của mình trong các hoạt động. Đổi mới phương pháp hoạt động của công đoàn phù hợp nhất với tính chất nghề nghiệp sẽ tạo nên sự cuốn hút đối với người lao động, nhưng muốn lôi cuốn sự tham gia nhiệt tình của người lao động trong doanh nghiệp thì công đoàn phải đáp ứng các nguyện vọng của họ như: có nhiều việc làm, thu nhập ổn định, được chăm sóc sức khỏe, bảo đảm cuộc sống của bản thân và gia đình.
Cùng với những thuận lợi nói trên, hoạt động của công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên địa bàn Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế, bị động và lúng túng. Tại một số doanh nghiệp, vai trò của công đoàn cơ sở còn mờ nhạt, chưa trở thành chỗ dựa vững chắc cho người lao động. Quan hệ của công đoàn với chủ doanh nghiệp cũng có lúc không được thuận lợi. Bên cạnh đó, người lao động còn thiếu ý thức trong sinh hoạt đoàn thể và trình độ của họ còn hạn chế nhiều so với nhiều loại hình doanh nghiệp khác.
Nhận thức của người lao động là một yếu tố tác động trực tiếp đến sự tham gia nhiệt tình hay không đối với hoạt động công đoàn. Số công nhân và đoàn viên công đoàn cảm nhận mình là người chủ doanh nghiệp và được tham gia quản lý doanh nghiệp còn quá ít (khoảng 40%). Còn nhiều người lao động và đoàn viên công đoàn không bày tỏ ý kiến hoặc chưa xác định được vị trí, vai trò của giai cấp công nhân. Một bộ phận không nhỏ (2/3) số đoàn viên công đoàn và người lao động cho là các cấp, các ngành chưa đáp ứng nguyện vọng của họ. Đây là yếu tố không mấy thuận lợi tác động đến hoạt động của tổ chức công đoàn cơ sở. Số người lao động và đoàn viên công đoàn đã đọc bộ Luật Lao động còn quá ít (39% và 48%). Tỷ lệ đọc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng bộ thành phố Hà Nội càng ít hơn (18% và 21%).
Nhiều công đoàn cơ sở đã được thành lập nhưng hoạt động còn yếu vì nhiều nguyên nhân; trong đó có vấn đề năng lực, bản lĩnh, kinh nghiệm hoạt động tập hợp quần chúng và quan hệ với người sử dụng lao động của cán bộ công đoàn cơ sở. Các cán bộ công đoàn, thực ra vẫn chỉ là người lao động, có thể sợ mất việc, lại thiếu cơ chế bảo vệ nên đôi khi khó phát huy vai trò người đại diện, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên. Do còn bị phụ thuộc vào chủ doanh nghiệp nên nhiều lúc họ làm ngơ trước những hành vi vi phạm pháp luật đối với người lao động. Hơn nữa, cán bộ công đoàn làm việc theo kiểu kiêm nhiệm, không đủ thời gian cho hoạt động công đoàn và không được trả lương cho công việc của họ. Thực tế cho thấy, quỹ của công đoàn, nếu không có sự hỗ trợ của ban giám đốc sẽ không đủ cho các hoạt động. Đó còn chưa kể đến sự hợp tác đôi khi miễn cưỡng hoặc bất hợp tác của chủ doanh nghiệp với cán bộ công đoàn. Các hoạt động của công đoàn thường tiến hành ngoài giờ làm việc. Vì thế, một số doanh nghiệp chấp nhận có tổ chức công đoàn nhưng không phải đương nhiên là họ chấp nhận mọi hoạt động công đoàn.
Làm thế nào để phát triển lực lượng doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã, đang và sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong công cuộc hội nhập và phát triển kinh tế đất nước? Để làm được điều đó, một trong những yếu tố quan trọng là công đoàn cơ sở cần phát huy vai trò và cần có những giải pháp mới nâng cao vai trò của mình phù hợp với giai đoạn hiện nay.
Qua thực tiễn các hoạt động của mình, cán bộ công đoàn có thể nhận thấy, để công đoàn cơ sở bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của người lao động, trước hết, ban chấp hành công đoàn phải luôn đứng về phía người lao động. Thứ hai, cán bộ công đoàn phải là người có bản lĩnh, dám đấu tranh vì quyền lợi của người lao động. Thứ ba, ban chấp hành công đoàn phải thống nhất trong các hành động mà đứng đầu là chủ tịch công đoàn, và không thể thiếu được nhân tố đoàn viên công đoàn tham gia tích cực vào các hoạt động công đoàn.
Người sử dụng lao động thường cho rằng, để nâng cao hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở, trước hết phải có sự ủng hộ của ban giám đốc doanh nghiệp. Họ cũng mong muốn công đoàn cơ sở hoạt động tốt hơn nữa vì người lao động. Do vậy, công đoàn phải là trung tâm đoàn kết và biết giải quyết những bất hòa trong các quan hệ lao động, là người đại diện, bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người lao động. Với ý nghĩa như vậy, họ mong muốn công đoàn làm việc tốt hơn nữa vì quyền lợi của cả hai phía: công nhân và doanh nghiệp.
Từ đó, hầu hết những người sử dụng lao động (98%) cho rằng, công đoàn muốn hoạt động tốt thì điều cần thiết và quan trọng nhất là phải có sự tạo điều kiện và ủng hộ của lãnh đạo doanh nghiệp. Điều không kém phần quan trọng nữa là, cần có sự đoàn kết, thống nhất cao trong ban chấp hành công đoàn và các thành viên trong ban chấp hành phải có năng lực, trình độ và kiến thức quản lý (92%). Có 86% số người sử dụng lao động cho rằng, công đoàn cơ sở muốn hoạt động tốt thì cần phải có chính sách quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với cán bộ công đoàn. Ngoài ra, sự phối hợp với tổ chức đảng trong doanh nghiệp cũng được người sử dụng lao động quan tâm, coi đó như một yếu tố hỗ trợ trong hoạt động của tổ chức công đoàn cơ sở (50%).
Hầu hết các cán bộ công đoàn trong các loại hình doanh nghiệp đều cho rằng, để tổ chức công đoàn hoạt động có hiệu quả, cần có những tiêu chí: 1- sự ủng hộ, tạo điều kiện của ban giám đốc (90%); 2- tạo điều kiện nâng cao nghiệp vụ của công tác công đoàn cho cán bộ công đoàn (88%); 3- công đoàn cần có kinh phí và biết điều chỉnh, dung hòa các lợi ích: Nhà nước - người lao động - doanh nghiệp, và dám đấu tranh bảo vệ lợi ích của người lao động (84%). Đồng thời, họ nhận thấy, công đoàn là trung tâm đoàn kết và góp phần giải quyết các quan hệ trong doanh nghiệp; người cán bộ công đoàn phải có trình độ, chuyên môn giỏi; không thể thiếu việc đổi mới về nội dung, phương pháp hoạt động công đoàn, xây dựng cơ chế phối hợp công đoàn - ban giám đốc doanh nghiệp, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với cán bộ công đoàn; đoàn viên phải có ý thức xây dựng công đoàn cơ sở (hơn 70%).
Do đặc điểm riêng của mỗi loại hình doanh nghiệp mà dẫn đến một vài điểm khác nhau về nhu cầu và cách nhìn đối với tổ chức công đoàn cơ sở. Song, hầu hết mọi người lao động đều cho rằng, để công đoàn cơ sở hoạt động tốt thì điều kiện cần thiết đầu tiên là ban chấp hành phải có sự đoàn kết, thống nhất; người cán bộ công đoàn phải có năng lực, bản lĩnh và đoàn viên phải tham gia tích cực hoạt động công đoàn. Ban chấp hành công đoàn phải luôn đứng về phía người lao động. Công đoàn cơ sở muốn hoạt động được phải có được sự ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi của người sử dụng lao động và phải có kinh phí để hoạt động; đồng thời, cần có sự quan tâm của công đoàn cấp trên.
Mặc dù có sự tăng lên về chất trong các hoạt động của mình, nhưng tổ chức công đoàn cơ sở vẫn còn không ít hạn chế, cần được khắc phục để nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại Hà Nội hiện nay. Trước hết, việc tạo điều kiện, ủng hộ trên cơ sở tôn trọng pháp luật của ban lãnh đạo các doanh nghiệp ngoài quốc doanh là cơ sở, điều kiện cần thiết, là giải pháp hữu hiệu nhất để công đoàn hoạt động có hiệu quả, nâng cao hơn nữa vai trò của mình trong doanh nghiệp . Thứ hai, cán bộ công đoàn cần có trình độ chuyên môn giỏi, có bản lĩnh và đảm trách mọi việc vì lợi ích của người lao động và doanh nghiệp như các tiêu chí đã được phân tích. Thứ ba, người lao động cần có ý thức xây dựng công đoàn. Muốn vậy, tổ chức công đoàn cơ sở cần đổi mới phương pháp hoạt động, tạo nên sự lôi cuốn người lao động tham gia hoạt động công đoàn. Công đoàn cơ sở nâng cao nhận thức cho họ qua các lớp tập huấn, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, về vị trí, vai trò và ý nghĩa của người công nhân trong giai đoạn hiện nay, khẳng định vị thế của giai cấp, giúp họ ổn định tâm lý, tự tin hơn trong công việc và cuộc sống.
Muốn làm được những điều nói trên, còn cần có sự phối hợp từ các phía, như các tổ chức đảng, đoàn thanh niên, nữ công... Cần có sự chỉ đạo thống nhất và chặt chẽ từ công đoàn các cấp, trên cơ sở quan tâm của Đảng và Nhà nước tới cán bộ công đoàn bằng các chủ trương, chính sách phù hợp hơn nữa. Làm được những điều đó là tiếp tục đổi mới và hoàn thiện chất lượng của hoạt động công đoàn để phát triển đội ngũ công nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ hội nhập./.
Không để dịch bệnh có điều kiện phát triển  (05/11/2008)
Đại hội X Công đoàn Việt Nam thành công tốt đẹp  (05/11/2008)
Ông Ba-rắc Ô-ba-ma đắc cử Tổng thống Mỹ  (05/11/2008)
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay