Đảng Cộng sản Việt Nam kế thừa, nâng lên tầm cao mới tư tưởng độc lập tự chủ, hòa bình và hội nhập thế giới - một truyền thống lâu đời của chính trị Việt Nam
Tình hình đất nước và bối cảnh quốc tế hiện nay tạo cho nước ta vị thế mới với những thuận lợi và cơ hội to lớn cùng những khó khăn và thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Nền tảng để Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa được hình thành đầy đủ, vẫn đang tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định chính trị - xã hội và đe dọa chủ quyền quốc gia. Đại hội lần thứ XI của Đảng chỉ rõ: “Phải đặc biệt quan tâm giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ để bảo đảm cho đất nước phát triển nhanh và bền vững”. Giữ vững độc lập tự chủ, hòa bình là điều kiện tiên quyết tạo nền tảng để Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và khắc phục có hiệu quả những yếu tố gây mất ổn định chính trị - xã hội và đe dọa chủ quyền quốc gia.
Xuất phát từ ý nghĩa quan trọng đối với an ninh và phát triển bền vững của đất nước, Đại hội XI của Đảng đã có bước phát triển mới, bổ sung và hoàn thiện nhận thức mới về nội dung độc lập tự chủ trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa để làm cơ sở lý luận cho việc xây dựng và triển khai đường lối phát triển đất nước trong thời kỳ mới, góp phần tích cực hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nhận thức này của Đảng ta thể hiện rõ sự kế thừa và nâng lên ở tầm cao mới tư tưởng độc lập tự chủ, hòa bình, hữu nghị và hội nhập thế giới của chính trị Việt Nam truyền thống.
1. Độc lập tự chủ là khát vọng cháy bỏng và là mục đích của sự nghiệp đấu tranh anh dũng của dân tộc Việt Nam với sự hy sinh xương máu của các thế hệ trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, dân tộc Việt Nam cũng quyết giữ vững bờ cõi, quyết không bị áp đặt, quyết ra sức bảo tồn tinh hoa văn hóa truyền thống dân tộc. Trong quá trình dựng nước và giữ nước, mặc dù dân tộc ta có khi bị giặc ngoại xâm đô hộ - dĩ nhiên có chịu ảnh hưởng của những luồng tư tưởng của các nền văn hóa bên ngoài - nhưng cái mà các chính quyền đô hộ không bao giờ áp đặt được cho Việt Nam là thân phận một dân tộc nô lệ.
Đồng thời với các cuộc đấu tranh chống xâm lược, quá trình giao lưu với thế giới bên ngoài của dân tộc ta cũng diễn ra một cách tự nhiên. Nằm ở nơi tiếp giáp, giao thoa của nhiều nền văn hóa, văn minh lớn; nền văn hóa, văn minh Văn Lang - Âu Lạc do tổ tiên ta dày công sáng tạo chủ yếu được hình thành trên cơ sở những năng lực sáng tạo nội sinh và một phần tiếp thu những giá trị ngoại sinh phù hợp qua giao lưu với các nền văn hóa khác.
Không chỉ dừng lại ở việc “đón nhận” thế giới, ông cha ta còn chủ động “đi ra” thế giới. Sử sách Trung Quốc ghi nhận: vào năm thứ sáu đời vua Thành Vương nhà Chu, một sứ bộ ngoại giao của ta đã sang thăm Trung Quốc. Qua ba lần thông dịch, sứ bộ ta mới tới được kinh đô nhà Chu. Sứ bộ ta đem tặng vua nhà Chu chim trĩ trắng, loại chim quý nhất ở phương Nam thời ấy. Nhà Chu trân trọng đáp lại, cho làm năm cỗ xe có kim chỉ nam để đưa sứ bộ ta về nước(1).
Sách Đại Việt sử kí toàn thư cũng ghi về sự kiện này: Thời Thành vương nhà Chu (1063 - 1026 TCN), sứ thần nước Việt lần đầu sang thăm nhà Chu (không rõ vào đời Hùng vương thứ mấy), xưa là Việt thường thị, hiến chim trĩ trắng”(2).
Những sự kiện trên cho thấy, ngay từ thời mới dựng nước, dân tộc ta đã có nền văn hiến, biết sử dụng những biểu tượng cao đẹp của con người làm quà tặng trong giao tiếp đối ngoại, thể hiện sự hiểu biết và tôn trọng đối với các dân tộc khác. Có thể nói, từ thời Hùng Vương, dân tộc ta đã có tinh thần bang giao, hòa bình, hữu nghị với tất cả các dân tộc, dù ở xa ta hàng vạn dặm.
Mở đầu mục Bang giao chí trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú viết: “Trong việc trị nước, hòa hiếu với nước láng giềng là việc lớn, mà những khi ứng thú lại rất quan hệ, không thể xem thường, người có quyền trị nước phải nên cẩn thận”(3). Ông cũng cho biết: “Nước ta từ thời Hùng Vương đã bắt đầu thông hiếu với Trung Quốc”(4). Những vương triều độc lập đầu tiên của dân tộc, từ thời Đinh và Tiền Lê tại kinh đô Hoa Lư, nước Đại Cồ Việt đã nhiều lần tiếp đón các sứ bộ ngoại giao của Trung Quốc một cách trọng thị, với tinh thần bang giao hữu nghị, khiến cho sứ giả Tung Quốc phải kính nể.
Thời nhà Lý, nhà Trần - từ thế kỷ XII - XIII, Đại Việt đã có quan hệ thương mại với Java (In-đô-nê-xi-a ngày nay) và Xiêm La (Thái Lan ngày nay). Đến thế kỷ XVI, Việt Nam đã tham gia trực tiếp vào hệ thống giao thương toàn cầu khi cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài đều buôn bán rất sôi động với châu Âu. Thế kỷ XVII, những thương gia Bồ Đào Nha, Hà Lan, Pháp và Anh đã đến Phố Hiến (Hưng Yên), Hội An, những nơi mà người Nhật Bản đã đến trước họ từ lâu.
Bên cạnh kinh tế, các triều đại phong kiến độc lập Việt Nam đã nỗ lực chủ động thúc đẩy quan hệ chính trị, đặc biệt là hàn gắn và củng cố quan hệ với các nước láng giềng, lân bang để giữ hòa hiếu, tạo dựng môi trường hòa bình hữu nghị để phát triển ngay sau khi đất nước giành được độc lập. Có thể nói, Việt Nam đã tham gia rất sớm vào quá trình giao lưu với các dân tộc trên thế giới, nhất là với các nước láng giềng và khu vực. Quá trình giao lưu, trao đổi với bên ngoài vừa giúp dân tộc ta tiếp thu tinh hoa văn hóa của khu vực và thế giới, phát triển sản xuất, biến cái của người thành cái của mình, qua đó vươn lên tự cường dân tộc, giữ vững chủ quyền và củng cố độc lập tự chủ.
Như vậy, trong lịch sử dân tộc, độc lập tự chủ luôn là tư tưởng xuyên suốt; hội nhập đã diễn ra sớm, dù ở quy mô, mức độ khác nhau do thăng trầm lịch sử, nhưng đều được coi là phương tiện và giải pháp nhằm phát triển đồng thời bảo vệ độc lập, tự chủ của dân tộc.
2. Ngay sau khi giành độc lập dân tộc năm 1945, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có quan điểm mới và tích cực về độc lập dân tộc và hội nhập quốc tế. Đó là, độc lập tự chủ là nguyên tắc không thay đổi, còn hội nhập quốc tế, mà trước hết là tranh thủ sự giúp đỡ về kinh tế của quốc tế phục vụ lợi ích dân tộc lúc đó là kiến thiết đất nước.
Ngày 23-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Chúng ta hoan nghênh những người Pháp muốn đem tư bản vào xứ ta khai thác những nguồn nguyên liệu chưa có ai khai thác. Có thể rằng: chúng ta sẽ mời những nhà chuyên môn Pháp cũng như Mỹ, Nga hay Tàu đến đây giúp việc cho chúng ta trong cuộc kiến thiết quốc gia. Nhưng phải nhắc lại rằng, điều kiện chính vẫn là họ phải thừa nhận nền độc lập của xứ này. Nếu không vậy, thì không thể nói được chuyện gì cả”(5).
Từ cuối năm 1946, khi những nỗ lực ngoại giao với Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh vì một nền hòa bình, tránh một cuộc chiến tranh cho nước Pháp với Việt Nam và Đông Dương không thành công...(6), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta vừa chủ động không ngừng một phút công việc sửa soạn, sẵn sàng kháng chiến bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, vừa tiếp tục chủ trương hội nhập, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế để “kháng chiến và kiến quốc”, kiên quyết kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, để bảo vệ nền độc lập dân tộc, không vì hội nhập mà đánh mất độc lập tự chủ. Tháng 12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rõ chủ trương “mở cửa”, hội nhập quốc tế của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa: “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực: a/Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ thuật của mình; b/Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế; c/Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới dự lãnh đạo của Liên hợp quốc”(7).
Đến đầu những năm 1950, khi điều kiện trong nước và quốc tế đã thuận lợi hơn, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa chủ trương mở rộng quan hệ quốc tế thành hiện thực với việc Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với một loạt nước như Trung Quốc, Liên Xô, Triều Tiên và các nước dân chủ nhân dân khác ở Đông Âu.
Thông qua hội nhập quốc tế, nhân dân Việt Nam đã tranh thủ được sức mạnh của thời đại, phục vụ cho lợi ích quốc gia - dân tộc cao nhất lúc đó là giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Qua kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng ta đã tổng kết thực tiễn thành bài học lịch sử: “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại” và nhờ vận dụng linh hoạt bài học đó, Đảng đã gắn kết và phát huy được sức mạnh tổng hợp ở trong nước của mọi tầng lớp nhân dân và sự ủng hộ của các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới, đưa cách mạng dân tộc, dân chủ Việt Nam đi từ Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thắng lợi đến đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Như vậy, theo quan điểm của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, độc lập tự chủ là cơ sở, là cái quyết định để hội nhập thành công, và chính hội nhập lại giúp chúng ta tranh thủ được sức mạnh của thời đại để củng cố độc lập tự chủ của dân tộc. Điều đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết lại: Có tự lập mới độc lập, có tự cường mới có tự do. Song, chúng ta cũng nhận thức rõ ràng là độc lập tự chủ không đồng nghĩa với biệt lập hoặc cô lập mà phải đi đôi với việc chủ động mở rộng hợp tác quốc tế trên cơ sở xử lý đúng đắn quan hệ giữa lợi ích quốc gia dân tộc với lợi ích giai cấp, lợi ích quốc tế. Điều này luôn luôn thể hiện rõ nét trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh, khi nhìn vào toàn bộ sự nghiệp và cuộc đời hoạt động cách mạng của Người: gắn chủ nghĩa yêu nước, với cuộc đấu tranh giai cấp, gắn giải phóng giai cấp với giải phóng dân tộc. Dân tộc - giai cấp - nhân loại là một chỉnh thể không đối lập trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh cũng như trong đường lối cách mạng của Người.
Độc lập tự chủ theo tư tưởng Hồ Chí Minh là điểm tựa vững chắc, là sức mạnh khi ta tham gia hội nhập quốc tế. Càng hội nhập quốc tế sâu rộng thì càng cần có độc lập tự chủ để chúng ta có thể tự quyết định con đường phát triển và hướng đi của tiến trình hội nhập sao cho phù hợp với hoàn cảnh và đặc thù của quốc gia. Đồng thời, vị thế độc lập càng củng cố và các giá trị quốc gia càng được nâng cao khi cộng đồng thế giới đánh giá cao và đặt niềm tin vào các quốc gia có bản lĩnh, có bản sắc văn hóa độc lập. Vì vậy, độc lập tự chủ còn là “chiếc neo về bẳn sắc”; hội nhập càng sâu rộng, ý thức về bản sắc càng cao và nhu cầu gìn giữ giá trị văn hóa, truyền thống dân tộc càng lớn.
Ngược lại, hội nhập quốc tế sẽ tạo điều kiện để tăng cường khả năng giữ vững độc lập tự chủ thông qua tiếp cận, huy động thêm nguồn lực từ bên ngoài và làm tăng vị thế quốc tế của đất nước. Hơn nữa, hội nhập quốc tế tạo ra các mối ràng buộc và đan xen lợi ích giữa quốc gia với các đối tác. Điểm ưu việt và sáng tạo trong tư duy chính trị của Đảng ta là ở chỗ Đảng coi độc lập tự chủ gắn liền với mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đúng như Hồ Chí Minh từng nói: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(8). Đó là cam kết chính trị, là khẩu hiệu hành động của một Đảng cầm quyền của dân, do dân và vì dân.
3. Kế thừa truyền thống chính trị tốt đẹp của dân tộc và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập tự chủ, dưới ánh sáng của đường lối đổi mới đo Đại hội Đảng lần thứ VI khởi xướng, Đảng ta đã nhận thức đúng và giải quyết thành công mối quan hệ giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế với việc đổi mới mạnh mẽ tư duy đối ngoại, nhất là về mối quan hệ giữa hai mặt hợp tác và đấu tranh trong quan hệ quốc tế, giữa lợi ích quốc gia và lợi ích quốc tế, giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.
Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị với chủ đề Giữ vững hòa bình và phát triển kinh tế thể hiện rõ sự thay đổi tư duy đó: “Với một nền kinh tế mạnh, một nền quốc phòng vừa đủ mạnh, cùng với sự mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, chúng ta sẽ càng có nhiều khả năng giữ vững độc lập và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội hơn”(9). Nghị quyết còn nhấn mạnh: Việt Nam phải “ra sức lợi dụng sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học kỹ thuật và xu thế quốc tế hóa cao của nền kinh tế thế giới, đồng thời tranh thủ vị trí tối ưu trong phân công lao động quốc tế, đi vào làm kinh tế thật sự có hiệu quả”(10).
Đại hội Đảng lần thứ VII đánh dấu bước phát triển mới trong đường lối đối ngoại của Đảng, đề ra chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, theo phương châm “thêm bạn bớt thù” với tuyên bố: “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”(11).
Sau khi chúng ta phá vỡ được thế bao vây, cấm vận đầu những năm 1990, quá trình hội nhập của Việt Nam được triển khai mạnh mẽ hơn. Trong đường lối đối ngoại, Đảng ta luôn chú trọng xác định mục tiêu đối ngoại là: “Tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời đóng góp tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ va tiến bộ xã hội”(12). Sau Đại hội lần thứ VII, tình hình quốc tế và khu vực diễn biến nhanh và phức tạp, đặc biệt là sự tan rã của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Trước tình hình đó, Hội nghị Trung ương 3 khóa VII đề ra tư tưởng chỉ đạo chính sách đối ngoại là: “Giữ vững nguyên tắc vì độc lập, thống nhất và chủ nghĩa xã hội, đồng thời phải rất sáng tạo, năng động, linh hoạt, phù hợp với vị trí , điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của nước ta, cũng như diễn biến của tình hình thế giới và khu vực, phù hợp với từng đối tượng ta có quan hệ”(13). Đây chính là sự kế thừa và vận dụng sáng tạo triết lý ngoại giao Hồ Chí Minh: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, vừa kiên định về nguyên tắc chiến lược, vừa mềm dẻo, linh hoạt về sách lược trong tình hình mới. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa IX đã đưa ra khái niệm “đối tượng”, “đối tác”. Theo đó, những ai chủ trương tôn trọng độc lập chủ quyền, thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác của Việt Nam. Bất kể thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam đều là đối tượng đấu tranh. Với tư duy biện chứng, trong mỗi đối tượng vẫn có mặt cần tranh thủ, hợp tác, trái lại, trong mỗi đối tác, có thể có mặt khác biệt, mâu thuẫn về lợi ích nên cần phải có biện pháp và hình thức đấu tranh thích hợp.
Tiếp đó, Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng đã chỉ rõ mối quan hệ giữa độc lập tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế: “Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, giữ vững an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường”(14).
Với tư tưởng đó, Đảng ta đã nâng lý luận về mối quan hệ biện chứng giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế lên một tầm cao mới, soi sáng cho việc hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại trong thời kỳ mới.
Có thể nói, tư tưởng chỉ đạo đối ngoại trên đây, với tính đúng đắn của nó, đã được khẳng định một cách xuyên suốt qua các kỳ Đại hội VIII, IX, X và XI của Đảng. Tại Đại hội XI, Đảng ta chỉ rõ: “Tiếp tục thực hiện tốt chủ trương mở rộng hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển, hòa bình, hợp tác và phát triển, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Tiếp tục đưa các quan hệ quốc tế của đất nước đi vào chiều sâu trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, phát huy tối đa nội lực và bản sắc dân tộc; chủ động ngăn ngừa và giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình hội nhập quốc tế. Tham gia các cơ chế hợp tác chính trị, an ninh, kinh tế song phương và đa phương vì lợi ích quốc gia trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc. Củng cố, phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị truyền thống với các nước láng giềng. Chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước xây dựng cộng đồng ASEAN vững mạnh; tăng cường quan hệ với các đối tác trong khuôn khổ hợp tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Phát triển quan hệ với các đảng cộng sản, công nhân, đảng cánh tả và các chính đảng khác trên cơ sở bảo đảm lợi ích, độc lập, tự chủ của đất nước. Phối hợp chặt chẽ hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao của Nhà nước, đối ngoại nhân dân; đối ngoại quốc phòng và an ninh; chính trị đối ngoại, kinh tế và văn hóa đối ngoại”(15).
Cho đến nay, sau gần 30 năm đổi mới, “chúng ta đã giành được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Đất nước thực hiện thành công bước đầu công cuộc đổi mới, ra khỏi tình trạng kém phát triển; đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tăng cường. Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của đất nước đã được tăng lên rất nhiều, tạo tiền đề để nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn theo con đường xã hội chủ nghĩa”(16).
“Quan hệ đối ngoại được mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần tạo ra thế và lực mới của đất nước. Phát triển quan hệ với các nước láng giềng; thiết lập và nâng cấp quan hệ với nhiều đối tác quan trọng. Hoàn thành phân giới cắm mốc trên đất liền với Trung Quốc; tăng dày hệ thống mốc biên giới với Lào; hoàn thành một bước phân giới cắm mốc trên đất liền với Cam-pu-chia; bước đầu đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc và thúc đẩy phân định biển phía Tây Nam với các nước liên quan. Tham gia tích cực và có trách nhiệm tại các diễn đàn khu vực và quốc tế; đảm nhiệm tốt vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; đóng góp quan trọng vào việc xây dựng cộng đồng Hiệp hội các các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Hiến chương ASEAN, đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch Hội đồng liên nghị viện các nước Đông Nam Á (AIPA). Quan hệ với các đảng cộng sản và công nhân, đảng cánh tả, đảng cầm quyền và một số đảng khác; hoạt động đối ngoại nhân dân tiếp tục được mở rộng. Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài đạt kết quả tích cực. Thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế; đối thoại cởi mở, thẳng thắn về tự do, dân chủ, nhân quyền.
Nước ta đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ký kết hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với một số đối tác quan trọng; mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác với các đối tác; góp phần quan trọng vào việc tạo dựng và mở rộng thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư của Việt Nam, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, tranh thủ vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và các nguồn tài trợ quốc tế khác”(17).
Triển khai thực hiện đường lối đối ngoại đổi mới sáng tạo và đúng đắn, đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 174 nước, trong đó bao gồm tất cả các nước lớn, có quan hệ thương mại với hơn 220 nước và vùng lãnh thổ, là thành viên chính thức của tất cả các tổ chức quốc tế lớn, các tổ chức và định chế thương mại, tài chính chủ chốt ở khu vực cũng như trên thế giới. Hoạt động đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế được đặc biệt quan tâm. Đến nay, nước ta đã thu hút được gần 9 nghìn dự án FDI với tổng số vốn đăng ký vượt trên 100 tỷ USD. Bên cạnh các thị trường chủ lực là Nhật Bản, ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, EU, Hoa Kỳ, Ô-xtrây-li-a, hiện nay, hàng hóa Việt Nam đã vươn ra củng cố vị trí trên nhiều thị trường khác như Nga, Trung Đông, Mỹ La-tinh và châu Phi…
Thực tiễn gần 30 năm đổi mới đã kiểm chứng tính đúng đắn và sáng tạo trong các quan điểm, chủ trương của Đảng về các vấn đề liên quan tới độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế. Quan điểm và chính sách kiên trì độc lập tự chủ của Đảng ta luôn luôn được cụ thể hóa, bổ sung và phát triển theo sự chuyển biến của tình hình trong nước và quốc tế. Điều đó đã mở đường cho quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng, phục vụ thiết thực và hiệu quả cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, trước những biến động khó lường của tình hình thế giới, Đảng ta cũng nhấn mạnh trong hội nhập quốc tế, phải luôn chủ động thích ứng với những thay đổi của tình hình, giữ vững hòa bình, và lợi ích dân tộc.
Trước một thế giới đang biến đổi nhanh chóng, ngày nay, chúng ta cần học tập tư tưởng của cha ông “hòa nhi bất đồng”. Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế học hỏi tất cả những gì cần thiết cho phát triển, nhằm hiện diện trước nhân loại, nhưng với bản sắc của chính mình. Điều này cũng đã được thể hiện trong tư tưởng Hồ Chí Minh, khi Người nhận rõ, phải giương cao ngọn cờ dân tộc để cố kết mọi người Việt Nam, phải học tập tất cả những tinh hoa văn hóa nhân loại cần thiết cho mỗi người, cho dân tộc. Đó chính là điều Người mong muốn trong Di chúc: “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”(18)./.
-----------------------------------
1. Những tư liệu dẫn trên đều được ghi chép trong các sử sách của Trung Quốc thời trước như Sử ký Tư Mã Thiên, Hậu Hán thư, Việt kiện thư... Dựa theo sử sách của trung Quốc, các sử gia Việt Nam cũng đã ghi lại những sự kiện trên trong: Lĩnh Nam trích quái, Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mục.
2. Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, t. 1 tr. 134
3, 4. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb. Sử học, Hà Nội, 1961, tập III, tr. 135
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 4, tr. 74
6. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký với Pháp Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946, rồi Tạm ước 14-9-1946 (chấp nhận tạm hòa hoãn với Pháp gạt Tưởng, diệt bọn tay sai, chuẩn bị lực lượng cho kháng chiến).
7. Xem: Văn kiện Đảng 1945-1954, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương xuất bản, Hà Nội, 1978, t. 1, tr. 179
8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 4, tr. 56
9, 10. Xem: Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị khóa VI, ngày 20-5-1988
11. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991, tr. 147
12. Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991, tr. 18
13. Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Trung ương 3 khóa VII, Hà Nội, 1992, tr. 5
14. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 43
15, 16, 17. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 46-47, tr. 20-21, tr. 156-157
18. Hồ Chí Minh: Di chúc, Hà Nội, 1969
Đảng Cộng sản Việt Nam kế thừa, nâng lên tầm cao mới tư tưởng độc lập tự chủ, hòa bình và hội nhập thế giới - một truyền thống lâu đời của chính trị Việt Nam  (11/09/2013)
Nâng cao hiệu quả hoạt động của báo chí văn nghệ trong cả nước  (11/09/2013)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 21  (10/09/2013)
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh làm việc với UBND TP. Hà Nội  (10/09/2013)
Nghệ An tập trung điều tra vụ việc xảy ra ở Giáo họ Trại Gáo  (10/09/2013)
Tình hữu nghị đoàn kết Việt Nam - Cuba không thay đổi  (10/09/2013)
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chính sách đối ngoại đa phương của nước Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Nâng cao chất lượng quản lý đảng viên ở ngoài nước trong giai đoạn mới: Thực trạng và giải pháp
- Xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế - xã hội trên biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo: Thực tiễn và vấn đề đặt ra hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên