Hà Nội: Công khai, minh bạch trong phòng, chống tham nhũng
TCCS - Với phương châm xác định phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, xuyên suốt quá trình phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, Hà Nội đã quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác này.
Kiên trì, quyết tâm ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng
Mặc dù phải kiên trì thực hiện song trùng hai nhiệm vụ kép, vừa phát triển kinh - xã hội, vừa phòng, chống dịch COVID-19 ngày càng có những diễn biến hết sức phức tạp, song tình hình kinh tế - xã hội của Hà Nội vẫn có nhiều khởi sắc. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, GRDP của Hà Nội ước tăng khoảng 6%, cao hơn 6 tháng đầu năm 2020 (3,39%). Bên cạnh những thành tựu đạt được, Hà Nội phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, tệ quan liêu, lãng phí và nhất là tình trạng tham nhũng với nhiều diễn biến phức tạp, làm giảm sút lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào cấp ủy và chính quyền các cấp.
Sau Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, Thành ủy Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, nỗ lực, quyết tâm đưa Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố đi vào cuộc sống. Thành ủy đã khẩn trương xây dựng, ban hành 10 Chương trình công tác lớn toàn khóa, trong đó có Chương trình số 10-CTr/TU về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021 - 2025”. Thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình do trực tiếp đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy làm Trưởng ban, Ban Nội chính Thành ủy là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình. Thành ủy, Ban Chỉ đạo Chương trình số 10 đã quán triệt, triển khai việc thực hiện Chương trình đến các cấp ủy, ban, sở, ngành, cơ quan, đơn vị... thuộc thành phố, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Các quận, huyện, thị, sở, ban, ngành đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình, nhiều cấp ủy có cách làm sáng tạo đáp ứng yêu cầu đề ra. Thành ủy, Ban Chỉ đạo Chương trình số 10 đã chỉ đạo xây dựng 15 chuyên đề về phòng, chống tham nhũng thể hiện quyết tâm chính trị cao, cách làm bài bản, khoa học, chặt chẽ của Thành ủy Hà Nội trong công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng. Quán triệt, triển khai kịp thời, đồng bộ các chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, các cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Công tác cải cách hành chính được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm nhằm thực hiện hiệu quả chủ đề công tác năm 2021 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Tăng cường thực hiện kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ doanh nghiệp, nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Quan tâm chỉ đạo việc bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; xử lý các hành vi trả thù, trù dập người tố cáo. Thành lập Đoàn khảo sát về thực hiện Đề án số 56-ĐA/BCĐ, về “Đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý tình trạng tiêu cực, gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc trên địa bàn Thành phố” nhằm nâng cao trách nhiệm phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng tiêu cực, gây phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân, doanh nghiệp.
Thành ủy Hà Nội nhận định tình trạng tham nhũng, tiêu cực vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn trong nhiều lĩnh vực như: tín dụng, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng; đầu tư xây dựng; tài chính, thuế... với tính chất ngày càng phức tạp; thủ đoạn tinh vi hơn; phạm vi, lĩnh vực ngày càng rộng. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, nhiệm vụ; xuất hiện tình trạng tham nhũng có tính “lợi ích nhóm” trong một số lĩnh vực… với quy mô lớn, thủ đoạn tinh vi, mức độ sai phạm lớn, làm thất thoát, thiệt hại nặng nề đối với tài sản của Nhà nước và nhân dân, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội.
Trước thực trạng đó, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố có nhiều chỉ đạo quyết liệt, thể hiện quyết tâm cao trong công tác phòng, chống tham nhũng, kiên quyết xử lý đối với các vụ, việc tham nhũng, tiêu cực, với phương châm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Nhờ vậy, trong 6 tháng đầu năm 2021, công tác phòng, chống tham nhũng của Thủ đô đã thu được những kết tích cực. Sáu tháng đầu năm 2021, Ban Thường vụ Thành ủy thành lập 5 đoàn kiểm tra công tác triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; 15 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 gắn với công tác tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông và kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông Quốc gia năm 2021-2022. Ủy ban Kiểm tra các cấp trong Đảng bộ Thành phố Hà Nội đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 59 tổ chức đảng và 76 đảng viên. Qua kiểm tra kết luận 40 tổ chức đảng và 57 đảng viên có vi phạm; phải thi hành kỷ luật 2 tổ chức đảng và 23 đảng viên. Tổ chức giám sát theo chuyên đề đối với 339 tổ chức đảng và 273 đảng viên. Về thi hành kỷ luật đảng viên và tổ chức đảng: có 2 tổ chức đảng bị thi hành kỷ luật (bằng hình thức Khiển trách). Cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 724 đảng viên, trong đó có 100 cấp ủy viên các cấp, với các hình thức kỷ luật: khiển trách 625 trường hợp, cảnh cáo 55 trường hợp, cách chức 6 trường hợp, khai trừ 38 trường hợp. Trong đó: Ban Thường vụ Thành ủy thi hành kỷ luật 1 đảng viên; Ủy ban Kiểm tra Thành ủy thi hành kỷ luật 5 đảng viên; Huyện ủy, Ban Thường vụ huyện ủy và tương đương thi hành kỷ luật 17 đảng viên, Ủy ban Kiểm tra huyện uỷ và tương đương thi hành kỷ luật 66 đảng viên; còn lại 635 đảng viên do đảng uỷ cơ sở và cấp chi bộ thi hành kỷ luật. Ủy ban Kiểm tra các cấp trong Đảng bộ thành phố đình chỉ sinh hoạt đảng đối với 24 trường hợp. Thanh tra thành phố và các sở ngành, quận, huyện, thị xã đã triển khai 262 cuộc thanh tra; qua thanh tra đã phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi 3,92 tỷ đồng, kiến nghị xử lý 1.080m2 đất; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với 24 tập thể và 51 cá nhân. Công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, các sở, ngành đã phát hiện và xử phạt 12,309 tỷ đồng đối với các trường hợp vi phạm hành chính.
Thường trực Thành ủy chỉ đạo tăng cường thực hiện Chỉ thị 15-CT/TU, ngày 16-12-2016, của Thành ủy nhằm thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo phục vụ Đại hội XIII của Đảng và Bầu cử Quốc hội khóa XV và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU, Chỉ thị 15-CT/TU của Thành ủy đã theo dõi, chỉ đạo giải quyết 53 vụ việc, trong đó: 10 vụ việc khiếu kiện đông người, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự; 43 vụ việc khiếu kiện còn tồn đọng, kéo dài.Các cơ quan hành chính của Thành phố đã tiếp 13.231 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; tiếp nhận và xử lý 26.089 đơn các loại; thụ lý và giải quyết theo thẩm quyền 2.173 vụ khiếu nại, tố cáo; đã giải quyết 1.897 vụ. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm 9 tập thể, 51 cá nhân để xảy ra sai phạm; chuyển cơ quan điều tra 2 vụ. Tổng thụ lý điều tra: 22 vụ - 23 bị can. Giải quyết: 12 vụ - 16 bị can; Viện kiểm sát thụ lý: 10 vụ - 27 bị can; Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hà Nội thụ lý 38 vụ-115 bị cáo bị truy tố về tội phạm tham nhũng (trong đó Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 12 vụ/38 bị cáo, theo thủ tục phúc thẩm 05 vụ/10 bị cáo; Tòa án nhân dân cấp huyện thụ lý 21 vụ/67 bị cáo), đã giải quyết 23 vụ/51 bị cáo; đang giải quyết 15 vụ/64 bị cáo.
Từ năm 2013 đến năm 2020, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội chủ trì thành lập và tham gia 243 cuộc giám sát, khảo sát; phối hợp với 9 sở, ngành và các tổ chức thành viên tổ chức 32 đoàn giám sát, tập trung vào các lĩnh vực: y tế, quản lý sản xuất, kinh doanh, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng
Tuy đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng tham nhũng trên một số lĩnh vực trên địa bàn Thủ đô vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong xã hội. Thời gian tới, cùng hệ thống chính trị cả nước đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Hà Nội tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng thường xuyên, hiệu quả, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, thống nhất từ nhận thức đến hành động của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong việc phòng, chống tham nhũng trên địa bàn Thủ đô. Tập trung tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng; Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… đến toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Thứ hai, triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Tăng cường quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo ngày 18/3/2021; Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Kết luận số 05-KL/TW ngày 03/6/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”.
Thứ ba, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền từ thành phố đến cơ sở tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, thống nhất, đồng bộ, có hiệu quả trong công tác cải cách hành chính gắn với việc thực hiện chủ đề công tác năm 2021 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI), chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS).
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, bảo đảm công khai, minh bạch trên mọi lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực: tài chính, ngân sách, đầu tư, quản lý tài sản công, xây dựng, tài nguyên môi trường,… Thực hiện nghiêm túc việc chuyển đổi vị trí công tác theo Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, ngày 1-7-2019, của Chính phủ.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17-4-2015, của Bộ Chính trị “Về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”… Triển khai thực hiện đồng bộ Kế hoạch số 232/KH-UBND, ngày 1-12-2020, của Ủy ban nhân dân thành phố “Về rà soát, sắp xếp, kiện toàn các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố”. Hoàn thành xây dựng kế hoạch chuyển đơn vị sự nghiệp sang tự chủ giai đoạn 2021-2025. Tổ chức thí điểm và triển khai thi tuyển một số chức danh lãnh đạo cấp phòng và tương đương; thi tuyển chức danh lãnh đạo tại một số đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ.
Kiểm tra việc triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU, đối với các cấp ủy trực thuộc Thành ủy, các ban, sở, ngành, địa phương, đơn vị. Kiểm tra trên nhiều lĩnh vực tùy thuộc vào tính chất, đặc điểm của từng địa phương, cơ quan, đơn vị; Kiểm tra, giám sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thanh tra các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ nghiêm trọng phức tạp trên địa bàn thành phố.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế; kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ. Thực hiện tốt công tác giám định và nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, lãng phí.
Thứ năm, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố trong việc tăng cường vai trò giám sát và phản biện xã hội; chủ động phát hiện và kiến nghị xử lý đối với vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực; thực hiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo theo quy định. Tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức, thực hiện tốt quy định của Đảng, Nhà nước và thành phố về phòng, chống tham nhũng./.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Tuyệt đối không chủ quan, tự mãn, bảo vệ bằng được thành quả phòng, chống dịch  (09/07/2021)
Công an phường Điện Biên vượt khó xây dựng thành công mô hình công an phường điển hình, kiểu mẫu về an ninh trật tự, văn minh đô thị  (02/07/2021)
Hà Nội phát triển quyền sở hữu trí tuệ, hỗ trợ đổi mới sáng tạo  (30/06/2021)
Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, của cán bộ, công chức, viên chức trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí  (30/06/2021)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm