Với nhiệm vụ trọng tâm là giảm nghèo bền vững, Chính phủ Việt Nam đang tập trung chỉ đạo, xây dựng cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ giảm nghèo ở các huyện có tỷ lệ nghèo cao. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, đến hết năm nay, tỷ lệ hộ nghèo cả nước sẽ còn khoảng 13% (tương đương 2,4 triệu hộ), giảm gần 2% so với năm 2007.

Nhân Ngày Vì người nghèo Việt Nam và Ngày Thế giới Xóa đói nghèo (17-10), ngày 13-10-2008, tại Hà Nội, Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức tọa đàm báo chí. Được đánh giá là “câu chuyện thành công nhất về xóa đói, giảm nghèo”, Việt Nam đã sớm xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói, hoàn thành mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, tập trung thực hiện mục tiêu tiếp theo là giảm tỷ lệ nghèo từ 32% năm 2000 xuống còn 15-16% vào năm 2010.

Điểm nổi bật ở Việt Nam so với các nền kinh tế khác là tăng trưởng nhanh, liên tục nhưng vẫn hạn chế được tốc độ gia tăng bất bình đẳng. Hệ số Gini - một chỉ số xem xét bất bình đẳng thu nhập chỉ tăng từ 0,34 năm 1993 lên 0,42% năm 2006. Độ sâu nghèo đói, được tính bằng tỷ lệ người nghèo nằm gần ngưỡng nghèo, cũng giảm.

Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo của Việt Nam còn thiếu bền vững, tỷ lệ tái nghèo cao, tỷ lệ hộ cận nghèo lớn, lại thêm tác động của tăng giá, thiên tai, bão lụt, dịch bệnh, nhiều hộ rơi xuống dưới ngưỡng nghèo. Tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số có xu hướng gia tăng trong tổng số sộ nghèo, từ trên 20% năm 1993 lên 36% năm 2006. Mức độ tiếp cận và thụ hưởng các chính sách của người nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế so với mức độ đầu tư. Tại buổi tọa đàm này, ông Ngô Trường Thi, Cục phó Cục Bảo trợ Xã hội nhận định, dù tỷ lệ nghèo có giảm, nhưng vẫn chưa đạt so với mục tiêu 12% đề ra từ đầu năm do ảnh hưởng của biến động giá cả và ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai.

Trước tình hình này, cùng với việc tiếp tục triển khai các chính sách giảm nghèo, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc, chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã kiến nghị Chính phủ điều chỉnh lại chuẩn nghèo để bù đắp trượt giá, đảm bảo giá trị thực của chuẩn nghèo.

Theo chuẩn nghèo được đề xuất tăng gấp 1,5 lần hiện hành này, hộ nghèo là những hộ có thu nhập 300.000 đồng/người/tháng đối với khu vực nông thôn và 390.000 đồng đối với khu vực thành thị. Nếu đề xuất này được Chính phủ phê duyệt, chuẩn nghèo sẽ được áp dụng từ 1-1-2009 và khi đó, tỷ lệ hộ nghèo cả nước dự kiến sẽ tăng lên khoảng 16% đến 17%, tương ứng với 3,2-3,4 triệu hộ.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng dự kiến trình Chính phủ đề án giảm nghèo bền vững cho 61 huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 50% tại phiên họp thường kỳ tháng 10 này của Chính phủ, nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền.

Đề án được coi là hướng đột phá trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo của Việt Nam trong thời gian tới nhằm tập trung nguồn lực và chính sách ưu tiên cho những vùng khó khăn nhất với cơ chế phân cấp, trao quyền, tăng cường tính trách nhiệm cho chính quyền cơ sở, vai trò và sự tham gia của người dân.

Kỷ niệm 60 năm Bản Tuyên ngôn về Quyền con người, chủ đề Ngày Thế giới Xóa đói nghèo (17-10) năm nay được xác định là “Quyền con người và phẩm giá của những con người sống trong nghèo đói”, cũng hoàn toàn phù hợp đường hướng và mục tiêu giảm nghèo tại Việt Nam là “Thực hiện tiến bộ và công bằng ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển”./.