Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 24 đến 30-9-2018
Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018 - 2020.
Mục tiêu của Kế hoạch là tất cả các thủ tục hành chính liên quan đến quản lý nhà nước đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất, nhập, quá cảnh được thực hiện thông qua cơ chế một cửa quốc gia dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.
Toàn bộ các cơ quan Chính phủ liên quan trực tiếp và gián tiếp sử dụng thông tin về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người, phương tiện vận tải được kết nối, chia sẻ thông tin quản lý nhà nước thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Kế hoạch cũng hướng tới việc cải cách toàn diện công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo nguyên tắc chỉ kiểm tra tại cửa khẩu đối với các mặt hàng tác động đến an toàn xã hội, an ninh quốc gia, môi trường đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, phải kiểm dịch hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.
Kế hoạch đặt ra mục tiêu cụ thể là hết năm 2020, Việt Nam hoàn thành triển khai tất cả các thủ tục hành chính đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. 100% các thủ tục hành chính thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia thu phí, lệ phí bằng phương thức điện tử.
Các chứng từ điện tử (giấy phép điện tử, giấy chứng nhận điện tử và các giấy tờ điện tử tương đương) được cấp thông qua Cơ chế một cửa quốc gia được sử dụng khi thực hiện các thủ tục hành chính khác có liên quan.
Năm 2018 và các năm tiếp theo, các cơ quan chức năng cần tiếp tục cắt giảm và đơn giản hóa danh mục hàng hóa nhập khẩu thuộc diện phải quản lý, kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan; cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, giảm số lô hàng nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu xuống dưới 10%.
Năm 2019, tất cả các lô hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành trước thông quan phải có đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chí kiểm tra.
Bộ Thông tin và Truyền thông ứng dụng chữ ký số gửi, nhận văn bản điện tử
Từ ngày 01-10-2018, Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức triển khai ứng dụng chữ ký số gửi, nhận văn bản điện tử tại tất cả các đơn vị của Bộ. Hoạt động này nhằm triển khai Quyết định 28/QĐ-TTg (Quyết định 28) ngày 12-7-2018 về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.
Quyết định 28/QĐ-TTg áp dụng đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp và các cơ quan, đơn vị trực thuộc (gọi chung là bộ, ngành, địa phương). Quyết định này quy định việc gửi, nhận văn bản điện tử thông qua kết nối, liên thông các hệ thống quản lý văn bản và điều hành giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. Quyết định 28 quy định rõ: Văn bản điện tử đã ký số theo quy định của pháp luật được gửi, nhận qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành quy định tại Quyết định này có giá trị pháp lý tương đương văn bản giấy và thay cho việc gửi, nhận văn bản giấy.
Văn bản điện tử phải được bảo đảm tính xác thực về nguồn gốc, sự toàn vẹn, an toàn thông tin, dữ liệu trong quá trình gửi, nhận, xử lý và lưu trữ; phải được gửi ngay trong ngày văn bản đó ký ban hành, chậm nhất là trong buổi sáng của ngày làm việc tiếp theo. Văn bản điện tử đến sau khi được tiếp nhận, nếu bảo đảm giá trị pháp lý phải được xử lý kịp thời, không phải chờ văn bản giấy (nếu có). Trường hợp văn bản điện tử thuộc loại khẩn phải được đặt ở chế độ ưu tiên cần ghi rõ mức độ khẩn, gửi ngay sau khi đã ký số và phải được trình, chuyển giao xử lý ngay sau khi tiếp nhận.
Việc gửi, nhận văn bản điện tử phải thực hiện theo nguyên tắc quy định tại Điều 5 của Luật giao dịch điện tử và phải tuân theo các quy định khác của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, an ninh, an toàn thông tin và văn thư, lưu trữ. Tất cả các văn bản điện tử thuộc thẩm quyền ban hành và giải quyết của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước phải được gửi, nhận qua hệ thống quản lý văn bản, điều hành.
Bên nhận có quyền từ chối nhận văn bản điện tử, nếu văn bản điện tử đó không bảo đảm các nguyên tắc, yêu cầu về gửi, nhận và phải chịu trách nhiệm về việc bị từ chối. Đồng thời bên nhận phản hồi cho bên gửi được biết thông qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành hoặc trục liên thông văn bản quốc gia để xử lý theo quy định.
Bộ Nội vụ triển khai Hệ thống quản lý văn bản và một cửa điện tử
Triển khai Nghị định số 61/2018/NĐ-CP và Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg, Bộ Nội vụ đã khẩn trương xây dựng Hệ thống quản lý văn bản và một cửa điện tử tại Bộ để chính thức đưa vào sử dụng hoàn toàn văn bản điện tử hành chính có xác thực chữ ký số, đồng thời kết nối với trục liên thông văn bản của Chính phủ để gửi, nhận văn bản điện tử với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương từ ngày 01-01-2019. Nhằm đưa Hệ thống quản lý văn bản, một cửa điện tử vào hoạt động hiệu quả, ngày 26/9, Bộ Nội vụ đã tổ chức Tập huấn triển khai hệ thống này và tập huấn về kiểm soát thủ tục hành chính, tiêu chuẩn ISO.
Theo số liệu thống kê của Văn phòng Bộ Nội vụ, bình quân một ngày văn thư Bộ tiếp nhận và xử lý khoảng 200 văn bản; cung cấp dịch vụ công đối với 32 thủ tục hành chính và 8 quy trình liên thông. Đây là khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi phải nhanh chóng, kịp thời, chính xác và linh hoạt phù hợp với lịch công tác của lãnh đạo Bộ, thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, khi Hệ thống quản lý văn bản, một cửa điện tử đi vào sử dụng, các chức năng quản lý văn bản đi, đến, văn bản trình ký, quản lý lịch họp sẽ được tự động hóa giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của Bộ Nội vụ. Đồng thời, với cơ sở dữ liệu tập trung, giải pháp sẽ lưu được toàn bộ trạng thái xử lý văn bản, giúp lãnh đạo Bộ và lãnh đạo các đơn vị nhìn bao quát cũng như chi tiết về tình trạng xử lý văn bản tại các đơn vị thông qua hệ thống báo cáo tổng hợp như: số lượng văn bản chậm tiến độ xử lý, văn bản đang xử lý, văn bản đã xử lý. Từ đó, giúp lãnh đạo có thông tin điều hành và đôn đốc các đơn vị xử lý công việc.
Mặt khác, với việc đưa vào sử dụng phiên bản trên các thiết bị di động, ứng dụng chữ ký số sẽ giúp cho lãnh đạo Bộ và thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ có thể xử lý văn bản ở bất cứ đâu. Hệ thống cũng kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia, tiếp nhận và chuyển văn bản điện tử các văn bản đến và đi giữa các bộ, ngành và Chính phủ với hệ thống văn bản điện tử tại Bộ Nội vụ.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thường xuyên đăng nhập vào hệ thống để tiếp nhận, xử lý văn bản điện tử; chỉ đạo, phân công xử lý, theo dõi tiến độ xử lý văn bản trên môi trường mạng đúng quy định.
Hà Giang tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ, hạn chế tối đa sự chồng chéo ở các đơn vị mới hợp nhất
Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh cho biết: Ngay sau khi triển khai hợp nhất, sáp nhập một số đơn vị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang tiếp tục chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn thiện quy chế làm việc, tổ chức cơ cấu lại nội bộ đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Bộ máy cấp tỉnh của Hà Giang hiện có 72 đơn vị, trong đó có 37 cơ quan chuyên môn, 9 đơn vị sự nghiệp công lập, 26 hội cấp tỉnh (trong đó có 13 hội đặc thù). Hà Giang có 11 huyện, thành phố; tổ chức cấp huyện có 952 phòng, ban chuyên môn đơn vị sự nghiệp; cấp xã gồm 195 xã, phường, thị trấn và 2.069 thôn, tổ dân phố.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã triển khai Đề án số 22-ĐA/TU, trên cơ sở đó, tỉnh thực hiện thí điểm hợp nhất Sở Nội vụ với Ban Tổ chức Tỉnh ủy thành Ban Tổ chức - Nội vụ; hợp nhất Thanh tra tỉnh với cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy thành Cơ quan Ủy ban Kiểm tra - Thanh tra tỉnh; hợp nhất Đảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh, Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh thành Đảng bộ Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh.
Sau khi hợp nhất, Hà Giang giảm được 3 đầu mối cơ quan cấp tỉnh; giảm 18 đơn vị cấp phòng (thuộc 6 cơ quan). Tổng biên chế của 6 cơ quan là 226 biên chế, sau hợp nhất còn 161 biên chế, chuyển giao 57 biên chế, giảm được 8 biên chế. Bộ máy của hệ thống chính trị của tỉnh sau khi hợp nhất được tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thực tiễn, khắc phục thực trạng tổ chức, bộ máy cồng kềnh, chồng chéo, trùng lắp nhiệm vụ.
Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra-Thanh tra tỉnh Hà Giang Lê Quang Minh cho biết: Từ hai cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và Thanh tra tỉnh Hà Giang, sau khi hợp nhất thành Cơ quan Ủy ban Kiểm tra-Thanh tra tỉnh Hà Giang sẽ thể hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hai cơ quan khi hợp nhất lại, vẫn đảm bảo nguyên tắc làm việc theo quy định Điều lệ Đảng, các quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Luật Thanh tra hiện hành.
Cơ quan Ủy ban Kiểm tra-Thanh tra tỉnh là cơ quan chuyên môn, chuyên trách của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; trực tiếp tham mưu thường xuyên cho Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định của Điều lệ Đảng, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, pháp luật thanh tra và quy chế làm việc của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy. Cơ quan Ủy ban Kiểm tra-Thanh tra tỉnh tham mưu cho cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng; giải quyết khiếu nại, tố cáo tổ chức đảng và đảng viên; tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, sau khi hợp nhất, cơ cấu tổ chức bên trong của Cơ quan Ủy ban Kiểm tra-Thanh tra tỉnh được thực hiện theo hướng không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, liên thông trong tổ chức và hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cơ quan Ủy ban Kiểm tra-Thanh tra tỉnh trên cơ sở từ 11 phòng trực thuộc xuống còn 5 phòng trực thuộc và văn phòng, gồm các phòng nghiệp vụ I, II, III, IV, V và văn phòng.
Trước mắt, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra-Thanh tra tỉnh vẫn sử dụng hai con dấu. Sau khi có hướng dẫn của cấp có thẩm quyền sẽ sử dụng con dấu chung theo quy định.
Ngay sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang tổ chức công bố hợp nhất 3 cơ quan cấp tỉnh, huyện Quang Bình - một huyện vùng sâu vùng xa của tỉnh Hà Giang cũng đã tổ chức lễ công bố quyết định thí điểm hợp nhất tổ chức bộ máy theo Đề án số 22-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang. Theo đó, huyện Quang Bình triển khai trên cơ sở hợp nhất cơ quan Thanh tra huyện với Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy thành Cơ quan Ủy ban Kiểm tra-Thanh tra huyện Quang Bình; Phòng Nội vụ với Ban Tổ chức Huyện ủy thành Ban Tổ chức-Nội vụ huyện Quang Bình.
Tới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang tiếp tục nghiên cứu và thực hiện các đề án hợp nhất, sáp nhập một số cơ quan đơn vị như: Sáp nhập Sở Giao thông Vận tải với Sở Xây dựng; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Sở Thông tin và Truyền thông. Đối với những xã, phường không đạt trên 50% tiêu chí về dân số, diện tích, tỉnh sẽ nghiên cứu để sáp nhập lại theo hướng tinh gọn cơ cấu tổ chức, bộ máy.
Việc sắp xếp lại các cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước của tỉnh Hà Giang là công việc đòi hỏi quyết tâm chính trị cao; đặc biệt là sự tiên phong của người đứng đầu, phải gương mẫu, vượt qua chính mình, loại bỏ lợi ích cá nhân; quyết tâm xây dựng bộ máy thực sự năng lực, hiệu quả, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.
Thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Lâm Đồng
Chiều 27-9, UBND tỉnh Lâm Đồng chính thức đưa Trung tâm phục vụ hành chính công vào hoạt động tại tầng 1 tòa nhà Trung tâm Hành chính tỉnh Lâm Đồng, số 36, đường Trần Phú, Phường 4, thành phố Đà Lạt.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, năm 2017, hơn 286.000 bộ hồ sơ thủ tục hành chính đã được giải quyết tại Trung tâm hành chính. Tuy nhiên, việc theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình giải quyết thủ tục hành chính chưa thực sự đồng bộ, hiệu quả, chưa đảm bảo yêu cầu công khai minh bạch. Sau khi thành lập, Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Lâm Đồng là đầu mối thực hiện việc tiếp nhận, hướng dẫn giải quyết thủ tục hành chính và trả kết quả cho cá nhân, tổ chức ngay tại Trung tâm; qua đó tạo bước đột phá về cải cách hành chính, với mục tiêu đem đến sự minh bạch, kịp thời trong giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân, các tổ chức và doanh nghiệp.
Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh được bố trí 21 quầy với cơ sở vật chất trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, cùng với hệ thống đánh giá mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với công chức thực hiện thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, toàn bộ khu vực làm việc của Trung tâm đều được lắp đặt hệ thống camera giám sát, kết nối đến phòng kiểm tra, giám sát để theo dõi giám sát cán bộ thực hiện, có thể kiểm tra khi cần thiết, đảm bảo tính công khai, minh bạch khi giải quyết thủ tục hành chính.
Cùng với việc khai thác và ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, Trung tâm sẽ làm nhiệm vụ theo dõi, giám sát quá trình thực hiện để phát hiện và đề xuất khắc phục kịp thời các ách tắc, vướng mắc phát sinh trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức, công dân.
Ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, để Trung tâm đi vào hoạt động nhanh chóng, hiệu quả, cán bộ Trung tâm phải làm tốt nhiệm vụ hướng dẫn người dân, doanh nghiệp, thực hiện nhiệm vụ nhận và trả kết quả đúng thời gian, tạo đầu mối trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp, với phương châm “làm tròn trách nhiệm, hết việc chứ không hết giờ”.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tập thể công chức và người lao động tại Trung tâm cần nâng cao ý thức trách nhiệm, là những người đại diện đầu tiên trong việc tạo dựng hình ảnh người công chức chuyên nghiệp của chính quyền Lâm Đồng thân thiện, của nền hành chính phục vụ, công khai, minh bạch đối với các tổ chức, cá nhân./.
Chính phủ phấn đấu đạt cao hơn chỉ tiêu tăng trưởng Quốc hội giao  (01/10/2018)
Gặp mặt các Ủy viên Trung ương Đảng công tác trong quân đội  (01/10/2018)
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9-2018  (01/10/2018)
Chủ tịch Quốc hội tiếp đoàn các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam  (01/10/2018)
Một số chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10-2018  (01/10/2018)
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 24 đến 30-9-2018)  (01/10/2018)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên