Ít ai biết rằng lúc kết thúc “Lễ Độc lập” tổ chức tại Vườn hoa Ba Đình chiều ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chia tay với đồng bào bằng một lời nhắc nhở: “Của quý nhất của quốc dân, của thế giới là sự Độc lập. Giờ đây, chúng ta đã được độc lập rồi ta phải cố gĩư gìn lấy. Tất cả quốc dân phải đoàn kết lại, xin đồng bào chớ vội tin rằng đã thái bình hẳn. Chúng ta sẽ còn phải vượt qua nhiều sự gian lao, đau khổ nữa, đồng bào phải ủng hộ Chính phủ, sau này sẽ còn nhiều cuộc khánh chúc.” (báo “Trung Bắc chủ nhật”, ngày 9-9-1945).

Tầm nhìn và bản lĩnh của một nhà cách mạng lão luyện đã khiến vị Chủ tịch của nước Việt Nam Độc lập, người đứng đầu một nhà nước Dân chủ-Cộng hoà non trẻ ngay từ thời điểm mà đồng bào cả nước đang ngây ngất trước một biến cố trọng đại của lịch sử từng được nhà thơ Nguyễn Đình Thi thể hiện trong hình ảnh một dân tộc “rũ bùn, đứng dậy, chói loà” đã nhìn thấy cả một chặng đường dài gian khổ sắp tới...

Ngay từ những ngày trứng nước, Bác đã dự liệu những thách thức sẽ đến với nền Độc lập và Tự do của dân tộc. Bác phân công nhiều cán bộ chủ chốt của Đảng ở lại củng cố chiến khu Việt Bắc, cử người về vùng Thanh - Nghệ, Khu V, mở mang vùng hậu phương... để sẵn sàng kháng chiến lâu dài...

Và ai cũng biết rằng, chính vào lúc Lễ Độc lập đang diễn ra tại Quảng trường Ba Đình ngoài Hà Nội thì tại Sài Gòn, nơi cũng diễn ra một cuộc tập hợp quần chúng đông đảo hướng ra miền Bắc cùng chia sẻ phút giây thiêng liêng “Tuyên ngôn Độc lập”, thì tiếng súng khiêu khích của thực dân đã nổ. Và chỉ 3 tuần lễ sau, ngày 23-9-1945, Nam Bộ đã kháng chiến.

Lịch sử đã chứng kiến cái sự thực mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ khi mở đầu lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19-12-1946): “Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa ! Không ! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu làm nô lệ !”

Và dân tộc Việt Nam đã buộc phải cầm súng để thực hiện lời thề thiêng liêng đã từng vang lên trong Ngày Độc lập cách đó mới hơn một năm ba tháng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền độc lập và tự do ấy”.

Trước ngày chiến tranh bùng nổ, Bác Hồ đi kiểm tra tình hình chuẩn bị chiến đấu của quân dân Thủ đô. Bác hỏi người chỉ huy quân sự thân thiết của mình là Võ Nguyên Giáp liệu đủ sức giữ được Hà Nội bao nhiêu tuần. Con người sau này trở thành vị tổng tư lệnh của ba mươi năm “đánh thắng hai đế quốc to” trả lời rằng, quyết tâm giữ được một tháng. Bác dặn dò: quyết tâm chưa đủ mà phải “tín tâm” thì mới “đồng tâm” để chiến thắng.

Thực tế cho thấy, quân dân Thủ đô Hà Nội với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” đã trụ vững 60 ngày đêm trước khi thực hiện cuộc rút lui thần kỳ đưa Trung đoàn Thủ đô ra khỏi vòng vây của quân thù, lên chiến khu Việt Bắc vào đêm ngày 14-2-1947, để rồi hơn 7 năm sau, ngày 10-10-1954, Đại đoàn Quân Tiên phong trở về giải phóng Thủ đô.

Ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến, khi kẻ thù mạnh hơn ta gấp bội về các phương tiện chiến tranh, nhưng chúng ta có “tín tâm” nên có đủ sức mạnh để đi đến thắng lợi cuối cùng. Niềm tin ấy thể hiện trong câu trả lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lời kêu gọi đầu năm mới (1947), năm đầu tiên cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ: “Từ năm nay trở đi, đồng bào ta, con cháu Hai Bà Trưng, con cháu Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Nùng Trí Cao có chịu để nước non Hồng Lạc cho thực dân Pháp dày xéo, có chịu để nòi giống Rồng Tiên cho thực dân Pháp dày đạp nữa không ? Không , quyết không !”

“Tín tâm” vì nhờ có đường lối sáng suốt mà vị Thống lĩnh tối cao của cuộc kháng chiến đã diễn giải một cách giản dị: Địch muốn dùng cách đánh mau thắng mau. Nếu chiến tranh kéo dài hao binh tổn tướng chúng sẽ thất bại. Vậy ta dùng chiến lược trường kỳ kháng chíên, để phát triển lực lượng, tăng thêm kinh nghiệm... Thế địch như lửa. Thế ta như nước. Nước nhất định thắng lửa !”

Năm 1948, khi chúng ta mới vượt qua thử thách của Chiến dịch Thu - Đông, làm thất bại cuộc tập kích hòng tiêu diệt đầu não của cuộc kháng chiến , nhạc sĩ Văn Cao đã mơ đến ngày “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về”, điều mà phải 6 năm sau nó mới trở thành hiện thực. Đó là khoảng thời gian đầy hy sinh gian khổ của đồng bào cả nước để đi đến một trận Điện Biên Phủ, đòn đánh chiến lược làm sụp đổ ý chí xâm lược của thực dân Pháp dẫn đến việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ (20-10-1954).

Hiệp định Giơ-ne-vơ tuy để lại một vết thương chia cắt trên cơ thể Tổ quốc Việt Nam với thời hạn sau 2 năm sẽ tổng tuyển cử, nhưng ý nghĩa to lớn nhất là lần đầu tiên một văn bản pháp lý của một hội nghị quốc tế có nhiều cường quốc tham gia đã phải thừa nhận trên giấy trắng mực đen về chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Và việc một nửa lãnh thổ đất nước từ vĩ tuyến 17 trở ra trở lại với thể chế Dân chủ - Cộng hoà được khai sinh từ cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã tạo ra thế và lực cho sự nghiệp của dân tộc Việt Nam đi tiếp cuộc trường chinh, giải phóng trọn vẹn thống nhất đất nước được hoàn thành hai thập kỷ sau đó (1975).

Do vậy, ngày Thủ đô được giải phóng phải được hiểu là kết quả của 9 năm kháng chiến gian khổ của cả nước mà người mở đầu “đi trước về sau” lại chính là đồng bào Nam Bộ. Cụm từ “tiếp quản Thủ đô” để nói lên giá trị lớn lao mà sự hy sinh của lớp lớp những chiến sĩ trên khắp các mặt trận của cả nước, và đỉnh điểm của tinh thần hy sinh ấy là chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy địa cầu” đã buộc đối phương phải ngồi vào bàn hội nghị và tạo ra một khung cảnh Hà Nội thanh bình trong chiến thắng khải hoàn.

Chiến tranh đã không tàn phá Hà Nội giống như Thăng Long còn nguyên vẹn khi Hoàng đế Quang Trung đánh bại quân Thanh ở Ngọc Hồi - Đống Đa cuối thế kỷ XVIII. Ngày Giải phóng Thủ đô 54 năm trước cũng là kết quả của “9 năm làm một Điện Biên” của quân dân cả nước. Và suy rộng ra, đó là sự nối tiếp của truyền thống giữ nước của dân tộc như lời Bác Hồ căn dặn những chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam quây quần tại vùng Đất Tổ Phú Thọ trước khi vào tiếp quản Thủ đô: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta cùng nhau giữ lấy nước”.

Có một câu chuyện cảm động được một người nước ngoài kể lại. Người đó là ông Giăng Xanh-tơ-ni, một người đã chứng kiến sự ra đời của một nước Việt Nam độc lập cũng là sự sụp đổ của chế độ thuộc địa năm 1945. Tháng 10-1954, đi ngược với đạo quân thực dân qua Cầu Long Biên từ Hà Nội ra cảng Hải Phòng để xuống tàu rời khỏi miền Bắc nước ta, ông Xanh-tơ-ni lại đi từ sân bay Gia Lâm qua cầu Long Biên để vào Hà Nội với chức trách là Tổng đại diện Chính phủ Cộng hoà Pháp bên cạnh chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ông kể rằng mình rất hồi hộp không biết cái gì sẽ diễn ra khi người đại diện cho một quốc gia bại trận gặp lại vị Chủ tịch của nước Việt Nam chiến thắng.

Tại cửa toà nhà năm xưa là Phủ Toàn quyền Đông Dương nay được sử dụng làm Phủ Chủ tịch, ông thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chờ sẵn. Dang rộng cánh tay với một lời chào thân thiện: “Nào, chúng ta ôm hôn nhau chứ!?”, Chủ tịch Hồ Chí Minh vượt lên trên mọi ký ức thù địch trong quá khứ. Người nói tiếp: “Bây giờ thì lịch sử đòi hỏi chúng ta phải hợp tác với nhau vì lợi ích chung”.

Ông Xanh-tơ-ni viết rằng, gần như thời gian 9 năm của một cuộc chiến tranh khốc liệt không làm thay đổi con người của sự quả cảm phi thường đã chỉ đạo một cuộc kháng chiến trường kỳ mà vẫn nguyên vẹn phẩm cách một con người tha thiết với hoà bình và tự do, luôn tỏ lòng thân thiện với nước Pháp của những lý tưởng Tự do, Bình đẳng, Bác ái... Điều dó giải thích vì sao, sau này chính Tổng thống Đờ Gôn, người phải chịu trách nhiệm một phần cho cuộc trở lại xâm lăng của thực dân Pháp năm 1946, hơn hai thập kỷ sau (1967) đã cảnh báo Hoa Kỳ nên rút khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam vì nhứng bài học mà nước Pháp đã nếm trải trước ý chí của dân tộc này. Đó là một dân tộc ngay sáu khi mới giành được độc lập, người đứng đầu nhà nước đã đưa ra thông điệp “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả cac nước dân chủ và không muốn gây thù oán với ai”.

Kỷ niệm ngày “tiếp quản” hay “giải phóng Thủ đô” 54 năm trước là dịp chúng ta nhận thức sâu sắc hơn về vị thế của Thủ đô Hà Nội trong lịch sử ngàn năm của mình. Đó là “Thăng Long phi chiến địa” với lòng khao khát hoà bình của dân tộc Việt Nam được gửi gắm trong tích truyện gắn với tên gọi Hồ Hoàn Kiếm của thời vua Lê Thái Tổ (1428). Nhưng đó cũng là một Hà Nội từng trở thành một “Thủ đô huyết lệ” của 60 ngày đêm “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” (1946 - 1947) hay một “Điện Biên Phủ trên không” (1972) của thời đại Hồ Chí Minh mang ý chí “Không có gì quý hơn Độc lập và Tự do”. Và, đó cũng lại chính là Thủ đô Hà Nội được bạn bè quốc tế tôn vinh là “Thành phố của Hoà bình”.

Với niềm tự hào ấy, chúng ta hướng tới kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội 1000 năm tuổi và nhiều hơn nữa.../.