Đồng chí Nguyễn Chí Diểu - Tấm gương người cộng sản vì nước, vì dân
TCCS - Đồng chí Nguyễn Chí Diểu (1908 - 1939), một trong những đảng viên thuộc lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Hy sinh khi còn ở tuổi thanh niên, đồng chí đã có những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Cuộc đời đồng chí là tấm gương cao đẹp của người cộng sản hết lòng vì nước, vì dân.
Lựa chọn lý tưởng cách mạng vì nước, vì dân
Đồng chí Nguyễn Chí Diểu (còn có tên Nguyễn Văn Trọng - Trọng lớn, Nguyễn Chi, Nguyễn Văn Chi…) sinh ngày 14-9-1908 trong một gia đình Nho học truyền thống, nhiều đời làm quan, tại làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế - vùng đất có bề dày văn hóa và truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Vì vậy, Nguyễn Chí Diểu đã sớm tiếp thu những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, quê hương, dân tộc, sớm hình thành ý chí người cách mạng hết lòng vì nước, vì dân.
Đồng chí Nguyễn Chí Diểu được gia đình quan tâm, tạo điều kiện cho học Nho học rồi sau đó là chữ Quốc ngữ tại thành phố Huế, được tiếp cận với giáo dục Pháp - Việt tại Trường Pháp - Việt Đông Ba và sau đó là Trường Quốc học Huế với mục tiêu ban đầu là học để phát triển bản thân, để làm quan. Trong quá trình học tập tại Huế, khi hằng ngày phải tận mắt chứng kiến tình cảnh đất nước bị giày xéo bởi quân xâm lược, nhân dân bị đàn áp, bóc lột tới tận xương tủy, được tiếp xúc với những người thầy tâm huyết, giàu lòng yêu nước, tiêu biểu là thầy giáo Võ Liêm Sơn, Cao Xuân Huy, Đặng Thai Mai, Nguyễn Khoa Tú…, những người bạn cùng chí hướng, như Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Khoa Văn; được sống trong bầu không khí đấu tranh mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân, nhất là của thanh niên, học sinh; được tiếp xúc với những luồng tư tưởng mới tiến bộ thông qua tài liệu, sách báo, các buổi diễn thuyết và các cuộc gặp gỡ với những nhà yêu nước, Nguyễn Chí Diểu đã quyết định từ bỏ con đường làm quan để tham gia hoạt động yêu nước, đấu tranh chống áp bức, bất công, giành quyền độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, bất chấp mọi khó khăn, thử thách.
Năm 1925, khi đang học tại Trường Quốc học Huế, Nguyễn Chí Diểu đã liên hệ với các nhà yêu nước để hoạt động cách mạng. Đồng chí đã cùng với Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Khoa Văn và một số bạn học đi vận động lấy chữ ký vào đơn gửi Toàn quyền Varenne đòi ân xá nhà yêu nước Phan Bội Châu; rồi cùng học sinh Trường Quốc học Huế và trường tiểu học trên địa bàn kéo đến nhà Phủ Doãn và tòa Khâm sứ đòi chính quyền thực dân phải thả nhà yêu nước Phan Bội Châu. Tháng 3-1926, khi cụ Phan Châu Trinh tạ thế tại Sài Gòn, phong trào đòi để tang cụ diễn ra trên phạm vi cả nước, đồng chí Nguyễn Chí Diểu và các bạn bỏ học để tham dự các lễ truy điệu tổ chức ở nhiều điểm trong thành phố Huế. Đặc biệt vào năm 1927, Nguyễn Chí Diểu tham gia cuộc bãi khóa của học sinh Trường Quốc học Huế, sau lan rộng ra khắp các trường học ở Huế và phát triển lên thành cuộc tổng bãi khóa. Sau cuộc tổng bãi khóa, nhiều học sinh bị thông báo đuổi học, bị bắt bồi hoàn học bổng, trong đó có đồng chí Nguyễn Chí Diểu.
Bị đuổi học, đồng chí Nguyễn Chí Diểu vừa trở về nhà, đã có lính đem trát đến đòi gia đình phải trả 120 đồng tiền học bổng mà nước Pháp đã trao cho cậu học trò Trường Quốc học Huế gần 2 năm qua. Thêm lần nữa, Nguyễn Chí Diểu thấy rõ “tâm địa” của chính quyền thực dân và biết con đường bây giờ chỉ có thể là con đường chống chủ nghĩa thực dân; từ đó, càng thôi thúc đồng chí dấn thân trên con đường hoạt động cách mạng, cứu nước, cứu dân(1). Nguyễn Chí Diểu không luyến tiếc, hối hận về việc làm của mình mà quyết định tiếp tục hoạt động cách mạng. Đồng chí bắt liên lạc với thầy giáo Võ Liêm Sơn, Đào Duy Anh, những đảng viên của Việt Nam Cách mạng Đảng, sau phát triển thành Tân Việt Cách mạng Đảng (còn gọi Tân Việt)(2) - tổ chức tiền thân của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Được kết nạp vào tổ chức, Nguyễn Chí Diểu đã tích cực hoạt động tuyên truyền, vận động phát triển đảng viên của Việt Nam Cách mạng Đảng. Nhiều người trong số các thanh niên yêu nước do đồng chí tuyên truyền vận động, kết nạp vào tổ chức về sau đã trở thành những cán bộ ưu tú của Đảng và cách mạng Việt Nam, như Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu (Nguyễn Kim Thành)...
Tháng 7-1928, diễn ra Đại hội Tổng bộ Việt Nam Cách mạng Đảng, Đại hội đã quyết định đổi tên Hội Việt Nam Cách mạng Đảng thành Tân Việt Cách mạng Đảng, đồng chí Nguyễn Chí Diểu được bầu là Ủy viên Kỳ bộ Trung Kỳ của Tân Việt. Trong quá trình hoạt động, Nguyễn Chí Diểu và các bạn dần dần nhận rõ màu sắc quốc gia trong lập trường chính trị của Đảng Tân Việt.
Là một người yêu nước đến với hoạt động cách mạng trên cương vị một học sinh xuất sắc, có xu hướng cộng sản; do đó, mặc dù hoạt động bí mật ngăn cách, Nguyễn Chí Diểu vẫn có quan hệ với một số hội viên trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc thành lập.
Năm 1929, sau vụ án đường Barbier(3) tại Sài Gòn, thực dân Pháp tăng cường đánh phá các tổ chức yêu nước. Đảng bộ Tân Việt ở tỉnh Thừa Thiên Huế gần như tan rã, Nguyễn Chí Diểu bị địch theo dõi gắt gao nên được tổ chức cử vào Sài Gòn hoạt động. Cuối năm 1929, Nguyễn Chí Diểu vào đến Sài Gòn, hoạt động trong Kỳ bộ Nam Kỳ của Tân Việt. Vượt qua mọi khó khăn, thử thách, Nguyễn Chí Diểu đã cùng các đồng chí của mình vừa gây dựng cơ sở, vừa lao động để kiếm sống và tuyên truyền cách mạng. Hòa mình trong cuộc sống của giai cấp công nhân, dầm mưa, dãi nắng cùng những người phu xe, những người lao động nghèo khổ, đã giúp Nguyễn Chí Diểu hiểu sâu sắc thêm nỗi tủi cực của người lao động mất nước; từ đó, đồng chí càng nung nấu ý chí, quyết tâm làm cách mạng để cứu dân, cứu nước. Những ngày cuối tháng 12-1929, Tân Việt Cách mạng Đảng chuyển thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn(4), Nguyễn Chí Diểu trở thành đảng viên của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.
Với sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn cùng Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, đến đầu năm 1930, ở Việt Nam tồn tại 3 tổ chức cộng sản biệt lập. Một mặt, điều đó cho thấy xu thế tất yếu của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc phải gắn với đấu tranh giai cấp của giai cấp công nhân; mặt khác, dẫn đến bất lợi cho công cuộc vận động cách mạng đang đòi hỏi phải có một đảng cộng sản thống nhất trong cả nước.
Xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, đầu năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tham gia hội nghị có đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng(5). Hội nghị nhất trí tán thành việc hợp nhất hai tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng thành một đảng duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị thông qua Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng, Điều lệ vắn tắt của Đảng và Lời kêu gọi của Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Việt Nam gửi đến công nhân, nông dân, đồng bào, đồng chí cả nước nhân dịp thành lập Đảng. Hội nghị cũng thành lập Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, chịu trách nhiệm tiến hành việc hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Sài Gòn và các tỉnh cho đến tận các chi bộ cơ sở và các hội quần chúng.
Tháng 2-1930, đại biểu của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn đề nghị được gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 24-2-1930, hai đồng chí tham dự Hội nghị thành lập Đảng (Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu), hai đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam (Hạ Bá Cang, Phạm Hữu Lầu) và Bí thư lâm thời Chấp ủy của Đảng Cộng sản Việt Nam ở Nam Kỳ (Ngô Gia Tự - tức Bách), họp Hội nghị, chấp nhận sự gia nhập của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị quyết định cho Đông Dương Cộng sản Liên đoàn cử một đại biểu tham gia Chấp ủy lâm thời của Đảng Cộng sản Việt Nam ở Nam Kỳ. Đông Dương Cộng sản Liên đoàn được gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam, từ đây, các đảng viên của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó có Nguyễn Chí Diểu.
Như vậy, từ một thanh niên học sinh, với tinh thần yêu nước, thương dân sâu sắc, với ý chí và quyết tâm lựa chọn lý tưởng cách mạng chân chính, Nguyễn Chí Diểu đã phấn đấu trở thành người đảng viên cộng sản lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời hoạt động của nhà cách mạng Nguyễn Chí Diểu, đồng thời thể hiện rõ quyết tâm lựa chọn lý tưởng vì nước, vì dân của đồng chí.
Kiên định vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phấn đấu theo lý tưởng cách mạng vì nước, vì dân
Trở thành đảng viên Đảng Cộng sản, theo sự phân công của tổ chức, Nguyễn Chí Diểu phụ trách Thành ủy Sài Gòn. Đồng chí trở thành Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Gia Định (tháng 6-1930). Trên các cương vị được Đảng phân công phụ trách, khi mới 22 tuổi, đồng chí Nguyễn Chí Diểu đã tỏ rõ phẩm chất của một nhà lãnh đạo tài năng, sáng tạo, sâu sát thực tiễn, gây dựng có hiệu quả cơ sở đảng và phát triển phong trào cách mạng.
Về tổ chức đảng, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Chí Diểu, chỉ trong một thời gian ngắn, đến cuối năm 1930, toàn tỉnh Gia Định có gần 30 chi bộ; trong đó Hóc Môn có 13 chi bộ, Gò Vấp có 7 chi bộ. Tổng số đảng viên toàn tỉnh Gia Định là gần 100 người; lập được 2 huyện ủy là Huyện ủy Hóc Môn và Huyện ủy Gò Vấp.
Về phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân, cho tới nửa cuối năm 1930, đã diễn ra nhiều cuộc mít tinh đấu tranh của nhân dân Sài Gòn, Gia Định dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiêu biểu như cuộc đấu tranh của nông dân ở Đức Hòa, Bà Hom, Bến Lức (Chợ Lớn), nông dân Hóc Môn (Gia Định) vào ngày 4-6-1930; cuộc mít tinh kỷ niệm Ngày Cách mạng Pháp (14-7), có hàng ngàn quần chúng tham dự. Phong trào đấu tranh của nông dân tỉnh Gia Định diễn ra vào ngày 11-6-1930 với hơn 300 nông dân Chợ Đệm (Trung Huyện) tham gia. Đặc biệt, hàng loạt cuộc xuống đường của nông dân diễn ra vào ngày 1-8-1930, do Tỉnh ủy Gia Định và Tỉnh ủy Chợ Lớn lãnh đạo (300 người biểu tình ở Hóc Môn; 500 dân ở giáp ranh Gia Định và Thủ Dầu Một; 3.000 người ở Bà Hom và hơn 200 người ở Xuân Thới Đông;…). Tháng 9-1930, có 24 cuộc đấu tranh của nông dân, diễn ra ở các địa điểm, như Hữu Thạnh - Hòa Khánh, Đức Hòa, Mỹ Hạnh, Tân Bửu, Long Phú, Gò Đen, Tân Trụ, Tân Tạo, Bà Hom, Bình Trị Đông (Chợ Lớn); Vĩnh Hưng Đông, Xuân Hòa, Vĩnh Lộc, Tân Thới Tây, Xuân Thới Đông (Gia Định). Tháng 10-1930, có 11 cuộc đấu tranh của nông dân, diễn ra tại An Thuận, Long Sơn, Mỹ Điền, Long Hựu, Long Định (Cần Giuộc); Tân Kiên, Bình Trị Đông (Chợ Lớn); Bình Hưng Đông, Tân Sơn Nhì, Vĩnh Lộc, Tân Kỳ, Tân Đông Trung (Gia Định)(6).
Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào đấu tranh cách mạng, thực dân Pháp và chính quyền tay sai tiến hành lùng sục, bắt bớ nhiều đồng chí hoạt động cách mạng của Đảng. Tháng 10 -1930, đồng chí Nguyễn Chí Diểu bị địch bắt và bị giam cầm tại Khám Lớn (Sài Gòn). Chính quyền thực dân đã dùng nhiều hình thức tra tấn hết sức dã man, nhưng không thể khuất phục được người cộng sản trẻ tuổi Nguyễn Chí Diểu.
Ngày 2-5-1933, thực dân Pháp mở phiên tòa “đại hình đặc biệt” tại Sài Gòn để xử 120 chiến sĩ cộng sản, trong đó có Nguyễn Chí Diểu với âm mưu tạo ra một vụ án lớn nhằm vu cáo Đảng Cộng sản Đông Dương để trấn áp cao trào cách mạng dấy lên từ ngày thành lập Đảng. Trước sự vu cáo thâm độc của kẻ thù(7), Nguyễn Chí Diểu và các đồng chí Ngô Gia Tự, Lê Văn Lương, Phạm Hùng, Hà Huy Giáp, Bùi Lâm… đã biến phiên tòa thành nơi luận tội chế độ thực dân, bảo vệ lập trường chính nghĩa của Đảng và những người cộng sản. Nguyễn Chí Diểu và 18 đồng chí khác bị kết án khổ sai chung thân và bị đày đi Nhà tù Côn Đảo.
Mặc dù phải chịu đựng chế độ khổ sai man rợ tột cùng tại địa ngục trần gian Côn Đảo, nhưng Nguyễn Chí Diểu cùng những chiến sĩ cộng sản vẫn không nhụt ý chí và tích cực tham gia xây dựng, hình thành chi bộ đảng đầu tiên tại ngục tù Côn Đảo; đồng thời, tiến hành tổ chức các cuộc đấu tranh chống lại chế độ hà khắc của nhà tù thực dân. Đặc biệt, các đồng chí đã biến nơi đây thành trường học văn hóa, lý luận, góp phần đào tạo cán bộ cho Đảng và chuẩn bị cho các cuộc vượt ngục để trở về hoạt động cách mạng(8). Hoạt động tích cực của đồng chí đã không qua mắt được bọn cai ngục. Kẻ thù lại giam Nguyễn Chí Diểu vào hầm xay lúa hòng giết dần đồng chí bằng lao động cực nhọc và bệnh tật khi đồng chí đang bị lao phổi hoặc mượn tay của bọn cặp rằn tay sai hung dữ giết hại đồng chí. Tuy nhiên, mọi cực hình tra tấn, mọi mưu đồ thâm độc của kẻ thù chẳng thể giết nổi tinh thần, ý chí cách mạng và quyết tâm đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng của người cộng sản Nguyễn Chí Diểu.
Tháng 6-1936, sau thắng lợi của Mặt trận bình dân ở Pháp, chính quyền thực dân buộc phải ân xá các tù chính trị, trong đó có Nguyễn Chí Diểu. Thoát khỏi nhà tù thực dân, trở về đất liền, Nguyễn Chí Diểu lại lập tức lao vào hoạt động cách mạng. Vượt qua sự theo dõi của mật thám Pháp, đồng chí bắt liên lạc với tổ chức và được phân công trở về Huế nắm bắt tình hình mọi mặt, nhất là về tổ chức để giúp Đảng có quyết sách cụ thể trong đấu tranh cách mạng thời kỳ mới(9).
Trở về Huế, bất chấp sự săn lùng của mật thám Pháp, đồng chí liên lạc với các đồng chí Phan Đăng Lưu, Bùi San, Lâm Mộng Quang, Nguyễn Cửu Thạnh, Trịnh Xuân An, Tú Cầu… và gặp gỡ quần chúng cách mạng để nắm thêm tình hình, gấp rút vào Sài Gòn để báo cáo và nhận chỉ thị mới của Đảng.
Tháng 3-1937, Nguyễn Chí Diểu và các đồng chí Phan Đăng Lưu, Lê Duẩn đã triệu tập Hội nghị cán bộ các tỉnh ở Trung Kỳ và quyết định thành lập Xứ ủy lâm thời Trung Kỳ. Đồng chí Nguyễn Chí Diểu được cử làm Bí thư(10). Đây là hoạt động rất có ý nghĩa, góp phần khôi phục tổ chức đảng ở Trung Kỳ; từ đó, tiếp tục lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân.
Trở lại Huế, vào lúc chính quyền thực dân ở đây đang tìm cách đối phó với chủ trương Đông Dương Đại hội(11), Nguyễn Chí Diểu đã quyết định dùng áp lực của quần chúng nhân dân, biến diễn đàn của địch thành diễn đàn của ta và biến cuộc họp của Viện Dân biểu Trung Kỳ thành Đại hội Nhân dân toàn Xứ ủng hộ Đông Dương Đại hội. Các đồng chí đã lợi dụng diễn đàn công khai để tham gia phác họa nội dung bản dân nguyện theo 12 điều dự thảo do Đảng đề ra để tố cáo các thủ đoạn bóc lột, vơ vét, xâm phạm quyền tự do dân chủ của chính quyền thực dân, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn lừa bịp dân chúng.
Thắng lợi của các hoạt động nghị trường đã thúc đẩy phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân ở Trung Kỳ. Trước bước tiến mới của phong trào, Đảng đã chủ trương vận động quần chúng nhân dân xuống đường đón tiếp Gô-đa (Godart)(12) để đòi các quyền dân sinh, dân chủ. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nguyễn Chí Diểu đã triệu tập Hội nghị đại biểu các giới ở các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị để bàn việc đón Gô-đa(13) và đề xuất việc xuất bản tuần báo Nhành lúa(14); đồng thời, trực tiếp đi các nơi vận động mọi tầng lớp nhân dân tham gia(15). Vượt qua mọi thủ đoạn của kẻ thù(16), bằng sự tổ chức chặt chẽ và kiên trì vận động, đồng chí đã góp phần tổ chức thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng, làm nên thành công của phong trào đấu tranh dân chủ. Đặc biệt, thông qua phong trào, Nguyễn Chí Diểu đã kết hợp tiến hành một loạt các hoạt động xây dựng Đảng, kết nạp đảng viên mới và xây dựng các chi bộ mới của Đảng ở miền Trung(17).
Khi tuần báo Nhành lúa bị rút giấy phép hoạt động (ngày 10-3-1937), Nguyễn Chí Diểu cùng đồng chí Phan Đăng Lưu tiến hành trực tiếp vận động một số nhà báo kêu gọi triệu tập Hội nghị báo giới Trung Kỳ để phản đối đàn áp tự do ngôn luận và bàn bạc tìm cách để biến tờ Sông Hương của Phan Khôi thành tờ Sông Hương tục bản, nhằm phục vụ cho công tác của Đảng(18).
Biết rõ những hạn chế của Viện Dân biểu(19), nhưng trước chủ trương của Đảng là phải “lợi dụng các thời kỳ tranh cử mà tuyên truyền khẩu hiệu của ta, phải lợi dụng các cơ quan lập hiến mà bênh vực quyền lợi cho quần chúng lao động và các tầng lớp dân chúng bị áp bức”(20), nhằm đưa những nhân tố tích cực mà Đảng ta có thể nắm được vào làm thành viên của Viện Dân biểu, đồng chí Nguyễn Chí Diểu và đồng chí Phan Đăng Lưu đã lãnh đạo tổ chức, vận động để cơ cấu lại thành phần dân biểu theo hướng có lợi nhất cho cách mạng, góp phần vào thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng(21) ở giai đoạn này. Những hoạt động đa dạng của Nguyễn Chí Diểu đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phong trào cách mạng ở Trung Kỳ.
Tháng 9-1937, tại Hội nghị Trung ương mở rộng họp tại Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định, đồng chí Nguyễn Chí Diểu được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương của Đảng. Trên cương vị mới, đồng chí Nguyễn Chí Diểu tiếp tục hoạt động cách mạng không ngừng nghỉ; mặc dù căn bệnh lao phổi từ ngày ở nhà tù Côn Đảo đã ngày càng nặng, đồng chí phải nằm viện điều trị nhưng vẫn trao đổi nhiệm vụ với các đồng chí để tiếp tục duy trì, thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng.
Tháng 3-1938, Ban Chấp hành Trung ương họp Hội nghị toàn thể tại làng Tân Thới Nhất, gần Bà Điểm, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Chí Diểu, Võ Văn Tần, Đinh Văn Di, Nguyễn Thị Minh Khai… và một số đồng chí khác thuộc Xứ ủy Nam Kỳ. Hội nghị đề ra những chủ trương chuyển hướng về công tác tổ chức và vận động quần chúng, quyết định ra đời chính sách mới của Đảng, trong đó có chủ trương thành lập Mặt trận Thống nhất Dân tộc Đông Dương, mở ra bước phát triển mới của cách mạng Việt Nam. Tại Hội nghị này, đồng chí Nguyễn Chí Diểu trở thành Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng.
Từ Hội nghị trở về, sức khỏe của đồng chí Nguyễn Chí Diểu suy yếu nhanh chóng và nằm liệt giường. Đầu tháng 9-1939, sức khỏe của đồng chí suy sụp hẳn. Ngày 15-9-1939, đồng chí Nguyễn Chí Diểu trút hơi thở cuối cùng. Ngày chủ nhật, 17-9-1939, hàng ngàn đồng bào, đồng chí trong niềm tiếc thương vô hạn đã không quản ngại sự theo dõi của kẻ thù, ngược dốc Nam Giao đưa đồng chí về tận nơi an nghỉ cuối cùng. Đám tang đồng chí trở thành cuộc biểu dương lực lượng của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng, thể hiện tinh thần yêu nước, sức mạnh đoàn kết dân tộc vì mục tiêu lý tưởng cao cả độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Ra đi ở độ tuổi 31, độ tuổi thanh niên, khi sự nghiệp đấu tranh cách mạng còn dang dở, nhưng đồng chí Nguyễn Chí Diểu đã để lại những cống hiến xuất sắc với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Dù ở cương vị nào, đồng chí Nguyễn Chí Diểu vẫn luôn là nhà hoạt động chính trị, người cộng sản kiên trung, một lòng vì nước, vì dân. Tấm gương của đồng chí Nguyễn Chí Diểu vẫn mãi ngời sáng trong lòng quê hương, đất nước và bao thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau./.
--------------------------
(1) Cuộc bãi khóa của học sinh Trường Quốc học Huế và Đồng Khánh đã có tác động không nhỏ đến những người thân của họ, đến nhân dân cả nước, chính nhà cách mạng Phan Thanh cũng đã nhận thấy điều đó, khi cho biết: “Em trai của ông là Phan Bôi bị đuổi học vì tham gia bãi khóa… Sự việc này càng thôi thúc ông vững bước trên con đường đấu tranh cách mạng” (Xem: Nguyễn Phước Tương: “Phan Thanh - Nhà cách mạng đấu tranh nghị trường dũng cảm”, Tạp chí Huế xưa và nay, số 51, tháng 5 - 6-2001, tr. 42)
(2) Tân Việt Cách mạng Đảng là tổ chức được phát triển từ Hội Phục Việt được thành lập vào ngày 14-7-1925, trên đỉnh núi Quyết, gần Bến Thủy, cách thị xã Vinh (Nghệ An) 5 km do một số chính trị phạm, như Lê Văn Huân, Ngô Đức Kế và một số trí thức yêu nước, như Trần Đình Thanh, Trần Phú, Ngô Đức Diễn, Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Sĩ Sách... sáng lập ra. Đây một tổ chức yêu nước bí mật, đánh dấu một bước tiến so với các phong trào yêu nước chống Pháp của dân tộc ta trong những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Trải qua quá trình phát triển, Hội Phục Việt đã nhiều lần đổi tên gọi khác nhau thành Hội Hưng Nam (tháng 3-1926) rồi Việt Nam Cách mạng Đảng (tháng 7-1926), Hội Việt Nam Cách mạng Đồng chí (tháng 7-1927) và Tân Việt Cách mạng Đảng (tháng 7-1928)
(3) Đêm ngày 8, rạng ngày 9-12-1928, tại nhà số 5 đường Barbier nay là đường Thạch Thị Thanh, Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Nam Kỳ thi hành án tử hình một hội viên vi phạm Điều lệ Hội. Nhân phát hiện sự việc này, thực dân Pháp lùng bắt rất nhiều hội viên của Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Nam Kỳ
(4) Tối ngày 28-12-1929, các đại biểu Tân Việt gặp nhau ở ga Chợ Thượng (Đức Thọ, Hà Tĩnh), được Nguyễn Xuân Thanh (Chắt Bảy) đón về nhà. Cuộc họp diễn ra tại nhà Nguyễn Xuân Thanh. Tham dự có các đồng chí Trần Hữu Chương, Nguyễn Khoa Văn, Ngô Đức Đệ, Lê Tiềm, Nguyễn Xuân Thanh, Nguyễn Tốn, Trần Đại Quả, Ngô Đình Mẫn. Cuộc họp diễn ra trong 2 ngày và thống nhất: 1- Không gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng theo điều kiện kết nạp từng cá nhân, không kết nạp tổ chức; 2- Bỏ tên gọi Tân Việt. Đặt tên Đảng là Đông Dương Cộng sản Liên đoàn; 3- Củng cố Đảng, khai trừ những đảng viên yếu kém. Bầu Ban Lãnh đạo của Đảng; 4- Thường xuyên quan tâm đến cuộc vận động thống nhất các tổ chức cộng sản. Hội nghị đang diễn ra thì phải chuyển nơi họp. Trên đường di chuyển thì bị lộ, các đại biểu đều bị bắt tại bến đò Trai, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, ngày 1-1-1930 (Xem: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, t. 1 (1930 - 1954), q. 1 (1930 - 1945), tr. 134)
(5) Hội nghị thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn chưa kết thúc thì các đại biểu đã bị chính quyền thực dân Pháp bắt. Đông Dương Cộng sản Liên đoàn ra đời nhưng chưa có Ban Chấp hành Trung ương, do đó không kịp cử đại diện đi dự hội nghị
(6) Xem: Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh (1930 - 1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr. 82
(7) Chúng vu khống cho đồng chí chủ mưu vận động nông dân giết tên hương quản để khép án
(8) Biết Nguyễn Chí Diểu là người có học, có lúc bọn cai ngục còn giao cho đồng chí sổ sách chấm công và thu phát dụng cụ lao động, như cuốc, xẻng, rìu, rựa. Nhân đó, Nguyễn Chí Diểu thường phát thừa một số rìu, rựa để anh em chặt gỗ đóng bè vượt biển
(9) Xem: Nguyễn Khoa Điềm: Đồng chí Nguyễn Chí Diểu, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1993, tr. 36
(10) Đồng chí Lê Duẩn và Phan Đăng Lưu là Ủy viên Thường vụ Xứ ủy
(11) Bằng cách giao Lê Thanh Cảnh, thường trực Viện Dân biểu Trung kỳ, đứng ra lập Hội đồng thảo nguyện vọng dân chúng để phá phong trào. Làm ra vẻ dân chủ, chúng cho mời một số nhà báo tham gia ban tổ chức và dự định cho in 100 giấy mời phát cho đại biểu dân chúng đến dự phát biểu nguyện vọng
(12) Bộ trưởng Bộ Lao động đại diện cho Chính phủ Pháp đi điều tra tình hình Đông Dương
(13) Cuộc họp diễn ra vào cuối tháng 12-1936
(14) Tuần báo Nhành lúa ra ngày thứ Sáu, 8 trang. Số 1 của tuần báo Nhành lúa ra ngày 9-1-1937
(15) Nguyễn Chí Diểu cùng Phan Đăng Lưu, Bùi San, Trần Công Xứng, Lê Tự Nhiên… phân công nhau đi sâu đến các cơ sở để móc nối tổ chức, bố trí các hoạt động. Nguyễn Chí Diểu trực tiếp đi gặp làm việc với nhóm thanh niên yêu nước ở Niêm Phò do Nguyễn Vịnh (tức đồng chí Nguyễn Chí Thanh) phụ trách và nhóm ở Phù Ninh do Hoàng Anh đứng đầu
(16) Được tin Gô-đa đi Huế, nhân dân được huy động chờ sẵn dọc đường. Nhưng Gô-đa lại nghỉ ở Cửa Tùng (Quảng Trị) mà không báo trước hòng làm lực lượng đón tiếp tại Huế rã đám. Trước tình hình đó, Nguyễn Chí Diểu kịp thời kêu gọi mọi người kiên trì, giúp nhau chỗ nghỉ chân để sẵn sàng đón Gô-đa. Sau ba ngày chờ đợi, sáng ngày 26-2, Gô-đa đến Huế, nhân dân đã ào ra đường trao kiến nghị. Gô-đa đã bỏ xe đi bộ cùng với đoàn tuần hành của nhân dân Huế
(17) Như trực tiếp kết nạp đồng chí Hoàng Anh vào Đảng, giao trách nhiệm xây dựng Chi bộ Phù Ninh (Phong Điền) và liên lạc chặt chẽ với nhóm của đồng chí Nguyễn Vịnh (ở Quảng Điền). Nguyễn Chí Diểu còn đi về các huyện phía nam Huế để làm việc với Lê Bá Dị, Trần Thanh Chữ, Phan Sung
(18) Nguyễn Chí Diểu và Phan Đăng Lưu chủ trương lợi dụng tờ Sông Hương của Phan Khôi (đã đình bản vì ế) để xin nhượng lại giấy phép nhằm xây dựng cơ quan ngôn luận của ta. Kết quả là đã xây dựng được Sông Hương tục bản của Đảng. Sông Hương bộ mới ra số đầu ngày 19-6-1937. Không lâu sau đó, tờ Sông Hương tục bản trở thành cơ quan ngôn luận của Đảng, chỉ đạo cuộc tranh cử Viện Dân biểu Trung kỳ khóa 3
(19) Viện Dân biểu là cơ quan dân cử do thực dân đề ra nhằm tạo ra một khung cửa hẹp chỉ để một số người gắn với lợi ích của chế độ thực dân là có thể lọt qua. Xung đột gay gắt giữa cụ Huỳnh Thúc Kháng, Viện trưởng khóa 1 (1926 - 1929) với hai viên Khâm sứ Trung kỳ D’ Elloy và Jabouille làm chúng thận trọng khi lựa chọn nhân sự mới.
(20) Thông báo ngày 20-7-1937 của Đảng
(21) Lần đầu tiên trong lịch sử bầu cử các cơ quan nhà nước của thực dân, phong kiến, tại Viện Dân biểu Trung kỳ, những người do ta đưa ra đã giành được các ghế quan trọng, như Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Ủy viên Thường trực… Đó là thắng lợi có ý nghĩa rất to lớn, biểu hiện sự trưởng thành về trình độ lãnh đạo đấu tranh công khai, hợp pháp của Đảng và sức mạnh phong trào quần chúng… mà đồng chí Nguyễn Chí Diểu có đóng góp quan trọng
Mối quan hệ giữa mục đích và phương pháp thực hiện mục đích của cách mạng Việt Nam qua Văn kiện Đại hội XIII của Đảng  (14/07/2022)
Mối quan hệ giữa mục đích và phương pháp thực hiện mục đích của cách mạng Việt Nam qua Văn kiện Đại hội XIII của Đảng  (14/07/2022)
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay