TCCSĐT - Nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược, trong hai ngày 01 và 02-11-2017, Tổng thống Nga V. Putin đã thực hiện chuyến thăm Iran. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh tương lai thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và các cường quốc Nhóm P5+1 được biết đến là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) đang bị đe dọa bởi những tuyên bố rút khỏi thỏa thuận này của Tổng thống Mỹ D. Trump.

Kỳ vọng đem lại lợi ích chiến lược và lâu dài

 
 Tổng thống Nga V. Putin và Tổng thống Iran H. Rouhani tại buổi hội đàm. Ảnh: Sputnik International

Tại cuộc hội đàm, Tổng thống Nga V. Putin và Tổng thống Iran H. Rouhani đã thảo luận về mối quan hệ hợp tác song phương, cũng như một loạt vấn đề nóng của khu vực, trong đó có cuộc xung đột ở Syria, tương lai của thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Iran ký với Nhóm P5+1 hồi tháng 7-2015.

Tổng thống H. Rouhani khẳng định, Nga là người bạn, láng giềng tốt và một đối tác chiến lược của Iran. Đề cập đến thỏa thuận hạt nhân lịch sử, kế hoạch JCPOA, nhà lãnh đạo Iran nêu rõ vai trò của Nga trong việc thúc đẩy thỏa thuận hạt nhân lịch sử cũng như thực thi các cam kết của tất cả các bên được coi là “rất quan trọng và có ảnh hưởng”. Về phần mình, Tổng thống V. Putin khẳng định, hợp tác giữa hai nước tại Syria đã mang lại nhiều kết quả tốt, đồng thời đề nghị hai bên cần tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố tại Syria và thúc đẩy tiến trình chính trị nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột giữa chính phủ Syria và các nhóm vũ trang đối lập ở quốc gia này. Ông cũng bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran, khẳng định Nga phản đối bất kỳ sự thay đổi nào liên quan đến các điều khoản của thỏa thuận đa phương này thông qua cách tiếp cận đơn phương.

Nga và Iran có mối quan hệ từ thời Liên Xô trước đây. Bên cạnh đó, Nga và Iran còn là hai đồng minh ủng hộ mạnh mẽ Tổng thống Syria Bashar al-Assad kể từ khi làn sóng nổi dậy chống chính quyền bùng phát tại nước này năm 2011. Đặc biệt, tháng 11-2015, sau khi lệnh cấm vận của phương Tây được dỡ bỏ theo thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Tehran và Nhóm P5+1 đạt được, Tổng thống V. Putin đã thực hiện chuyến thăm chính thức Iran lần đầu tiên trong 8 năm. Trong chuyến thăm, hai nhà lãnh đạo Nga và Iran đã quyết định thành lập một khu vực thương mại tự do giữa Iran và Liên minh kinh tế Á - Âu gồm các nước thuộc Liên Xô trước đây, cũng như tăng cường sử dụng đồng tiền của các nước này trong thương mại với Iran.

Trong lĩnh vực quân sự, tháng 01-2016, Nga và Iran đã ký kết một thỏa thuận hợp tác quân sự nhằm cho phép hai bên phối hợp rộng hơn trong các hoạt động chống khủng bố và huấn luyện quân nhân. Nga đã chuyển giao hệ thống phòng thủ S-300 mà Iran đặt hàng từ năm 2007, với giá trị hợp đồng lên tới hơn 800 triệu USD. Theo kế hoạch, Nga sẽ xây dựng 9 trong tổng số 20 lò phản ứng hạt nhân của Iran trong vài năm tới, đồng thời sẽ đóng vai trò như một đối tác lâu dài của Iran.

Nhằm tăng cường hợp tác song phương vì lợi ích chiến lược cho cả hai bên, tháng 3 vừa qua, Tổng thống Iran Rouhani đã thực hiện chuyến thăm Nga. Chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Nga này của nhà lãnh đạo Iran đã đánh dấu bước chuyển lớn trong quan hệ Nga - Iran và là cơ hội để hai bên thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ nhau củng cố vị thế ở khu vực Trung Đông. Chính vì vậy, các nhà phân tích cho rằng, chuyến thăm Iran của Tổng thống V. Putin lần này được kỳ vọng sẽ đem lại những lợi ích chiến lược và lâu dài cho cả Tehran và Moscow.

Thắt chặt quan hệ đối tác chiến lược

 
 Tổng thống Philippines E. Duterte và Thủ tướng Nhật Bản S. Abe. Ảnh: ABC-CBN News

Nhật Bản và Philippines đã nhất trí cùng nhau củng cố quan hệ đối tác chiến lược, thúc đẩy hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng, phối hợp chống khủng bố. Đó là kết quả chuyến thăm của Tổng thống Philippines R. Duterte đến Nhật Bản trong hai ngày 30 và 31-10-2017.

Tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về việc thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược song phương, đặc biệt trong các vấn đề có liên quan tới việc phát triển kinh tế - xã hội, nền hòa bình và tiến bộ trên đảo Mindanao, miền Nam Philippines, cũng như việc xây dựng các cơ sở hạ tầng hiện đại tại Philippines. Bên cạnh đó, Tổng thống Philippines và Thủ tướng S. Abe cũng đã thảo luận việc thực thi các quy định luật pháp trong quan hệ giữa hai nước và các quốc gia khác nhằm thúc đẩy sự ổn định và an ninh trong khu vực. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo trao đổi quan điểm về các chương trình hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên.

Theo nhận định từ giới chuyên môn, việc Manila và Tokyo có xu hướng xích lại gần nhau vào thời điểm này xuất phát từ những lợi ích thực chất của cả hai bên. Đối với Philippines, Nhật Bản là đối tác chiến lược, đồng thời là nước cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) và là nhà đầu tư lớn nhất của quốc gia này. Thực tế cho thấy, kể từ khi lên cầm quyền, Tổng thống R. Duterte đã chủ trương tranh thủ sự hỗ trợ kinh tế của nước ngoài, đồng thời thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ. Chính vì vậy, việc Nhật Bản đề xuất các gói cho vay ưu đãi như gói 2,4 tỷ USD để xây dựng tuyến đường sắt mới nhằm cải thiện năng lực giao thông Manila hay các thỏa thuận kinh tế, cam kết đầu tư cho các dự án hạ tầng Philippines được đưa ra trong chuyến thăm của Tổng thống R. Duterte đến Nhật Bản hồi cuối năm 2016 đã đáp ứng được mong muốn của nhà lãnh đạo Philippines. Đặc biệt, việc Nhật Bản ủng hộ cuộc chiến bài trừ ma túy, mong muốn đóng góp vào nỗ lực này để đưa ASEAN trở thành khu vực không có ma túy, đã tạo được thiện cảm với Tổng thống R. Duterte. Cùng với kinh tế, Nhật Bản đã tích cực hỗ trợ tiến trình hòa bình tại Mindanao, cũng như cam kết hỗ trợ Philippines trong công tác tái thiết thành phố Marawi và tăng cường năng lực quốc phòng của Philippines đối với lĩnh vực an ninh biển.

Về phía Nhật Bản, tăng cường quan hệ với Philippines nằm trong chủ trương gia tăng quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á, từ đó nâng cao vai trò của Nhật Bản trong khu vực. ASEAN, trong đó có Philippines, là khu vực kinh tế năng động, là một thị trường tiềm năng cho xuất khẩu hạ tầng của Nhật Bản, một trong những cột trụ chính trong chiến lược kinh tế Abenomics của Thủ tướng S. Abe. Sau thất bại trước Trung Quốc trong dự án đầu tư đường sắt cao tốc tại Indonesia, Nhật Bản rõ ràng không muốn chậm chân trong cuộc chạy đua vào thị trường sôi động này. Trong lĩnh vực quốc phòng, việc tăng cường vai trò của Nhật Bản tại Philippines sẽ giúp Tokyo có tiếng nói lớn hơn trong vấn đề Biển Đông, lộ trình hàng hải quan trọng đối với Nhật Bản cũng như của thế giới.

Với lịch sử quan hệ hữu nghị, sự đồng thuận trong nhiều mối quan tâm chung từ kinh tế đến an ninh, chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống R. Duterte được đánh giá là sẽ càng thắt chặt quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, đặc biệt trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới đã và đang có nhiều diễn biến phức tạp.

Giải quyết bất ổn tại Afghanistan

 
 Tình trạng bất ổn ở Afganistan. Ảnh: Getty Images

Bức tranh an ninh của Afghanistan vẫn đen tối khi tình trạng bạo lực nhằm vào lực lượng an ninh Afghanistan không những không giảm mà còn gia tăng đáng kể trong thời gian gần đây. Điều này đã đặt ra nhiều thách thức cho chính quyền của Tổng thống Mohammad Ashraf Ghani, cũng như chiến lược mới của Mỹ về Afghanistan.

Ngày 30-10-2017, giới chức địa phương cho biết, hàng trăm tay súng Taliban đã mở cuộc tấn công quy mô lớn vào các trạm kiểm soát an ninh nhằm chiếm huyện Burka ở tỉnh Baghlan phía Bắc Afghanistan. Cùng ngày, ít nhất 13 người đã bị thương trong một vụ tấn công bằng bom tại tỉnh Baghlan. Cảnh sát cho biết, một quả mìn gài vào một chiếc xe tải đã phát nổ tại thủ phủ Pul-e-Khumri. Trước đó, ngày 29-10 đã có ít nhất 13 cảnh sát thiệt mạng và 1 người mất tích trong loạt vụ tấn công nhằm vào các chốt kiểm tra an ninh ở tỉnh miền Bắc Kunduz.

An ninh đang là vấn đề đặc biệt quan ngại ở Afghanistan khi phiến quân Taliban liên tục đẩy mạnh các cuộc tấn công nhằm vào quân đội và cảnh sát Afghanistan để đáp trả chiến lược mới của Mỹ tại nước này, trong khi các nhóm vũ trang khác cùng với Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng không ngừng tiến hành nhiều vụ bạo lực khác nhằm phô trương thế lực.

Người dân Afghanistan đang hằng ngày phải hứng chịu hậu quả của các cuộc xung đột. Theo số liệu của Phái bộ hỗ trợ Liên hợp quốc tại Afghanistan (UNAMA), hơn 2.640 dân thường thiệt mạng và 5.370 người bị thương trong các vụ, việc liên quan đến xung đột trong 9 tháng đầu năm 2017. Liên hợp quốc cho biết, 64% số thương vong của dân thường do lực lượng Taliban và các nhóm phiến quân khác gây ra, 20% do lực lượng an ninh và 11% do cả hai bên trong các cuộc giao tranh và 5% còn lại do các nguyên nhân khác. Theo giới chức Mỹ, chính phủ Afghanistan hiện mới chỉ kiểm soát được khoảng 60% diện tích cả nước, phần còn lại rơi vào tay các lực lượng nổi dậy hoặc phiến quân Taliban. Trong khi đó, lực lượng Taliban và các nhóm phiến quân khác đang không ngừng gia tăng các cuộc tấn công quy mô lớn nhằm chiếm nhiều địa phương. Để đối phó với tình hình bất ổn, thời gian gần đây, các lực lượng an ninh của Afghanistan đã tăng cường những chiến dịch an ninh trên cả nước chống các lực lượng khủng bố và cực đoan. Chính phủ Afghanistan cũng đang tìm cách phát triển một lộ trình mới chống Taliban, trong đó nhiều lần kêu gọi Taliban từ bỏ vũ khí, tham gia tiến trình hòa bình và hòa giải dân tộc. Tuy nhiên, Taliban vẫn một mực bác bỏ việc đàm phán với chính phủ nếu lực lượng nước ngoài còn hiện diện tại Afghanistan.

Trong một diễn biến liên quan, hồi tháng 8 vừa qua, chính quyền của Tổng thống Mỹ D. Trump đã công bố chiến lược mới về Afghanistan, bao gồm kế hoạch can dự quân sự dài hạn, cũng như việc triển khai thêm khoảng 3.500 binh sĩ tới chiến trường Afghanistan với quyết tâm nhanh chóng sớm kết thúc cuộc chiến dai dẳng này. Trong khi đó, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng cân nhắc kế hoạch bổ sung khoảng 4.000 binh sĩ cho lực lượng 13.500 binh sĩ đang làm nhiệm vụ cố vấn, huấn luyện và hỗ trợ quân chính phủ Afghanistan thực hiện sứ mệnh “hỗ trợ kiên quyết” đã được triển khai tại Afghanistan kể từ năm 2014. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc lực lượng Taliban có thể tiếp tục hoạt động mạnh như hiện nay là do người dân Afghanistan đã mất lòng tin vào chính quyền. Do vậy, nếu không thay đổi được điều đó thì chiến lược hỗ trợ quân sự mới của Mỹ tại Afghanistan cũng sẽ không có sự bảo đảm nào để Mỹ có thể giành chiến thắng cuối cùng trước Taliban.

Hành trình xích lại gần nhau

 
 Ảnh minh họa. Ảnh: Cuba Business Report

Một chương mới trong quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Cuba đã được đánh dấu với việc hai bên bắt đầu áp dụng tạm thời Thỏa thuận Đối thoại chính trị và Hợp tác (PDCA). Đây là một bước tiến lớn tiến tới việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai bên trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Cuba và Mỹ.

Ngày 01-11, Thỏa thuận Đối thoại chính trị và Hợp tác giữa EU và Cuba đã bắt đầu có hiệu lực tạm thời. Thỏa thuận bao gồm 3 chương chính về đối thoại chính trị, hợp tác và đối thoại chính sách ngành cũng như hợp tác về thương mại. PDCA có mục tiêu thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa hai bên nhằm khuyến khích phát triển bền vững, dân chủ, cũng như tìm ra giải pháp vượt qua các thách thức toàn cầu thông qua việc phối hợp hành động trên các diễn đàn đa phương. Các lĩnh vực được cả hai bên cùng quan tâm bao gồm năng lượng tái tạo, phát triển nông thôn, môi trường, quản trị, an ninh, tạo việc làm... Nhiều hoạt động sẽ được xúc tiến với tất cả các chủ thể tại Cuba, bao gồm lĩnh vực công, chính quyền địa phương, toàn bộ khu vực xã hội dân sự, lĩnh vực tư nhân, cũng như các tổ chức quốc tế.

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU, F. Mogherini đánh giá, EU và Cuba đang thực sự bước sang trang mới và cũng là một chương mới trong quan hệ đối tác song phương bắt đầu từ nay với việc PDCA đi vào áp dụng tạm thời. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez Parrilla nhấn mạnh, bước đi này có ý nghĩa lớn trong việc hủy bỏ hoàn toàn chính sách “Quan điểm chung” của EU về Cuba. Đối với Cuba, việc hủy bỏ hoàn toàn chính sách đơn phương và tàn tích của quá khứ đối nghịch với cơ sở bình đẳng, có đi, có lại và tôn trọng mà La Habana và Brussels xây dựng từ năm 2008, là một yếu tố tối quan trọng.

Các nhà phân tích nhận định, việc PDCA có hiệu lực là điều mà cả EU và Cuba đều trông đợi, đặc biệt trong bối cảnh hiện tại. Đối với Cuba, việc xây dựng mối quan hệ chính trị tốt đẹp với EU đem đến cho quốc gia Nam Mỹ cơ hội tranh thủ sự hỗ trợ từ một đối tác lớn và giàu tiềm lực cho quá trình phát triển kinh tế. PDCA cũng sẽ mở đường cho một loạt quan hệ hợp tác giữa hai bên trong nhiều dự án, từ việc bảo vệ môi trường tới việc hiện đại hóa hệ thống thu thuế của Cuba. Theo thống kê, kể từ năm 2008 đến nay, EU đã viện trợ phát triển cho Cuba 50 triệu euro và hiện EU là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất, đối tác thương mại thứ hai, và thị trường du lịch lớn thứ ba của Cuba.

Đối với EU, việc liên tục phát đi những tín hiệu tích cực đối với Cuba là để bày tỏ sự hài lòng trước những thay đổi của nước này thời gian gần đây. Chính quyền Cuba đã tiến hành những bước cải cách lớn trong lĩnh vực kinh tế, đem lại sự phát triển không thể phủ nhận tại đảo quốc này. Bên cạnh phát triển kinh tế, Cuba còn giữ được sự ổn định về an ninh, chính trị. Hơn thế, việc PDCA có hiệu lực sẽ thúc đẩy những quốc gia Mỹ Latinh khác ký những thỏa thuận tương tự với EU trong tương lai.

Cộng đồng quốc tế hy vọng PDCA có hiệu lực tạm thời sẽ là nền tảng để hai bên xây dựng mối quan hệ mới, trên cơ sở đối thoại, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác bình đẳng và hiệu quả.

Nguy cơ rơi vào khủng hoảng

 
 Ảnh minh họa. Ảnh: Eurocrasia.info

Khủng hoảng nợ công được coi là một thách thức chưa có tiền lệ đối với Khu vực đồng chung châu Âu (Eurozone). Giới phân tích quan ngại nguy cơ về một cú sốc kinh tế từ việc vùng Catalunya (Tây Ban Nha) tuyên bố độc lập có thể khiến Eurozone một lần nữa lâm vào tình trạng khủng hoảng.

Ngay sau khi cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập diễn ra ngày 01-10, gần 1.700 doanh nghiệp đã quyết định chuyển trụ sở của họ khỏi vùng Catalunya. Công ty đánh giá tín nhiệm Fitch cho biết đã đặt chỉ số tín dụng tài chính của Catalunya dưới sự giám sát đặc biệt và nhiều khả năng là chỉ số này sẽ bị đánh tụt xuống so với trước đây. Các nhà quan sát cảnh báo sẽ có những hậu quả nghiêm trọng xảy ra đối với nền kinh tế và xã hội Catalunya. Giới doanh nghiệp và các nhà đầu tư đặc biệt lo ngại tuyên bố độc lập sẽ kéo theo việc vùng Catalunya sẽ phải rời khỏi EU, Eurozone và thị trường chung châu Âu. Về phần mình, Tây Ban Nha cũng sẽ phải chịu nhiều tổn hại sau khi vùng Cataluny bị chia cắt. Với 16% dân số so với cả nước, vùng Catalunya đóng góp tới 20% GDP hằng năm của Tây Ban Nha. Vùng này cũng chiếm đến 1/4 hàng xuất khẩu của Tây Ban Nha. Việc chia cắt sẽ làm suy yếu nền kinh tế đất nước, dẫn đến tình trạng gia tăng chi phí tài chính của Tây Ban Nha.

Trên thực tế, khủng hoảng nợ công trước đây đã phản ánh sự mất cân bằng và trục trặc trong Eurozone. Khủng hoảng nợ công đã làm tiêu tan tất cả những ảo tưởng cho rằng, Eurozone có thể vận hành mà không cần có những cơ chế nền tảng của tổng thể liên bang, cũng như các phương tiện tài chính hay thủ tục nào khác ngoài những phê chuẩn dựa trên sự điều chỉnh riêng của các nền kinh tế đang mất cân bằng. Ba bài học có thể rút ra, đó là: Thứ nhất, sự gia nhập đồng tiền duy nhất không tương hợp với các chính sách tự chủ quốc gia. Trên thực tế, nếu một quốc gia quyết định hỗ trợ nền kinh tế của mình đến mức làm mất cân bằng dai dẳng trong cán cân thanh toán trong nước, thì đó chính là cách “ép buộc” các nước láng giềng phải sử dụng nguồn tiền dự trữ của họ để bù lấp vào đó; điều mà người ta đã chứng kiến ở các nước Nam Âu và Ireland. Thứ hai, đồng tiền duy nhất đòi hỏi một liên minh giao dịch tiền tệ giữa các quốc gia phê chuẩn nó. Có thể nói rằng, Liên minh tiền tệ châu Âu (UEM) vận hành như một cơ chế bảo hiểm: Lãi suất của các quốc gia đã thống nhất cho tới khi xảy ra cuộc khủng hoảng, bởi các thị trường đã có niềm tin rằng, một khoản nợ của mỗi quốc gia là khoản nợ của cả khối. Nếu khoản nợ của các quốc gia dễ bị tổn thương nhất đã được hưởng quy chế tài sản an toàn, chính là vì đồng tiền mà họ phát hành đã bao gồm một giá trị bảo hiểm rủi ro. Thứ ba, tính chất liên kết của những giao dịch bên trong Eurozone đòi hỏi sự kiểm soát của tất cả các nước đối với chính sách của mỗi quốc gia và nghĩa vụ đối với mỗi nước, vì hiện tại thiếu một cấp liên bang cho phép chuyển các khoản thặng dư của những nước này để bù đắp những thâm hụt của những nước khác. Nước Đức - thủ lĩnh về kinh tế trong Eurozone - là một ví dụ cụ thể. Chính Đức và thặng dư thương mại lớn của nước này - 7% GDP bảo đảm chức năng tái bảo hiểm cho Eurozone. Và đây thực sự là một sự đồng nhất kéo theo sự tương đồng các định hướng của các chính sách quốc gia.

Trong bối cảnh hiện nay, khi Tây Ban Nha là nền kinh tế lớn thứ 4 của Eurozone và cú sốc mà nước này phải chịu đựng là sự suy giảm đà tăng trưởng cùng với khó khăn trong việc huy động vốn trên các thị trường tài chính cũng sẽ gây tác động dây chuyền lên cả khu vực Eurozone. Và một nguy cơ khó tránh khỏi là Eurozone có thể một lần nữa lại lâm vào tình trạng khủng hoảng./.