TCCS - Hằng năm, Ngày tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tại nạn giao thông được tổ chức ở nhiều nước trên thế giới với những chương trình, hình ảnh, thông điệp đầy cảm xúc, ý nghĩa. Hưởng ứng kêu gọi của Liên hợp quốc, ngày 19-11-2012, Việt Nam lần đầu tiên phát động kế hoạch tưởng niệm nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông và từ năm 2013 được tổ chức thường niên trong phạm vi cả nước. Năm 2019, thông điệp được đưa ra là: “Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do  tai nạn giao thông năm 2019_Nguồn: baogiaothong.vn

“Tưởng nhớ người đi – Vì người ở lại”

Tai nạn giao thông (TNGT) là vấn nạn bức xúc, có tính thách thức đối với nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng. Nó gây tổn hại mọi mặt cho đời sống con người, từ sức khỏe, sinh mạng, đến kinh tế - xã hội; gây ra những di chứng, hậu quả, nỗi đau cho nhiều thế hệ. Theo thống kê, hiện nay mỗi năm trên thế giới có đến 1,2 triệu người chết, 50 triệu người bị thương, thiệt hại lên tới 1.500 tỷ USD (chiếm 2% GDP toàn cầu). Đó là một con số khủng khiếp dù đem so sánh với bất cứ cuộc chiến tranh hay nguyên nhân chết chóc nào của nhân loại. Nghiêm trọng hơn, TNGT là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra “cái chết trẻ” cho nhóm đối tượng từ 15 - 27 tuổi.

Do đó, từ năm 2005, Liên hợp quốc đã chọn ngày Chủ nhật tuần thứ ba của tháng 11 hằng năm là Ngày Thế giới tưởng niệm nạn nhân giao thông đường bộ (hay còn gọi là Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT). Đây được coi là một hành động tập trung trong chuỗi những nỗ lực chung toàn cầu để cải thiện an toàn giao thông (ATGT); tưởng nhớ các nạn nhân bị TNGT và vinh danh các dịch vụ cứu hộ và hỗ trợ ATGT.

Thử hình dung, mỗi ngày trong số những người ra khỏi nhà, có hơn 20 người vĩnh viễn không quay về, bỏ lại gia đình, người thân; con cái mồ côi cha mẹ, người già thành neo đơn không ai chăm sóc,.... Theo thống kê, mỗi năm ở Việt Nam có tới 8.000 người chết, 15.000 người bị thương khi tham gia giao thông, gây thiệt hại kinh tế ước tính 5 - 12 tỷ USD. Năm 2019, đến tháng 10, cả nước đã xảy ra 14.251 vụ TNGT, làm chết 6.318 người, bị thương 10.873 người. Nước mắt và nỗi đau của người ở lại là không thể đong đếm, làm bức xúc toàn xã hội. Trong số đó, có đến hơn 75% là những người trẻ tuổi - học sinh, sinh viên, lao động chính của gia đình; họ là những người mới bắt đầu thực sự bước chân vào cuộc sống.

Ngày 17-11-2019, trên phạm vi cả nước đã tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT. Lễ tưởng niệm cấp quốc gia được Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp cùng Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tại đường Lê Duẩn, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Tham dự Lễ tưởng niệm có đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; đồng chí Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; đại diện lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, các cơ quan thành viên của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các cơ quan hữu quan, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và hơn 1.200 người đại diện cho các lực lượng, các tổ chức đoàn thể, nhân dân cùng 10 gia đình có nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông.

Trong Lễ tưởng niệm ở Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác, rất nhiều nước mắt đã rơi. Đó là nước mắt của trẻ em bỗng chốc mồ côi cha mẹ, nước mắt của cha mẹ già trong cảnh “lá vàng còn ở trên cây, lá xanh đã rụng…”, nước mắt của những lứa đôi đã không thể bên nhau đến đầu bạc răng long như lời hẹn ước, nước mắt mất mát người thân trong gia đình, dòng họ, nước mắt của cộng đồng giàu lòng trắc ẩn,…

Tại Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong vì TNGT năm 2019, đồng chí Trương Hòa Bình xúc động phát biểu: “Ai trong chúng ta không đau xót khi hình dung ra cảnh con trẻ đơn côi, giật mình giữa đêm gọi tìm mẹ cha mà không thấy. Nỗi đau này là không thể chấp nhận được với một dân tộc đang sống trong hòa bình. Nỗi đau cũng là lời nhắc nhở mỗi chúng ta nhắc nhở về sự trân quý không gì so sánh được của cuộc sống”. Đằng sau những cái chết do TNGT là hàng ngàn tổ ấm gia đình bị tổn thương với hàng chục ngàn em nhỏ mất đi cha, mẹ, các bậc phụ lão mất đi nơi nương tựa. Thiệt hại do TNGT đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến những thành quả tăng trưởng kinh tế và gây tổn thương cho hình ảnh đất nước. 

Thông điệp “Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại” có ý nghĩa một mặt, tưởng nhớ những đồng bào không may qua đời vì TNGT, đồng thời, gửi đến toàn xã hội - những người còn sống - lời cảnh báo về những mất mát, thiệt hại to lớn mà từng gia đình, cộng đồng và xã hội phải gánh chịu do TNGT; từ đó kêu gọi việc biến những cảm xúc, ý thức, nhận thức thành hành động đối với mỗi cá nhân, tổ chức, cộng đồng để sẻ chia, xoa dịu những nỗi đau và ngăn chặn, kéo giảm thương vong do TNGT gây nên.

Đã đến lúc mỗi người chúng ta cần phải nhận thức sâu sắc về hậu quả nặng nề của tai nạn giao thông _Nguồn:  vovgiaothong.vn

Cần những hành động thiết thực, mạnh mẽ hơn

Hiện nay, Đảng, Nhà nước đã có những chủ trương, đường lối, chính sách, hành động quyết liệt cùng với sự hưởng ứng, đồng thuận của nhân dân để cải thiện tình hình ATGT, kéo giảm số vụ TNGT. Kết quả những năm gần đây đã có những biến chuyển tương đối tích cực, số người bị thương vong do TNGT hằng năm đã giảm dần. Tuy nhiên, nỗi đau về TNGT vẫn ám ảnh thường trực trong đời sống hằng ngày của người dân Việt Nam.

Trong phát biểu tại Lễ tưởng niệm, đồng chí Trương Hòa Bình nhận định: cần thẳng thắn nhìn nhận trong mỗi TNGT có phần lỗi và trách nhiệm của từng cá nhân, của cả cộng đồng và Nhà nước. Phó Thủ tướng kêu gọi: "Tôi kêu gọi các cơ quan hữu quan của nhà nước ở trung ương và địa phương, các đơn vị tổ chức và toàn thế nhân dân hãy nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luât về an toàn giao thông. Cùng tự giác thực hiện: đã uống rượu bia không lái xe, phải đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô xe máy, thắt dây an toàn khi ngồi ô tô. Cùng nhau xây dựng ý thức và thực hành văn hóa giao thông, nhường nhịn giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông để cùng chung tay xây dựng một môi trường giao thông an toàn, thân thiện".

Cần khẳng định, chỉ có thể đạt được những kết quả khả quan hơn trong phòng, tránh TNGT với sự vào cuộc thiết thực, mạnh mẽ hơn của toàn hệ thống chính trị và nhân dân.

Đối với Nhà nước, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và quyết liệt thực thi các chính sách, pháp luật về ATGT. Bên cạnh việc đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông ngày càng hiện đại, thuận tiện, giúp nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát ATGT cần quyết liệt thực thi các chế tài kiểm soát ATGT, phòng, chống TNGT. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đồng nghĩa với xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật trong mọi mặt của đời sống, nhất là trong những lĩnh vực đã được xác định là vấn nạn nghiêm trọng như TNGT, vấn đề quan trọng ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội như ATGT. Cần xử nặng, xử nghiêm các vụ, việc nghiêm trọng điển hình trong ATGT. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần tiếp tục có những chương trình, kế hoạch bảo đảm an sinh xã hội cho nạn nhân TNGT và người thân của họ. Nhà nước cùng toàn hệ thống chính trị cần đặt tuyên truyền, giáo dục, tham gia phòng, chống TNGT, xây dựng ATGT là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài.

Đối với cộng đồng, cần đồng sức, đồng lòng, chung tay hướng tới xây dựng một xã hội văn minh, ATGT; cổ vũ các hành động tham gia giao thông an toàn; cổ vũ, động viên, hợp tác với những hành động của các lực lượng chức năng trong phòng, tránh TNGT, xây dựng ATGT; đồng thời, không được cổ xúy, thờ ơ mà phải quyết liệt lên án, phê phán, trấn áp các hành vi gây rối ATGT, có nguy cơ làm xảy ra TNGT, chống đối người thi hành công vụ trong giao thông. Cần lưu ý rằng, ở một xã hội đặc thù như Việt Nam, cộng đồng, dư luận xã hội có vai trò rất lớn trong điều tiết mọi nhận thức, hành vi của mỗi cá nhân nên trong phòng, tránh TNGT ở nước ta rất cần sự vào cuộc của cả cộng đồng.

Đối với mỗi cá nhân, việc tham gia ATGT và tránh TNGT trước hết là vì bản thân mỗi con người. Đó là vấn đề những vấn đề toàn cầu, toàn xã hội, của cả quốc gia nhưng liên quan trực tiếp và mật thiết tới sinh mạng, sức khỏe, quan hệ xã hội của từng cá nhân. Do đó từng người cần nhận thức rõ về ATGT trước hết là cho chính mình và những người thân yêu. Bên cạnh và phía sau mình là rất nhiều người đang thân nhưng trước hết là vì tính mạng và sức khỏe của chính mình. Đồng thời, với mỗi người tham gia giao thông khác họ cũng đều có những mối quan hệ như vậy nên không được phép gây nguy hiểm cho họ. Và quan trọng là, chỉ khi nào nhận thức đó biến thành các hành động cụ thể thì nó mới thực sự có ý nghĩa và góp phần đem lại niềm vui, hạnh phúc cho mình, cho cộng đồng, cho quốc gia - dân tộc./.