1. Nước ô nhiễm nghiêm trọng, nguy cơ dich bệnh rất cao

Trận mưa lụt lịch sử diễn ra đã đẩy Hà Nội vào tình trạng báo động do phải đối mặt với nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, ngộ độc, các bệnh viêm nhiễm ngoài da, và đặc biệt các dịch bệnh tiêu hoá như lỵ trực khuẩn, tiêu chảy cấp, thương hàn, luôn rình rập đe doạ sức khoẻ và tính mạng của người dân trong cộng đồng.

Chiều 4-11, sau khi tiến hành thị sát thực tế tình hình vệ sinh môi trường ở khu vực Hà Tây, giám đốc Sở Y tế Hà Nội - ông Lê Anh Tuấn cho biết: Hà Nội còn 100 điểm ngập úng nặng. Những điểm ngập úng nặng đều đang thiếu nước sạch sinh hoạt. Kiểm tra ở huyện Chương Mỹ, toàn bộ 14/14 thị trấn, xã, phường ở đây ngập hoàn toàn trong mưa lũ. Gần 2000 hộ dân với 9000 nhân khẩu xã Lại Yên vô cùng bức xúc vì không có nước sạch sinh hoạt. UBND xã cho biết huyện mới chỉ cung cấp được một phần nước sạch cho người dân. Ông Lê Anh Tuấn cũng khẳng định, mầm bệnh dịch tả, lỵ, thương hàn sau lũ lụt là rất lớn do nhiều người dân phải chấp nhận dùng nước bẩn. Trong môi trường lụt lội, nhiều chứng bệnh nhiệt đới cũng có khả năng trở thành nguy cơ đe dọa cuộc sống của người dân. Những người làm công tác chống lũ lụt, thường xuyên tiếp xúc với nước, các kẽ chân, kẽ tay luôn ẩm ướt cũng có nguy cơ mắc bệnh nấm kẽ…

2. Khử khuẩn môi trường, nước sinh hoạt là quan trọng

Có thể thấy, sau lũ lụt, nhiệm vụ của ngành y tế rất nặng nề, cần khẩn trương triển khai nhiều biện pháp không để dịch bệnh xảy ra. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu nhấn mạnh, ngành y tế phải khẩn trương lập bản đồ dịch tễ về tình hình dịch bệnh sau lũ, lên kế hoạch chi tiết việc phòng chống dịch bệnh. Trong đó đặc biệt chú ý đến các dịch bệnh đi theo: tiêu chảy, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, bệnh ngoài da, thương hàn… Theo đó, biện pháp tốt nhất hiện nay là phải vệ sinh môi trường, nước rút đến đâu phải làm sạch vệ sinh môi trường đến đó, không để dịch bệnh có điều kiện phát triển.

Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngay sau khi xảy ra mưa lũ, Sở đã cử các đoàn cán bộ xuống kiểm tra thực tế và chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh, khử khuẩn môi trường tại các quận, huyện. Đến nay, sở thành lập sáu đoàn công tác nắm tình hình và triển khai các biện pháp khắc phục tại 29 quận, huyện. Các đoàn công tác đã xuống tận khu dân cư, hộ gia đình hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, nhất là xử lý nguồn nước sinh hoạt để bảo đảm vệ sinh. Phát biểu tại cuộc họp về phòng chống dịch sau lũ lụt với trung tâm y tế 29 quận huyện, giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, sẽ tạm dừng tất cả cuộc họp và làm việc chưa gấp rút để tập trung chống dịch sau lũ. Theo ông Tuấn, Hà Nội hiện còn dự trữ 12 tấn Cloramine B, sáng 3-11 đã cấp cho các quận huyện 1,9 tấn để khử khuẩn môi trường và nước sinh hoạt. Ngành y tế đảm bảo sẽ cung ứng đầy đủ Cloramine B cho những vùng bị ngập lụt.
 
Sở cũng đề nghị các nhà máy nước cung cấp đủ nước sạch có tăng nồng độ clo dư và tăng áp lực để bảo đảm chất lượng nước cuối đường ống. Những giếng khoan dù đã được khử khuẩn sau đó vẫn tiếp tục được xử lý. Rác thải được thu gom, y tế huyện có trách nhiệm phối hợp phun thuốc khử khuẩn trước khi đem ra bãi thải .

3. Đảm bảo cung ứng thuốc, sẵn sàng xử lý mầm dịch

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh, dự phòng trực thuộc chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc điều trị và phòng, chống dịch bệnh. Các đơn vị thiếu sau khi báo cáo về Sở Y tế sẽ được cấp ngay sau hai tiếng. Đối với những nơi ngập úng lâu, một số vùng trọng điểm, người dân sẽ được tiêm phòng văcxin thương hàn, dịch tả.

Bên cạnh đó, cần chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm thường xuyên về thức ăn đường phố, ngăn ngừa tình trạng ngộ độc thức ăn; đề nghị các đơn vị cung cấp rau bảo đảm an toàn cho người dân khu vực vẫn còn ngập úng. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông hướng dẫn người dân biết cách xử lý nước sạch, phát hiện dịch bệnh, xử lý môi trường… Sở lên kế hoạch in tờ rơi tuyên truyền phòng chống dịch bệnh cho cộng đồng, huy động sinh viên của Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông và Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội tham gia tuyên truyền phòng chống dịch.

Bộ Y tế đã có công điện khẩn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố Hà Nội, Ninh Bình, Vĩnh Phúc chỉ đạo triển khai công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh; hướng dẫn nhân dân xử lý nước sinh hoạt, an toàn vệ sinh thực phẩm, xử lý rác thải, xác súc vật chết. Bộ Y tế cũng yêu cầu, sở y tế, trung tâm y tế dự phòng duy trì thường trực đội cơ động chống dịch 24/24 giờ sẵn sàng xử lý khi có mầm dịch; tổ chức kiểm tra giám sát công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp nước sạch tại các vùng trọng điểm ngập lụt.
 
TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế) cho biết, biện pháp tốt nhất hiện nay là phải vệ sinh môi trường tốt. Bộ Y tế có đủ lượng Cloramine B dự trữ để tẩy trùng môi trường, tuy nhiên, việc cấp phát phải có sự giám sát, hướng dẫn sử dụng của nhân viên y tế.

Trước mắt, mưa lũ đang gây những tổn thất nặng nề về người và của song những hệ luỵ về sức khoẻ chắc chắn sẽ kéo dài nếu ngay từ hôm nay chúng ta không có ý thức phòng chống bệnh./.