Thành phố Hà Nội tiên phong trong thực hiện phân cấp, ủy quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả nền hành chính
TCCS - Thành phố Hà Nội là một trong những địa phương tiện phong thực hiện phân cấp, ủy quyền trong quá trình đẩy mạnh cải cách hành chính. Việc thực hiện phân cấp, ủy quyền trên nhiều lĩnh vực đã góp phần thúc đẩy tích chủ động, sáng tạo của các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả nền hành chính và chất lượng phục vụ nhân dân.
Tiên phong trong thực hiện phân cấp, ủy quyền
Ở nước ta những năm qua, việc đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền được thực hiện trên hầu hết các lĩnh vực đã tác động tích cực tới hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Căn cứ quy định của Trung ương, các địa phương đã rà soát và ban hành các văn bản quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, ủy ban nhân dân cấp huyện, bước đầu có sự phân biệt phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị và hải đảo trong khuôn khổ pháp luật cho phép.
Thành phố Hà Nội đã ban hành hệ thống văn bản quy phạm về thực hiện phân cấp tương đối toàn diện ở các ngành, lĩnh vực. Thời gian qua, việc thực hiện phân cấp, ủy quyền được thành phố thực hiện dựa trên nguyên tắc những gì cấp dưới có thể thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn thì sẽ phân cấp cho cấp dưới thực hiện, tránh ôm đồm, hướng đến giải quyết công việc nhanh chóng, hiệu quả; đồng thời, bảo đảm đúng pháp luật, khoa học, phù hợp với đặc thù của Thủ đô văn hiến và đô thị đặc biệt.
Từ năm 2006 đến nay, Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành 2 nghị quyết, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành 8 quyết định về phân cấp, đồng thời thường xuyên thực hiện rà soát, điều chỉnh phân cấp để phù hợp với các quy định của Trung ương và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Hiện nay, thành phố đang thực hiện phân cấp đối với 15 ngành, lĩnh vực theo Nghị quyết số 08/2016/NQ-HĐND, ngày 3-8-2016, của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, “Về phân cấp quản lý nhà nước lĩnh vực hạ tầng, kinh tế xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Bên cạnh đó, thành phố còn thực hiện phân cấp theo các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành do thành phố ban hành trong 31 lĩnh vực.
Công tác quản lý hành chính nhằm tăng cường chất lượng, hiệu lực và hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước là vấn đề cốt lõi, bao trùm để thực hiện có hiệu quả công tác phân cấp, phân quyền, ủy quyền. Việc thực hiện phân cấp, ủy quyền quản lý hành chính giữa các cấp sẽ góp phần hạn chế tình trạng nhiều tầng nấc, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền các cấp, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tiết kiệm công sức và nâng cao mức độ hài lòng của người dân…
Từ năm 2021, thành phố triển khai thí điểm chủ tịch ủy ban nhân dân phường ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch ký chứng thực và đóng dấu của ủy ban nhân dân phường. Qua đó, giúp giảm đầu mối, lược bỏ các bước xử lý nội bộ, tạo điều kiện cho công chức tư pháp - hộ tịch chủ động hơn trong việc bố trí thời gian giải quyết công việc. Đến nay, toàn thành phố có 156/175 phường (đạt tỷ lệ 89,4%) thực hiện ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Việc ủy quyền giúp giảm đầu mối, lược bỏ các bước xử lý nội bộ, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, được người dân đánh giá cao.
Thành phố ủy quyền cho một số cơ quan, đơn vị thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với tổ chức, cá nhân; ủy quyền cho Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội thực hiện một số thủ tục hành chính trong lĩnh vực môi trường và cho phép Sở này ủy quyền cho Văn phòng Đăng ký đất đai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bám sát chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, 15 sở, ngành của thành phố đang thực hiện 1.154 nhiệm vụ, tính trung bình mỗi sở, ngành đảm nhiệm 76 nhiệm vụ. Trong năm 2022, thành phố phấn đấu phân cấp, ủy quyền ít nhất 20% số thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân thành phố, các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân cấp huyện. Cùng với đó, các đơn vị cũng đề xuất bổ sung phân cấp thủ tục hành chính về cho cấp sở 48 nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố. Thành phố cũng tiếp tục rà soát các thủ tục còn lại để đề xuất phương án phân cấp, ủy quyền tổng thể về thủ tục hành chính, ưu tiên bảo đảm các nguồn lực đẩy nhanh việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, phấn đấu năm 2022 đạt tỷ lệ 100% số thủ tục đủ điều kiện đạt mức độ 4. Đẩy mạnh cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ và trách nhiệm của người đứng đầu.
Hiện nay, số lượng thủ tục hành chính của thành phố đã được phân cấp, ủy quyền là 95 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 5,04% trên tổng số thủ tục hành chính cấp thành phố và cấp huyện; số thủ tục hành chính dự kiến xem xét thực hiện phân cấp, ủy quyền trong thời gian tới là 634 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 35,51% số thủ tục hành chính cấp thành phố và cấp huyện, 41,65% số thủ tục hành chính cấp thành phố. Thành phố cũng từng bước sửa đổi một số quy định để bảo đảm nguyên tắc từng bước phân cấp đồng bộ giữa đầu tư và quản lý sau đầu tư đối với các lĩnh vực hoặc nhiệm vụ đang tập trung quản lý sau đầu tư ở cấp thành phố theo hướng tăng cường phân cấp cho cấp huyện.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện phân cấp, ủy quyền ở thành phố Hà Nội thời gian qua vẫn có những khó khăn, vướng mắc cần được tập trung xử lý có hiệu quả. Một số lĩnh vực việc phân cấp, ủy quyền chưa triệt để, dẫn đến chồng chéo, ách tắc. Sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành đôi khi chưa hiệu quả dẫn đến ách tắc công việc. Nhiều quận, huyện mặc dù có nguồn lực nhưng không thể đầu tư cho một số lĩnh vực bởi không được phân cấp quản lý, như đối với các di tích, trường trung học phổ thông, hệ thống chiếu sáng, cây xanh…
Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian tới
Ngày 12-9-2022, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết số 23/NQ-HĐND, “Thông qua Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Đề án thể hiện cách tiếp cận vấn đề với tư duy đổi mới, đột phá, xác định phân cấp, ủy quyền là nội dung quan trọng gắn với cải cách hành chính, nhằm giải quyết nhanh gọn các vấn đề, phục vụ tốt hơn yêu cầu của tổ chức, người dân trên địa bàn thành phố. Việc phân cấp, ủy quyền sẽ gắn chặt với cải cách thủ tục hành chính, giảm đầu mối, tầng nấc xử lý các nhiệm vụ, rút ngắn thời gian thực hiện các quy trình thủ tục. Qua đó, giải quyết kịp thời và đáp ứng tốt hơn các yêu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp.
Đề án xác định rõ, nguyên tắc phân cấp, ủy quyền là phải làm từng bước, có thể thí điểm đối với một số lĩnh vực, địa bàn phù hợp, vừa bảo đảm tính ổn định vừa tính đến yếu tố đổi mới, rõ trách nhiệm gắn với công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực thi nhiệm vụ. Việc xây dựng quy định theo tinh thần phân cấp, ủy quyền triệt để cần phải được thực hiện quyết liệt theo phương châm “từ trên xuống” trên cơ sở đề xuất “từ dưới lên”. Đặc biệt là cần tính toán kỹ các tác động đến người dân, những việc gì có lợi cho người dân thì cần ưu tiên làm trước, đặc biệt là những vấn đề dân sinh thiết thực. Thành phố cũng chủ trương đẩy mạnh việc phân cấp đối với các cơ quan, đơn vị đủ điều kiện để thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương ở một số nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đất đai, xây dựng, công trình thủy lợi… Qua đó, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi để thành phố thực hiện mô hình chính quyền đô thị.
Trên cơ sở đó, các nội dung trọng tâm về phân cấp, ủy quyền và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới được thành phố xác định cụ thể dựa trên nhiều yếu tố, như tăng tính chủ động cho các quận, huyện, thị xã có nguồn lực tốt, có năng lực tổ chức triển khai; tăng cường ủy quyền triệt để cho cấp huyện để phát huy tính tự chủ trong triển khai nhiệm vụ. Đồng thời, thực hiện rà soát, bóc tách các nhiệm vụ quản lý nhà nước, thủ tục hành chính để đề xuất phân cấp, ủy quyền một cách triệt để. Trong thời gian tới, dự kiến thành phố sẽ thực hiện phân cấp, ủy quyền đối với 634 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 35,5% số thủ tục hành chính cấp thành phố và cấp huyện, 41,65% số thủ tục hành chính cấp thành phố.
Ủy ban nhân dân thành phố cũng trình Hội đồng nhân dân thành phố ban hành nghị quyết bổ sung phân cấp đối với 9 nhiệm vụ so với quy định phân cấp hiện hành. Tiếp tục xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, quy trình tổ chức triển khai thực hiện. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với việc thực hiện phân cấp theo ngành, lĩnh vực tại các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, kịp thời nắm bắt các vướng mắc, khó khăn và xử lý các vi phạm trong quá trình tổ chức thực hiện...
Công tác ủy quyền được xác định là nội dung quan trọng cần tập trung triển khai trong thời gian tới trên địa bàn thành phố, nhất là đối với những nhiệm vụ, thủ tục hành chính do các sở, ngành đang thực hiện trên tinh thần phân cấp, ủy quyền triệt để, phù hợp với việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi của thành phố. Cùng với đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả Quyết định số 06/QĐ-TTg, ngày 6-1-2022, của Thủ tướng Chính phủ, về “Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” gắn với số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan thuộc thành phố. Thực hiện rà soát, bóc tách từng nhiệm vụ để tiếp tục phân cấp, ủy quyền cho cấp huyện, cấp xã theo tinh thần giảm đầu mối. Cấp nào sát thực tế và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của người dân thì giao cho cấp đó thực hiện.
Có thể thấy rằng, việc đẩy mạnh thực hiện phân cấp, ủy quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua đã góp phần thiết thực nâng cao tính chủ động của các địa phương, đơn vị, tháo gỡ được các điểm nghẽn trong triển khai công việc, thúc đẩy quản lý nhà nước, điều chỉnh và giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Trong thời gian tới, việc triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ giúp các địa phương, đơn vị chủ động hơn trong quản lý nhà nước, kịp thời điều chỉnh và giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, có tác động trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị nói chung và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói riêng tại các cấp chính quyền của thành phố, đặc biệt là tại cấp sở, ngành và quận, huyện, thị xã. Để triển khai thực hiện có hiệu quả đề án, thành phố cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tính đồng bộ. Đặc biệt, cần bảo đảm điều kiện về ngân sách và nguồn nhân lực của các địa phương, cơ quan, đơn vị khi phân cấp, phân quyền, tránh sự chồng chéo về nhiệm vụ, thẩm quyền giữa các cơ quan, đơn vị. Trong quá trình thực hiện việc phân cấp, ủy quyền, phải gắn chặt và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai./.
Đẩy mạnh hoạt động du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19  (06/10/2022)
Hà Nội: Tập trung phát triển công nghiệp văn hóa, hướng tới mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn  (05/10/2022)
Tiếp tục phát huy sức trẻ của thanh niên Thủ đô  (05/10/2022)
Xây dựng và định vị thương hiệu “Thành phố sáng tạo” - một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô  (04/10/2022)
Thanh niên Việt Nam: Nguồn nhân lực thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp  (04/10/2022)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam