Hà Nội chăm lo toàn diện cho người có công với cách mạng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người dân
TCCS - Thành phố Hà Nội là địa phương tập trung đông người có công và thân nhân. Những năm qua, công tác đền ơn, đáp nghĩa, tri ân, chăm sóc người có công được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội triển khai thực hiện tốt, góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người có công và gia đình của họ.
Chăm lo người có công bằng hành động cụ thể, thiết thực
Đó là khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2022) và tuyên dương đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2022, được tổ chức vào sáng 24-7-2022 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội). Trải qua hàng nghìn năm văn hiến, dựng nước và giữ nước, nhân dân ta với tinh thần yêu nước nồng nàn đã đoàn kết một lòng, không quản gian khổ, hy sinh, kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Trong các cuộc đấu tranh đó, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã hiến dâng tuổi thanh xuân, sẵn sàng xả thân cho Tổ quốc, mang thương tật suốt đời, dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh.
Để triển khai công tác đền ơn, đáp nghĩa có chiều sâu, thực chất và hiệu quả, Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể xã hội và mỗi người dân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, tích cực, thường xuyên, liên tục với phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, chung tay thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, coi đó là trách nhiệm, tình cảm, vinh dự và mệnh lệnh từ trái tim.
Hiện nay, thành phố Hà Nội là địa phương có số lượng người có công lớn nhất cả nước với gần 800.000 người (chiếm gần 10% cả nước), trong đó gần 86.000 người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng và gần 700.000 là người hoạt động kháng chiến, cựu thanh niên xung phong,... hưởng trợ cấp ưu đãi 1 lần, bảo hiểm y tế, mai táng phí.
Phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, 75 năm qua, cùng với cả nước, thành phố Hà Nội luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành và vận động toàn dân tham gia thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với người có công; quan tâm chăm lo toàn diện cho người có công và thân nhân của họ.
Quan tâm, chăm lo chu đáo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công và các gia đình chính sách, thành phố Hà Nội ban hành nhiều cơ chế, chính sách riêng, có nhiều chế độ cao hơn mức của Trung ương. Thành phố Hà Nội trợ cấp hằng tháng cho người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày và thanh niên xung phong sống cô đơn, có hoàn cảnh khó khăn; thực hiện tổ chức điều dưỡng luân phiên hai năm/lần (Trung ương quy định 5 năm/lần). Ngày 5-12-2018, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết số 11/2018/NQ-HĐND, về “Một số chính sách đặc thù của thành phố đối với người có công” quy định mức hỗ trợ hằng năm đối với các ban liên lạc tù chính trị trên địa bàn thành phố; quy định chính sách đặc thù của thành phố về chế độ điều dưỡng đối người có công với cách mạng từ 80 tuổi trở lên, mức tặng quà của thành phố tới các đối tượng nhân dịp tết Nguyên đán, kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, ngày Quốc khánh 2-9...
Từ năm 2008 đến nay, thành phố Hà Nội đã vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đạt gần 450 tỷ đồng. Đã có 15.271 gia đình người có công được hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở với kinh phí gần 1.500 tỷ đồng; 74.565 người được tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa với kinh phí trên 70 tỷ đồng; gần 39.000 lượt người được điều dưỡng hằng năm với kinh phí gần 46 tỷ đồng; tu sửa, nâng cấp 1.589 lượt công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí trên 904 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, thành phố Hà Nội đã vận động ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được 26,73/23,2 tỷ đồng, đạt 115,2% kế hoạch chung. Thành phố cũng đã thực hiện hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho 230/215 hộ gia đình người có công, đạt 107% kế hoạch năm với kinh phí 7,49 tỷ đồng; tặng 2.403/3.021 sổ tiết kiệm tình nghĩa, đạt 79,5% kế hoạch năm với kinh phí 5,15 tỷ đồng, trung bình 2,1 triệu đồng/sổ (riêng huyện Đông Anh và huyện Quốc Oai, mức sổ tiết kiệm được trao tặng cho người có công là 10 triệu đồng/sổ); tu sửa, nâng cấp 65/75 công trình ghi công liệt sĩ, đạt 86,7% kế hoạch năm với kinh phí 59,17 tỷ đồng; lập danh sách và đưa 5.091/9.051 người có công điều dưỡng tập trung tại các trung tâm điều dưỡng người có công thành phố, đạt 58,7% kế hoạch năm.
Thành phố Hà Nội hiện là địa phương đầu tiên của cả nước có Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, hiện đang nuôi dưỡng, điều trị cho hơn 100 nạn nhân da cam/dioxin là con đẻ của người bị nhiễm chất độc hóa học…; 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng; hỗ trợ xây mới và sữa chữa nhà ở đối với hàng chục ngàn hộ gia đình người có công với cách mạng. Hiện nay, thành phố Hà Nội không còn hộ gia đình người có công thuộc diện hộ nghèo và phấn đấu không để hộ gia đình người có công tái nghèo theo tiêu chí mới. Thành phố phấn đấu 100% hộ gia đình người có công có mức sống cơ bản ổn định bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.
Cùng với việc nâng cao mức sống, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công, sửa thông tin trên bia mộ liệt sĩ ghi “liệt sĩ vô danh”, “liệt sĩ chưa biết tên”. 6 tháng đầu năm 2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, phòng lao động - thương binh và xã hội các quận, huyện, thị xã đã tiếp nhận và giải quyết 10.060 hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân người có công với kinh phí khoảng 41,2 tỷ đồng.
Với nghĩa tình và sự tri ân, thành phố Hà Nội luôn quan tâm chăm lo cho người có công trong mọi thời điểm kể cả khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát để họ được an lòng và có động lực vượt qua khó khăn.
Thực hiện đồng bộ các chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân người có công với cách mạng
Hiện nay, chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với đất nước ngày càng hoàn thiện, nhất là sau khi Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020 được ban hành, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2021. Pháp lệnh này cùng các văn bản hướng dẫn đã kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về ưu đãi người có công với cách mạng qua các thời kỳ; đồng thời, tiếp tục chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng; chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân được quy định thống nhất, rõ ràng...
Để tiếp tục thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công của Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội, trong thời gian tới, thành phố Hà Nội cần triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân trên địa bàn thành phố Hà Nội về thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, coi đây là tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm cao cả, là yếu tố bảo đảm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Hai là, thực hiện đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công. Đặc biệt, quan tâm các gia đình người có công có hoàn cảnh khó khăn, người có công hiện đang sống cô đơn, không nơi nương tựa, các gia đình người có công thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng xa trung tâm.
Ba là, thực hiện hiệu quả các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công” nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng Nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng; tăng cường vận động, hỗ trợ người có công về nhà ở… Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng tốt cho hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ về người có công.
Bốn là, tiếp tục làm tốt công tác tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ; đẩy mạnh tìm kiếm, xác định danh tính liệt sĩ, quy tập hài cốt liệt sĩ, kịp thời thông báo và tạo điều kiện thuận lợi cho thân nhân liệt sĩ khi đến thăm viếng...
Năm là, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với người có công với cách mạng. Quan tâm giải quyết hồ sơ xác nhận người có công còn tồn đọng, bảo đảm chặt chẽ, thấu tình, đạt lý; kịp thời hướng dẫn để những người có công và gia đình được thụ hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước và thành phố.
Sáu là, đẩy mạnh các phong trào ủng hộ người có công, phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”. Kịp thời tôn vinh, biểu dương những tấm gương của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công vượt khó vươn lên, tích cực lao động, sản xuất, tham gia các phong trào thi đua yêu nước; phát hiện, khen thưởng những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong các phong trào đền ơn, đáp nghĩa, các hoạt động nghĩa tình, chung sức giúp đỡ các gia đình người có công khắc phục khó khăn, cải thiện đời sống./.
Nguồn lực và động lực cho thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội trong điều kiện mới  (05/11/2022)
Hà Nội xây dựng nông thôn hiện đại gắn với bảo tồn và giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống  (02/11/2022)
Hà Nội tích cực xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc trong bối cảnh mới  (01/11/2022)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm